Độc đáo Ẩm thực Tết quê nhà
Ảnh minh họa
Những ngày Tết của tuổi thơ tôi với áo quần mới, được vui chơi cả ngày, chẳng ai la mắng và được ăn uống thoải mái với những món ăn ít thấy trong năm. Ngày Tết tuổi thơ tôi là một hành trình thưởng thức những món ăn tuyệt vời bên ngoại. Người ta có thể nghỉ Tết, vui Tết, chơi Tết, thưởng thức Tết… nhưng riêng tôi thì tôi giữ đúng truyền thống “ăn Tết”.
Kể từ năm tôi 8 tuổi cho đến năm 18 tuổi, năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng 11 Âm lịch là tôi và Lan (em gái tôi), được mẹ dẫn đi may cho mỗi đứa hai bộ bà ba mới, thường là vải tơ trắng có điểm bông. Mẹ tôi thích màu trắng. Có quần áo mới, chị em tôi háo hức chờ đến ngày 30 tháng Chạp được về nhà ngoại ăn Tết. Mẹ và hai chị em tôi ở Xóm Đạo, Chợ Gò Công, từ đó về nhà ngoại ở Bình Luông Đông khoảng 6 km, đi bằng xe kéo, tức là xe ngựa không mui.
Ngày 30 tháng Chạp là ngày ngoại và mẹ tôi cúng rước ông bà tổ tiên và chờ đón Giao Thừa. Ngay sau Giao Thừa, ngoại và mẹ tự xông đất nhà mình để khỏi lo người vận đen xông đất, làm mình dông cả năm. Cả một năm chỉ có đêm Giao Thừa là chị em tôi được phép thức khuya, được ăn đêm cùng mẹ và ngoại, nên hí ha hí hửng vui mừng, không biết mệt.
Nhưng vui nhất phải nói đến ngày Mùng Một Tết, hai chị em tôi được theo ngoại và mẹ đi mừng tuổi mọi người trong gia tộc, theo thứ tự lớn trước nhỏ sau, bắt đầu từ bà Năm, chị của ông ngoại. Dù đã thức khuya đón Giao Thừa, có khi gần 2 giờ sáng mới đi ngủ, nhưng hừng đông ngày hôm sau là tôi thức dậy ngay, rửa mặt, thay quần áo mới, mái tóc thắt bím, không mỏi mệt chút nào.
Khi đến nhà bà Năm, chúng tôi thấy Tết nào cũng đầy đủ các món ăn. Nhưng đặc biệt nhất là món xôi vò cơm rượu của bà. Ngày đó, tôi không có một khái niệm nào về cái ngon, cái dở của món ăn độc đáo này của bà Năm, mà tôi chỉ biết là ăn ngon lắm. Và tôi thường chờ đợi được thêm chén thứ hai. Mãi sau này lớn lên, có kinh nghiệm ăn món này tại nhiều nơi, tôi mới hiểu ra bà Năm của tôi khéo tay đến dường nào. Bà Năm hấp xôi vò bằng chõ, đan bằng tre, đặt khít trên một nồi đất nấu nước bên dưới. Xôi vò của bà Năm là từng hột xôi tách rời nằm trong chõ không bao giờ vón cục. Xôi phải được vò tròn từng viên đặt trên tàu lá chuối, mang ra đặt trên bộ ván ngựa giữa nhà cùng với thố cơm rượu, sau bữa ăn chính.
Xôi vò cơm rượu của bà Năm chỉ để dành ăn tráng miệng. Bốn viên cơm rượu được múc ra từng chén và bốn viên xôi được nhẹ nhàng thêm vào. Viên xôi vò xốp mềm hòa tan với viên cơm rượu dịu thơm trong miệng, cùng với chất béo của nước cốt dừa hòa lẫn chất béo của đậu xanh, cảm giác thơm ngon của món xôi vò cơm rượu của bà cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn chưa quên hương vị.
Nhưng trước món tráng miệng của bà Năm, món kiểm (một món ăn chay) của bà Chín cũng là một món độc đáo khác mà tôi chỉ được ăn vào dịp Tết. Món kiểm này phải chính tay bà Chín ra chợ lựa từng gia vị. Bí rợ phải chín vừa độ, chuối xiêm đen cũng phải chín vừa độ, dừa thì không được quá khô, bột khoai không được quá cũ, còn khoai lang thì phải là khoai lang màu vàng. Món kiểm của bà Chín bao giờ cũng được ngoại tôi dặn phải để dành thêm phần cho ông, không được thiếu.
Bà Năm và bà Chín biết tôi cũng thích ăn ngon và cũng thích nấu nướng, nên đã có lần nói: “Muốn hai bà truyền nghề thì mày phải về đây ở luôn với hai bà mới được”. Tôi dạ lên dạ xuống thích thú lắm. Nhưng bao năm phải theo mẹ lo chuyện học hành, rồi thời gian trôi qua với bao biến đổi vì thời cuộc, tôi lập gia đình và lưu lạc xứ người, còn hai bà thì qua đời sau đó, và tâm nguyện của tôi học các món ngon của hai bà không bao giờ thực hiện được.
Ảnh minh họa
Từ nhà bà Năm về lại nhà ngoại, mọi người sẽ được thưởng thức món cá bống kèo nướng lụi chấm nước mắm me nổi tiếng. Món này của ngoại tôi thật là tuyệt, do chính ông chế biến từ đầu đến cuối. Trước hết, cá bống kèo phải được ngoại tôi bắt từ cái đó đặt bên sông sau nhà, sau đó đem chà cá với tro trong bếp cho sạch nhớt, rồi mới cắt miệng (chứ không cắt đầu), cắt đuôi, không được mổ bụng, rồi đem rửa cho sạch. Xong xuôi, ngoại mới lấy ống tre chẻ ra thành một mớ thanh tre, vót nhọn, xiên vào mỗi con cá. Rồi ngoại nướng bằng lửa than đốt riu riu cho tới chín vàng đều để mùi và vị tre tươi trong các thanh tre sẽ thấm vào cá.
Nhà ngoại tôi có một vườn me gần 20 cây rất sai trái nên mùa nào ngoại tôi cũng có me chín để dành trong khạp, ăn quanh năm. Món cá bống kèo nướng lụi của ngoại tôi đặc biệt phải ăn với nước mắm me. Thường thì người ta làm nước mắm chấm bằng dấm, nhưng ngoại tôi lại làm bằng me chín. Vị chua của me chín dịu dịu, ngọt ngọt hoàn toàn khác hẳn với vị chua của dấm nên nước mắm me ngon rất đặc biệt. Cá bống kèo chấm nước mắm me của ngoại, ai đã ăn qua một lần chắc không bao giờ quên được.
Tôi nghe ngoại kể lại, ngoại học ngón nghề này từ bà ngoại (vì là món bà cũng rất ưa thích), lúc bà còn sống. Tình cảm của ông dành cho bà rất sâu đậm nên trong mỗi bữa ăn hàng ngày của ông, ông đều có cái chén trống và đôi đũa dành riêng mời bà về dùng bữa cùng ông.
Ngày nay, cứ mỗi lần đi chợ ngang qua các tủ cá bống kèo đông lạnh nhập cảng từ Việt
Rạng ngày Mùng Hai, chị em tôi theo mẹ lên nhà dì Ba Thận. Tết năm nào các chị của mẹ – dì Ba Thận, dì Sáu Bộ và dì Bảy Nghi, các con cháu của mấy dì và chị em tôi cũng tụ hội về nhà dì Ba Thận để vui chơi suốt ngày. Ba dì và mẹ thường chơi bài tứ sắc để lấy hên đầu năm. Các dì và mẹ tôi - bốn chị em đều là đàn bà góa chồng, thủ tiết ở vậy nuôi con. Mấy chị em đều rất thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Mấy đứa con nít chúng tôi cũng rất thân nhau. Món thịt kho tàu dưa giá của dì Ba Thận cũng là món tôi chờ đợi được ăn tại nhà dì.
Trước ngày 30 Tết, dì đã lo đặt bà bán thịt heo ngoài chợ giữ thịt đùi ngon cho dì, bà bán trứng vịt phải có trứng mới, và bà bán dừa tươi để nguyên cho dì một quày dừa bung. Nồi thịt kho tàu của dì được kho từ chiều ngày 30 Tết để cúng rước ông bà và để ăn trong 3 ngày Tết. Miếng thịt kho tàu của dì mà ngậm vào là nó tan ra từ từ trong miệng, làm tôi chỉ muốn ngậm mà thưởng thức hương vị ngọt ngọt, mặn mặn, béo béo từ từ, chứ không đành nuốt trửng. Dưa giá được dì làm bằng giá, hành và hẹ (món dưa này đã dược dì làm 3 ngày trước để đến Tết chua vừa độ). Thịt kho tàu của dì Ba Thận mà cuốn với dưa giá, bánh tráng thì ăn một lần là sẽ nhớ đời.
Ảnh minh họa
Tôi cũng rất nhớ 2 món bánh tét, bánh ít của dì Bảy Nghi. Bánh tét của dì gồm có nếp hột dài ngâm nước cốt dừa, đậu xanh xào dừa hành bao bọc nhân thịt ba rọi chính giữa. Lá chuối phải là lá chuối già hương thì bánh mới thơm. Bánh ít nhân đậu, hay nhân dừa của dì cũng phải dùng lá chuối già hương để gói. Không biết bao giờ tôi mới được ăn lại bánh tét, bánh ít gói bằng lá chuối già hương…
Ngoài các món của ngoại và các dì, tôi không thể quên các món bánh mứt tuyệt hảo của mẹ tôi. Nào mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu xiêm, mứt gừng chuối dẻo, mứt bí, nhưng tôi thích nhất là mứt gừng nguyên nhánh (có người gọi là mứt gừng xăm) và mứt cà chua nguyên trái.
Mỗi năm cứ khoảng ngày 20 tháng Chạp là mẹ tôi lại lo làm bánh mứt để làm quà, làm lễ đưa ông Táo về trời và cúng kiến ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết. Trước đó mấy hôm, vào rằm tháng Chạp là mẹ đã lo đặt trước vài chục ký gừng non vì gừng non khi làm mứt ăn ít cay, ít sơ. Khác với nhiều người khác, mẹ tôi thích làm mứt gừng nguyên nhánh, thay vì làm mứt xắt miếng, còn gọi là mứt gừng lát.
Ảnh minh họa
Đến ngày 20 tháng Chạp là mẹ cùng chị em tôi cạo vỏ và xăm các củ gừng. Xăm xong, mẹ ngâm gừng trong nước để qua đêm. Kế tiếp mẹ tôi xả nước nhiều lần để xả bớt nồng độ cay của gừng, rồi mới bắt đầu sên mứt. Mứt gừng nguyên nhánh của mẹ tôi không cay dù vẫn có hương vị the the của gừng.
Món mứt cà chua của mẹ cũng thế, trái cà còn nguyên hình dù đã được xẻ lấy hột bên hông. Sau khi lấy hột, mẹ ngâm cà chua trong nước vôi qua đêm, ngày hôm sau rửa sạch lại. Mứt cà chua của mẹ rất dẻo, mùi vị thơm ngon nhẹ nhàng, chứ không hăng mùi cà chua và quá ngọt như hàng bán ngoài chợ.
Cả mười năm ở Gò Công, thông lệ ngày Tết của nhà tôi là thế. Với một thay đổi lớn năm tôi 16 tuổi - Tết năm đó, mẹ tôi dẫn tôi đi may chiếc áo dài đầu tiên. Trước đó tôi không hề được mặc áo dài, mà cũng chẳng ai bắt tôi phải mặc áo dài (nữ sinh thời đó đi học vẫn mặc áo bà ba).
Chiếc áo dài đầu tiên trong đời màu trắng sữa, có hoa tu líp lớn màu hồng tím hai bên cánh áo. Áo có dây thắt eo và tà áo dài. Tôi nôn nao thấp tha thấp thỏm chờ đợi ngày mẹ đưa đi lấy áo. Trong suốt khoảng thời gian chờ đợi, tôi không thể ngủ ngon giấc. Có nhiều khi tôi chỉ muốn đạp xe qua chỗ may để nhìn thử xem áo đã may xong chưa. Và cảm giác đó rồi cũng đến, đứng trước tấm gương cao từ đầu đến chân, tôi bồi hồi nhìn tôi trong chiếc áo dài đầu tiên trong đời. Tôi hoảng sợ chợt nhận ra tôi không còn là “chuột nhỏ” (tên mẹ tôi thường gọi trong nhà) của mẹ tôi, nhưng sung sướng vì tôi có dáng dấp của một thiếu nữ lạ, mà chính tôi cũng không thể tin rằng thiếu nữ duyên dáng trong gương đó lại có thể là mình. Tôi bâng khuâng nhìn về phía mẹ, bắt gặp ánh mắt tự hào hạnh phúc của mẹ tôi. Tôi vui mừng reo lên với mẹ: “Áo đẹp quá hả mẹ? Con mặc áo này đi chùa với mẹ nghen?”. Rồi tôi nghiêng qua, nghiêng lại để khoe áo đẹp với mẹ, trong khi mẹ tôi gật gật mỉm cười.
Đêm Giao Thừa, tôi mặc áo dài mới cùng mẹ và em gái đi lễ chùa xin lộc. Mái tóc dài của tôi được mẹ rẽ ngôi bên phải, kẹp xướt hai bên, rồi chải xõa thẳng ra phía sau. Mẹ sung sướng nhìn tôi: “Con đã sớm thành thiếu nữ…”. Ôi, câu nói nhỏ của mẹ ngày xa xưa đó, đánh dấu một mốc lớn của đời tôi…
Trần Lê Túy Phượng (Hoa Kỳ)