A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh

Sáng 13/11, song song với Hội nghị chuyên đề 3, Hội nghị chuyên đề 4 với chủ đề “Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh” đã diễn ra với sự tham dự của hơn 100 đại biểu kiều bào là những doanh nhân, chuyên gia kinh tế Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ trì Hội nghị chuyên đề 4 gồm có ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Peter Hồng - kiều bào tại Úc và ông Nguyễn Trí Hiếu - kiều bào tại Mỹ.

Hội nghị chuyên đề 4 là diễn đàn trao đổi với các doanh nhân, chuyên gia kinh tế Việt Nam ở nước ngoài về các vấn đề như: đầu tư, thị trường, hệ thống pháp lý, nhận diện các rào cản để kiến nghị tháo gỡ; thiết lập quan hệ, phát huy vai trò của cá nhân và các tổ chức doanh nhân kiều bào nhằm thúc đẩy đầu tư, mở rộng thị trường của TP Hồ Chí Minh; xúc tiến, quảng bá một số dự án thu hút đầu tư trọng điểm của TP để kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát biểu dẫn đề Hội nghị chuyên đề 4, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh - cho biết: Thành phố đã tập trung thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát, khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh; hiệu quả đầu tư tăng; tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu, động lực của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, dẫn đến nguồn nguyên liệu và phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất trong một số lĩnh vực vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, giá thành cao, khó cạnh tranh… trình độ công nghệ sản xuất chưa được nâng cao; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị còn chậm… Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tuy có tăng nhưng mức đầu tư vẫn còn hạn chế, hầu hết các dự án được cấp giấy phép gần đây đều có quy mô nhỏ; môi trường đầu tư tuy được cải thiện nhiều, nhưng mức độ cạnh tranh so với các nước trong khu vực chưa cao và còn hạn chế…

Ông Phạm Thành Kiên đề xuất cần trao đổi, thảo luận các giải pháp xoay quanh các nội dung như: Đẩy mạnh xúc tiến thành lập các doanh nghiệp, nhà phân phối chuyên kinh doanh hàng hóa Việt Nam, xây dựng các chương trình xúc tiến theo hướng đa dạng hoá, tăng cường giới thiệu, quảng bá về những điểm mạnh của du lịch TP; kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị và Hội chợ triển lãm tại TP; đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics, đầu tư sản xuất vật liệu mới có chất lượng cao; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ; đầu tư xây dựng các “Chung cư nhà xưởng” trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đầu tư sản xuất phù hợp với Danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao theo các quy định hiện hành…; đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…

Cần cải thiện môi trường đầu tư để thu hút kiều bào 

Với chủ đề xuyên suốt “Kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của TP Hồ Chí Minh”, các tham luận tại Hội nghị chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; các chính sách phát triển kinh tế; kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị đối với TP Hồ Chí Minh.

Các doanh nghiệp cũng trao đổi về những vướng mắc trong chính sách, thủ tục hành chính và ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp kiều bào. Ông David Dương - kiều bào tại Mỹ, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam - cho biết: “Khi đời sống phát triển, nhiều kiều bào mong muốn được đầu tư về trong nước để góp phần xây dựng quê hương. Tuy vậy, việc phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp Việt kiều chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những khó khăn chính trong việc kiều bào về đầu tư trong nước là các chính sách dù được cải thiện nhưng vẫn còn rườm rà, đôi khi ở nhiều nơi việc thực thi chính sách chưa hiệu quả. Môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, thiếu minh bạch cũng là một thử thách cho doanh nghiệp”.

Là một chuyên gia tài chính ngân hàng đã làm việc nhiều năm ở Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào tại Mỹ, nhận định bên cạnh cơ hội, những nhà đầu tư kiều bào cũng có nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên chính là vấn đề pháp lý. Hiện tại Việt Nam có những bộ pháp lý tương đối hoàn chỉnh, nhưng còn rất nhiều điều luật của Việt Nam còn khác xa luật lệ quốc tế gây trở ngại cho các nhà đầu tư kiều bào vì khi vào Việt Nam họ phải thích ứng với một môi trường pháp lý khác biệt với môi trường họ đang hoạt động tại các nước sở tại. Thứ hai, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu sự minh bạch. Xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch là tiền đề để các nhà đầu tư và doanh nhân Việt kiều mạnh dạn tham gia thị trường Việt Nam. Về quản lý ngoại hối, cần phải có những chính sách ngoại hối thông thoáng hơn cho kiều bào để tạo điều kiện cho bà con thực hiện việc chuyển nhượng vốn cũng như lợi nhuận kinh doanh về nước sở tại đúng pháp luật.

Kiều bào hiến kế để TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế bền vững

Với tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, các doanh nhân và chuyên gia trí thức kiều bào đã thảo luận và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng nhằm mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực trong các hoạt động đầu tư kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh.

Để xây dựng cơ chế đột phá, thu hút đầu tư cho TP Hồ Chí Minh, bà Đinh Thanh Hương, kiều bào tại Pháp, đề xuất nghiên cứu các giải pháp như: Bắt đầu bằng một tư tưởng lớn “Cần vươn lên thành một thành phố tầm cỡ của Châu Á”, tư tưởng lớn này cần được truyền tải liên tục thường xuyên; Xây dựng chiến lược về thu hút đầu tư dài hạn 20-30 năm; Xây dựng bộ chỉ số quản lí để các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ những qui định của Thành phố; Tạo lòng tin cho nhà đầu tư, trên cơ sở chuẩn hóa quá trình chọn lọc đầu tư, cấp giấy phép, hỗ trợ phát triển thị trường; Kiên quyết xử lí, và công khai các hành vi nhũng nhiễu và tham nhũng của những người tham gia quyết định; Lập một trang web riêng, công bố các ưu tiên về thu hút đầu tư, đồng thời là nơi cá nhân, tập thể có thể gợi ý các ý tưởng có thể đầu tư tại TP.

Chia sẻ về cơ hội đầu tư và khởi nghiệp cho nông nghiệp Việt Nam, TS Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào tại Canada, cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cần nắm bắt những yếu tố như: nghiên cứu sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường như: “phân bón thông minh” và “phân bón tan chậm có kiểm soát” để giúp ruộng đồng Việt Nam xanh và sạch hơn; nghiên cứu sử dụng những thiết bị Internet of things và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho việc đo đạc chất lượng, phân phối và quản lý nước trong nông nghiệp; cải tiến công nghệ đóng gói bao bì để tăng thời gian bảo quản; ứng dụng thương mại điện tử, phát triển hệ thống bán hàng tự động và giao hàng tận nhà...

Có thể nói, thông qua các tham luận và trao đổi, đối thoại tại Hội nghị, nhìn chung, ý kiến của các đại biểu đều mang tính xây dựng và mong muốn TP Hồ Chí Minh có những giải pháp để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Thay mặt cho Ban Tổ chức Hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân kiều bào tham dự Hội nghị.

Ngay sau kết thúc Hội nghị chuyên đề 3 và 4, các đại biểu tham dự Hội nghị đã dự Lễ Bế mạc Hội nghị.

Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm