Người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước
Với tổng số trên 4 triệu người sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cộng đồng NVNONN được đánh giá là cộng đồng trẻ, năng động, có nhiều tiềm năng về đầu tư, kinh doanh, tri thức quản lý và khoa học – công nghệ, ngày càng hội nhập sâu hơn, không những luôn chấp hành tốt luật pháp nước sở tại mà còn có vị thế chính trị cũng như kinh tế trong xã hội sở tại, được nhân dân và Chính phủ nước sở tại yêu mến, đồng thời ngày càng hướng về quê hương.
|
Sau 3 năm kể từ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất được tổ chức (11/2009), tình hình thế giới, khu vực, trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều biến chuyển. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã cho thấy sự thay đổi về chất trong chính sách đối ngoại, từ chỗ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tức là hội nhập toàn diện gồm cả kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, Đại hội XI của Đảng cũng đặt ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước tình hình mới của thế giới, trong nước cũng như những yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 – Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước” nhằm thông tin tới bà con về tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước sau Đại hội Đảng XI, đồng thời xác định các biện pháp thực hiện yêu cầu mới trong công tác vận động cộng đồng, làm sao để huy động tốt hơn nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và phát huy tốt hơn vai trò đối ngoại nhân dân của kiều bào trong tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước.
Thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài liên tục phát triển và lớn mạnh cả về lượng và chất. Về mặt lượng, ngày càng đông người Việt sang nước ngoài theo diện lao động, kinh doanh, nghiên cứu, du học, lao động xuất khẩu hoặc định cư, đoàn tụ gia đình, du lịch, kết hôn… nâng tổng số người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay lên hơn 4 triệu người. Địa bàn cư trú của cộng đồng được mở rộng trên 103 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, kể cả những khu vực nghèo và đang phát triển ở châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ hoặc các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đại bộ phận (khoảng 98%) vẫn tập trung ở 21 nước thuộc năm khu vực địa lý: Bắc Mỹ, Tây Bắc Âu, Nga và Đông Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Úc.
Đoàn công tác, trong đó có đại biểu kiều bào, do Thứ trưởng Ngoại giao |
Về mặt chất, kiều bào ta ở nước ngoài được đánh giá là cộng đồng trẻ, năng động, có nhiều tiềm năng về đầu tư, kinh doanh, tri thức quản lý và khoa học – công nghệ, ngày càng hội nhập sâu hơn, không những luôn chấp hành tốt luật pháp nước sở tại mà còn có vị thế chính trị cũng như kinh tế trong xã hội sở tại, được nhân dân và Chính phủ nước sở tại yêu mến. Thế hệ trẻ kiều bào (thứ 2 và 3) đang thay thế dần lớp người lớn tuổi trong các sinh hoạt cộng đồng, chiếm đa số là lớp trí thức trẻ, tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu và châu Úc làm việc trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, kỹ thuật công nghệ cao từ điện tử, tin học, viễn thông, vật liệu mới, sinh học cho đến công nghệ hàng không, vũ trụ, sản xuất vũ khí... Trong đó một số người có tên tuổi và uy tín khoa học lớn được thế giới, xã hội sở tại vinh danh như: Gs.Vs. Vật lý Trần Thanh Vân – người châu Á thứ 3 được nhận Huy chương Tate do Viện Vật lý Mỹ trao tặng nhằm vinh danh những người có công lao to lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên quy mô quốc tế; Gs Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận được Học viện Pháp quốc tặng Giải thưởng Thế giới Cino del Duca 2012; Gs Ngô Bảo Châu xuất sắc vượt qua nhiều nhà toán học tên tuổi khác trên thế giới để nhận giải thưởng Fields – giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học; Gs Vũ Hà Văn được Hội Quy hoạch Toán học và Hội Toán học Mỹ trao Giải Fulkerson, một giải thưởng dành cho các bài báo xuất sắc về Toán học rời rạc; hay gần đây nhất, Gs Đàm Thanh Sơn được Đại học Chicago (Hoa Kỳ) bổ nhiệm làm “Giáo sư Đại học” vật lý – danh hiệu đại diện cho khát khao học thuật cao nhất của Đại học Chicago bởi những người được bổ nhiệm là những nhà khoa học có tài năng xuất sắc được quốc tế công nhận và có tầm ảnh hưởng rộng lớn…
Bên cạnh đó, tiềm lực kinh tế của kiều bào ngày càng được nâng cao, bà con có xu hướng đầu tư về nước ngày một nhiều hơn. Lượng kiều hối về nước tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước là một minh chứng rõ ràng cho xu thế gắn bó ngày càng tăng giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện nền kinh tế thế giới và trong nước đang vận lộn với những khó khăn do chịu ảnh hưởng của cuộc nợ công châu Âu, kiều hối từ năm 2009 – 2011 vẫn tăng từ 6.2 tỷ - 8.8 tỷ USD đóng góp 1/10 cho GDP của cả nước. Cho đến nay, có khoảng 3.546 dự án đầu tư của kiều bào với tổng số vốn đạt khoảng 8,4 tỷ USD, có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, xã hội, trực tiếp góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm và phát triển đất nước. Phần lớn những dự án đầu tư của Việt kiều đều có quy mô nhỏ, trước đây chủ yếu nhằm vào kinh doanh nhỏ như nhà hàng, khách sạn hoặc du lịch... Gần đây, đầu tư của kiều bào đang có xu hướng chuyển dịch sang nhiều lĩnh vực khác, có quy mô lớn hơn và thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp đa dạng hơn, như: dược phẩm, hóa chất, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, xây lắp cao cấp, tài chính-ngân hàng, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phần mềm... Ngoài ra, trên thực tế, một phần không nhỏ đầu tư của bà con được thực hiện dưới hình thức góp vốn liên doanh hay thông qua thân nhân trong nước.
|
Thời gian qua, các hoạt động do Ủy ban tổ chức dành cho kiều bào như Xuân Quê hương, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Giỗ Tổ Hùng Vương, Trại hè Việt Nam, Đoàn kiều bào đi thăm và tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa... không chỉ thu hút được đông đảo các đại biểu kiều bào là các nhà doanh nhân, nhà khoa học, giới trí thức trẻ, những Lãnh đạo Hội đoàn nòng cốt mà gần đây còn thu hút được sự quan tâm của các cơ quan truyền thông hải ngoại như Bolsa TV, Viet Weekly, KBC hải ngoại… tạo nên nhiều bước đột phá lớn trong công tác thông tin tuyên truyền. Mặt khác, đây cũng là dịp để những người con trước đây vì nhiều lý do phải xa Tổ quốc xích lại gần hơn với quê hương, cùng hòa chung nhịp thở của quê hương, cùng chung tay giải quyết các công việc trọng đại của đất nước.
Tuy vậy, cùng với sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu, rộng vào xã hội sở tại, bà con ta ở nước ngoài vẫn đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn. Đó là những trở ngại từ chính sách của nước sở tại, những vấn đề trong nội tại cộng đồng và những vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với kiều bào mà hiện nay ta chưa hoàn thiện được. Bên cạnh đại đa số người Việt ở nước ngoài đã được hưởng quy chế định cư rõ ràng, có cơ sở pháp lý vững chắc để cư trú và hội nhập sâu rộng hơn vào đời sống kinh tế - xã hội, cộng đồng người Việt ở một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Đông Âu và châu Phi vẫn tiếp tục gặp trở ngại về quy chế cư trú và làm ăn, kinh doanh. Vấn đề thế hệ cũng đặt ra nhiều thử thách cho cộng đồng trong việc giữ mối liên kết nguồn cội và giữ gìn tiếng Việt, cũng như bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù những năm qua, một loạt chính sách về các vấn đề lợi ích thiết thân của kiều bào như miễn thị thực, cư trú, hồi hương, kiều hối, ưu đãi đầu tư, kinh doanh... đã được ban hành và thực hiện theo hướng ngày càng tạo thuận lợi cho bà con nhưng hiện nay các dự án đầu tư của kiều bào vẫn còn ở con số hạn chế, bà con vẫn phải thông qua nhiều kênh để đầu tư, mua nhà do còn những bất cập trong việc thực thi chính sách và các thủ tục hành chính... Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ, tuy ngày càng bị thu hẹp, suy yếu và cô lập, vẫn còn tiếp tục có nhiều hoạt động chống phá, đi ngược lại với lợi ích chung của cộng đồng và đất nước.
|
Phát huy kết quả đã đạt được của Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (11/2009), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 – Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước” là một minh chứng sinh động thể hiện tinh thần của Nghị quyết 36 về đại đoàn kết dân tộc trong thời đại mới. Hội nghị được tổ chức từ ngày 26 – 30/9/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến có sự tham gia của hơn 1000 đại biểu trong đó có khoảng 750 đại biểu kiều bào là các trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, lãnh đạo hội đoàn, người có uy tín, có công, thanh niên sinh viên tiêu biểu… ở các nước và vùng lãnh thổ có người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống, do các cơ quan đại diện của ta cũng như các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương trong nước giới thiệu. Trước những yêu cầu mới được đặt ra về phát triển đất nước và hội nhập toàn diện, Hội nghị tập trung vào việc xác định vai trò và vị trí của kiều bào trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước đã được đề ra tại Đại hội Đảng XI cụ thể là vai trò đối ngoại nhân dân, quảng bá văn hóa Việt Nam tới thế giới và đưa Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế, chính trị, văn hóa… của thế giới thông qua “kênh đối ngoại” kiều bào. Đồng thời, Hội nghị cũng sẽ đi sâu thảo luận những vấn đề hết sức cụ thể như vấn đề bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc – động lực chính đoàn kết cộng đồng và gắn bó với đất nước, phát huy vai trò cầu nối, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài của kiều bào hay vấn đề huy động hai nguồn lực chính trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay là trí thức Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân kiều bào trong công cuộc hiện đại hóa – công nghiệp hóa của đất nước. Bên cạnh việc được thông tin về tình hình đất nước trong thời gian qua, đặc biệt là sau Đại hội Đảng XI, các đại biểu kiều bào sẽ được tận mắt chứng kiến sự đổi thay và phát triển của Tổ quốc khi tham gia vào các hoạt động tham quan trong khuôn khổ chương trình Hội nghị do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Trước những yêu cầu phát triển và hội nhập mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra, cùng sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới cần phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh của kiều bào, giảm thiểu những khó khăn, trở ngại mà bà con đang gặp phải để tận dụng tốt nhất nguồn lực quý giá này cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 và tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai là cơ hội để bà con chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, thêm vững tin vào Đảng, Nhà nước và được trực tiếp tham gia vào những công việc trọng đại của dân tộc. Đồng thời, Hội nghị cũng giúp các cơ quan chức năng đánh giá đầy đủ hơn, sát thực hơn về tình hình cộng đồng hiện nay; những khó khăn, lực cản mà cộng đồng đang gặp phải khi hội nhập vào xã hội sở tại; vai trò và vị trí của cộng đồng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trong bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc... từ đó đề ra những chính sách, biện pháp để cộng đồng ngày càng ổn định, phát triển, hội nhập vào xã hội sở tại, tiếp tục hướng về quê hương, chung sức với nhân dân cả nước gánh vác các công việc trọng đại và cùng song hành với Tổ quốc trước những thử thách lớn lao trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Ngoại giao,
Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN