A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng để phôi phai văn hóa Việt nơi xứ người

Việc hướng trẻ em Việt gần gũi với văn hóa Việt là điều cần thiết phải quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Gây dựng một thế hệ trẻ yêu quê hương, biết ngôn ngữ, hiểu văn hóa dân tộc không hề dễ dàng, nhưng cũng không quá khó...

Tôi cứ ấn tượng mãi hình ảnh người thanh niên với cây đàn bầu trên vai tại sân bay Matxcova mùa Xuân năm ngoái - một chàng trai người Bắc Giang có đôi mắt rất tình cảm. Anh tâm sự  thích chơi đàn bầu, bởi sự huyền bí, cũng như âm thanh da diết của nó. Nhưng một lý do giản dị hơn thế rất nhiều, anh muốn chơi để cho vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương Việt Nam mình. Chúng tôi nói với nhau, chia sẻ với nhau rất nhiều về quê hương mình, về những bài hát tình cảm, mượt mà trữ tình như Ru con, Bèo dạt mây trôi. “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào… tiếng ru êm đềm trăng tàn soi bóng…”… Mỗi khi tiếng đàn của anh ngân lên, những người Việt xa xứ đều thấy thân thương, gần gũi với nhau hơn, thấy tình yêu với dân ca Việt Nam, với âm thanh của cây đàn bầu Việt, tình yêu quê hương, đất nước càng nhiều hơn.

“Bản sắc văn hóa Việt” với người Việt ở Nga

Tôi không phải người quá đa cảm, nhưng những câu chuyện như vậy với một người con xa quê nhiều năm, thuộc thế hệ chúng tôi, vẫn luôn mang trong tâm hồn cảm xúc rất đặc biệt - những làn điệu dân ca, hình ảnh cây đa, bến nước, con đò khiến tôi thấu hiểu được giá trị của văn hóa Việt mang lại giá trị tinh thần lớn lao như thế nào cho những người xa quê. Và tôi thực sự lo lắng, trăn trở cho thế hệ trẻ người Việt ở Nga bây giờ. Chúng thực sự thiệt thòi khi không được sống trong cái nôi văn hóa Việt giàu bản sắc ấy. Thật buồn khi phải chứng kiến hình ảnh những đứa trẻ phải khó khăn, sượng sạo như thế nào khi dạ, thưa, vâng, chào bằng tiếng Việt đối với ba mẹ và ông bà của chúng. Lại buồn hơn nữa, khi có nhiều cháu nói được nhưng lại là những câu nói cộc cằn không có đầu, có đuôi. Khi dạ, thưa thì tìm mãi đâu không thấy chữ “ạ”.

Nguyên nhân cũng bởi trong cộng đồng người Việt ở Nga hiện nay, nhiều bậc phụ huynh không đánh giá cao tầm quan trọng của việc giáo dục ngôn ngữ, về nết ăn, nết ở theo phong tục Việt cho trẻ em, cứ phó mặc các cháu cho nhà trường, xã hội. Sự nhận thức hời hợt đó đã dẫn đến việc nhiều thanh, thiếu niên ở Nga hiện nay không hiểu về lối sống, văn hóa Việt Nam. Đơn giản nhất là mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, ông bà - cháu chắt trong gia đình ngày càng trở nên xa lạ. Chúng cũng lạ lẫm trong ẩm thực, những món ăn dân dã của người Việt hoặc những giai điệu mang nặng âm hưởng dân gian xưa như tuồng, chèo, cải lương. Những điều nhỏ bé ấy vô tình lấy đi của chúng chỗ dựa tinh thần vững chắc, sẽ không được như thế hệ cha anh; chúng cũng không có cảm giác thân thương, gắn bó với chính quê hương mình. Để một ngày nào đó, khi đã trưởng thành, chúng sẽ thấy cô đơn, trống rỗng và chênh vênh giữa nơi đất khách quê người.

Có lẽ không chỉ ở Nga, giữ gìn văn hóa dân tộc và tiếng Việt đã trở thành vấn đề khó khăn, cấp bách của 4,5 triệu kiều bào đang sống tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trở lại Việt Nam tham dự Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt” do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức mới đây tôi đã thấy sự góp mặt của lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành cùng rất nhiều các giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá và ngôn ngữ. Các bài tham luận, phân tích đã cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo các ban, ngành và tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng­ Việt và bản sắc văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Và đặc biệt, Hội thảo đã đánh giá cao vai trò của những người làm báo ở nước ngoài trong việc truyền bá văn hóa, bản sắc Việt ở các quốc gia mình đang sống.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn nói rất ngắn gọn, xúc tích trong buổi gặp gỡ: “Nhà nước có thể gửi hàng tấn sách báo, hàng nghìn cuốn phim ra nước ngoài, nhưng cũng không nhanh bằng, không hiệu quả bằng chính những người Việt Nam hải ngoại truyền bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế”. Ông muốn gửi gắm tới đại diện  người Việt làm truyền thông ở ngoài nước tham dự Hội thảo thông điệp: Hãy xây dựng những bài báo về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, hãy giữ gìn văn hóa dân tộc mình. Nhưng, tôi hiểu rằng mong muốn đó không phải là dễ thành hiện thực. Tại nước Nga giờ đây, báo Việt không thiếu, nhưng những bài phân tích hay, sâu sắc, mang tính giáo dục cao về con người, văn hóa Việt không nhiều. Người Việt ở Nga tiếp cận thông tin như vậy rất ít. Rồi cuộc sống vất vả, mưu sinh cả ngày ngoài chợ cũng không còn thời gian để đọc báo, xem internet. Kênh truyền hình VTV4 là kênh chính thức “vớt vát” được những gì đang dần mai một trong cộng đồng người Việt ở Nga. Nhưng điều đáng quan ngại hơn, khi ngay tại chính cuộc sống của gia đình người Việt ở Nga, đã và đang khiến thế hệ trẻ xa dần ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Bố mẹ không có thời gian dạy con, nhà trường dạy tiếng Nga, ăn uống, sinh hoạt, nét ăn ở đều theo phong cách của phương Tây. Trẻ em giờ không còn biết tới những thứ ông bà, ba mẹ chúng đã phải nếm trải qua gian khó, không hiểu được văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ngày rằm, mùng một, lễ tết. Điều đó thật đáng buồn.

Văn hóa Việt thật giản dị, đẹp và đặc sắc

Trong những ngày về dự Hội thảo, được tiếp xúc với các nhà báo Việt từ Mỹ, Đức, Ba Lan, Séc… tôi nhận ra nhiều tâm tư của những người đang suy nghĩ, trăn trở như mình. Tại nhà khách số 2 Lê Thạch - một con phố nhỏ nằm cạnh Hồ Gươm, chúng tôi đã sống những ngày đầy ý nghĩa, đã cảm được nét văn hóa Việt rất đỗi bình dị. Mỗi sáng sớm thức dậy, chúng tôi thực sự thấy lòng mình thanh thản, yên bình khi được hít thở không khí trong lành của bình minh mùa Thu Hà Nội, được ngắm nhìn các bà, các chị tập dưỡng sinh bên bờ Hồ Gươm. Anh Cảnh (đến từ Lào) có thú vui chạy bộ quanh bờ hồ, còn tôi và anh Dương Đình Tùy (CH Séc) thì rủ nhau đi tìm quán phở Thìn nổi tiếng để thưởng thức bát phở thơm lừng, nóng hổi và sau đó ngồi nhâm nhi ly cafe trên phố cổ. Anh Nguyễn Phương Hùng (nhà báo đến từ Mỹ), tâm sự với tôi, anh đã khóc ba lần trong những ngày qua, khóc vì xúc động  khi được đặt chân đến thủ đô sau 57 năm xa xứ. Anh thực sự thích thú khi đi xem lễ hội Rằm Trung thu, và thực sự ngạc nhiên khi thấy đường phố vô cùng náo nhiệt, người đông như mắc cửi mà tìm mãi không thấy bóng công an, khác hẳn với khung cảnh lễ hội tràn ngập bóng cảnh sát ở Mỹ nơi anh đang sống.



   Tác giả (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng những người làm báo cộng đồng tại Hoa kỳ tại Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt”


Văn hóa Việt đẹp, giản dị và đặc sắc biết bao! Một điều đáng mừng, tại Nga hiện nay, cộng đồng người Việt vẫn đã và đang duy trì, giữ gìn phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa Việt một cách bền bỉ. Bởi đây là một cộng đồng trẻ, mới xuất hiện và tồn tại ở Nga  khoảng 30 năm trở lại, do vậy, họ vẫn giữ thói quen, nếp sống hằng ngày với những món ăn đặc trưng thuần Việt, vẫn có những bữa cơm thân mật mừng thôi nôi, mừng đám cưới, đám hỏi… Mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên với thói quen thắp hương vào ngày rằm và mồng một hàng tháng. Ngày Tết cổ truyền luôn được tổ chức trang trọng với bánh trưng xanh, giò, chả, măng, miến… như ở quê nhà.

Dạy trẻ biết yêu quê hương, nguồn cội

Nhưng thế hệ trẻ thì khác, chúng bị thiệt thòi rất nhiều khi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, thời gian chính trong ngày dành cho việc học tập, sinh hoạt trong môi trường văn hóa bản địa nên việc cảm nhận để có thể hiểu được những nét đặc sắc trong văn hóa Việt hết sức khó khăn.

Vì vậy, việc hướng trẻ em Việt gần gũi với văn hóa Việt là điều cần thiết phải quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Và để làm được những việc đó, các bậc phụ huynh cần phải kiên trì và dành nhiều tâm huyết. Để các cháu có thể hiểu và cảm nhận rõ nét hơn về văn hóa Việt, thì ngay từ lúc lọt lòng, những câu ca dao, tục ngữ góp phần “gieo mầm” văn hóa Việt trong tâm hồn trẻ qua những lời hát ru mượt mà, đầm ấm của cha mẹ thật là bổ ích. Gây dựng một thế hệ yêu quê hương, biết ngôn ngữ, hiểu văn hóa dân tộc không hề dễ dàng, nhưng cũng không quá khó. Để trẻ có thể hiểu và cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc thì hãy tạo điều kiện cho trẻ sinh hoạt trong không gian văn hóa Việt nhiều hơn. Hãy sắp xếp thời gian để mỗi ngày trẻ có thể được ăn một bữa cơm cùng gia đình với những món ăn thuần Việt, tạo sự thích thú và thói quen của trẻ với ẩm thực Việt Nam. Việc dạy tiếng Việt cho trẻ trong bữa ăn, trong sinh hoạt là điều dễ dàng nhất, mỗi món ăn, mỗi thứ gia vị, mỗi dụng cụ sinh hoạt và mỗi câu chuyện thân mật của gia đình đều dễ dàng thẩm thấu vào tâm hồn trẻ hơn với việc dạy tiếng Việt theo những giáo trình khô khan. Đưa trẻ đi cùng trong những dịp đến chơi nhà bạn bè, thăm hỏi người ốm đau, bệnh tật, tiệc cưới, tiệc hỏi để trẻ cảm nhận được nét đẹp trong văn hóa thăm hỏi của người Việt Nam. Tạo điều kiện cho trẻ mua sắm hoa quả, dọn dẹp, trang trí ban thờ tổ tiên trong những dịp lễ tết sẽ giúp trẻ hiểu thêm về văn hóa tín ngưỡng, nghi lễ thờ cúng của người Việt.



 Tết Trung thu - được Đại sứ quán Việt Nam tổ chức hàng năm ở Matxcova


Với kinh nghiệm của bản thân mình, tôi thấy rằng việc kiên trì, bền bỉ đưa văn hóa Việt đến với tâm hồn trẻ là điều rất hữu ích. Tôi vẫn còn nhớ, năm ngoái, khi về quê cùng với các con. Để chuẩn bị cho món đặc sản gỏi cá hết sức công phu, tôi cùng với con trai đi hái lá. Nó thích thú nếm các loại lá khác nhau và thực sự thú vị với những phát hiện mới, lá sấu chua, lá sung chát, lá đinh lăng bùi… Ngoài ra, cháu rất vui khi được tận mắt nhìn thấy cây “xấu hổ” e thẹn khép cánh, cây xương rồng chảy nhựa trắng toát, với mùi hăng nồng khi bị ngắt cành. Tôi không quên kiếm cái que tre, bôi nhựa mít ở đầu, làm cho cháu cái cần câu. Cu cậu đã sung sướng reo hò như lập được chiến công nào đó vĩ đại khi tự tay mình câu được con chuồn chuồn. Rời quê hương sang Nga, các con tôi rất vui, và luôn muốn quay trở về chơi trò chơi dân gian, luôn hỏi thăm về những đứa trẻ nơi làng quê mà nó đã chơi cùng.

Tuy nhiên, để vun đắp và gìn giữ bản sắc cho thế hệ trẻ người Việt ở Nga, ngoài gia đình thì nhà trường, xã hội, các tổ chức đoàn thể hết sức quan trọng. Đại sứ quán thường xuyên tổ chức các chương trình kỉ niệm như Ngày Quốc khánh, Ngày nhà giáo Việt Nam, Ngày phụ nữ Việt Nam, đón xuân hàng năm, với mục đích nêu cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngoài ra, Hội người Việt ở thành phố Ekaterinburg, Krasnodar, Vongagrad… cũng thường xuyên tổ chức đón Tết Nguyên đán, đón Tết Trung thu, mừng Quốc khánh - những việc làm ấy vô cùng cần thiết với người Việt ở Nga, giúp cho người Việt luôn hiểu và yêu Tổ quốc mình hơn. Thế nhưng, xét thấy việc làm cần thiết nhất của các hội, đoàn hiện nay là cần phải gần gũi, sát sao hơn để hiểu sâu hơn cuộc sống của bà con, phát hiện và biểu dương những gia đình biết giáo dục con cái theo truyền thống Việt Nam. Động viên, phân tích phải - trái với những gia đình vì ham làm kinh tế, chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục con cái.

Trẻ em Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, được lĩnh hội thêm một nền văn hóa của nước bản địa, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn của trẻ là một điều may mắn cho chúng. Thế nhưng việc giúp trẻ hiểu và yêu quý văn hóa của dân tộc mình, góp phần cho trẻ cảm nhận được chỗ dựa tinh thần vững chắc - đó là tổ tiên, đất nước, quê hương - thiết nghĩ là điều cần thiết và đáng lưu tâm của mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một thế hệ trẻ Việt ở hải ngoại tài năng, hòa nhập với xã hội bản địa nhưng vẫn mang trong mình một dòng chảy văn hóa Việt đậm đà bản sắc. 

Ngô Tiến Điệp (LB Nga)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu