A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Võ Quí Huân – Một trí thức Việt kiều nặng tình với đất nước

Ngày 12/11, Bộ Công thương và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo tưởng niệm ông Võ Quí Huân, một trí thức Việt kiều, là một trong 4 người theo Bác Hồ trở về để xây dựng Tổ quốc và kháng chiến chống Pháp năm 1946. Với những thành tích xuất sắc của mình, ông đã được nhà nước truy tặng Huân chương độc lập hạng Nhất.

Theo Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến

Kỹ sư, nhà giáoVõ Quí Huân sinh năm 1912 tại Thanh Chương (Nghệ An). Năm 1935-1937, Võ Quí Huân tham gia phong trào Bình dân, làm Chủ nhiệm Báo Đông Dương hoạt động xuất bản song ngữ Việt - Pháp. Đây là một tờ báo tiến bộ đương thời, nên bị thực dân Pháp đóng cửa, Võ Quí Huân phải trốn sang Pháp. 9 năm ở Pháp, ông đã kịp học và có 3 bằng kỹ sư: kỹ sư kỹ nghệ chuyên nghiệp, kỹ sư đúc và kỹ sư cơ điện, đồng thời theo học bằng Tiến sỹ tại Trường Sorbonne.

Là một trí thức yêu nước, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, ông tích cực hoạt  động trong phong trào của Việt kiều hướng về Tổ quốc. 



Giáo sư Vũ Khiêu trao câu đối và bức trướng của gia tộc họ Vũ (Võ)
cho các con của kỹ sư, nhà giáo Võ Quí Huân


Tháng 6/1946, khi phái đoàn Chính phủ ta sang Pháp đàm phán tại Hội nghị Phông-ten nơ-blô, ông đã cùng Hội Việt kiều tổ chức bà con ra sân bay đón đoàn. Sau đó là người giao dịch cho phái đoàn những ngày ở Paris. Chính ông đã quay được những thước phim có giá trị về buổi lễ đón đoàn tại sân bay và các hoạt động khác. Những thước phim này đã trở thành nguồn tư liệu vô cùng quý báu của dòng phim cách mạng nước nhà.

Tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với bà con Việt kiều đang làm ăn, sinh sống tại Pháp. Được gặp gỡ, trò chuyện thân tình với vị lãnh tụ của nước Việt Nam độc lập, mỗi người Việt Nam trên đất Pháp đều cảm thấy thật vinh dự và tự hào vì giờ đây họ đã là dân của một nước tự do, độc lập. Qua những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với bà con về tình hình đất nước, về cuộc chiến tranh với Pháp có thể xảy ra và Người kêu gọi những thanh niên trí thức có nhiệt huyết với đất nước hãy trở về Tổ quốc phụng sự dân tộc. Cũng chính thời gian ấy, ông Võ Quí Huân được gần gũi nhiều với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con người, tính cách của Bác đã để lại trong ông những ấn tượng đặc biệt. Từ khâm phục ở đức độ, tài năng, ông đem lòng yêu mến rồi đặt niềm tin tưởng hoàn toàn ở Người.

Trước khi về nước Bác Hồ đã có buổi gặp gỡ với một số trí thức Việt kiều tiêu biểu. Vị Chủ tịch ân cần nói với những trí thức yêu nước: "Ðất nước đang chuẩn bị kháng chiến, rất cần những người có học và tâm huyết như các chú. Bác sắp về nước, các chú chuẩn bị vài ngày nữa chúng ta lên đường. Các chú sẵn sàng chưa?". Niềm ao ước được trở về phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân nay được chính vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc khơi gợi, các trí thức Việt kiều đều hăng hái xin theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về quê hương cống hiến sức lực của mình để phục vụ cho đất nước. Nhưng Bác Hồ bước đầu chỉ lựa chọn 4 người được vinh dự về nước cùng đoàn của Người, đó là kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau này được bác đổi tên là Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quí Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước và kỹ sư Võ Đình Quỳnh.

Trong bốn người được Bác Hồ chọn cùng đi theo Người về nước, hoàn cảnh của kỹ sư luyện kim Võ Quí Huân là đặc biệt hơn cả. Vì khi đó Võ Quí Huân đã có một công việc ổn định, một mái nhà yên ấm tại Paris và con gái đầu lòng của ông là Võ Quí Việt Nga vừa tròn hai tuổi. Tuy nhiên, với lòng yêu nước vô bờ bến, niềm tin vào sự nghiệp kháng chiến của dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo và điều quan trọng là ông cảm phục và bị thu hút bởi nhân cách cao đẹp của Bác Hồ, kỹ sư Võ Quí Huân vẫn quyết tâm lên đường, để cuộc sống bình yên, vợ và con ở lại Paris hoa lệ, về Tổ quốc cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Con chim đầu đàn của ngành đúc - luyện kim Việt Nam

Những ngày đầu trở về nước, tham gia kháng chiến, 4 trí thức Việt kiều được giao những trọng trách để phục vụ đất nước. Kỹ sư Võ Quí Huân được đồng chí Phạm Văn Đồng,  khi đó là Bộ trưởng Bộ Kinh tế phân công giữ cương vị Chánh Văn phòng Bộ. Sau một thời gian ngắn, tháng 4/1947, Võ Quí Huân được tổ chức phân công đảm trách cương vị Giám đốc Sở Khoáng chất - Kỹ nghệ Trung bộ kiêm Tổng Thư ký Hội đồng sản xuất Kỹ nghệ miền Nam và Liên khu IV. Trong hoàn cảnh kháng chiến ác liệt và vô cùng thiếu thốn, không điện, không thiết bị công nghiệp, địch thường xuyên lùng sục, đánh phá, trong khi đó nhiệm vụ kháng chiến đặt ra là phải khẩn trương nghiên cứu sản xuất ra gang để chế tạo các loại vũ khí và các loại nông cụ để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Ông đã cùng cán bộ công nhân viên quốc phòng của Xưởng Kim khí kháng chiến 3KC mà ông là Giám đốc, thiết kế và thi công lò cao nhỏ thí nghiệm 3KC1 ở rừng Cầu Đất, huyện Con Cuông, một huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Nghệ An. Ngày 15/11/1948 trong rừng Cầu Đất, lò cao thí nghiệm có dung tích 0,5 m3 chạy quặng sắt Vân Trình của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã ra mẻ gang đầu tiên. Mẻ gang đầu tiên ra lò này đã được anh em đúc ra tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để đem triển lãm ở Liên khu 4 năm 1949 và sau đó đưa gửi ra Việt Bắc để báo cáo với Bác Hồ. Kỷ niệm mẻ gang đầu tiên ra đời trong hoàn cảnh kháng chiến, kỹ sư Võ Quí Huân đã đặt tên con trai đầu của ông với người vợ sau là Võ Quí Gang Anh Hào.

Từ thành công này, những quả lựu đạn, trái mìn và nhiều loại vũ khí "Made in Vietnam" đã được xuất xưởng đại trà bởi nhà thiết kế Trần Đại Nghĩa và gang của kĩ sư Võ Quí Huân, góp phần vào những thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.

Tinh thần làm việc của kỹ sư Võ Quí Huân trong giai đoạn đầu hết sức khó khăn của cuộc kháng chiến không những được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, mà còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã có công giáo dục và đưa trí thức trẻ từ Pháp về nước tham gia kháng chiến - luôn quan tâm động viên. Ngày 20/7/1947, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác đã gửi một bức thư cho bác sĩ Trần Hữu Tước, trong đó có đoạn viết: “Mấy anh em cùng về một lượt với chúng ta, chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã giúp rất nhiều trong công việc kháng chiến”.

Chiến tranh kết thúc, kỹ sư Võ Quí Huân được điều về làm Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Trung cấp I tại Hà Nội. Tiền thân của trường này chính là Trường Cán bộ Kỹ thuật Trung Bộ trước đây ở vùng tự do Thanh – Nghệ Tĩnh, loại trường cao đẳng kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam kháng chiến mà Hiệu trưởng chính là Kỹ sư Võ Quí Huân. Trên cương vị mới, ông đã tích cực xây dựng trường, góp phần đào tạo ra hàng nghìn cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề phục vụ cho công cuộc xây dựng kinh tế trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ông là một trong những sáng lập viên của Hội Ðúc - Luyện kim Việt Nam.

Tháng 9/1967, khi ngành đúc – luyện kim đã thu được nhiều kết quả thì ông lâm bệnh nặng và ra đi với bao dự định ấp ủ phục vụ cho Tổ quốc còn đang dang dở.

Nhớ về kỹ sư - nhà giáo Võ Quí Huân, giáo sư - viện sĩ Trần Ðại Nghĩa, người đồng chí, đồng hành cùng ông trong chuyến trở về Tổ quốc năm 1946, có ghi những dòng xúc động trong hồi ký của mình: "Anh em chúng tôi rất quý mến và cảm phục anh Võ Quí Huân. Chắc chắn anh đã trải qua những giờ phút đắn đo, cân nhắc, phải xa vợ trẻ, con thơ, thật không dễ. Và anh đã về nước theo tiếng gọi của Tổ quốc, con tim anh đã nặng tình nước non".

Ông Trần Tuấn Dũng, đại điện Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước
về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ ngoại giao phát biểu tại Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, ông Trần Tuấn Dũng, đại điện Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ ngoại giao, đã đánh giá cao tinh thần yêu nước và những đóng góp to lớn của kỹ sư, nhà giáo Võ Quí Huân. Ông cho biết: Cuộc đời và sự nghiệp của kỹ sư, nhà giáo Võ Quí Huân gắn liền với những biến cố của lịch sử, là những trang vàng thành tích và những cống hiến không mệt mỏi cho Tổ quốc. Ông chính là tấm gương sáng về lòng yêu nước nồng nàn, tự tôn dân tộc, phát huy trí tuệ và hướng về quê hương cho các thế hệ trí thức trẻ noi theo.

Với những đóng góp và sự hy sinh vô cùng to lớn cho dân tộc, tháng 10 năm 2011, Đảng, Nhà nước đã truy tặng kỹ sư - nhà giáo Võ Quí Huân Huân chương độc lập hạng Nhất và sắp tới tên ông sẽ được đặt tên cho một con đường ở Thủ đô Hà Nội.

Vân Hà
 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu