A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Kể chuyện Tết Việt Nam cho các bạn con nghe”

Vâng, Việt Nam là nơi mà từ đó chúng tôi ra đi, nhưng cũng mãi mãi là nơi mà khi có dịp thì chúng tôi lại hối hả trở về. Trở về để đoàn tụ gia đình là điều trước nhất, nhưng cũng còn là để hưởng những hương vị quê hương mà chắc chắn không đâu trên thế giới này có thể thay thế được...



Tháng Hai theo Dương lịch ở Việt Nam gần như là mùa lễ hội tưng bừng nhất của một năm, vì Tết Nguyên Đán theo Âm lịch hàng năm thường xảy ra vào thời điểm này.

Nhưng ở vùng cực Bắc nơi mà chúng tôi đến di trú, thì lại đang là lúc thường xảy ra đợt lạnh nhất của một năm: đỉnh điểm giữa mùa Đông Bắc cực. Tuyết rơi trắng trời hay tuyết phủ ngập đất như các bạn thường thấy trong phim ảnh chỉ là việc rất bình thường và là phong cảnh xuyên suốt trong tám tháng của mỗi năm ở đây. Còn riêng tháng Hai, khi nhiệt độ ngoài trời đôi khi rớt xuống đến -50oC thì lúc đó chúng tôi sẽ vội vã cùng nhau tổ chức lễ hội nặn tượng bằng tuyết với cái tên sệt mùi người Pháp: “Rendexz Vous”. Có lẽ vì lễ hội này do nhóm người di dân Pháp đã mang đến và giới thiệu chúng với người dân Canada.

Sinh ra, lớn lên ở một xứ gió mùa nhiệt đới, cho mãi đến khi được thực sự đặt chân lên mảnh đất Canada, cả đời tôi chưa bao giờ thấy tuyết. Và trong ký ức tôi, hình ảnh những háo hức rộn ràng chuẩn bị đón năm mới tại quê nhà Việt Nam đã là những nỗi nhớ nhung da diết, đôi khi trở thành một sự quay quắt xót xa.

Ngồi trong góc phòng làm việc, dí mũi vào khung lò sưởi, tôi cố hít chút hơi ấm yếu ớt tỏa ra từ hệ thống sưởi đang oằn mình rên rỉ vì phải làm việc hết tốc độ, để giúp chúng tôi có thể chống chọi lại được với cái lạnh của một ngày băng giá. Dõi mắt nhìn cơn bão tuyết đang hoành hành gào rú ngoài hiên. Gió Bắc về từng cơn, từng cơn, đang xới tung những đụn tuyết mới dưới mặt đất, đưa chúng lên đến tận ban công tầng thượng rồi lại vun vút quật chúng xuống, để rồi những tảng tuyết như bông trắng xóa kia lại phải tơi bời trở về với thể trạng ban đầu là những hạt tuyết mong manh hình cánh hoa. Thế rồi chúng lại bay phấp phới hòa nhập với nhau và chiếm lĩnh cả đất trời.


Cháu ngoại tôi, một cậu bé chưa tròn năm tuổi, hậm hực về nhà sau buổi học bán trú ở nhà trẻ địa phương, nơi mà trẻ con mọi sắc tộc đều được nâng niu chăm sóc đến mức ân cần tối đa mà người lớn ở Canada có thể làm được. Tôi rất ngạc nhiên khi cháu buồn bực sau ngày đi học như thế, vì từ khi sang đây đến giờ đã hơn một năm, cháu luôn luôn hân hoan, hãnh diện khoe với cả nhà về ngôi trường mới ở đây.

Vì yêu cháu, tôi nhẹ nhàng hỏi han… và cu cậu bùng nổ một tâm sự làm cho tôi thật ngỡ ngàng: “Bà ngoại vô lớp kể chuyện Tết Việt Nam cho bạn con nghe dùm con đi!”. Vâng, tôi đã lặng người và tôi tin rằng bất kỳ ai phải mang gia đình ra đi, sống ly hương như chúng tôi cũng sẽ lặng người với niềm ân hận vì mình đã bắt trẻ con phải xa rời nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà ngay cả đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo cũng đã nhận biết được sự tiếc nuối về bao tưng bừng rộn rã mà chúng phải rời xa.

Nhưng tiềm ẩn đâu đó trong câu nói và nỗi giận của cậu bé 4 tuổi rưỡi này lại là cả một sự tự tin và một niềm hãnh diện vô bờ về một quê hương Việt Nam của cậu. Cậu giận đây là giận chính mình vì cậu đã không có đủ ngôn từ và bằng chứng để kể cho bạn bè cậu về những hình ảnh như một thiên đường với lễ hội, với đường hoa, với pháo hoa - Giao thừa của một Việt Nam trong ký ức cậu. Và tôi cũng tin rằng cậu đang giận cả bà ngoại, vì bà ngoại là người quyết định việc mang cậu sang Canada mà.

Người di dân như chúng tôi, khi ra đi, hành trang đôi khi không chứa đầy hai cái xách tay nho nhỏ… nhưng tôi tin rằng bất kỳ ai đã là người Việt Nam như chúng tôi cũng đã mang theo bên mình một nếp sống văn hóa có bề dày lên đến hàng ngàn năm. Và chúng tôi cũng không hề muốn rũ bỏ, hay đánh rơi trong ký ức mất một phút giây nào đã xảy ra trong lịch sử hào hùng của đất nước chúng tôi.


Sự ấm ức tủi hờn của cháu tôi, cũng đã và sẽ còn là sự ấm ức chung của bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam trong tương lai, nếu người lớn chúng ta lười biếng, thất bại và chấp nhận việc lãng quên các nét đẹp văn hóa truyền thống; để buông trôi cho con cháu mình bị đồng hóa, rồi dần dần trở thành ngu ngơ vì mất gốc khi phải sống xa quê.

Cá nhân tôi, giật mình thức tỉnh, tôi quyết định phải tổ chức ngay một cái Tết truyền thống, cho chí ít là học sinh trong trường của cháu tôi. Để đáp ứng ở mức tối thiểu lời yêu cầu của cậu bé: “Kể chuyện Tết Việt Nam cho các bạn con nghe”.

Thế nhưng, làm sao có thể giải thích cho trẻ em ở Bắc cực về hương vị Tết trời Nam?! Lấy đâu ra cái nắng hanh vàng, rồi ngàn hoa khoe sắc, khi mà băng giá trắng trời và bão tuyết liên miên?

Vâng, tôi đã phải nói với các em rằng: Ông bà chúng ta rất thông minh, họ tính toán và đoán ra được tâm sự của “Mặt Trời”. Vì chú bé “Mặt Trời” kia thực hiện chuyến du hành đi chơi Nam cực đã đúng sáu tháng rồi. Chắc chắn là chú bé “Mặt Trời” phải nhớ nhà thôi… Thế nên chúng ta sẽ tổ chức một ngày sum họp thật vui ở Bắc cực, và chúng ta sẽ gửi ảnh cho chú bé “Mặt Trời” kia, để thuyết phục chú trở lại mà chung vui với cực Bắc chúng ta.

Và, Tết nơi vùng cực Bắc của quả địa cầu đã bắt đầu như thế!
Cho đến nay, đã gần một thập kỷ, mặc cho bao khó khăn, mặc cho bao thiếu thốn… cả về vật chất lẫn tinh thần, những kẻ làm cha mẹ có trách nhiệm và yêu quê hương như chúng tôi vẫn thực hiện “nhà nhà tổ chức Tết”. Các nhóm, các hội đoàn thì sẽ có điều kiện để làm đông vui hơn. Những gia đình không may phải sống ở những nơi hẻo lánh chắc chắn cũng sẽ có bữa cơm đoàn tụ gia đình.

Nói đến “Đoàn tụ gia đình” tôi tin rằng đây chính là cái “định nghĩa chính xác” nhất của “Ngày Tết Việt Nam”… Một sự định nghĩa mà tôi chỉ hiểu ra được nhờ một dịp may thật bất ngờ.

Đó là nhân một ngày giáp Tết, tôi hỏi một chú tài xế taxi rất trẻ: “Tết là dịp kiếm tiền rất tốt, em sẽ ở lại làm việc hay nghỉ về quê ăn Tết?” Câu trả lời khẳng định mà tôi nhận được chở cả một sự cương quyết rất rõ rệt: “Giàu có gì đâu khi làm thêm một ngày hả chị? Em phải về quê để có dịp đoàn tụ cả gia đình chứ!”. Sau đó cậu cười to, nói đùa tiếp: “Rồi chị coi, ba ngày Tết là thành phố lớn sẽ nổi bềnh lên như cái tàu thiếu trọng tải, vì bà con rời thành phố về quê ăn Tết hết trơn hà!”.
Vâng, thật thế đó, xe, tàu, máy bay đều phải cùng nhau tăng chuyến, tăng tốc. Vì nhu cầu “về quê ăn Tết” của hàng triệu, triệu con người Việt Nam đã là nỗi vất vả không bao giờ khác được của những người chịu trách nhiệm điều hành trong lĩnh vực này.

Và đối với chúng tôi, những người Việt xa quê, mỗi lượt “về quê ăn Tết” cũng có nghĩa là bao nhiêu năm dành dụm chắt chiu. Nhưng không vì thế mà chúng tôi lại để cho máy bay của các hãng hàng không quốc tế còn dư chỗ trống.

Vâng, Việt Nam là nơi mà từ đó chúng tôi ra đi, nhưng cũng mãi mãi là nơi mà khi có dịp thì chúng tôi lại hối hả trở về. Trở về để đoàn tụ gia đình là điều trước nhất, nhưng cũng còn là để hưởng những hương vị quê hương mà chắc chắn không đâu trên thế giới này có thể thay thế được.


Freda Laight (Canada)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu