Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai

Sáng nay (27/9), tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai đã khai mạc với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước”.

Đến dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Bảo Nghiêm; Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cùng hơn 250 lãnh đạo, đại biểu đại diện các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Và đặc biệt là sự tham dự của đông đảo kiều bào với 750 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục là những trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, lãnh đạo các hội đoàn, những người có uy tín trong cộng đồng, thanh niên, sinh viên tiêu biểu…

 Khoảng 750 đại biểu kiều bào đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ
đã về tham dự Hội nghị

Hội nghị do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cùng các bộ Khoa học -Công nghệ, Giáo dục & Đào tạo, Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin - Truyền thông và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Hội nghị là nơi hội  tụ đại diện của nhiều thế hệ, thành phần kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, tiêu biểu cho trí tuệ, nguyện vọng, tâm huyết của kiều bào đối với sự phát triển cộng đồng và hướng về quê hương, đất nước.

Nỗ lực xây dựng cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai thể hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc; sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, là dịp để quảng bá đất nước, con người Việt Nam.

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Hội nghị sẽ là diễn đàn rộng rãi để trao đổi, thu thập ý kiến nhằm đánh giá toàn diện về tình hình cộng đồng NVNONN, về hiệu quả thực chất của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN để từ đó tìm ra các giải pháp thiết thực hơn trong việc xây dựng, củng cố và đẩy mạnh công tác quan trọng này của Đảng và Nhà nước. Kết quả của Hội nghị lần này sẽ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành TW và địa phương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trước mắt và lâu dài nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính đáng, thiết thực của bà con đồng thời tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để đồng bào ở xa Tổ quốc tiếp tục phấn đấu xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, có vị trí trong xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt và ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước”.

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu Khai mạc Hội nghị

Báo cáo về tình hình và công tác cộng đồng tại Hội nghị, ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu – Tổng hợp, Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho biết: Những năm gần đây, thêm nhiều tổ chức, hội mới được thành lập, nội dung sinh hoạt phong phú, đáp ứng nhu cầu tập hợp cộng đồng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều kiều bào ở Mỹ, Pháp, Đức và đặc biệt là ở các nước Đông Âu chọn giải pháp về Việt Nam đầu tư, kinh doanh; có không ít dự án hiệu quả, quy mô lớn.

Hằng năm có khoảng 500 nghìn lượt kiều bào về nước, trong đó có không ít chuyên gia, trí thức về làm việc và nhiều người về tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Hiện có trên 3500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc góp vốn của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm, năm 2011 đạt trên 9 tỷ USD, chiếm gần 1/10 GDP, đưa Việt Nam trở thành một trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất; 6 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán và kinh tế của đất nước.

Công tác vận động kiều bào đã được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước.

Tháng 4/2012, Bộ Ngoại giao - Ủy ban nhà nước về NVNONN cùng với các cơ quan hữu quan đã tổ chức thành công đoàn kiều bào tiêu biểu đi thăm quân dân huyện đảo Trường Sa. Có thể nói, đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với kiều bào ta đang sống xa quê hương, được tận mắt chứng kiến chủ quyền lãnh thổ đang được quân dân Huyện đảo ngày đêm canh giữ.

Chào mừng Hội nghị, ông Johnathan Hạnh Nguyễn (kiều bào tại Philippine) đã phát biểu cảm ơn và đánh giá cao các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt cho người về đầu tư, kinh doanh và đóng góp xây dựng đất nước.

Để có chính sách rộng mở thông thoáng hơn mời gọi các doanh nhân - trí thức kiều bào về cùng tham gia xây dựng đất nước thông qua các cơ chế chính sách được điều chỉnh hay bổ sung, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã nêu lên một số việc cần chú trọng thực hiện. Trong đó, ông nhấn mạnh, kiều bào bây giờ không chỉ có lớp người lớn tuổi, mà còn có thế hệ trẻ đang nổi lên với nhiều thành tích, chính họ đang làm thay đổi cơ cấu cộng đồng và từng bước thay thế lớp người lớn tuổi. Đặc điểm của thế hệ này phần lớn được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, ít có cơ hội tiếp cận với văn hoá, phong tục tập quán và truyền thống của dân tộc, nhưng bù lại họ được đào tạo chính quy, tiếp cận với môi trường khoa học quản lý tiên tiến, hiện đại với tư duy sáng tạo. Thực sự thế hệ trẻ này chính là nguồn lực mới, nối tiếp của cộng đồng NVNONN. Với đặc điểm như vậy, họ phải là đối tượng quan trọng của công tác vận động kiều bào trong tương lai để khai thác mọi nguồn lực của họ đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính phủ cần có nhiều chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi cho họ gắn bó với quê hương, giữ bản sắc văn hóa, giữ tiếng Việt, trở về Việt Nam kinh doanh và đầu tư.

Tập trung làm rõ những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng, định hướng trong xây dựng và phát triển cộng đồng

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định: Thực tế thời gian qua cho thấy kiều bào ở một số nơi vẫn chưa thực sự có cuộc sống bảo đảm, địa vị pháp lý chưa ổn định; nhu cầu về giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, trong đó có việc duy trì tiếng Việt đang trở nên hết sức cấp thiết; công tác xây dựng và phát triển hội đoàn gặp không ít khó khăn, tính gắn kết trong nhiều khu vực cộng đồng không cao; một bộ phận nhỏ kiều bào do thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch nên còn có những việc làm đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và dân tộc. Ở trong nước, việc huy động nguồn lực của cộng đồng còn nhiều hạn chế. Nhiều chính sách liên quan đến quyền lợi thiết thân của kiều bào như vấn đề quốc tịch, đầu tư kinh doanh, mua và sở hữu nhà… vẫn còn vướng mắc trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, ta cũng thiếu những chính sách, biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi và tạo điều kiện hỗ trợ cho trí thức kiều bào về làm việc ở trong nước.

Nhằm động viên và phát huy hơn nữa các nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới, ông Lê Hồng Anh đề nghị Hội nghị lần này cần tập trung vào các nội dung sau. Thứ nhất, cần đánh giá một cách đầy đủ và sát thực hơn về tình hình và xu hướng phát triển của cộng đồng NVNONN, về hiệu quả của các chủ trương, chính sách đối kiều bào, đặc biệt là từ sau Hội nghị NVNONN lần thứ nhất, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, xác định chiến lược xây dựng cộng đồng, từ đó xây dựng các chương trình, đề án vận động cộng đồng trước mắt và lâu dài. Thứ hai, trên cơ sở phát huy tinh thần dân chủ và xây dựng trong thảo luận, tập trung làm rõ những khó khăn, thuận lợi, tiềm năng, định hướng trong xây dựng và phát triển cộng đồng trong mối liên hệ với yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước. Thứ ba, cần xác định Hội nghị lần này là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, là diễn đàn để các đại biểu cùng thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XI về phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài trong hội nhập quốc tế, ngoại giao nhân dân và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước
về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã hứa quyết tâm thực hiện và sẽ luôn sát cánh cùng bà con kiều bào, nhằm tập trung nguồn lực rất quan trọng của kiều bào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong Lễ Khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã phát biểu kêu gọi cộng đồng NVNONN tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hội nghị cũng đã ghi nhận những đóng góp to lớn của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Hỗ trợ và vận động cộng đồng. Hội nghị đã giới thiệu Chủ tịch mới của Quỹ Hỗ trợ và vận động cộng đồng là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã trao bó hoa tươi thắm và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công tác về NVNONN cho bà Trương Mỹ Hoa.

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, nhận bó hoa tươi thắm
và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công tác về NVNONN

Sau Lễ Khai mạc là phiên họp toàn thể. Các đại biểu đã nghe tham luận của Bộ Khoa học – công nghệ về “Phát huy vai trò của trí thức trong và ngoài nước cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa”;  Tham luận của Bộ Công thương về “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào trong Chiến lược đầu tư, phát triển, giao thương quốc tế và một số tham luận của đại biểu kiều bào.

Chiều nay và sáng mai, Hội nghị tập trung thảo luận xung quanh 4 Hội nghị chuyên đề diễn ra song song gồm: “Tương lai cộng đồng – những vấn đề của hội nhập và phát triển”; “Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc – động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó đất nước”; “Trí thức Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước – từ tiềm năng đến hiện thực”; “Doanh nhân kiều bào vì tương lai cộng đồng và đất nước”.

Hội nghị Bế mạc vào chiều 28/9. Buổi tối cùng ngày là chương trình Đại Nhạc hội tại Sân khấu Lan Anh để chào mừng thành công của Hội nghị.

Trong chương trình của Hội nghị, các đại biểu kiều bào còn tham quan giao lưu với một số cơ sở kinh tế, văn hóa, thông tin tiêu biểu tại TP. Hồ Chí Minh.

Phương Thuận


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm