Những món quà vô giá
Con tàu kiểm ngư Việt Nam - KN490 đã có 9 ngày vượt hàng ngàn km trên biển, đưa những người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở khắp nơi trên thế giới tới với những người lính Hải quân đang ngày đêm canh giữ cho chủ quyền Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Dưới cái nắng đến cháy da thịt, bên cạnh cột mốc chủ quyền, những người lính vẫn kiên cường đứng đó. |
Những hoạt động thiết thực vì biển đảo quê hương
Đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, 55 đại biểu kiều bào từ 19 quốc gia đã đem theo những món quà thiết thực nhất gửi tặng các chiến sỹ ngoài đảo xa, với hy vọng có thể hỗ trợ phần nào cho cuộc sống của các anh.
Với tổng giá trị lên đến 1,2 tỷ đồng, những món quà dù là tivi, tủ lạnh, máy tính,… hay chỉ đơn giản là những vật dụng hàng ngày như sổ, bút viết,… cũng đều là tấm lòng chân thành nhất của đồng bào sống xa quê hương.
Sau mỗi hải trình thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn, các câu lạc bộ, hội, đoàn lại được thành lập trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới, với mục đích và ý nghĩa gắn liền với vấn đề chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Được thành lập từ năm 2017, Câu lạc bộ Trường Sa CHLB Đức không chỉ tập hợp những kiều bào đã từng có cơ hội tới thăm Trường Sa, mà còn chào mừng cả những người Việt có tình yêu và mong muốn đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Quà tặng năm 2018 của CLB Trường Sa CHLB Đức |
“Năm 2018, Câu lạc bộ có tặng ô che nắng cho các đảo. Hôm nay, khi được tới thăm đảo Sơn Ca và thấy món quà của mình đang giúp đỡ phần nào cho cuộc sống của các chiến sỹ, cá nhân tôi thấy hết sức tự hào. Năm nay, chúng tôi tặng một sân vận động đa năng cho đảo Sinh Tồn và 30 thùng quà bao gồm nhiều phần quà nho nhỏ như bút, sách, và những vật dụng cá nhân cần thiết dành tặng cán bộ chiến sỹ Hải quân ở các đảo và nhà giàn mà chúng tôi được ghé thăm” – Chị Lưu Thu Hiền, thành viên CLB Trường Sa CHLB Đức cho biết.
Ở Ba Lan, Quỹ vì Trường Sa cũng đã được thành lập và đang ngày một mở rộng thêm, với những hoạt động tích cực hướng về biển đảo. Chị Cao Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan và cũng là thành viên của Quỹ, chia sẻ: “Chứng kiến các chiến sỹ trẻ tuổi luôn vui cười, khỏe mạnh, tôi rất mừng. Khác với tưởng tượng của tôi, cán bộ chiến sĩ Hải quân rất gần gũi, thân thiết. Các bạn cũng nói với chúng tôi rằng: ‘Các chị cứ yên tâm, tụi em sẽ cố gắng bảo vệ bờ cõi linh thiêng của đất nước mình’. Được sự tư vấn của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đã được biết tình hình cơ sở vật chất hiện nay ở các đảo, vì vậy, trong chuyến thăm lần này Quỹ vì Trường Sa đã quyết định gửi tặng các đảo Trường Sa và nhà giàn 12 bộ máy tính. Năm nay, Ban vận động Quỹ vì Trường Sa cũng đã được thành lập, khi chúng tôi trở về, chúng tôi sẽ hoạt động tích cực hơn nữa, đóng góp mỗi người một chút để giúp đỡ phần nào cho các chiến sỹ.”
Tình cảm là món quà vô giá nhất
Bên cạnh kiều bào Đức và Ba Lan, còn có rất nhiều món quà tới từ cộng đồng người Việt tại Nga, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, CH Séc,… Thế nhưng, có lẽ đối với các chiến sỹ, thì tình cảm của bà con mới chính là món quà vô giá nhất, giống như lời khẳng định của Trung úy Nguyễn Tiến Tảo – Chính trị viên đảo Trường Sa Đông: Tình cảm là cái lớn nhất, quan trọng nhất. Vật chất có thể có nhiều giá trị khác nhau, thế nhưng tình cảm là thứ không thể định giá được. “Mặc dù vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn, nhưng những gì Đoàn mang tới với các chiến sỹ, dù là tình cảm hay vật chất thì chúng tôi đều trân trọng, tấm lòng chính là món quà quý giá nhất”.
Những cái ôm ấm tình quân dân |
Đón nhận những cái ôm, cái bắt tay, hay lời động viên, thăm hỏi đầy ấm áp từ đồng bào bốn phương, những nụ cười rạng rỡ đã nở trên khuôn mặt sạm nắng của các chiến sỹ chỉ mới đôi mươi - những người đã nhận phần thiệt thòi về mình, sẵn sàng cống hiến cả tuổi thanh xuân để lãnh thổ mà cha ông ta để lại được toàn vẹn.
“Nếu chúng em không làm nhiệm vụ này, thì ai sẽ là người làm đây? Chúng em ở đây là để bảo vệ cho quê hương, Tổ quốc, bảo vệ người nhà và bảo vệ cho cuộc sống bình yên cho đất nước mình”. Đó là lời của Binh nhất Đỗ Phạm Trung Hiếu – một trong những người lính trẻ đang công tác tại đảo Trường Sa Đông.
Dưới cái nắng đến cháy da thịt, bên cạnh cột mốc chủ quyền, những người lính vẫn kiên cường đứng đó với cây súng trong tay, làm trọn bổn phận của mình để bảo vệ cho biển đảo quê hương. So với thế hệ trẻ ở đất liền, các bạn phải chịu rất nhiều thiệt thòi, thế nhưng chính nhờ những con người sẵn sàng hy sinh đó thì chủ quyền Tổ quốc mới được gìn giữ.
Khoảnh khắc vẫy chào tạm biệt đầy lưu luyến của các chiến sĩ và kiều bào |
Nói lời tạm biệt vào ngày cuối cùng tại đảo Trường Sa lớn, 200 thành viên trên con tàu KN490 đã cùng đồng thanh hô vang “Kiều bào yêu Trường Sa”, và rồi xúc động nghẹn ngào khi được đáp lại rằng “Trường Sa yêu kiều bào”. Chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 kết thúc đã để lại vô vàn cảm xúc khó quên cho những thành viên của Đoàn công tác số 5. Chắc chắn rằng, mỗi người Việt có cơ hội được đặt chân lên vùng biển đảo thiêng liêng này, sẽ đều ý thức về bổn phận của mình đối với Tổ quốc, và sẽ có những hành động thiết thực nhất để góp phần bảo vệ cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quê hương Việt Nam.“Chúng tôi xa quê đã lâu rồi, chắc ai cũng đều biết là Việt Nam có Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng phải tới khi được đặt chân tới đây, tôi mới hiểu rằng, các đồng bào ơi, Trường Sa của chúng ta xa lắm, thiêng liêng lắm. Mỗi người chúng ta hãy làm gì đó cụ thể và thiết thực cho Trường Sa!” – Anh Phan Văn Tùng, kiều bào CHLB Đức nhắn gửi tới 4,5 triệu con dân đất Việt đang ở khắp mọi miền thế giới.
Mai Phương