A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Câu chuyện hoa huệ chuông và Giờ vàng của lịch sử dân tộc

Hoa huệ chuông đã nở và reo vang vào những giờ vàng của lịch sử dân tộc, và mỗi năm vẫn sẽ luôn như thế, rung lên những thông điệp về sự thống nhất đất nước đối với cộng đồng Việt kiều yêu nước tại Pháp và nhắc nhở sự giữ gìn, chung tay, cầu thị, tâm huyết để đất nước ngày càng phát triển, cộng đồng Việt Nam tại Pháp ngày càng ổn định, vững chãi và đồng lòng hướng về Việt Nam.



 Chương trình Văn nghệ đêm Tết năm 1974 (Tết hòa hợp) do Hội Liên hiệp Việt kiều tổ chức tại phòng lớn Nhà hát Maubert Mutualité, quận 5 Paris.

“Ở Paris, tháng 5 là tháng đẹp trời nhất trong năm, biểu tượng bằng sự xuất hiện của hoa “Muguet”tiếng Việt gọi là hoa “Huệ chuông”, hình thức như những chiếc chuông nhỏ màu trắng với vài chiếc lá xanh dài; người Pháp tặng nhau hoa này để mừng những ngày Đông ướt át đã qua và đón Xuân đúng vào giữa mùa lúc đầy đủ sự lộng lẫy của nó với tất cả nét đẹp được biểu lộ đến mức cao nhất...

Tôi không thể nhớ nổi số hoa huệ chuông tôi được tặng tháng 5 năm 1975, chỉ nhớ là nhiều hơn tất cả các năm trước và sau 1975 cùng với các loại hoa khác được đưa đến Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, nơi mà bà con Việt kiều và bạn bè Pháp gửi gắm tất cả tình cảm yêu mến, lòng kính phục và sự chia sẻ niềm hạnh phúc dành cho đồng bào và chiến sĩ trong nước, và trước tất cả là lòng biết ơn và tưởng nhớ Bác Hồ.”

(Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris, Võ Văn Sung, NXB Quân đội Nhân dân, 2005)



 Buổi diễu hành tại Paris ngày 1 tháng 5 năm 1975

Đúng vào ngày 1/5/1975, hoa huệ chuông xứ Pháp đã thật sự rung lên những âm thanh trong trẻo và xúc động của mình với tất cả những người Việt Nam đã trải qua thời khắc lịch sử ấy.

Họ vừa trải qua một ngày dài 30/4 bắt đầu từ 4 giờ sáng từ lúc nhận tin cho đến khi tổ chức, huy động cho một cuộc diễu hành ngay ngày hôm sau với hàng ngàn người Việt Nam để chào mừng chiến thắng. Bác sĩ Thérèse Ký bồi hồi nhớ lại cảm giác thời điểm đó: Tối ấy (29/4) họp xong ra về thì sau đó mọi người biết tin, cảm giác ngỡ ngàng như một giấc mơ vì chiến thắng quá nhanh, chớp nhoáng, không ngờ thần tốc, mau lẹ và nhanh gọn như vậy!

Ông Võ Sĩ Đàn kể lại khoảnh khắc “đúng thật là chớp nhoáng như mơ” khi nhìn lại cả chặng đường dài trước đó để chuẩn bị cho giây phút này: “40 năm đã qua, nhiều chuyện không nhớ hết. Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột và sự đổ vỡ từng mảng của quân đội Thiệu, tôi cũng như  mọi người theo dõi tình hình từng ngày, từng giờ. Tâm trạng thật khó tả khi nghe tin cờ Giải phóng đã cắm trên nóc Dinh Độc lập.   

Hai cuộc kháng chiến quá lâu dài, quá ác liệt, quá gian khổ! Sau Hiệp định Genève 1954, những tưởng hai năm sau sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhưng Hiệp định bị phá hoại, đưa đất nước vào cuộc chiến tranh tàn khốc gấp bội. Hiệp định Paris 1973 được ký kết sau 5 năm đàm phán, sau trận “Điện Biên Phủ trên không”12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 đưa đến niềm hy vọng đất nước sẽ hòa bình thống nhất. Nhưng rồi đến lượt Hiệp định Paris lại bị phá hoại, chiến tranh lại tiếp tục. Kiên trì hoạt động, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, nhưng thực tế chúng tôi vẫn chuẩn bị tư tưởng “còn phải đấu tranh lâu dài”. Vậy mà Đại thắng mùa Xuân 1975 đã kết thúc chiến tranh với thắng lợi trọn vẹn, trong một thời gian ngắn bất ngờ.

Trưa ngày 1/5, mọi người đến dự cuộc tuần hành truyền thống nhân ngày Quốc tế Lao động do CGT tổ chức, đoàn Việt Nam tuần hành sau hàng cờ Tổ quốc và cờ Cộng hòa Miền Nam trong nhịp trống, trong tiếng hô “VIETNAM VICTOIRE”, giữa sự hoan hô của hàng chục nghìn nhân dân Pháp”
.



 Diễu hành tại Avenue de Villiers Paris, quận 7 sau khi tiếp quản Sứ quán chính quyền Sài Gòn vào ngày 1/5/1975



 Buổi văn nghệ liên hoan đầu tháng 5 năm 1975 mừng thắng lợi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại Théâtre des Champs Élysées, quận 8 Paris

Đoàn Việt Nam đã tự hào và phơi phới đi giữa dòng người khoảng 500.000 người cùng tham gia diễu hành ngày 1/5 hôm ấy. Ông Nguyễn Văn Bổn vẫn nhớ từng chi tiết như ngày hôm qua vẫn còn đó, và vẫn luôn tươi mới như những năm tháng thanh xuân sôi nổi của hàng ngàn Việt kiều yêu nước tại Pháp lúc bấy giờ. Những chi tiết này chứa đựng đầy đủ góc nhìn, tâm tư và các hoạt động cụ thể của phong trào Việt kiều yêu nước trước sự kiện 30/4/1975 và đặc biệt là khoảng thời gian 30 tiếng đồng hồ cô đọng nhất từ rạng sáng ngày 30/4 đến hết ngày 1/5 năm 1975. “Từ đầu năm 1975, không khí hòa hợp dân tộc đã được thực hiện ngay trong phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Ngày 26/1/1975, Hội Liên hiệp Việt kiều đã tổ chức Tết với các hội đoàn khác như: Hội Phật tử, Hội Công giáo, Hội Hướng về đất Việt,... và có sự tham gia của nhiều cựu dân biểu Sài Gòn với tinh thần ủng hộ hoà giải, hoà hợp dân tộc. Mọi người đều một lòng hướng về Việt Nam và chờ đợi tình hình biến chuyển cho việc thống nhất đất nước theo đúng tinh thần Hiệp định Paris 1973. Hai năm đã trôi qua từ khi ký kết Hiệp định, đối với dòng thời gian lịch sử tuy chỉ là một chấm thời gian nhỏ, nhưng đối với sự mong chờ và tinh thần kháng chiến lúc bấy giờ, mỗi ngày trôi qua đều là một sự tổn thất về thời gian, vật-tài và nguy cơ cho một lời hứa không bao giờ được thực hiện; hơn thế nữa, nguy cơ quay trở lại của “những con diều hâu Mỹ”sẽ tăng rủi ro cao hơn hơn đối với sự độc lập và thống nhất của toàn đất nước.



 Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm Hội quán Hội người Việt Nam tại Pháp năm 1976

Đến giữa tháng 4, sau chiến thắng giải phóng của Campuchia mà phía Mỹ hoàn toàn “án binh bất động” từ đó cho thấy Mỹ đã không thể can thiệp gì được nữa và tương lai cho một chiến thắng ở Việt Nam sẽ không còn xa.

Tối ngày 29/4, như thường lệ, một cuộc họp được tổ chức tại Hội quán. Không ai ngờ rằng chỉ vài tiếng sau đó là chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Rạng sáng ngày 30/4, lúc 4 giờ sáng ở Pháp, tôi nhận được điện thoại từ một bạn Pháp gọi thông báo là Đài phát thanh Pháp đang cho biết thông tin xe tăng đã vào đến Sài Gòn rồi, Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Một cơn mơ được tỉnh giấc, một đêm dài kết thúc, và ngày mới đã bắt đầu từ đó, không ai còn có thể ngủ được nữa. Từ đó trở đi, diễn biến ở Việt Nam cũng như ngay tại Pháp trôi qua với tốc độ nhanh và cực kỳ cô đọng, đậm đặc. Lúc 11h30 ngày 30/4/1975, giờ Việt Nam, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Lúc ấy là 5h30 sáng Pháp, có thể tưởng tượng cảm xúc vỡ tung của những người hồi hộp theo dõi tình hình qua đài phát thanh Pháp lúc ấy. 6 giờ sáng, những người Việt Nam tại Pháp ríu rít gọi và nghe hàng loạt tiếng reo điện thoại, để cùng hẹn nhau đến Hội quán ngay khi mặt trời vừa chiếu sáng trên sông Seine.

Trong vòng 24 tiếng của ngày 30/4/1975, Ban lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước đã trao đổi và tổ chức ngay một buổi diễu hành cho ngày hôm sau: khẩu hiệu, tuyến đường, huy động cộng đồng, mọi khâu tổ chức.

Cao trào chưa hết khi buổi sáng ngày 1/5 – ngày đi diễu hành, lúc 6-7 giờ sáng, có tin báo về việc bọn phản động đặt bom nổ ngay cửa chính của Hội quán. Cảnh sát Pháp đến xem tình hình, và tất cả mọi người vẫn tiếp tục việc chuẩn bị diễu hành, không có gì thay đổi, không có gì lung lạc, không có gì vui sướng cho bằng!

Ngày 1/5 năm ấy, lần đầu tiên sau nhiều năm, sinh viên trong các phân hội của Liên hiệp Sinh viên Việt Nam không phải đi bán hoa muguet nữa. Hàng năm vào ngày này, trên những con đường Paris, ngay những địa điểm quan trọng của thủ đô, khi hoa muguet nở thì cũng là lúc sinh viên Việt Nam cùng nhau đi bán hoa muguet góp vào Quỹ chống Mỹ cứu nước, ngoài ra còn đưa thông điệp đến với người dân Pháp “un muguet pour le Vietnam” (TD: Một bông hoa huệ chuông để ủng hộ Việt Nam). Hôm ấy, các sinh viên đi giữa dòng người với hoa nở trong tim và hương thơm hoa huệ chuông ấy chắc chắn sẽ còn vương mãi trong kỷ niệm một thời...”.



 Thiếu nhi trình diễn văn nghệ trên sân khấu Unesco trong dịp Tết Việt Nam tại Pháp


Hôm ấy, ngày 1/5/1975, chưa bao giờ hoa muguet – hoa huệ chuông - lại mang ý nghĩa tròn đầy đến như thế với mọi người, chưa bao giờ hoa ngập tràn ở chỗ của phái đoàn Việt Nam như thế, và chưa bao giờ thời gian trôi nhanh như thế... Trôi nhanh đến tận hôm nay với tất cả xúc động và vẫn như ngỡ ngàng cho một chiến thắng thần tốc, cho một ước mơ chung và riêng được thành sự thật. Ước mơ chung, lịch sử đã ghi nhận lại; còn ước mơ riêng, là những gì chỉ mỗi người con xa quê vào giai đoạn ấy mới có thể hiểu hết. Đó là những giọt nước mắt, là sự sung sướng, là niềm nức nở của những người con xa đất nước bao nhiêu năm nay giờ đã thấy được đường về nhà của mình, đã thấy được vòng tay gia đình nơi ấy và mình có thể vui sướng quay về vì lý tưởng khi ra đi, lúc đấu tranh gian khổ nơi xa quê đã thành hiện thực.

Ông Ngô Thuần Phương kể lại cảm xúc của mình khi hòa trong dòng người đi diễu hành, ở quảng trường Saint Michel, Paris: “Có lẽ ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi là ngày 30/4/1975, ngày hòa bình độc lập của dân tộc. Chiến tranh đã chấm dứt sau bao nhiêu năm gian khổ. Vui mừng thay nhưng sao nước mắt lại trào. Tôi thắp một nén hương cầu nguyện trên ban thờ tổ tiên.

Gia đình chúng tôi đã xuống đường đến quảng trường Saint Michel cùng đông đảo kiều bào ăn mừng chiến thắng. Chúng tôi vẫy gọi nhau, ôm nhau, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, vang lên những khẩu hiệu: HOÀ BÌNH - HOÀ BÌNH - ĐỘC LẬP - ĐỘC LẬP!...”

Vài ngày sau đó, những đại diện của Hội đã cùng phái đoàn Việt Nam đi tiếp quản các cơ quan của Việt Nam Cộng hòa, chính thức đặt dấu chấm hết cho việc tồn tại hai chính phủ, hai đại diện Việt Nam tại Pháp, điều đó nghĩa là Việt Nam từ đây là một khối thống nhất.

***

Cộng đồng Việt kiều tại Pháp được xem là “mặt trận” quốc tế về ngoại giao, thông tin và ủng hộ vật chất, tinh thần để hỗ trợ mọi mặt cho việc thống nhất tại quê nhà. Sau ngày 30/4/1975, có 152 Việt kiều, trí thức, nhân sĩ Việt Nam tại Pháp đã được khen thưởng và tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và các bằng khen Chính phủ. Đây chỉ là một phần đại diện cho toàn cộng đồng Việt Nam tại Pháp, không thể kể ra hết những đóng góp thầm lặng và to lớn của tất cả những người đã đem một phần lớn thời gian cuộc sống của mình vào cuộc đấu tranh, kháng chiến chung của cộng đồng và đất nước.

Khắp nơi ở Pháp đều có sự đóng góp của Việt kiều, trong cuộc sống của mỗi Việt kiều yêu nước đều luôn luôn có một phần mãi mãi dành cho đất nước một cách thầm lặng và bền bỉ. Như Đại sứ Võ Văn Sung có viết lại rất chi tiết và rõ ràng trong quyển “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris”, trong đó có Việt kiều Hoàng Thị Tịnh – Tổng thư ký Liên hiệp Việt kiều ở Marseille, “chỉ sống bằng lương hưu ít ỏi của chồng là anh Đào Văn Yết, mùa Đông nước Pháp lạnh không có tiền đốt lò sưởi, vậy mà suốt từ ngày kháng chiến chống Pháp, sống giản dị liêm khiết, lo cho cộng đồng người Việt từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc chung đến việc riêng của mỗi người”, hay “ở Pháp, có một nữ sĩ tên là Thái Ngộ Khê – trưởng nữ của cụ Thái Văn Toản, nguyên là Thượng thư triều đình Huế (trong kháng chiến chống Pháp, cụ là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên khu 4), và là vợ của tiến sĩ luật Nguyễn Văn Định, đã từng làm tri phủ và tuần vũ trước Cách mạng tháng 8, nhưng đã theo kháng chiến đến cùng”. Những câu chuyện như vậy thật ra là những điều hết sức bình dị và đời thường của rất nhiều Việt kiều lúc ấy trong cộng đồng.

***

Hội người Việt Nam tại Pháp, giai đoạn từ năm 1969 đến tháng 4/1976, có tên gọi Hội Liên hiệp Việt kiều – là tổ chức lớn nhất của Việt kiều tại Pháp gồm nhiều tổ chức hội viên như Hội Công nhân, Hội Trí thức, Hội Liên hiệp Sinh viên, và Hội Phụ lão. Tất cả đều mong muốn thấy đất nước được thống nhất, đều đồng lòng hướng về Việt Nam và hiệp lực bằng những hành động thiết thực và trong khả năng tối đa của mình.

Đất nước đã sang trang lịch sử mới, đối với phong trào Việt kiều yêu nước cũng thay đổi mục tiêu và hoạt động của mình, không còn đấu tranh vì hòa bình và thống nhất đất nước mà giờ là hướng đến việc đoàn kết trong cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân tương trợ, vừa để hỗ trợ cho đất nước sau giải phóng, vừa để ổn định cuộc sống của cộng đồng Việt Nam tại Pháp. Vì vậy, năm 1976, Hội Liên hiệp Việt kiều chính thức đổi tên thành Hội người Việt Nam tại Pháp. Việc đổi tên này không đơn thuần chỉ ở sự thay đổi một tên gọi mà còn là cột mốc đánh dấu thời kỳ mới với cương lĩnh mới của phong trào những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

Theo đó, những hoạt động và đóng góp cụ thể của mỗi người trong cộng đồng đã được định hướng. Hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ đất nước, rất nhiều hội viên của Hội người Việt Nam tại Pháp đã về Việt Nam tham gia trong những lĩnh vực cụ thể: nông nghiệp, nuôi trồng hải sản, khoa học kỹ thuật,... Một phần khác ở lại Pháp để tiếp tục trách nhiệm nối kết hai cộng đồng Việt Nam trong và ngoài nước, nối kết hai đất nước Pháp-Việt, cũng như định hướng phát triển vị trí của Hội, sự phát triển của cộng đồng Việt Nam tại Pháp là chiến lược để hỗ trợ, song hành cùng đất nước. Hội viên của các chi hội, các ban của Hội người Việt Nam tại Pháp cũng thường xuyên tổ chức những dự án, quyên góp, trao đổi để hỗ trợ tối đa đất nước giai đoạn sau khi thống nhất. Như Hội Y học Việt-Pháp (thành lập năm 1969), trong thời gian chiến tranh đã gửi bao nhiêu thuốc men về Việt Nam, thì khi thống nhất đất nước lại nghĩ ngay đến vấn đề kiến thiết xây dựng đất nước. Hội đã vận động bà con đóng góp mua máy ly tâm (giá trị 120.000 quan lúc ấy) để đưa về hỗ trợ cho Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1976. Sang năm 1977, một đoàn gồm 7 bác sĩ trong lĩnh vực nhi khoa, phụ khoa, đa khoa và xét nghiệm về Việt Nam thăm và trao đổi với các đồng nghiệp trong nước, mục đích là tìm hiểu tình hình thực tế, phân tích những nhu cầu cụ thể và vận động cộng đồng tại Pháp hỗ trợ giúp đỡ…

***

40 năm đã trôi qua từ ngày 30/4/1975, đối với những ai đã được lịch sử chọn làm chứng nhân cho giờ phút độc nhất ấy của dân tộc, đó là một khoảnh khắc kỳ diệu không thể quên suốt cuộc đời vì nhờ đó mà định mệnh mỗi người, vận mạng của đất nước đã mãi mãi thay đổi. Còn đối với những người mới, những thế hệ tiếp bước của Hội người Việt Nam tại Pháp, tiếp nối con đường vì cộng đồng, nhờ những câu chuyện được truyền lại ấy, họ có thể thấy rõ lý tưởng, tâm huyết và nhiệt tình của những người đi trước, và sẽ biết rằng mình nên làm thế nào để giữ được bản chất của ngọn lửa tinh thần ấy. Mãi mãi…

Nguyễn Thanh Hằng
Ban Truyền thông Hội người Việt Nam tại Pháp


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu