Xuân trong thơ Việt ở Đức
Hình ảnh hoa đào gợi nhớ đến ngày Tết cổ truyền |
Đông đã tàn Hà Nội cũng vào Xuân
Chim di trú gọi đàn bay về tổ
Ai thấu được nỗi lòng người viễn xứ
Cứ cồn cào da diết nhớ quê hương.
Khi Xuân về, Tết đến, tâm trạng của những người viễn xứ chúng tôi là thế đó… Nhớ quê cha đất tổ đến cồn cào, nhớ từ sắc hoa đào đến cảnh vui Xuân quây quần, ấm áp bên ánh lửa hồng nấu bánh chưng xanh của gia đình, chòm xóm. Trên đất khách xứ người, chúng tôi chẳng khác gì những con chim xa tổ, lạc đàn cùng hướng về cội nguồn ở phía trời Đông và cất lên những khúc nhạc lòng, trong niềm thương, nỗi nhớ. Khúc nhạc lòng đó, người ta vẫn gọi là thơ.
Mỗi bài thơ là một khúc nhạc lòng cất lên hòa với niềm vui Xuân mới. Tuy tâm cảnh mỗi người có những nét khác nhau – khác nhau về cung bậc cảm xúc, về hình tượng nghệ thuật, về phong cách thể hiện nhưng đều chung một tấm lòng hướng về Tổ quốc, quê hương, gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ của mình tới đại gia đình dân tộc Việt Nam, và tới gia đình của mỗi người nơi quê nhà.
Kỷ niệm ấm áp bên ánh lửa hồng nấu bánh chưng |
Nhà thơ Thế Sáng “ôn cố tri tân”, anh nhớ tới hình ảnh tảo tần của mẹ dưới mái tranh nghèo ở làng quê thời “bao cấp”:
Tết lại về con nhớ lắm Mẹ ơi!
Tất tưởi Mẹ đi mua thêm đấu lúa…
Đấu to hơn bơ nhưng nhỏ hơn rá, nông dân miền Bắc thường dùng để ao thóc. Đấu lúa có nhiều nhặt gì đâu mà mẹ vẫn phải mua thêm để đón Tết mừng Xuân. Chỉ chừng đó thôi ta cũng đủ rơi nước mắt, thương cha mẹ sống ở thời bao cấp, thiếu thốn đủ bề. Nghe bài thơ “Nhớ Tết xưa” của anh, ta khó có thể cầm lòng được, nhất là qua đoạn thơ này:
Chiều Ba Mươi cũng chẳng bớt lo
Mẹ phải khất nợ từng ngày từng buổi
Mẹ bán non đi từng nải chuối!
Mong trời nắng to, hong lại áo nâu sờn.
(Nhớ Tết xưa - Thế Sáng)
Nhà thơ Thế Dũng thì nhớ lại một đêm Trừ tịch nhưng không phải đêm “Trừ tịch cùng nhau đi hái lộc/ Tiếng nói cười náo nức cả trời khuya…” ở quê nhà, mà đó là đêm Trừ tịch mang đậm dấu ấn lịch sử của CHLB Đức khi Bức tường Berlin sụp đổ:
Đêm Trừ tịch đầu tiên tôi được thấy
Đông với Tây cởi mở nỗi lòng mình
Chân phiêu lãng chợt buồn trên xứ lạ
Dưới chân mình đâu phải đất khai sinh.
(Viết ở cổng thành Brandenburg - Thế Dũng)
Khác với Thế Sáng và Thế Dũng, tác giả Minh Hải lại từ thực tại mà hướng tới tương lai, trong niềm vui phơi phới, trong sắc màu rực rỡ của trời đất vào Xuân. Anh nhìn Xuân ở góc độ vừa khái quát, vừa cụ thể, qua bài “Xuân hẹn ước”:
Mùa Xuân thắm lại đất trời
Hoa trao hương sắc ngỏ lời thương nhau.
Tôi rất tâm đắc với lời bình của Lê Hùng: “Từ thắm thường làm phụ tố cho tính từ chỉ màu sắc: xanh thắm, tươi thắm, đỏ thắm. Đó là những gam màu tươi sáng, rực rỡ. Ở đây, chỉ một từ “thắm” thôi, mà tác giả đã gợi ra cho chúng ta những gam màu ấy của thiên nhiên khi mùa Xuân đến và ẩn sâu trong đó ta thấy cả niềm vui. “Ngôn ngữ của loài chim là tiếng hót, ngôn ngữ của loài thú là tiếng kêu”. Ngôn ngữ của hoa được Minh Hải cho là hương sắc xem ra cũng thật lý thú, thật hợp lý. Ở đây tác giả sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa “ngỏ lời thương nhau”. Rõ ràng khổ thơ đầu hiện ra trước mắt chúng ta một không gian rực rỡ, tươi thắm của trời đất vào Xuân. Tình hoa quện với tình người như một sự giao thoa hòa cảm.
Mặc sương phủ, mặc tuyết rơi
Hồng kia vẫn rực góc trời xa xa
Biển đời bão táp phong ba
Tình sâu nghĩa nặng phù sa đắp bồi.
Đó là một mối tình cao đẹp - cao đẹp ở lòng chung thủy và sức mạnh phi thường của tình yêu đã vượt qua cả phong ba bão táp, vượt qua mọi trở lực đi đến “Bến bờ ước hẹn đậu nơi em chờ”, để:
Anh tấu nhạc em hòa thơ
Xốn xang gió sớm ngẩn ngơ nắng chiều.
Bài thơ có tầm khái quát rộng mang đậm tính trữ tình và cả tính triết lý nhân sinh về hạnh phúc. Hạnh phúc không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải là đi trên thảm nhung, mà là "lửa thử vàng, gian nan thử sức", như con thuyền đã vượt qua phong ba bão tố. Cốt lõi của hạnh phúc, của tình yêu là sự đồng điệu tâm hồn. Chỉ đồng điệu tâm hồn mới có tình yêu vĩnh cửu (Lê Hùng).
Giống như Minh Hải, tác giả Đài Trang cũng gửi tới người bạn đời của mình lời chung tình son sắt:
Ở bên này cách biệt cuối trời xa
Sóng vẫn mãi ca vang lời về biển
Chốn ngàn trùng xin gửi người thương mến
Xuân đôi nơi mang trọn nỗi chung tình.
(Xuân đôi nơi - Đài Trang)
Tác giả Thái Thiên Tri lại thả hồn thơ theo đường bay của hàng không Việt Nam Airlines. Anh không dấu nổi niềm tự hào về phụ nữ Việt Nam “Những cô Tấm hiện về giữa hành lang vũ trụ”, và những “Cô Tấm”cũng mang lại niềm vui, xoa dịu nỗi buồn cho những khách hàng không là những người viễn xứ đang bay về đón Tết với quê hương:
Hàng không Airlines lộng lẫy kiêu sa
Rạng rỡ Việt Nam dáng lụa là quyến rũ
Những cô Tấm hiện về giữa hành lang vũ trụ
Xua nỗi buồn viễn xứ phôi pha.
(Tình khúc Việt Nam Airlines - Thái Thiên Tri)
Phong cảnh quê hương lúc Xuân về luôn hiện lên trong những giấc mơ của người Việt xa xứ |
Thơ về chủ đề Xuân, về nỗi nhớ quê hương, đất nước khá phong phú, nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Tác giả Chu Văn Keng thể hiện mùa Xuân qua bài “Ngẫu hứng Xuân”:
Xuân về chen lộc, rộ Đường thi
Sắc nhuận đào, mai khéo nhắc gì
Trang điểm đất trời, mây lướt gió
Vấn vương mưa bụi, khúc hùng bi.
Tác giả Lê Ngọc Kỳ qua bài “Hồn Tổ quốc” thể hiện rõ tấm lòng da diết nhớ quê hương. Phong cảnh của quê hương lúc Xuân về hiện lên trong những giấc chiêm bao:
Hồn Tổ quốc đi vào từng giấc ngủ
Bến sông quê neo đậu những con đò
Mai vàng rực bên đào phai khoe sắc
Gió Xuân về gọi nắng đến buông thơ...
(Hồn Tổ quốc - Lê Ngọc Kỳ)
Khác với Lê Ngọc Kỳ, tác giả Đặng Sỹ Thìn như muốn reo lên trong ngập tràn hạnh phúc, thả hồn vào hương sắc mùa Xuân mà ngây ngất trong lòng như được cưỡi rồng ngao du tiên cảnh:
Xuân về rạng rỡ đẹp hơn
Ngất ngây hương Tết ngọt thơm đong đầy
Ngập tràn hạnh phúc hôm nay
Ngỡ đang thiên cảnh đạp mây cưỡi Rồng.
(Tết Việt ở Dresden - Đặng Sỹ Thìn)
Bài thơ chúc Tết của tác giả Hồng Trang, ngôn ngữ không sáo mòn bóng bảy nhưng vẫn in vào lòng người qua lời chúc Tết chân thành:
Em chúc bạn bè người thân
Năm mới sẽ được ngàn lần an vui
Sau cùng em có đôi lời
Chúc câu lạc bộ cho đời nhiều thơ.
Người ta thì chúc lắm tiền nhiều của, còn Hồng Trang thì chúc nhiều thơ. Vì thơ là sự cộng hưởng của tâm hồn và trí tuệ. Là điểm tựa tinh thần như nhà thơ Phùng Quán đã nói: “Những lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”.
Những thi phẩm trên là những khúc nhạc lòng, đã ánh lên những vẻ đẹp tâm hồn của con Lạc cháu Hồng nơi viễn xứ, luôn hướng về quê cha đất tổ, nhất là khi Tết đến Xuân về.
Bùi Nguyệt (CHLB Đức)