A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đêm Việt Nam ở Frankfurt

Đêm Việt Nam ở Frankfurt Khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng cỡ bự treo phía cửa khách sạn Maritim bên cạnh hàng loạt quốc kỳ các nước, giữa khu Hội chợ Frankfurt nổi tiếng thế giới, tôi cứ thấy nao nao... Khi quốc thiều Việt Nam nổi lên chúng tôi cùng bạn bè Đức đứng nghiêm lắng nghe âm thanh trầm hùng của "Tiến quân ca"...



Tổng Lãnh sự quán Nguyễn Hữu Tráng phát biểu tại Đêm Việt Nam ở Frankfurt

Đã lâu lắm rồi trong tôi mới có lại cái cảm giác ấy. Thật khó diễn tả bằng lời. Thời tiết cuối hè sang thu ở đây cũng thật thất thường, chợt nắng chợt lạnh. Mới tuần trước ở Frankfurt, vừa mưa vừa lạnh, lá bắt đầu trở dần sang mầu vàng trên các ngả đường. Cứ tưởng đã sang thu và chợt thốt lên: Nhanh thế, đã lại qua một mùa hè nước Đức và  sắp đến mùa đông u tối. Ấy thế mà đầu tuần này nắng ấm dần thay thế cái lạnh đầu thu và thứ bẩy này thì thời tiết thật chiều lòng người. Nắng và nắng đến gần 30 độ, không một gợn mây. Ban tổ chức Lễ hội "Museumuferfest“ (Lễ hội lớn nhất loại này tổ chức dọc hai bờ  sông Main nơi có hàng loạt bảo tàng được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới. Năm nay Lễ hội có chủ đề "Faszination Türkei“ tạm gọi là "Quyến rũ Thổ Nhĩ Kỳ“, dự tính có khoảng hơn triệu người tham dự) chắc có xem thiên văn nên chọn đúng những ngày này để tổ chức.  Tôi cứ nghĩ mãi là tại sao Thổ Nhĩ kỳ vốn là một địa chỉ quen thuộc lâu năm của dân du lịch Đức bên cạnh Pháp, Italia, Hy Lạp hay Tây Ban Nha mà họ vẫn tổ chức những "Road Show“ lớn thế để thu hút thêm khách Đức. Năm ngoái Thổ đón  27,2  triệu khách du lịch, trong đó khách Đức là 4 triệu và sau người Đức là người Nga khoảng 2,5 triệu. Trời ạ cứ nghĩ số khách Đức riêng sang Thổ còn hơn cả tổng số khách du lịch đến ta, mặc dù về nhiều khía cạnh Việt Nam đâu có kém cạnh gì.

Cũng tâm trạng ấy khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng cỡ bự treo phía cửa khách sạn Maritim bên cạnh hàng loạt quốc kỳ các nước, giữa khu Hội chợ Frankfurt nổi tiếng thế giới, tôi cứ thấy nao nao. Những dịp Hội chợ họ đều có treo quốc kỳ của các nước tham gia nhưng  cờ Việt Nam lúc đó bị ngút giữa bạt ngàn mầu sắc quốc kỳ. Mặc dù thời gian ghi trên giấy mời Chiêu đãi Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt ghi là 19 giờ nhưng khoảng 18 giờ khi bên ngoài nắng còn vàng rực rỡ, tôi đã thấy nhiều bà con cô bác từ các nơi đến khách sạn, nhiều người mang theo cả vợ, chồng "tây“, con dâu, con rể, con đẻ. Thật nhiều trẻ con. Chắc mọi người cũng giống tôi, lần đầu tiên được dự Lễ Quốc khánh ở thành phố này. Lạ thế, nhiều việc tưởng như "thói quen“, tưởng như "nghĩa vụ“, nhưng nó bất chợt trở nên thiêng liêng khi ta cảm nhận nó ở một hoàn cảnh khác, một môi trường khác. Khi còn  sống ở  trong nước và khi còn là trẻ con cảm nhận về Quốc khánh của tôi thật là háo hức vì được xem duyệt binh, được xem bắn pháo hoa, được "ăn tươi“. Khi lớn lên, đi làm thì cảm thấy nhẹ nhõm vì ngày đó được nghỉ ngơi, cái hồi hộp, háo hức không còn hoặc chỉ còn gợn lại cảm giác tự hào khi trên truyền hình chiếu lại cảnh Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội người dân ào vào chiếm "Bắc bộ phủ“ bất chấp binh lính, súng đạn. Vào phía trong Hội trường lớn  thấy cờ đỏ sao vàng treo bên cạnh lá cờ đen-đỏ-vàng (Quốc kỳ Đức), đông đảo quan khách Đức và  thật nhiều bạn bè quốc tế khác. Có những người mà chúng tôi chỉ nghe tên chứ chưa bao giờ được gặp như ông Chủ tịch Nghị viên bang Hessen (người được coi là người thứ hai ở bang sau Thủ hiến bang), các ông nghị sĩ Liên bang, nghị sĩ bang, trong đó có cả những người hầu như xuất hiện đều trên báo mỗi khi bàn luận đến việc lập Chính phủ bang Hessen sắp tới. Ông Chủ tịch Hội đồng thành phố "công dân số một“ của thành phố Frankfurt am Main  cũng cùng phu nhân đến dự tiếp tân của Tổng Lãnh sự ta.

Khi quốc thiều Việt Nam nổi lên chúng tôi cùng bạn bè Đức đứng nghiêm lắng nghe âm thanh trầm hùng của "Tiến quân ca“, hình dung ra cảnh đoàn quân Việt Nam đang hùng dũng dấn thân ra "sa trường“ thuở trước và sau đó được nghe ông Tổng Lãnh sự  trong bài phát biểu đưa trở về 63 năm trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời Tuyên ngôn độc lập bất hủ, trong đó Người trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng Pháp 1791 để tuyên cáo với quốc dân và quốc tế rằng người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền được độc lập và tự do. Mới đấy mà đã hơn sáu thập kỷ trôi qua. Kể từ khi Đổi mới, Việt Nam đã được biết đến như một nước năng động, có nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định, là đối tác tin cậy của tất cả các nước. Người Đức vốn thận trọng, kỹ càng trong mọi chuyện; các nhà chính trị thận trọng đã đành mà các doanh nghiệp cũng thận trọng không kém. Họ cần có thời gian, cần tìm hiểu kỹ về đất nước, con người, phong tục tập quán, luật pháp rồi đủ mọi chuyện khác nữa trước khi quyết định đến đầu tư, làm ăn ở một nước nào đấy. Nhưng một khi họ đã tin, đã yêu thì họ hết lòng, gắn bó và lôi kéo những người khác cùng đi với họ trên con đường đó. Điều này lý giải vì sao mà Việt Nam có "tiềm năng“ có một không hai đối với nước Đức, đó là hàng trăm ngàn người Việt Nam đã sống, học tập, biết tiếng Đức, hiểu văn hóa và tính cách dân tộc Đức, nhưng Đức vẫn chỉ đứng thứ hạng khiêm tốn trong danh sách các nước đầu tư, làm ăn ở Việt Nam. Một phần họ chưa quen với "phong cách châu Á“ ở ta, nhưng phần khác cũng có lẽ do ta chưa làm hoặc chưa có cách làm cho họ thật sự tin ta. Bạn bè Đức, và cả ông Quốc vụ khanh Bộ kinh tế bang Hessen, trong phát biểu chào mừng cũng ấn tượng về Việt Nam, về phong cách "người Phổ ở phương Đông“ (Preussen im Osten) của người Việt Nam. Mà ai cũng biết phong cách người Phổ chính là những đức tính như nghiêm túc, kỷ luật, kiên định, nguyên tắc và sức sáng tạo vươn lên. Phải chăng đấy chính là tiền đề để Việt Nam sớm "cất cánh“, khi mà chính sách Đổi mới đã là bà đỡ diệu kỳ cho những thay đổi to lớn ở ta trong hơn hai thập kỷ qua.



Tiết mục biểu diễn văn nghệ chào mừng Quốc Khánh của bà con kiều bào

"Luồn lách“ giữa hơn 600 quan khách trong tiếng đàn, tiếng hát của sinh viên, bà con người Việt trong chương trình văn nghệ chào mừng Quốc khánh thật mệt. Nhưng qua đó tôi cũng ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các bạn Đức và bà con kiều bào. Ông Peter Bamler ở thành phố Trier quê hương Các Mác vẫn chưa hết xúc động khi nói ông đã có mấy chục năm hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề hợp tác giáo dục, đào tạo, đã góp phần đưa được rất nhiều sinh viên TQ sang Đức học tập và nay trong số họ có nhiều người đã trưởng thành, thành đạt; ông đã nhiều lần sang TQ và nhận được  nhiều phần thưởng do Chính phủ TQ trao tặng, ghi nhận đóng góp của ông. Do hoàn cảnh ông chưa có điều kiện đến Việt Nam, nhưng do tình cờ, hay có thể gọi là „duyên số“ ông được biết đến Việt Nam qua một người bạn Việt Nam. Những tình cảm đó ngày càng lớn và hôm nay ông có thể khẳng định ông đã bị "cảm“ bởi văn hóa và con người Việt Nam và do tình cảm dẫn dắt ông muốn dành quãng đời còn lại của mình để làm cho Việt Nam. Tôi nghe ông Tổng Lãnh sự Việt Nam nói với ông Bamler là "bước đầu tiên đã được đi và hy vọng sẽ có những bước tiếp theo“. Hợp tác văn hóa, giáo dục và đào tạo giữa Đức và Việt Nam đang là đề tài nóng hổi trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Bên cạnh tôi bà giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu luật pháp và tài chính (Institute of  Law and Finance – ILF) thuộc Trường đại học tổng hợp Gớt (Frankfurt) đang đứng "vận động“ Giáo sư Rieck, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Việt – Đức thành phố Hồ Chí Minh (VDU) để có thể có chương trình hợp tác giữa Viện của bà với VDU. Mặc dù ILF mới được thành lập hơn 6 năm nay nhưng đã được giới chuyên gia xếp thứ hạng cao trong tốp 10 trường, viện có uy tín trên thế giới trong đào tạo chuyên ngành tài chính, luật pháp và chỉ đứng sau Đại học danh tiếng Havard của Mỹ có hai bậc. Điểm "hay“ của Viện ILF là chỉ đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), lại học hoàn toàn bằng tiếng Anh (để tăng sức cạnh tranh quốc tế); trong quá trình học có thời gian thực tập tại các nhà băng của Đức hoặc nước ngoài ở Frankfurt.

Nhiều bà con kiều bào cũng có chung suy nghĩ với tôi là rất cần có những hoạt động, những buổi gặp gỡ như thế này để giới thiệu với bạn bè Đức về đất nước  và con người Việt Nam. Mà còn gì hay hơn là giới thiệu văn hóa Việt Nam qua các món ăn đậm chất Việt như nem rán (chả giò), nem cuốn hay phở và qua các điệu múa, bài ca thấm đẫm văn hóa đồng bằng Bắc bộ và sông nước Cửu long. Điều đặc biệt là các cháu thiếu nhi ở thành phố Offenbach gần Frankfurt, mặc dù sinh ra và lớn ở Đức, tiếng Việt nói chưa sõi nhưng khi hóa thân vào những bộ bà ba, những khăn rằn Nam bộ và trình diễn điệu múa kết hợp giữa múa quạt và múa trống cơm lại thuần Việt đến thế. Đàn bầu Việt Nam tấu lên ở Frankfurt không chỉ là bài dân ca Việt Nam quen thuộc Trống Cơm hay Ru con Nam Bộ mà còn cả bài hát "Tháng năm dấu yêu ơi hãy đến đi ! “ (Kommt lieber Mai !) của Mô-da, làm các bạn Đức ngỡ ngàng, thán phục. Sinh viên Việt Nam tại thành phố công nghiệp nổi tiếng Stuttgart mà tôi đoán toàn dân học kỹ thuật, bên ngoài hồn nhiên "hip hop“ thế mà lại "lên đồng“ cực hay với bài "Mái đình làng biển“ của Trần Tiến theo điệu ca trù. Thế mới biết tiềm năng trong cộng đồng như những mỏ đá quý nằm im trong đất. Nếu biết khơi dậy, biết "thổi lửa“ vào đó thì hẳn sẽ có những hạt kim cương lớn nhỏ làm giầu thêm cho văn hóa Việt và góp phần mang văn hóa Việt ra với thế giới như trong logo quảng cáo của Vietnam Airlines.

Lẩn thẩn với những suy nghĩ như thế khi chiều chủ nhật đi dọc bờ sông Main, chứng kiến người Thổ tiếp thị văn hóa, du lịch ở đây tôi lại buồn vì sao mình cứ chậm chân mãi thế. Người Đức là dân mê du lịch nhất châu Âu, lại yêu mến du lịch văn hóa, du lịch môi trường, có ý thức cao đối với văn hóa và môi trường nơi họ đến. Và điều quan trọng là họ đang tìm đến với Việt Nam như là một "phát hiện“ ra một nơi đến lý tưởng (an toàn, sinh thái, thân thiện). Đáng buồn là họ cứ tự tìm, tự đến với mình, còn mình hầu như chả làm gì để kéo họ đến, giữ họ ở lại lâu. Đến một văn phòng du lịch Việt Nam ở Đức cũng chẳng có, chứ nói gì đến ở Frankfurt, một nơi mà góc phố nào cũng có công ty, văn phòng, đại lý du lịch của Đức hay của một nước nào đó. Riêng Việt Nam thì không./.

Thùy Trang (từ Frankfurt, Đức)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu