Ảnh hưởng lá phiếu cử tri Việt như thế nào
Theo thống kê dân số, người Việt tại Mỹ năm 2000 là 1.122.528 triệu. Nếu tính cả người Việt gốc Khmer, gốc dân tộc thiểu số Tây Nguyên và gốc Hoa thì con số này là 1.222.736.
Từ công việc tìm hiểu thực tế cho thấy, một số không nhiều lắm, không chịu khai là gốc Việt, thay vào đó họ khai “gốc Á”.
Riêng tại California, cũng theo nguồn thống kê nói trên, người Việt nói chung là 447.032, chiếm 39,8% trên toàn nước Mỹ.
Ở bang Texas, con số người Việt đông hàng thứ nhì tại Mỹ, là 134.961 chiếm 12% so với tổng số người Việt hiện diện trên đất nước này.
Theo cơ quan thống kê California, năm 2007 dân số California là 36.553.215. Còn theo cơ quan thống kê liên bang, tính đến tháng Giêng 2008 California có 38.049.462 dân.
Nếu căn cứ theo những con số trên đây với ước tính tăng trưởng, người Việt có thể lên đến nửa triệu so với tổng dân số của tiểu bang này. Vậy thì chúng ta cũng chỉ hơn 1%. Cũng xin lưu ý, nếu con số người Việt tại California là nửa triệu (tức chỉ hơn 1%) chúng ta còn phải trừ ra con số thường trú nhân (permanent residents) , trẻ em dưới 18 tuổi, người già mất trí, hay bệnh tâm thần, số ít nào đó bị tù tội, probation, là những người không có quyền bỏ phiếu.
Theo thăm dò của báo chí địa phương, nơi mà chúng ta gọi là Quận Cam, có đông người Việt nhất ở hải ngoại (1/58 Quận của tiểu bang California), con số ghi danh theo Cộng Hòa là 29% và Dân Chủ là 22%, so với tổng số người Việt đã là công dân Hoa Kỳ ở quận này. Nếu căn cứ theo dữ kiện này, 49% còn lại trong tổng số người Việt đã có quốc tịch không ghi danh hoặc không màng đến việc bỏ phiếu.
Và người viết bài này, đã từng trao đổi với nhiều nhà hoạt động hội đoàn người Việt ở Mỹ. Chỉ lấy ví dụ của California, vì ở các tiểu bang khác con số người Việt còn quá khiêm tốn. Nếu toàn thể cử tri Mỹ gốc Việt ở California thống nhất 100% (không chia rẽ) bỏ cho ứng cử viên Cộng Hòa, với suy nghĩ theo quán tính của hầu hết của người Việt hải ngoại, Cộng Hòa là đồng nghĩa với lập trường “chống Cộng”, khối cử tri gốc Việt cũng không tạo được chiến thắng cho phía Cộng Hòa ở tiểu bang này. Cũng có nghĩa là chúng ta không tặng được cho ứng cử viên John McCain 55 phiếu cử tri đoàn (Electoral College) của California trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 này.
Bởi vì, nếu sự khác biệt giữa thắng bại ở tiểu bang này là một hoặc vài trăm lá phiếu như ở Florida năm 2000, thì lúc đó, may ra lá phiếu của cử tri gốc Việt mới có thể nói đến “ảnh hưởng” của nó ở tiểu bang mà họ đang cư trú. Cũng xin nói thêm, luật lệ ở Mỹ, nếu cử tri là resident của tiểu bang nào, ghi danh bầu cử ở tiểu bang nào, cử tri không có quyền bỏ phiếu ở tiểu bang khác.
Và theo kết quả bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2008 vừa qua, tổng số cử tri California đi bỏ phiếu là 11.679.877. Barack Obama thắng với tỷ lệ 61% (7.245.731). John McCain với tỷ lệ 37% (4.434.146). Khoảng cách giữa thắng bại lên đến 2.811.585 lá phiếu.
Vì lẽ đó, từ lâu rồi, người viết bài này, với phương tiện phổ biến lời kêu gọi hết sức giới hạn, vận động đồng hương Việt Nam nên hướng dẫn con em mình, thế hệ sinh ra hoặc đến Mỹ từ lúc nhỏ, “thay đổi cách suy nghĩ” và tiến vào sinh hoạt dòng chính qua con đường hành pháp”.
Giáo sư Đinh Việt, Mina Nguyễn, và Phạm Đức Trung Kiên là một khuôn mẫu tiêu biểu đã tiến thân trong lĩnh vực công quyền nhờ thành tích trong học vấn và sinh hoạt cộng đồng dòng chính. Nhưng “chức vụ chính trị” (political position) ở xứ này cũng sẽ thay đổi theo kết quả bầu cử tổng thống.
Nguyễn Á Độc Lập (California – Hoa Kỳ)