A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trò chuyện tháng 4 với ông Huỳnh Trí Chánh – người đi đầu phong trào yêu nước tại Nhật Bản

Ông là người sáng lập và là Chủ tịch Tổng Hội người VN tại Nhật Bản trong suốt thời gian từ năm 1979-2009, còn trước đó ông là Tổng Thư ký của Tổng hội. Ông cũng tích cực thúc đẩy việc Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam...

LTS: Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Trí Chánh sang Nhật du học từ năm 1963 theo chuyên ngành Thủy sản hàng hải học. Ông có hơn 20 năm giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Được coi như người đi đầu trong phong trào phản chiến tại Nhật trước năm 1975, ông đã quy tụ những sinh viên Việt Nam (VN) và người Nhật yêu chuộng hòa bình đứng lên bảo vệ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân VN. Ông là người sáng lập và là Chủ tịch Tổng Hội người VN tại Nhật Bản trong suốt thời gian từ năm 1979-2009, còn trước đó ông là Tổng Thư ký của Tổng hội. Ông cũng tích cực thúc đẩy việc Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Cùng với những vị Thủ tướng nổi tiếng của Nhật cũng như các nhân vật nổi tiếng khắp thế giới, ông vinh dự được giới thiệu trong cuốn “200 nhân vật đã làm thay đổi đất nước Nhật”, xuất bản năm 1993. Năm 2011, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, củng cố và phát triển cộng đồng NVNONN đoàn kết hướng về cội nguồn, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương; trước đó – năm 2006, Bộ Ngoại giao cũng tặng ông Bằng khen vì đóng góp đặc biệt cho sự phát triển quan hệ 2 nước VN – Nhật Bản. Nhân dịp 30/4/2015, Tạp chí Quê Hương có cuộc trò chuyện với GS-TS Huỳnh Trí Chánh.

PV: Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử - kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2015), nhớ lại ngày này năm xưa, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc nhất với độc giả của Quê Hương?

- Tôi còn nhớ lúc đó khoảng gần 2 giờ chiều ngày 30/4/1975, tôi đang làm việc tại phòng nghiên cứu của đại học, giáo sư Kanda thầy tôi gọi điện kêu tôi đến phòng làm việc để gặp ông. Tôi vừa lên tiếng chào thì ông vừa cười vừa nói to: “Kimi ha katta. Omedetou! Shigoto ha oiteoke! Hayaku Kaere!” (TD: Em đã thắng! Thầy chúc mừng em, bỏ thí nghiệm qua một bên, lo đi về đi!).

Thật ra, khi đó chúng tôi đã đánh giá vấn đề hòa bình chỉ còn là thời gian rất ngắn. Chiều 29/4/1975, chúng tôi có cuộc họp tại trụ sở để thảo luận kế hoạch chuẩn bị đón “Ngày D” - ngày chúng tôi tự đặt cho ngày “chiến tranh kết thúc”. Tuy đã dự đoán như thế, nhưng khi thầy Kanda chúc mừng tôi, tôi không nói được nên lời chỉ nhào tới ôm chầm lấy người thầy kính quý của tôi, rồi oà lên khóc như một đứa trẻ! Khi trở về trụ sở, anh em chúng tôi ôm chầm lấy nhau, người thì khóc, người thì cười sung sướng hết cỡ không thể kiềm chế được. Chúng tôi xác nhận lại công việc đã phân công liên quan đến kế hoạch chiếm “Sứ quán Sài Gòn tại Tokyo” để tổ chức mít-tinh mừng ngày đại thắng của dân tộc…

Nghĩ về ngày 30/4, là một người VN, tôi không thể kiềm chế được sự xúc động vô hạn. Cảm xúc đã đến với tôi là sự sung sướng chưa từng có, là từ nay đất nước của tôi sẽ có được độc lập và là một nền độc lập vĩnh viễn. Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, một cuộc chiến tranh lâu dài nhất, khốc liệt và dã man nhất mà Mỹ thực hiện.

Từ 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu tiến hành chính sách đàn áp khốc liệt phong trào sinh viên. Thời điểm đó, ở Nhật Bản đã có Hội Sinh viên VN tại Nhật Bản với chỉ khoảng vài chục thành viên. Hội thường tổ chức những sinh hoạt như hội thảo về tình hình đất nước và biểu tình trên đường phố Tokyo. Tuy nhiên, những hoạt động đó không có định hướng cụ thể mà chỉ là những cuộc biểu tình chống chiến tranh “chung chung”.

Tháng 5/1967, 11 người trong chúng tôi thành lập một nhóm bí mật lấy tên là “Nhóm 11” sinh hoạt để cùng học về lịch sử VN kể từ năm 1930. Nhóm đưa người ra ứng cử và nắm giữ các vị trí then chốt nhất của Hội Sinh viên VN tại Nhật Bản để tập thể này có được tính độc lập.

Tháng 6/1969, nhân sự kiện Mỹ và Chính quyền Sài Gòn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ở Midway, Nhóm 11 đứng ra vận động thêm người tiến vào chiếm đóng Sứ quán của Chính quyền Sài Gòn tại Tokyo trong 2 ngày 9-10/6/1969, bày tỏ với thế giới: “Chúng tôi - sinh viên VN tại Nhật Bản - không công nhận chính quyền Sài Gòn và đưa ra tuyên bố 4 điểm như sau: (1) VN là một quốc gia thống nhất; (2) Mỹ phải rút ngay quân đội ra khỏi VN; (3) Mỹ phải trao vấn đề VN cho chính người VN giải quyết; (4) Sớm thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời tại Miền Nam VN để tiến tới thống nhất đất nước. Trước sự chứng kiến của cả trăm phóng viên báo chí quốc tế, chúng tôi đã đốt hình nộm của Nixon và Thiệu cùng toàn bộ hộ chiếu do chính quyền Sài Gòn cấp phát cho chúng tôi khi ra nước ngoài học tập. Do tin tức xuất hiện trên các đài truyền hình kể cả Đài NHK của Nhật Bản nên suốt cả đêm không ngủ của chúng tôi, rất nhiều người Nhật ở quanh vùng Tokyo đã đến khích lệ chúng tôi…

Ngày 22/6/1969, chúng tôi tiến đến thành lập một tổ chức lấy tên là: “Tổ chức người Việt tại Nhật Bản tranh đấu cho hòa bình và thống nhất đất nước” (gọi tắt là “Tổ chức”, tên tắt bằng tiếng Nhật là “Beheito”).

Từ khi Tổ chức ra đời, hoạt động của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản được đẩy mạnh hơn, tạo được sự đoàn kết và liên đới với phong trào phản chiến của người Nhật. Đầu năm 1970, Chính quyền Sài Gòn đã đưa 3 thành viên trong Tổ chức của chúng tôi ra “Tòa án quân sự đặc biệt Vùng 3 chiến thuật” xử vắng mặt và kết án mỗi người 6 năm khổ sai cấm cố và 20 năm “bị tước quyền công dân”. Trước tình hình đó, tại Tokyo, một số giáo sư đại học, giới trí thức, và những người Nhật yêu chuộng hòa bình đứng ra thành lập “Hội bảo vệ và giúp đỡ sinh viên VN”, giúp đỡ chúng tôi không bị trục xuất khỏi Nhật Bản.

Chúng tôi tiếp tục tổ chức những hoạt động mít-tinh, hội thảo, nói chuyện ở các trường đại học, biểu tình tuần hành trên đường phố Tokyo và trước Sứ quán Mỹ phản đối việc Mỹ dùng máy bay B-52 thả bom trải thảm tàn phá Miền Nam và phá hoại Miền Bắc để càng nhiều người dân Nhật hiểu về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và thấy rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân VN.

Tổ chức mở rộng hoạt động cùng tham gia các diễn đàn, nói lên tiếng nói đòi Mỹ rút quân ra khỏi VN để kết thúc cuộc chiến; chính thức tham gia các cuộc vận động ủng hộ nhân dân ta với qui mô rộng lớn song song với nhiều hội đoàn Nhật Bản và thế giới (Đoàn Thanh niên Dân chủ Nhật Bản, Đoàn Thanh niên Xã hội Nhật Bản, Hội Phụ nữ mới của Nhật Bản, Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, Ủy ban Liên đới Đoàn kết Á - Phi - Mỹ La-tinh, Hội nghị thế giới chống bom A và H…). Đặc biệt tháng 8/1972, chúng tôi cũng đã tham gia với các đoàn thể phản chiến người Nhật tiến hành 50 ngày đêm chặn xe tăng M-48 trước căn cứ quân sự Sagamihara của Mỹ gần thành phố cảng Yokohama, không cho chúng lên tàu sang chiến trường VN...

Trong suốt thời gian đầu cho đến khi đất nước thống nhất vào năm 1976, Tổ chức phát hành Tạp chí Sứ Mệnh, Tin tức Sứ Mệnh, những tập tài liệu lịch sử… nhằm giúp cho cộng đồng người Việt nắm bắt được cốt lõi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của VN, nắm vững nhanh nhất, khách quan về tình hình chiến sự, thông tin xã hội trong nước. Chúng tôi cũng phát hành một nguyệt san lấy tên là “Phá Xiềng” bằng tiếng Nhật với mục đích kêu gọi sự ủng hộ của giới trí thức và những người Nhật yêu chuộng hòa bình.

Từ tháng 5/1975, chúng tôi bước sang giai đoạn mới là xúc tiến cuộc vận động thành lập “Tổng hội người VN tại Nhật Bản”. Chúng tôi chọn ngày 20/12/1975 làm ngày khai mạc Đại hội thành lập Tổng hội người VN tại Nhật Bản và chọn ngày 25/4/1976 - ngày bầu cử Quốc hội thống nhất đầu tiên của nước VN – để tổ chức một cuộc mít-tinh lớn và trọng thể nhằm cảm ơn các đoàn thể, phong trào phản chiến của người Nhật và những cá nhân người Nhật đã kiên trì ủng hộ và giúp đỡ Tổ chức trong nhiều năm. Tại cuộc mít-tinh này, chúng tôi chính thức tuyên bố tự giải thể Tổ chức người VN tại Nhật Bản tranh đấu cho hòa bình và thống nhất đất nước, kết thúc vai trò lịch sử của Tổ chức…

Từ sau ngày nước nhà thống nhất, đất nước bước vào giai đoạn khó khăn, song phong trào người VN tại Nhật Bản không hề tụt hậu và đã có những bước phát triển nhất định. Tuy vậy, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, tháng 1/2009, chúng tôi quyết định kết thúc vai trò của Tổng hội người VN tại Nhật Bản sau khi thấy đã hoàn thành sứ mệnh đặt ra.



Tác giả trong chuyến đi Trường Sa 


Nhớ lại những ngày của giai đoạn tháng 4/1975, bản thân tôi như vẫn đang sôi sục như lúc bấy giờ. Tại trụ sở của chúng tôi có treo bản đồ hành chính của Miền Nam Việt Nam. Chúng tôi đã chuẩn bị những lá cờ giải phóng nhỏ để cắm vào chỗ tiến quân của quân dân ta. Bước sang tháng 4, các thành phố, thị xã, thị trấn, quận huyện,v.v…được cắm cờ cứ tăng hàng giờ, hàng ngày. Những lúc tại trụ sở có nhiều người thì xảy ra cuộc tranh giành cắm cờ. Từ Tây Nguyên, từ Tây Ninh, từ Định Quán, rồi từ Phan Rang, Phan Thiết,… từ đông tây nam bắc rồi khắp nơi, những ngọn cờ đỏ xanh sao vàng ở giữa (cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam) như chen nhau tiến dần tới Sài Gòn… 40 năm đã trôi qua. Cây cối đem màu xanh đến khắp nơi. Nhiều hệ thống đường sá, cầu cống, nhà máy mọc lên khắp nơi. Những tòa nhà chọc trời, những khu chung cư cao rộng lớn thi nhau mọc lên như nấm ở các đô thị, nhưng tôi vẫn còn say mê cái không khí của ngày này 40 năm trước - đất nước yêu dấu của tôi bắt đầu hưởng sự thống nhất, hòa bình và độc lập.

PV: Được biết, sau năm 1975, tuy không về nước kinh doanh, nhưng ông là người về nước thường xuyên để thực hiện các công việc không tên do mình đặt ra. Trở về nước trong thời kỳ VN đối mặt với không ít khó khăn, ông có suy nghĩ và mong muốn gì khi quyết định như vậy?

- Vâng. Từ năm 1975, năm nào tôi cũng về ít nhất 1-2 lần, có khi 4-5 lần; ngoài ra, khi trong nước cần tôi về để làm việc thì tôi về ngay.

Vào thời gian đó, nhiều phong trào gặp khó khăn, nhiều hội rạn nứt rồi đi đến tan rã, duy chỉ có Tổng hội người VN tại Nhật Bản thì khác. Bấy giờ, Tổng hội ủng hộ các cá nhân hội viên đứng ra làm kinh doanh, để qua đó có thể đóng góp lớn nhất phần nhỏ bé của mình cho phong trào, cho Tổ quốc. Chúng tôi không có ban tài chính, nhưng chúng tôi vẫn có thể hoạt động suốt mấy chục năm. Thậm chí còn đóng góp cho trong nước khi cần, bất kể đó là cứu trợ lũ lụt, thiên tai, hoặc xây nhà trẻ, trạm y tế, bệnh xá, trường học, phòng thí nghiệm, v.v... hoặc tổ chức tại Đại sứ quán VN các hoạt động Tết cổ truyền, các ngày lễ lớn của đất nước. Sở dĩ Tổng hội làm được là nhờ sự gắn bó giữa các thành viên với tập thể.

Một đóng góp của Tổng hội đáng ghi nhớ là góp sức làm việc với ông Vũ Kỳ (Thư ký của Hồ Chủ tịch) để xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh ở gần Lăng Hồ Chủ tịch. Phần việc của chúng tôi là nội dung trưng bày. Đại bộ phận sách vở và tư liệu nhiều ngôn ngữ về Hồ Chủ tịch được trưng bày tại đây là do Tổng hội người Việt tại Nhật Bản chúng tôi dày công gom góp và mang về Hà Nội trao cho ông Vũ Kỳ.

PV: Đến nay, sau 40 năm thống nhất đất nước, ông có suy nghĩ gì về đóng góp của kiều bào cho sự nghiệp phát triển của đất nước trước nhiều thách thức không nhỏ khi thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh?

-  Thay vì trả lời câu hỏi của phóng viên, tôi muốn đề nghị chúng ta phải đề ra cho chính mình khẩu hiệu sau đây, đồng thời tiến hành nghiên cứu (trên nhiều mặt) và giáo dục tại nhà trường, song song đó là dùng hệ thống truyền thông để phổ biến và tuyên truyền cho quần chúng: “VN phải giàu nhờ biển và phải mạnh nhờ biển”! Theo tôi, đây vấn đề vô cùng quan trọng, nếu không nói là vấn đề chiến lược lâu dài (hàng thế kỷ) đối với VN.

Việt Hoàng


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu