A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức ảnh mang dấu ấn người Việt trên vùng nông thôn Đức

Bức ảnh là một nam công nhân có dáng "sinh viên" và “khá đẹp trai”, có kiểu tóc rất "nghệ sỹ" đang bê su hào với khuôn mặt tươi, phấn khởi như là "vừa làm lại vừa hát"...



 Ông Siegfried Sommer, Chủ tịch Hội hữu nghị Đức-Việt (đứng giữa) cùng phu nhân xem ảnh trong Lễ kỉ niệm 40 năm hội nhập tại Berlin.


Tôi dân quê. Từ bé đã biết thế nào là giun, dế, phân, gio, rơm, rạ... Lứa tuổi chúng tôi bấy giờ nhiều người muốn lớn lên thoát ly, đi đâu cũng được, cốt là thoát khỏi cảnh lấy đít trâu làm thước ngắm!

Tôi đi bộ đội, tưởng thế nào, nhưng rồi cũng không thoát khỏi cày cấy. Đó là thời gian bộ đội làm kinh tế phải tự túc một phần lương thực. Tôi vào bộ đội biết cày trong bộ đội...

Thế rồi tôi được đi Đức như số phận đã định trước. Sang "tây" ai cũng nghĩ mình làm trong phân xưởng có đèn sáng trưng, đi ca kíp, chỉ đứng bấm nút là máy chạy... Sang tới Berlin, tôi được biên chế vào đội "Nông nghiệp Thủ đô". Hồi đó, đơn vị chúng tôi sáng đi học, chiều đi làm. Hôm làm ngoài đồng, hôm làm trong nhà... không cố định.


 Năm 1982, tác giả Đặng Thế Sáng đang lao động trên cánh đồng của Đức


Ngày đó, tôi làm ngoài đồng, thu hoạch su hào. Xe ô tô tải kéo mooc chạy trước, những người công nhân chặt su hào cho lên xe... Rồi họ chuyên chở về xí nghiệp chế biến thức ăn. Đang làm thì có phóng viên người Đức đến xin chụp ảnh tôi, ông nói là ông là nhà báo (có cho xem thẻ), ông đang đi tìm "gương mặt mới". Ông đề nghị chụp tôi đăng báo (dĩ nhiên tôi đồng ý ngay). Tôi vừa làm vừa diễn: vác, bê những kisten (sọt) su hào lên vai và diễn y như thật. Sau đó 2 ngày, ông nhà báo nọ cầm cho tôi tờ báo có hình tôi và tặng nhân vật 6 tấm ảnh.

Những tấm ảnh này tôi giấu kín, không bao giờ cho người nhà ở Việt Nam biết. Lí do rất đơn giản là sợ gia đình thất vọng, ai cũng nghĩ sang tây, nhất là sang Đức phải học, làm cái gì đó oai lắm... Bấy giờ làm ngoài đồng nhếch nhác, không khác gì ở quê thì phải giấu, phải ỉm đi chứ khoe ra làm gì?


 Các bạn trẻ đang giới thiệu cho các bạn Đức về bức ảnh


Một lần chị Hải Bluhm ở Postdam (Chị Hải là hội trưởng Hội Sông Hồng, chị mới được Tổng thống Đức tặng huân chương) đề nghị cung cấp ảnh hồi Đông Đức để triển lãm chủ đề về Hợp tác lao động nhân dịp nước Đức thống nhất... Tôi cung cấp nhiều ảnh cho chị. Phòng chính trị và văn hóa của bang Brandenburg đã in và triển lãm. Hôm đó tôi đến dự, khách chủ yếu là các nhà chính trị cấp tỉnh, liên bang... Đài truyền hình ZDF (Đài trung ương của Đức) đã quay và phỏng vấn người trong ảnh... Chị Hải cho biết, bộ ảnh ấy, trong đó có tấm ảnh vác sọt su hào đã "đi" khắp nơi và được trưng bày tại viện Goethe ở Hà Nội.

Vừa qua, Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, Trung tâm Thương mại Đồng Xuân ở Berlin phối hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Đức đã tổ chức Lễ hội "40 năm người Việt Nam hội nhập và phát triển tại Cộng hòa Liên bang Đức”. Anh Vũ Chung lại đề nghị in, trưng bày và lần nữa bức ảnh này lại "lên ngôi".

Bức ảnh là một nam công nhân có dáng "sinh viên" và “khá đẹp trai”, có kiểu tóc rất "nghệ sỹ" đang bê su hào với khuôn mặt tươi, phấn khởi như là "vừa làm lại vừa hát"... Chắc vì thế bức ảnh được các bạn Đức và Việt Nam quan tâm và góp phần cho các bạn Đức hiểu rõ hơn những đóng góp cố gắng của cộng đồng ta đặc biệt là những thế hệ sau thấy cha mẹ mình, lớp đi trước đã từng làm việc như thế nào để có ngày hôm nay tưng bừng trong 40 năm hội nhập.

Đặng Thế Sáng (CHLB Đức)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu