Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác bảo hộ công dân: Khẩn trương và Hiệu quả

Cùng với quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của đất nước, công tác lãnh sự nói chung và công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài nói riêng ngày càng phát triển cả bề rộng và chiều sâu.


Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu Húc Phú 1 được đưa vào Tanzania
sau khi hải tắc Somali thả tự do, tháng 7/2012

Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao đề cập nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam của Bộ như sau: "Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế" (Điều 2, khoản 7 Nghị định 15). Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, do Bộ Ngoại giao quản lý, có nhiệm vụ cấp kinh phí hàng năm cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ công dân. Trước đó, ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đã nêu một trong những nhiệm vụ mà hệ thống chính trị thực hiện là công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết và các văn bản pháp qui nêu trên cho thấy Đảng, Chính phủ ta tiếp tục khẳng định bảo hộ công dân Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị quan trọng; Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ  này.

Bộ Ngoại giao luôn quán triệt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là một trong những trọng tâm công tác của Bộ và của các Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài. Công tác này một mặt thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước ta theo pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, đồng thời, cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công dân mình. Những năm qua, công tác bảo hộ luôn được thực hiện theo phương châm “Bảo hộ chủ động, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả”.

Dưới đây xin thông tin một số hoạt động bảo hộ công dân (BHCD) của Bộ Ngoại giao thời gian qua, qua công tác giải quyết vấn đề về người lao động và ngư dân ta.

Một số nét về tình hình lao động ở nước ngoài và ngư dân

Việt Nam là một quốc gia biển, vùng biển rộng gấp ba lần đất liền, bờ biển dài trên 3260 km, diện tích vùng nội thủy và lãnh hải 226.000 km2, diện tích vùng đặc quyền kinh tế hơn 1 triệu km2, có tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản. 28 tỉnh ven biển có khoảng 130.000 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, với số lượng khoảng 700.000 ngư dân, chưa kể số lao động, phương tiện làm các dịch vụ phụ trợ. Số tàu thuyền đánh bắt và ngư dân tiếp tục tăng lên sau mỗi năm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2011, chỉ riêng tàu cá cỡ nhỏ tăng bình quân 2.300 chiếc/năm và số ngư dân trực tiếp khai thác hải sản tăng bình quân 23.150 người/năm. Ngư trường đánh bắt trong những năm qua không mở rộng và nguồn lợi thủy hải sản khai thác chủ yếu từ tự nhiên. Các hoạt động đánh cá của ngư dân ta ở vùng biển xa bờ, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa không những có ý nghĩa về kinh tế mà còn quan trọng về mặt dân sự, khẳng định chủ quyền quốc gia đối với khu vực biển và hai quần đảo này. Việc đánh bắt xa bờ của ngư dân có khó khăn do luôn phải chống chọi với gió bão, áp thấp nhiệt đới và đối mặt với những hoạt động cản trở, bắt giữ gia tăng của một số quốc gia có biển liền kề, nhằm tranh chấp chủ quyền với ta tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo thống kê mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lao động Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 500.000 người, tập trung chủ yếu ở một số thị trường như: Malaysia có khoảng 77.000 người, Hàn Quốc có 70.000 người, Đài Loan có 95.388 người, Nhật Bản có 18.000 người, Ả-rập Xê-út có 10.000 người, Ma Cao 8.388 người, Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất 1128 người, Brunei 1000 người, Séc 6000 người, Algeria 1000 người, Panama 300 người, Israel 1000 người, Síp 13.000 người, Nga có khoảng 14.500 người, Angola khoảng 6000 người... Người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài một mặt giải quyết được vấn đề việc làm, giảm thất nghiệp, cải thiện đời sống cho cá nhân và gia đình, đóng góp cho đất nước, mặt khác cũng xảy ra những vấn đề về tệ nạn, tranh chấp lao động, mâu thuẫn chủ - thợ.

Công tác bảo hộ ngư dân và lao động

Với tình hình như nêu ở trên, các vụ việc liên quan đến công dân ta ngày càng xảy ra thường xuyên, liên tục, đòi hỏi công tác BHCD phải tăng cường mạnh mẽ, giải quyết thường xuyên, kịp thời, từ việc nhỏ đến lớn, trên khắp các nơi trên thế giới.

Điển hình là việc đưa lao động ta ở Li-bi về nước. Đứng trước tình hình nội bộ Li-bi diễn ra phức tạp, bạo động lan ra trên toàn Li-bi, đặc biệt tình trạng bạo động gây mất an toàn tính mạng của hơn 10 nghìn lao động ta, tháng 2/2011, Chính phủ ta đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo liên ngành triển khai chiến dịch sơ tán lao động ta, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ LĐ, TBXH làm Phó Trưởng ban, thành viên gồm lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Công an, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Hiệp hội xuất khẩu lao động. Ban chỉ đạo liên ngành đã thành lập năm tổ công tác liên ngành, cử tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hy Lạp, Man-ta và Tuynidi; Trung tâm chỉ đạo chiến dịch và các tổ công tác do đồng chí Đoàn Xuân Hưng, Thứ trưởng Ngoại giao làm Trưởng đoàn tại Tuynidi. Đoàn công tác còn phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), giúp đỡ về mặt vận chuyển; phối hợp với Cơ quan Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Hội chữ thập đỏ quốc tế để chuẩn bị về cơ sở tạm trú cho lao động. Các tổ công tác đã triển khai, cùng Cơ quan đại diện ta tại chỗ, làm việc khẩn trương với chính quyền sở tại thiết lập đường vận chuyển lao động, từ hàng không, đường biển, đường bộ và chuẩn bị hậu cần đón người lao động tại các địa điểm trung chuyển. Trong thời gian hết sức khẩn trương (8 ngày, từ 28/2 đến 6/3) các tổ công tác đã hoàn thành việc đưa 10.193 người lao động Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Li-bi trật tự, an toàn với các phương thức vận chuyển khác nhau, kết thúc chiến dịch thành công.


Đón lao động Việt Nam từ Libya về nước, tháng 3/2011 

Ngoài việc giúp đỡ lao động ta tại Li-bi, thời gian qua, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp bộ, ngành liên quan trong nước, với CQĐD Việt Nam ở nước ngoài giải quyết nhiều vụ việc khác liên quan đến người lao động, bảo hộ quyền lợi của người lao động như: chủ sử dụng nợ tiền lương; người lao động mất việc, bị tai nạn, bị chết trong khi làm việc v.v… và các quyền lợi khác liên quan, hoặc khôn khéo đấu tranh với sở tại, tránh được sự lợi dụng của phe phái nội bộ sở tại, âm mưu can thiệp của người Việt phản động, nhanh chóng xử lý hiệu quả, đưa người lao động an toàn về nước, như: Vụ 69 lao động nữ Việt Nam tại Malaysia; 40 lao động ở Ekaterinburg - Nga.v.v... Bên cạnh đó, hàng chục thuyền viên đi làm việc theo hợp đồng trên tàu đánh cá của Hàn Quốc, Đài Loan gặp hỏa hoạn, cháy tàu bị chết, bị thương hoặc khi tàu cập cảng một số nước, đã tự ý bỏ hợp đồng, trốn lên bờ ở lại nước ngoài trái phép như các vụ tàu Joeng Woo 1, 2, 3 ở Uruguay, New Zealand hay vụ tàu Nam Seong 06 của Hàn Quốc bị cháy ở Nhật Bản v.v… đều được Bộ Ngoại giao phối hợp với CQĐD Việt Nam ở các nơi liên quan, tiến hành xác minh, cấp lại hộ chiếu cho người tiếp tục làm việc, cấp thông hành cho những người về nước, giúp đỡ những người bị thương chữa trị, cấp cứu tại bệnh viện, đưa thi/di hài người chết về nước...

Bên cạnh công tác BHCD, một trong những hoạt động khác của Bộ Ngoại giao là công tác bảo hộ pháp nhân. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp cũng theo chiều hưuớng ngày một tăng thời gian qua. Chỉ xin đơn cử một ví dụ trong rất nhiều vụ việc được giải quyết: Vụ tàu Vinalines Queen bị chìm cùng với 22 thủy thủ. Đây là một tàu hàng lớn, có trọng tải 56.000 tấn, sản xuất tại Nhật Bản. Tháng 12/2011, tàu Vinalines Queen vận chuyển quặng 54.400 tấn quặng ni-ken từ Indonesia đến Trung Quốc qua vùng biển ngoài khơi Philippines thì gặp bão lớn ngày 24/12/2011. Sáng ngày 25/12/2011, tàu ở trong tình trạng nguy hiểm, phát tín hiệu cấp cứu, sau đó tàu mất liên lạc với cơ quan cứu hộ hàng hải Việt Nam và trong vùng. Ngày 25/12, Bộ Ngoại giao lập tức phối hợp với các CQĐD Việt Nam tại Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản và Văn phòng Kinh tế - Văn hoá (KT-VH) Việt Nam tại Đài Bắc và các CQĐD nước liên quan nói trên và Văn phòng KT-VH Đài Bắc tại Hà Nội, đề nghị phối hợp xác định tình trạng tàu và tìm kiếm các thủy thủ. Nỗ lực cứu hộ được triển khai liên tục từ 25/12/2011 đến 19/01/2012 khi vẫn chưa tìm thấy tung tích con tàu và 21 thủy thủ. Thủy thủ  Đậu Ngọc Hùng là người sóng sót duy nhất, sau khi được một tàu chở hàng khác của Anh vớt được. Với tinh thần trách nhiệm đối với Tổng công ty Vinalines cũng như đối với sinh mạng 21 thủy thủ, Bộ Ngoại giao cố gắng cao nhất, khẩn trương vận động cùng các Cơ quan đại diện ta ở các nước, lãnh thổ này để cứu hộ tìm kiếm nhiều đợt, nhiều phương tiện: máy bay, tàu cứu hộ, nhiều lực lượng: hải quân, lực lượng canh giữ bờ biển, cơ quan cứu nạn hàng hải giúp đỡ Việt Nam trong 25 ngày liên tục. Nỗ lực này của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện ta đáng được ghi nhận, bên cạnh các nỗ lực khác của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và một số cơ quan liên quan.

Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo CQĐD  ta tại  Indonesia, Trung Quốc, Nam Phi, can thiệp kịp thời để Chính quyền sở tại thả tự do cho các tàu An Phú 18 tại Philippines, Vạn Lý tại Trung Quốc, Golden Falcon tại Indonesia và tàu Vinalines Green tại Nam Phi.
6 tháng đầu năm 2012 có hai đợt áp thấp nhiệt đới và hai cơn bão xuất hiện ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao đã chủ động triển khai, khẩn trương phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương nắm tình hình, kịp thời gửi công hàm cho các Đại sứ quán nước ngoài liên quan tại Hà Nội, chỉ đạo CQĐD Việt Nam ở các nước có biển liền kề đề nghị họ cho phép tàu thuyền, ngư dân ta vào vùng biển nước họ tránh trú bão và tiến hành cứu hộ đối với các tàu thuyền, ngư dân bị nạn. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp giúp 776 tàu và 14.196 ngư dân trú, tránh bão an toàn.

Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành chức năng, Bộ Ngoại giao và CQĐD Việt Nam ở nước ngoài tiến hành nhiều hoạt động khác bảo hộ công dân, như: Cấp hộ chiếu, giấy tờ cho hơn 120.000 công dân tạo điều kiện cho việc đi lại, cư trú ở nước ngoài; phối hợp với cơ quan chức năng các nước giải cứu phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài; giúp đỡ  người lao động khi bị đối xử không công bằng, bị tai nạn, rủi ro; hỗ trợ các công ty, tổ chức giải quyết tranh chấp thương mại trong quá trình làm ăn, buôn bán với bên nước ngoài v.v... Ngoài ra, các công tác hợp tác quốc tế, hình thành khung pháp lý để bảo hộ công dân, như đàm phán, ký kết điều ước quốc tế với các nước để giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân ta; củng cố bộ máy CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và trong Bộ Ngoại giao để tăng cường mạnh công tác bảo hộ công dân; công khai thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử để mọi công dân có thể tiếp cận và có kiến thức cần thiết khi đi nước ngoài cũng góp phần đưa công tác bảo hộ công dân ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Với đặc điểm của công tác bảo hộ công dân, pháp nhân diễn ra thường xuyên, rải ra trên khắp thế giới tại các địa bàn có công dân ta, nên trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục gia tăng cả ở diện rộng và chiều sâu. Các vụ việc tiếp tục tăng, mức độ phức tạp hơn, đòi hỏi phải nâng cao tính chuyên nghiệp và kiện toàn tổ chức bộ máy công tác bảo hộ công dân. Về nhân sự cũng đặt ra yêu cầu cán bộ làm công tác lãnh sự phải có kiến thức sâu rộng hơn về pháp luật, pháp luật quốc tế để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhiệm vụ bảo hộ công dân.

Lý Quốc Tuấn
Phó Cục Trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm