Cuộc gặp không bao giờ quên với Tướng Giáp
Việt kiều Đức Đặng Thế Sáng vinh dự được đến thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1994. Ảnh: NVCC |
Hôm qua, nhân kỷ niệm 62 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, tôi ngồi lục lại kho ảnh của mình và thấy tấm ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây hơn 20 năm, lòng đầy bồi hồi. Ký ức về cuộc gặp hôm ấy vẫn còn vẹn nguyên.
Đó là năm 1994, nhân chuyến về nước, tôi được báo tin vui là sẽ được đến thăm nhà vị đại tướng mà tôi luôn kính phục trong tâm.
Từ bé, tôi đã được nghe bao nhiêu câu chuyện về ông. Tôi vẫn nhớ thời học cấp 3, thầy giáo dạy môn văn có kể lại rằng: "Khi quân ta giải phóng Điện Biên, cả thế giới ngưỡng mộ Việt Nam, đặc biệt là các nước châu Phi. Họ xuống đường hô vang 'Việt Nam! Tướng Giáp! Tướng Giáp! Tướng Giáp!'". Đến khi nhập ngũ, trở thành một chiến sĩ, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình có vinh dự được gặp vị tướng huyền thoại ấy một lần.
Vừa vui mừng vừa hồi hộp, tôi bắt đầu băn khoăn khi nghĩ đến chuyện mang quà gì biếu Tướng Giáp để bày tỏ tấm lòng và sự kính trọng. Việc đến thăm nhà ai mang theo chút quà là nét đẹp truyền thống của người Việt.
Ở quê tôi, người ta đến thăm nhau rất mộc mạc, có khi đem theo nải chuối, chục quả trứng, quả bưởi trong vườn, mà chẳng cần gói bọc cầu kỳ. Đằng sau sự mộc mạc đó là cả tấm chân tình. Tất nhiên đó là chuyện quê còn đến thăm đại tướng, tôi e là mình không thể mang theo nải chuối hay mấy quả bưởi được. Mua hoa cũng không phải lựa chọn hay.
Tôi chợt nhớ ra có lần đọc báo thấy tin đại tướng khi về thăm quê tôi ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay là huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội), người dân ở đây đã tặng ông một đĩa bánh trôi. Món quà quê nhưng nồng ấm tình cảm khiến đại tướng rất vui.
Tôi quyết định mình có gì biếu nấy! Tôi chọn chai rượu champagne mang từ Đức về, thứ rượu này thường được sử dụng trong những dịp vui hoặc khi ăn mừng chiến thắng.
Ngày mà tôi mong chờ cuối cùng cũng tới. Đến nhà Tướng Giáp, tôi vừa ngồi xuống ghế vài giây thì vị tướng huyền thoại mà tôi luôn mong ước được gặp bước ra. Tôi liền đứng phắt dậy như tác phong quân đội và nói: "Cháu chào bác! Cháu từ Đức về có chút quà nhỏ biếu bác".
Tướng Giáp bắt tay tôi rất chặt, rất lâu. Tôi có cảm giác như ông đang truyền vượng khí cho mình. Mọi hồi hộp, lo lắng trong tôi tự nhiên biến mất, chỉ còn lại tình cảm gần gũi đến lạ thường.
Tướng Giáp ân cần hỏi han về quê quán, gia đình cũng như khả năng nói tiếng Việt của các con tôi. Nghe bác hỏi và quan tâm đến mình như người trong gia đình, tự nhiên mắt tôi nhòe đi.
Khi biết các con tôi nói tốt tiếng Việt nhưng viết kém, bác căn dặn: "Gia đình là nơi có điều kiện rất tốt để các cháu nói tiếng mẹ đẻ, các cháu nói được tiếng Việt chính là đã yêu quê hương, đất nước. Dù bận đến đâu các cháu cũng không được lơ là sự giáo dục của gia đình".
Tôi kể cho Tướng Giáp về gia đình người chú họ ở quê, trong ngôi nhà tranh vách đất chỉ treo duy nhất ảnh của bác mặc trang phục đại lễ màu trắng mang quân hàm đại tướng. Tướng Giáp nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm đến ông chú và chụp lại tấm ảnh đó.
Buồn thay có một năm, quê tôi xảy ra lũ, nước tràn vào ngập đến lưng nhà. Tấm ảnh Tướng Giáp mà chú họ tôi treo không giữ được. Người chú cũng đã ra đi theo quy luật nghiệt ngã của thời gian.
Kỷ niệm giải phóng Điện Biên, nhìn lại bức ảnh đã hơn hai thập kỷ, tôi chợt chạnh lòng vì lời đại tướng nhờ tôi chưa thực hiện được mà ông cũng đã ra đi mãi mãi.
Thế Sáng (CHLB Đức)