Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sắp xếp lại giang sơn và sức mạnh đoàn kết: Đồng lòng thực hiện bước đi lịch sử

“Sắp xếp lại giang sơn” dù đã và sẽ đối mặt với nhiều thách thức, chắc chắn sẽ thành công một khi chúng ta có được sự đoàn kết “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong bộ máy chính trị.

Cán bộ phường Cửa Nam tiếp công dân vào đầu giờ sáng 1/7/2025. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ngày 1/7/2025, bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố - một chỉnh thể hành chính mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chính thức được khởi động.

Đây là thời khắc thiêng liêng khi “cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân," như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược “sắp xếp lại giang sơn” dù đã và sẽ đối mặt với nhiều thách thức, chắc chắn sẽ dẫn tới thành công một khi chúng ta có được sự đoàn kết “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong bộ máy của hệ thống chính trị.

Cuộc cách mạng nào cũng cần sự hy sinh

Ngày hôm nay đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Song, cuộc cách mạng kép - vừa tinh gọn bộ máy, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phục vụ nhân dân tốt hơn, cũng ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân của hàng trăm nghìn cán bộ, đảng viên, công chức.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau sắp xếp, sáp nhập, hơn 18.440 biên chế cán bộ, công chức ở cấp tỉnh (bao gồm khối Đảng, đoàn thể và khối chính quyền) và hơn 110.780 biên chế ở cấp xã sẽ được cắt giảm so với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2022. Khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước ngừng làm việc.

Sau khi 696 đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước không còn tồn tại, hơn 22.350 biên chế từ đây được điều chuyển về cấp xã.

Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm từ 63 xuống 34 (giảm hơn 46%), số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 10.035 xuống còn hơn 3.321 đơn vị (giảm gần 70%).

Về tổ chức đảng cấp tỉnh - giảm 29 đảng bộ tỉnh, thành phố (từ 63 xuống còn 34); giảm hơn 260 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh.

Có 694 đảng bộ huyện và hơn 4.160 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp huyện kết thúc hoạt động.

Việt Nam đã trải qua nhiều đợt tách, nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vào năm 1976 đất nước ta có 38 tỉnh, thành phố, vào năm 1978 con số đơn vị cấp tỉnh nâng lên 39, năm 1979 là 40, năm 1989 là 44, năm 1991 là 53, năm 1996 là 61, năm 2004 là 64 và năm 2008 còn 63.

Tuy nhiên, sự “sắp xếp lại giang sơn” năm 2025 là cuộc cách mạng về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trong cả nước có quy mô lớn nhất, toàn diện, triệt để nhất từ trước đến nay, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, mọi cấp, ngành, địa phương, trực tiếp đến từng người dân. Bản chất của việc sáp nhập không nằm ở việc thay đổi địa giới hành chính một cách cơ học mà là tổ chức lại không gian phát triển, tổ chức lại hệ thống quản trị, tái cấu trúc lại mô hình vận hành quản trị nói chung và chính quyền địa phương các cấp nói riêng. Số lượng đơn vị hành chính các cấp giảm nhưng tăng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

ttxvn-lang-son-chinh-quyen-hai-cap-niem-tin-va-ky-vong-8122980.jpg
Cán bộ làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Đông Kinh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN
 

Phát huy “tính đảng” để vượt qua “tâm tư cá nhân”

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra những thách thức và nguy cơ chia rẽ trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, trước hết là sự lo ngại trong đội ngũ cán bộ, bởi khi sáp nhập thì một số người sẽ mất vị trí hoặc phải chuyển đổi công tác.

Thực tế cho thấy, ở “mỗi con người trong bộ máy” đều có độ vênh nhất định giữa nhận thức xã hội nói chung và sự đắn đo liên quan đến lợi ích cá nhân của riêng mình.

Hầu hết cán bộ, đảng viên đều nhận thức được sự cần thiết của Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả."

Họ cũng đồng tình với những nội dung mà Nghị quyết số 18-NQ/TW chỉ ra là tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở nước ta vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối; hiệu lực hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức còn chồng chéo; việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý; việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp; cải cách hành chính chuyển biến chậm…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có sự níu kéo từ lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể nhỏ. Một số cá nhân, tổ chức có thể hăng hái ủng hộ chủ trương chung về việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khi điều này “chưa đụng đến tôi," “không va phải đơn vị của chúng tôi, tỉnh tôi." Mọi việc có thể thay đổi khi họ phải "vào cuộc."

Bởi vậy, trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết," Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phải phát huy mạnh mẽ "tính Đảng" và bản lĩnh chính trị trong mỗi tổ chức Đảng và từng đảng viên. Mọi cán bộ, đảng viên cần phải kiên định đặt lợi ích chung của đất nước, của Đảng lên trên hết, chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và kỷ luật Đảng. Những ý kiến khác biệt trong nội bộ cần được đưa ra thảo luận dân chủ, thẳng thắn và xây dựng; sau khi đã thống nhất thì phải đoàn kết, nghiêm túc thực hiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bè phái, cục bộ địa phương, gây rạn nứt đoàn kết nội bộ.

Chỉ khi thống nhất về tư tưởng và hành động từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, khối đoàn kết toàn Đảng và toàn dân mới thực sự vững chắc, tạo nên sức mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ sắp xếp lại bộ máy, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.

ttxvn-nguoi-dan-con-dao-tin-tuong-vao-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-8123189.jpg
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Côn Đảo. Ảnh: TTXVN 
 

Bên cạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo thì đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích và công bằng xã hội, góp phần củng cố đoàn kết trong quá trình tái cơ cấu. Đồng thời, cần tiếp tục xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ hợp lý, thiết thực đối với các địa phương và cán bộ chịu tác động trực tiếp từ quá trình sáp nhập, từ các chính sách hỗ trợ tài chính, phụ cấp, động viên, khen thưởng, khuyến khích... đến công tác an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng cho các địa phương mới sáp nhập.

Sự đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị chính là chìa khóa thành công của cải cách hành chính lần này. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn; sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân sẽ tạo nền tảng ổn định triển khai hiệu quả mô hình mới. Chưa bao giờ yêu cầu "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong bộ máy của hệ thống chính trị lại quan trọng như lúc này.

Song hành với việc “sắp xếp lại giang sơn," ngày 24/6/2025, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Cán bộ, công chức 2025, có hiệu lực từ ngày 1/7.

Trong chỉnh thể hành chính mới, cán bộ, công chức bị nghiêm cấm trốn tránh, thoái thác, né tránh, đùn đẩy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý nghỉ việc, bỏ việc; tham gia đình công; đăng tải, phát tán, phát ngôn thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

Nghiêm cấm hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật đối với người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ, công chức bị nghiêm cấm sử dụng tài sản công của Nhà nước và tài sản của nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn, sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để trục lợi; có hành vi phân biệt đối xử dân tộc, giới tính, độ tuổi, khuyết tật, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xã hội dưới mọi hình thức trong thi hành công vụ./.

(Theo TTXVN/Vietnam+)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm