A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bế mạc khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào

Chiều 22/10, Lễ Bế mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) do Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao (Ủy ban) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ủy ban. Tại Lễ Bế mạc, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã cấp chứng chỉ hoàn hành khóa tập huấn cho các học viên.

Tham dự buổi lễ bế mạc có PGS.TS Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Vũ Tuấn Hải - Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN; ông Trần Bá Việt Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy, cô tham gia giảng dạy Khóa tập huấn cùng tất cả các học viên.

 

Thứ trưởng Trần Quang Quý cùng các đại biểu và học viên chụp ảnh lưu niệm 

 

Tại Lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý khẳng định công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập hợp, biên soạn những tài liệu bổ ích, thiết thực để hoàn thành 2 bộ giáo trình dành cho NVNONN. Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức Khóa tập huấn cho giáo viên NVNONN nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng giảng dạy tiếng Việt. Thứ trưởng Trần Quang Quý tin tưởng rằng, sau Khóa tập huấn này, các học viên sẽ phát huy hơn nữa vai trò trong việc truyền dạy tiếng Việt tại các cộng đồng NVNONN, sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm nhằm phổ biến, nhân rộng khả năng sư phạm để thế hệ trẻ kiều bào ta thực sự yêu thích tiếng Việt và văn hóa Việt.

Ông Vũ Tuấn Hải, Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban cho biết Với gần 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, việc dạy và học tiếng Việt từ lâu là một nhu cầu thiết yếu của bà con ta ở nước ngoài và việc tổ chức Khóa tập huấn lần này là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng, hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt cho con em kiều bào. Ông đánh giá cao những kết quả thu được từ Khóa tập huấn và hy vọng rằng Khóa tập huấn sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào quảng bá, duy trì tiếng Việt, đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo thuận lợi hơn cho việc học tập và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Bà Đinh Thị Phương Loan, Phó Hiệu trưởng trường Nguyễn Du, Lào chia sẻ: “Tổng hội người Việt Nam ở Lào hiện có 11 tỉnh, thành Hội và mỗi tỉnh, thành Hội đều có trường dạy tiếng Việt cho con em người Việt. Các trường dạy tiếng Việt ở Lào rất có uy tín trong giáo dục. Trường Nguyễn Du mà tôi đang tham gia giảng dạy hiện có hơn 1800 học sinh, từ mẫu giáo đến cấp 3, trong đó trong đó 70% là con em Việt kiều, 30% là con em người Lào. Các học sinh trong trường đã được tiếp cận và học hai giáo trình Tiếng Việt vui và Quê Việt từ năm 2008. Có thể nói bộ sách đã giúp ích rất nhiều cho công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh kiều bào tại Lào. Bên cạnh bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, bộ giáo trình còn giúp các em hiểu rõ hơn về đất nước, truyền thống và văn hóa Việt Nam”.

Đã có kinh nghiệm 18 năm trong công tác giảng dạy tiếng Việt, bà Phạm Thị Bích Hạnh, giáo viên tiếng Việt tại Berlin, CHLB Đức cho biết: “Nhu cầu học tiếng Việt tại Đức rất lớn, chỉ tính riêng thế hệ thứ 2, thứ 3 người Việt tại Đức hiện nay khoảng 15000 người. Và phụ huynh người Việt tại Đức cũng rất quan tâm tới việc học tiếng Việt của con em mình, mong muốn con em mình có thể giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Tuy nhiên, ở Đức mới chỉ có một vài bang quan tâm đến việc dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ nhưng mới chỉ là ngoại khóa mà không phải là ngoại ngữ bắt buộc và hầu hết các lớp tiếng Việt đều do hội đoàn tổ chức. Bởi vậy, tôi nhận thấy công tác giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào là việc làm rất quan trọng. Tham dự Khóa tập huấn lần này, trở về Đức, tôi sẽ mang những kiến thức mà mình học được để trao đổi với các thầy cô giáo khác, và mang hai bộ giáo trình đầy bổ ích này truyền đạt lại cho các em, để các em hiểu hơn về tiếng “mẹ đẻ” của mình. Tôi hy vọng hai bộ giáo trình này sẽ được hoàn thiện hơn nữa, để đưa đến các trường, lớp dạy tiếng Việt ở nước ngoài để con em NVNONN đều được tiếp cận với bộ giáo trình chuẩn tiếng Việt do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam biên soạn”.

Sau khóa tập huấn kéo dài từ ngày 24/9 - 21/10, các học viên đã được trang bị những kiến thức chuyên môn trong giảng dạy 4 kỹ năng cơ bản nghe - nói - đọc - viết thông qua 2 bộ giáo trình Tiếng Việt vui và Quê Việt với những chủ đề rất đa dạng, gần gũi, thông dụng, kích thích sự tìm tòi, khám phá của các em học sinh.

Bên cạnh những kiến thức có trong giáo trình, các học viên còn có buổi gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi kinh nghiệm với những giảng viên dạy tiếng Việt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, được tham quan những di tích lịch sử - văn hóa và thắng cảnh của thủ đô Hà Nội, di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Sapa (Lào Cai). Đây là cơ hội tìm hiểu thực tế, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, trau dồi thêm kiến thức về văn hóa và lịch sử của dân tộc để các học viên có thêm những trải nghiệm, giúp cho các học viên trong quá trình giảng dạy cho con em NVNONN hiểu hơn về quê hương, đất nước.

Một số hình ảnh tại Lễ Bế mạc Khóa tập huấn:

 

Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại Lễ Bế mạc 

 

Ông Vũ Tuấn Hải, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban phát biểu 

 

 Giáo trình Tiếng Việt Vui và Quê Việt

 

Các học viên tham dự Khóa tập huấn 

 

Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm