“Ngọn lửa tình yêu tiếng Việt” sưởi ấm trong đêm Noel tại Belarus
Từ xưa tới nay, ngoài ý nghĩa tôn giáo, Noel vẫn luôn là khoảng thời gian đầm ấm trong mỗi gia đình, là lúc mọi thành viên được quây quần, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong một năm qua. Đối với các bạn trẻ và các cháu nhỏ, đặc biệt là ở nước ngoài, Noel còn diệu kỳ hơn thế nữa, bởi đó là ngày mà các bạn có thể thầm đặt những ước mơ, đón chờ những phép màu kỳ diệu nhất sẽ xảy ra. Ngày 26/12/2022, với sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus và Hội người Việt tại Belarus, lớp học tiếng Việt ở đây đã thực hiện hóa ước mơ của rất nhiều bạn nhỏ, tạo nên một bữa tiệc ấm cúng, gần gũi và tràn ngập tiếng cười. Các em đã cùng nhau chạm tay tới những “phép màu” thực sự của đêm Giáng Sinh.
Sau một thời gian dài gián đoạn do dịch bệnh bùng phát, lớp tiếng Việt đã khởi động trở lại. Dù mới qua một thời gian rất ngắn tham gia lớp học, có những em lần đầu làm quen với bảng chữ cái, nhưng các em đã rất cố gắng, đóng góp nhiều tiết mục sinh động, đáng yêu. Các em đã biết đánh vần, đọc thơ, nhiều em dũng cảm hơn nữa thì xung phong dẫn chương trình. Dù phát âm tiếng Việt vẫn còn nhiều hạn chế, rất khó khăn khi nói một câu dài một cách đầy đủ, nhưng các em thực sự đã chiến thắng bản thân mình, trở thành niềm tự hào của cô giáo và bố mẹ. Em Phùng Việt Anh, 11 tuổi, MC nam của chương trình hào hứng chia sẻ: “Em thực sự rất thích học tiếng Việt. Hằng tuần, em luôn chờ tới thứ 7 để được đi học với các bạn tại lớp tiếng Việt. Khi chuẩn bị cho chương trình, em rất lo lắng nhưng cũng rất háo hức. Em còn muốn được làm MC trong dịp Tết Nguyên Đán nữa ạ”. Tình yêu tiếng Việt cứ thế lớn lên, ngọn lửa tiếng Việt như sưởi ấm đêm Noel giá rét nơi xứ người này.
Dù đã có kinh nghiệm và hoạt động hiệu quả (lớp tiếng Việt tại Belarus khai giảng từ tháng 7 năm 2016) nhưng sau thời gian rất dài phải đóng cửa vì dịch bệnh, khi hoạt động trở lại, lớp học gặp phải khá nhiều khó khăn. Mọi thứ dường như phải bắt đầu lại từ đầu. Các em học sinh tham gia lớp học ở các độ tuổi khác nhau, với trình độ đọc, nói, viết khác nhau đòi hỏi những giáo trình, cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, rất nhiều phụ huynh muốn cho con em đi học, nhưng vì bận công việc nên khó khăn trong việc đưa đón. Để các em được tới lớp, phụ huynh và giáo viên đã phải cố gắng rất nhiều, linh động trong việc lên lịch học. Mọi chi phí của lớp học đều đến từ sự đóng góp của phụ huynh học sinh nên cô và trò chỉ được hoạt động trong phạm vi ngân sách nhất định. Và rào cản lớn nhất đối với các em nhỏ người Việt thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 tại nước ngoài chính là môi trường ngôn ngữ hạn hẹp. Ngôn ngữ cội nguồn luôn vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phía ngôn ngữ bản địa và các ngôn ngữ khác. Trẻ em có xu hướng sử dụng tiếng bản địa thường xuyên không chỉ ở trường lớp, mà còn trong môi trường tương tác hàng ngày tại gia đình. Thời gian học 2 tiếng/tuần thực sự rất ít so với sức ép từ ngôn ngữ địa phương. Tình trạng bị mai một tiếng mẹ đẻ vẫn luôn là một thực tế hiển hiện trong những trẻ em song ngữ nơi đây.
Cùng vượt qua những rào cản, khó khăn đó luôn có sự đồng hành, ủng hộ của Đại sứ quán và Hội người Việt tại Belarus, có sự hưởng ứng, lòng nhiệt thành của các bậc phụ huynh luôn đau đáu ước mơ cháy bỏng mong muốn giữ gìn ngôn ngữ cội nguồn cho con em mình. Không thể không kể đến lòng yêu trẻ và công lao, trách nhiệm duy trì, bảo tồn, kéo dài sợi dây tiếng Việt của cô giáo Nguyễn Phương Dung. Tất cả những điều đó đã từng bước vực dậy lớp tiếng Việt giữa những vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó, lớp tiếng Việt tại Belarus cũng nhận được sự giúp đỡ về phương diện sách vở, dụng cụ trực quan trong nước qua các chuyến thăm của của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cô và trò lớp học tiếng Việt tại Belarus đã cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc, tầm quan trọng cũng như kỳ vọng lớn lao của nhà nước trong công cuộc gìn giữ và phát triển tiếng Việt cho con em tại nước ngoài. Song song với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, bảo tồn và tôn vinh tiếng Việt vẫn luôn là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết. Bác Hồ trong “Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam” đã từng nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng rãi”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, hiểu rõ tầm quan trọng của Tiếng Việt trong dòng chảy chung của thời đại, lớp tiếng Việt cảu cô và trò tại Belarus đã và đang cố gắng hơn nữa để hoàn thiện sứ mệnh cầu nối của mình.
Hiểu và sử dụng được tiếng Việt, dù ở xa quê, các thế hệ người Việt tại nước ngoài vẫn luôn nuôi dưỡng được tình đoàn kết, lan tỏa tình yêu quê hương, dân tộc, đưa các em lại gần hơn nữa với cội nguồn và bản sắc của chính mình. Không những thế, lớp tiếng Việt ở đây còn như một câu lạc bộ, là nơi giao lưu, gắn kết cộng đồng. Những sự kiện như đêm Noel sẽ là dịp để không chỉ các em nhỏ, mà cả bậc phụ huynh vốn rất bận rộn với công việc cũng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết nơi xứ người.
“Tiếng ta còn, nước ta còn”. Dù ở nơi đâu trên khắp năm châu bốn bể, gìn giữ tiếng Việt vẫn luôn là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Và lớp học tiếng Việt tại Belarus rất vinh dự được đóng góp một phần nhỏ trong công cuộc phát triển "thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu cảu dân tộc" cho thế hệ trẻ người Việt tại Belarus.
Trần Nữ Duyên Hồng (Belarus)