Niềm tin, tình cảm và trách nhiệm
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai vừa được tổ chức thành công ở Thành phố Hồ Chí Minh là dấu mốc mới với ý nghĩa rất to lớn và tác động rất quan trọng đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt đối với sự phát triển vững mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới. Một trong những chủ đề nội dung quan trọng trên chương trình nghị sự của Hội nghị là thông tin chuyên đề về tình hình bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.
|
Trình bày của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng, tại Hội nghị đã được các đại biểu kiều bào tham dự Hội nghị đặc biệt quan tâm và tâm đắc. Với thông tin rất cụ thể và hệ thống, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã thông tin cho bà con và hội nghị về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước nói chung và biển đảo nói riêng, về những diễn biến mới đây nhất liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của nước ta ở Biển Đông, về chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo vệ chủ quyền biển đảo trên Biển Đông nói riêng, về những gì chúng ta đã đạt được và những gì còn cần phải tiếp tục làm. Những thông tin trong trình bày của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn cũng giúp bà con và những người tham dự Hội nghị hiểu rõ thêm về ý đồ và dự định của những đối tác bên ngoài khi đưa ra những đòi hỏi vô lý về chủ quyền trên Biển Đông và khi có những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của nước ta ở Biển Đông. Thông cảm và đáp ứng mối quan tâm sâu sắc của người Việt Nam ở xa Tổ quốc, nặng sâu nỗi lo canh cánh về mưu đồ của các thế lực bên ngoài muốn từng bước độc chiếm Biển Đông, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã nêu lại những chứng cớ pháp lý quốc tế và lịch sử vững chắc để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và cho dù trong thời gian gần đây có nhiều diễn biến mới rất phức tạp trên Biển Đông, chúng ta vẫn bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ đất nước, không để mất một tấc biển, một đảo ngầm, một đảo nổi hay nhà giàn nào của Việt Nam vào tay bất cứ nước nào.
Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời kiên định chủ trương giải quyết mọi tranh chấp nảy sinh ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình. Chúng ta có đầy đủ khả năng về tinh thần cũng như vật chất để thực hiện thành công mục tiêu và chủ trương ấy.
Chúng ta có chân lý và lẽ phải. Chúng ta có truyền thống đấu tranh gìn giữ tự do, độc lập, chủ quyền lãnh thổ đất nước. Chúng ta có đường lối chính sách đúng đắn. Chúng ta có những cơ sở pháp lý quốc tế và cả quá trình lịch sử làm nền tảng và chỗ dựa cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước hiện tại cũng như trong tương lai. Chúng ta có sự đồng lòng nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
|
Mối quan tâm sâu sắc của người Việt Nam ở nước ngoài về công tác bảo vệ chủ quyền đất nước rất chính đáng và rất đáng trân trọng. Sự chia sẻ với trong nước trong việc này thể hiện tình cảm gắn bó máu thịt với đất nước của người Việt nam ở nước ngoài. Cũng không khó hiểu bởi ở nơi xa, bà con không có được thông tin đầy đủ và kịp thời, không tận mắt chứng kiến. Sự thật vẫn còn bị một bộ phận nhất định ở bên ngoài xuyên tạc và bóp méo với ý đồ gây phân rẽ giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước, làm tổn hại đến khối đại đoàn kết dân tộc của dân tộc Việt Nam.
Hiểu rõ nguồn cơn và tình hình hiện tại, vững tin vào đường lối đúng đắn và quyết tâm sắt đá của cả đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tự xác định được cho mình cần phải làm gì và có thể làm được gì để góp phần vào công cuộc chung này của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tình cảm và trách nhiệm ấy cũng đã được kiều bào ta thể hiện sinh động thông qua rất nhiều hình thức hoạt động ở nước ngoài và trong nước, đặc biệt dành cho những quân và dân ở vùng biên giới và biển đảo.
Bà Gia Hoà Thị Ryan về từ Mỹ bày tỏ: "Bài nói chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn về biển đảo tại Hội nghị rất hay và đầy đủ thông tin cả về lịch sử, hiện tại và chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Tham dự Hội nghị có nhóm báo chí tại Mỹ, họ sẽ chuyển tải những thông tin đó tới cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, đặc biệt là tới những người chưa biết nhiều về biển đảo Việt Nam, những người còn có những suy nghĩ lệch lạc, chưa đúng. Tôi lại là người Khánh Hoà nên khi được biết có chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, tôi đã rất mong muốn được tham gia. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé của mình cho các em nhỏ quê hương tôi. Tôi nhận thấy, nơi tiền tiêu của Tổ quốc, giữa biển khơi mênh mông, đảo quê hương ở đó cùng những đồng bào bám biển quê hương và người lính hải quân ngày đêm canh giữ, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa tới họ".
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Australia, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt kiều Australia bày tỏ: "Tôi thấy việc làm góp tay xây trường ở Trường Sa vô cùng ý nghĩa. Khi thấy người dân và các chiến sĩ hải quân Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió tôi rất xúc động. Và tôi thấy mình cần có trách nhiệm hơn với quê hương. Cùng với bà con kiều bào ở Úc quyên góp ủng hộ chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” tôi thấy dường như mình và cộng đồng đã đến gần biển đảo quê hương hơn. Tôi tin chắc ai xa quê hương cũng đều có cảm nhận như tôi".
Là thành viên trong Quỹ nghiên cứu Biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình (Mỹ) cho biết, ông được đọc rất nhiều thông tin về biển đảo quê hương, nhưng thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì qua bài nói chuyện của thiếu tướng Tuấn ông mới được biết đầy đủ. Tình hình Biển Đông nóng lên thì những chiến sĩ của chúng ta gian khổ hơn. Nơi đầu sóng ngọn gió, các anh phải đối diện với những khó khăn, gian khổ nhất, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nhà Giàn. "Dù ở trong hay ngoài nước, chúng tôi những con lạc cháu hồng đều hết lòng ủng hộ các chiến sĩ ngoài biển đảo, nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Cũng như rất nhiều người dân đất Việt, tôi có nguyện vọng được ra thăm quần đảo Trường Sa, thăm các chiến sĩ và người dân mình và cũng là để xem mình có thể làm được gì để đóng góp cho các chiến sỹ. Đó là tình cảm của người hậu phương".
Vẫn thường theo dõi thông tin về Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua các trang báo điện tử của báo chí trong nước, bà Hà Thị Văn Lang (Thái Lan) thấy ở quần đảo Trường Sa nhiều công trình được xây dựng khang trang cùng nhiều cây xanh và rau xanh lại có cả điện bà rất phấn khởi. Bà cũng cho biết kiều bào ở Thái Lan luôn hướng về biển đảo quê hương, hướng về những người lính hải quân và đồng bào mình trên đó với những tình cảm sâu nặng và thiết thực.
Cùng với tình cảm sâu sắc của bà con là nhận thức về trách nhiệm của tất cả người Việt Nam nói chung và người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng về góp phần mình vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Những thông tin về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước được trình bày tại Hội nghị đã củng cố niềm tin của bà con kiều bào và tất cả những thành viên tham dự Hội nghị vào tính đúng đắn và tất thắng của đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Phương Thuận