A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm giải pháp căn cơ chuyển đổi nghề hiệu quả cho người gốc Việt tại Campuchia

Thực hiện chương trình chuyển đổi nghề, tạo điều kiện ổn định lâu dài cho bà con gốc Việt đang sinh sống trên địa bàn Campuchia, từ ngày 7-10/10/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã tổ chức Đoàn đi khảo sát tình hình thực tế, trao đổi kinh nghiệm về nuôi trồng thuỷ sản tại một số khu vực thuộc tỉnh Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.

Đoàn do Đại sứ Nguyễn Huy Tăng dẫn đầu, cùng đi còn có Oknha Leng Rithy - Trưởng Văn phòng Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Campuchia và một số thành viên khác. Tại Cần Thơ, Đoàn đã được Ban Giám hiệu trường Đại học Cần Thơ và các giáo sư, tiến sĩ Khoa Thuỷ sản của trường giới thiệu một số mô hình phát triển nuôi trồng thuỷ sản; quy trình kỹ thuật lai tạo, ươm cá giống; quy trình ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật; phương thức tập hợp nguồn nhân lực… có gắn kết với thực tiễn của Campuchia để Đoàn tham khảo.

Đoàn cũng khảo sát thực tế tại một số lồng cá bè trên sông Hậu Giang và Nhà máy chế biến thuỷ sản thuộc Tập đoàn Phạm Nghĩa. Đây là những kinh nghiệm quý báu để Đại sứ quán quảng bá hình ảnh và tuyên truyền cho các doanh nghiệp cũng như bà con gốc Việt trên địa bàn có thể đầu tư và chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con một cách bền vững.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Đoàn đã tìm hiểu về thực trạng một số cụm bè nổi của cộng đồng người gốc Việt trên sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Campuchia đối diện với tuyến biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Theo thống kê của tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 6/10/2022, khu vực này có 03 cụm bè với tổng số khoảng 164 bè cá hoặc nhà nổi, tương ứng với khoảng 164 hộ, di dời từ Biển Hồ về (do chính sách của chính quyền Campuchia nhằm bảo vệ môi trường sinh thái trên Biển Hồ và sông Tông Lê Sap).

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng như các thành viên trong Đoàn nhận thấy, đây là vấn đề nan giải nhưng cần sớm được giải quyết để bảo đảm ổn định đời sống cho bà con; cần có giải pháp “căn cơ”, “sắm cần chứ không phải cho cá”; huy động các mạnh thường quân tham gia xây dựng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản nhỏ và vừa ngay trong khu vực… để tuyên truyền, vận động bà con có ý thức và tự chuyển đổi nghề.

Thời gian tham gia khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tuy ngắn nhưng đã để lại cho Đoàn nhiều suy tư, trăn trở đối với nỗi gian nan, vất vả của bà con gốc Việt trên địa bàn Campuchia sống bằng nghề sông nước. Hy vọng sắp tới, với sự đồng hành của chính quyền, các doanh nghiệp và nhân dân hai bên khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia sẽ sớm có giải pháp thiết thực giúp bà con gốc Việt vượt mọi khó khăn trong giai đoạn hiện nay./.

* Một số hình ảnh Đoàn công tác làm việc tại các tỉnh: 

Nguyễn Sơn Thủy


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm