Đêm qua mình mơ thấy hòa bình…
|
Chiến tranh đã lùi xa 35 năm rồi, một thế hệ đã sinh ra và lớn lên. Có lẽ họ chẳng bao giờ phải chứng kiến những gì mà một bác sĩ trẻ như Thùy Trâm đã phải chứng kiến (thật may mắn cho họ!) và cũng có khi họ không thể hiểu tại sao chị lại sống hết mình vì lý tưởng mà mình theo đuổi đến như vậy. Mỗi thế hệ sống trong thời đại của mình, nhưng chắc chắn rằng điểm chung của mỗi con người nói chung và người Việt nói riêng là tình yêu đối với Tổ quốc, với quê hương (“quê hương mỗi người chỉ một, nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người” – như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã nói hộ rất hay). Cũng chính vì tình yêu lớn lao đó mà chị Trâm cũng như hàng vạn thanh niên khác đã hy sinh cả cuộc sống của mình để bảo vệ Tổ quốc, và cũng chính vì tình yêu đó mà thế hệ trẻ hôm nay vững tin bước vào nền kinh tế tri thức để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển. Ai dám nói rằng điều mà báo chí Đức năm 2008 gọi là “sự kỳ diệu Việt Nam” tại các trường học ở Đức, khi mà học sinh Việt Nam luôn dẫn đầu về kết quả học tập, không xuất phát từ lòng tự tôn của chính dân tộc mình. Trong hoàn cảnh nào, dù trong chiến tranh ác liệt hay trong môi trường hiện nay những lớp người trẻ Việt Nam (mà báo chí Đức hay nhắc đến thực tế ¾ dân số Việt Nam hiện nay là thanh niên) cũng luôn lạc quan và không ngừng vươn lên để vượt qua và chiến thắng hoàn cảnh.
Trở lại với cuốn nhật ký của chị Trâm. Nó cũng được dựng thành phim mang cái tên cũng khô khan quá “Đừng đốt”. Sống ở Đức bao nhiêu năm rồi, quen với cái khô khan đầy lý trí của người Đức rồi mà tôi vẫn thấy dường như người Việt mình nhiều lúc còn khô khan hơn người Đức hay thiếu “bay bổng” trong việc đặt tên cho những đứa con tinh thần của mình. “Đừng đốt” nghe như khẩu lệnh, đành rằng nó chính là “lệnh” hay đúng hơn là lời kêu gọi của người lính Sài Gòn đối với người lính Mỹ lúc đó, đừng đốt cuốn sổ nhỏ đó vì bản thân trong đó đã có lửa. Nếu không có tấm lòng của những người một thời đứng bên kia chiến tuyến thì hôm nay chúng ta đã không được đọc những dòng chữ như được rút từ ruột gan của chị Trâm. Lời giới thiệu cuốn sách xuất bản ở Đức có đoạn “Đêm qua mình mơ thấy hòa bình” là cuốn nhật ký của bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm, người đã bị bom Mỹ sát hại tháng 6 năm 1970 khi mới 27 tuổi trong một cuộc tấn công vào trạm xá nhỏ. Đây là minh chứng chân thật và ấn tượng nhất của một người phụ nữ trẻ tuổi nhưng quả cảm trong cuộc chiến chống lại một thế lực quân sự mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Hơn thế nữa nó còn là lời tuyên án đối với bạo lực và đàn áp… Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã vượt qua mọi khoảng cách về văn hóa và chính trị, đề cao nhân phẩm và lòng cảm thông với đồng loại trước nỗi đau bất tận của chiến tranh”.
Một độc giả ở Hamburg viết “Không riêng Hoa Kỳ mà cả Việt Nam cũng còn phải tiếp tục bận tâm với đề tài về chiến tranh ở Việt Nam vì cả hai bên đều có những số phận khác nhau. “Đêm qua mình mơ thấy hòa bình” là một số phận cảm động, một câu chuyện đầy nước mắt và cận kề với chiến tranh. Đặng Thùy Trâm là bác sĩ nhưng cũng là người cộng sản, trong chiến tranh cô không chỉ chữa bệnh cho chiến binh Việt cộng mà cho cả dân thường. Bằng giọng kể chân thực nhưng nhiều khi cũng quá nghiêm túc cô kể về những cảm nhận thường ngày đối với chiến tranh, cái chết, về cuộc chiến của nhân dân mình nhưng cũng về mong ước đến ngày giải phóng khỏi ách áp bức của Mỹ… Là bác sĩ cô đứng về phía cuộc sống, nhưng là người cộng sản cô chiến đấu đánh đuổi ngoại xâm, những dòng chữ đầy tính anh hùng ca lẫn giữa những nỗi buồn của tình yêu, tự vấn lương tâm tạo nên sự hấp dẫn quanh con người cô. Cuốn sách dường như đã chạm đến cái hồn Việt một thời bị người Pháp rồi người Mỹ khuấy động và vẫn chưa một ngày được bình yên”.
Độc giả khác ở Karlsruhe thì viết “Đặng Thùy Trâm xuất thân từ một gia đình gia giáo ở Hà Nội. Giữa cao điểm của cuộc chiến tranh chống Việt Nam, Thùy Trâm đã từ chối một khóa đào tạo chuyên khoa mắt để dấn thân vào cuộc chiến. Trạm xá nhỏ của chị nằm trong khu vực bị quân đội Mỹ quần đảo hàng ngày bằng bom napal và chất độc da cam. Trạm xá lại không hề được bảo vệ bằng quy chế “chữ thập đỏ”, ngược lại nó lại là mục tiêu “ưu tiên” tấn công của quân đội Mỹ… Phải thấy bối cảnh đó để nhìn nhận những ghi chép của chị cho khách quan. Chị tự viết cho mình, từ trái tim và tâm hồn mình, về mong mỏi có một tình yêu và sự đồng cảm, nhưng cũng về lòng căm thù đối với quân xâm lược. Tất cả, từ tinh thần trách nhiệm của một người cộng sản, lòng cảm thương đối với bệnh nhân của mình, đến những cảm giác thất vọng, những tình cảm mềm yếu của người phụ nữ và cả lòng yêu nước của chị, được hòa quyện vào nhau. Điều này cũng không làm người đọc ngạc nhiên vì chị đâu có phải là nhà thơ, mà chỉ là cô gái trẻ đáng lẽ được hưởng trọn vẹn cuộc sống của mình. Điều đặc biệt đối với tôi là cuốn sách viết với tất cả tính chân thật, trực tiếp từ nơi xẩy ra cuộc chiến để viết về những tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra ở Việt Nam cũng như về lòng dũng cảm quyết tâm bảo vệ Tổ quốc mình của người dân Việt Nam”. Một độc giả nữ viết ngắn gọn “Đặng Thùy Trâm, một cô gái dũng cảm, mơ mộng, nhiều mong ước nhưng cũng có khi bi quan, một cô gái giầu tình yêu và lòng tự trọng nhưng cũng đầy đức hy sinh, suy ngẫm, tràn trề hy vọng và không kém phần mạnh mẽ. Cuốn nhật ký của chị làm tôi xúc động quá, chị đã cho chúng tôi thấy những tàn khốc của chiến tranh ngay từ trong lòng của cuộc chiến đó với những số phận khác nhau. Một lời tuyên bố chống chiến tranh và vì loài người như thế này thật không bao giờ là cũ”.
Có lẽ mỗi người sẽ có cảm nhận riêng cho mình khi đứng trước một sự thật như vậy, nhưng cũng vì lang thang trên mạng nên tôi vô tình đọc lời kêu gọi của “Hội những người Việt tỵ nạn ở Đức” mời bà con tham gia cuộc gặp mặt tại Hanover ngày 27/3 nhằm kỷ niệm 35 năm người tỵ nạn Việt Nam ở Đức và tri ân những người đã cứu và cưu mang họ. “Uống nước nhớ nguồn” chính là đạo lý ngàn đời của người Việt. Tổ chức các hoạt động tri ân nước Đức, tri ân những người Đức đã giang tay cứu giúp là hành động đáng hoan nghênh. Chỉ có điều họ lấy đó làm bình phong cho những ý đồ thiếu trong sáng khác mà thôi. Nếu tri ân tại sao họ không tri ân những người đã ngã xuống, đã hy sinh cả tuổi xuân với bao khát vọng tình yêu như bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nếu không có những người như chị Trâm thì làm sao có một non sông thống nhất như hiện nay và lời khuyên của tôi dành cho họ là thay vì làm những chuyện như tổ chức cuộc gặp ở Hanover hãy tìm mua cuốn “Đêm qua mình mơ thấy hòa bình” do Nhà xuất bản Krüger ở Frankfurt/Main xuất bản, giá chỉ có 17,90 euro thôi…
Thùy Trang (từ Frankfurt am Main- CHLB Đức)