A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tôi muốn thiết kế nhiều đô thị đẹp hơn Phú Mỹ Hưng

Tuy nhận thấy công việc thiết kế tại Việt Nam khiến mình chưa tận dụng hết sự sáng tạo, nhưng kiến trúc sư Ngô Quan Hiền, một Việt kiều Mỹ vẫn quyết tâm về nước và gắn bó lâu dài với quê hương.



Kiến trúc sư Ngô Quan Hiền


Là kiến trúc sư chủ chốt trong nhóm thiết kế quy hoạch chi tiết khu đô thị Phú Mỹ Hưng dựa trên quy hoạch tổng thể của SOM, ông Hiền vẫn mong muốn mình sẽ thiết kế được nhiều khu đô thị đẹp hơn nữa.

Tại một văn phòng nhỏ nhắn, ấm cúng ở Phú Mỹ Hưng, ông đã chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với nghề thiết kế công trình.

"Tôi từng vẽ rất xấu"

Sinh năm 1960, 15 tuổi ông Hiền cùng gia đình qua Mỹ định cư. Cũng như nhiều cậu bé sinh ra và lớn lên trong thời chiến, ước mơ của ông khi đó là trở thành phi công trong quân đội. Ông qua được nhiều bài kiểm tra nhưng lại rớt ở vòng khám sức khỏe. Vậy là dù không muốn, ông cũng phải học ngành y theo sở nguyện của gia đình do mẹ ông là bác sĩ. Nhưng nghiệp y vẫn không có duyên với ông và ông Hiền quyết nghỉ ngang chỉ với lí do “phải nhớ quá nhiều”.

Lang thang với bạn đến một triển lãm về nội thất, được bạn rủ rê, ông Hiền cùng bạn đăng ký học 1 khóa về kiến trúc vì thấy “ngành này cũng hay hay”. Hôm đưa bạn đi nộp hồ sơ thi vào trường kiến trúc vì bạn không có xe, ông Hiền đã thử làm bài kiểm tra và được nhận vào trường SCI - ARC (The Southern California Institute of Architecture), một trường đào tạo kiến trúc có tiếng ở miền Nam California. “Hồi nhỏ tôi vẽ rất xấu. Nhưng trong bài thi đó, người ta hỏi thí sinh nhiều về tầm nhìn, định hướng hơn là hội họa”, ông cho biết về lý do mình đậu ngành kiến trúc.

Đến với kiến trúc hoàn toàn không có định hướng cũng như năng khiếu, nhưng nhờ miệt mài học tập, ông Hiền nhận được học bổng đi châu Âu và Nhật học về kiến trúc. Ông bắt đầu mê mẩn cả văn hóa lẫn kiến trúc của Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, thay vì ở lại Mỹ làm việc, ông đã bay thẳng qua Nhật để tìm cơ hội, mà không hề biết rằng kiếm được một việc làm tử tế ở đất nước này là điều không đơn giản. Sau nhiều hồ sơ nộp đi không nhận được hồi âm, ông thử nộp hồ sơ viết tay đến công ty của kiến trúc sư Kenzo Tange, là “bảo vật sống” của nước Nhật và được ông Tange nhận vào làm việc sau 4 lần phỏng vấn.

Cùng thời điểm đó, công ty của kiến trúc sư Tange đang đấu thầu thiết kế dự án đô thị Phú Mỹ Hưng tại Việt Nam và ông Hiền là một trong những người được giao thiết kế công trình này.

"Hiện đại hóa khiến chúng ta mất quá nhiều"

Năm 1993, ông Hiền trở lại Việt Nam. “Ấn tượng đầu tiên của tôi sau gần 20 năm đi xa là đất nước không có thay đổi gì nhiều, mọi thứ vẫn bình yên như lúc tôi rời khỏi đây”, ông nhớ lại. Nhưng với ông, lúc đó Sài Gòn như một dải lụa bằng phẳng với một nét đẹp vừa cổ xưa vừa quyến rũ. “Chúng ta có thể thấy Sài Gòn xưa có phong cách kiến trúc khá ổn định và thống nhất, nhưng ngày nay nó là sự chắp vá của nhiều phong cách khác nhau. Điều này khó thấy khi chúng ta đến đất nước khác. Hiện đại hóa đã làm chúng ta mất đi quá nhiều”, ông nói.

Những năm 1993-1994, Thành phố đứng trước quyết định chọn phát triển khu phía Đông, tức Thủ Thiêm hoặc khu Nam Sài Gòn. Nếu phát triển về phía Đông, sẽ tốn một mức đầu tư rất lớn vì phải làm cầu, làm hầm bắc qua sông Sài Gòn. Sau rất nhiều cân nhắc, lãnh đạo Thành phố quyết định mở rộng phát triển khu Nam Sài Gòn. Khi đó, khu vực này vẫn là vùng đầm lầy với nước phèn và nhiễm mặn, rất hoang sơ, không trồng cây hoặc nuôi được con gì. Nhưng điều này lại là sự thuận lợi để vẽ nên khu đô thị Phú Mỹ Hưng, bởi không phải đập bỏ hay quy hoạch lại. Quy hoạch Phú Mỹ Hưng cũng là công trình đầu tiên của kiến trúc sư Ngô Quan Hiền khi quay về Việt Nam. Ông Hiền và công ty của thầy Tange đã quy hoạch chi tiết toàn bộ khu Phú Mỹ Hưng và đóng góp khoảng 70% cho các công trình kiến trúc trong khu đô thị này.

Khác với kiến trúc châu Âu thiên về tầm nhìn, kiến trúc Nhật lại thiên về con người và gần gũi với thiên nhiên. Đó là lý do mà Phú Mỹ Hưng là khu đô thị có nhiều mảng xanh nhất Việt Nam hiện nay. Đây cũng là vấn đề mà ông Hiền trăn trở trong quy hoạch kiến trúc của TP.HCM khi mà toàn thành phố chỉ có tỉ lệ cây xanh chưa tới 1% cho gần 8 triệu dân sinh sống.

Kiến trúc của Việt Nam vẫn đang chạy theo sau thế giới nhưng không theo xu hướng cụ thể nào. “Nếu ngay từ đầu chúng ta có một quy hoạch tổng thể rõ ràng thì bây giờ khu vực trung tâm thành phố mình không lom nhom như thế. Những tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại mọc lên quá nhanh và thiếu quy củ đã ảnh hưởng rất lớn đến mảng xanh, đến ánh sáng”, ông Hiền nhận xét.

“Tấc đất tấc vàng mà, chẳng ai muốn bỏ đất ra để tạo khoảng trống cho công trình, mặc dù như vậy là quá nguy hiểm và không nghĩ gì đến thế hệ sau. Nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra ở các tòa nhà cao tầng thì công tác cứu hộ sẽ gặp khó khăn vì không có khoảng trống để người ngoài đi vào và sơ tán người trong đi ra”, ông Hiền lý giải.

Trong quá trình thiết kế quy hoạch Phú Mỹ Hưng, ông Hiền đã thành lập Công ty Kiến trúc NQH nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động thiết kế của mình ở Việt Nam. Nhưng trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh với một kiến trúc sư vốn yêu cầu nhiều sáng tạo là chuyện không dễ dàng. Việc trúng thầu công trình còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.

Về việc tạo quan hệ trước một dự án được đấu thầu, ông Hiền cho biết: “Thương trường là chiến trường và mỗi doanh nghiệp lựa chọn cho mình một phương thức để thành công. Lobby khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng tôi luôn hướng tới những thiết kế mang lại nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa, môi trường sống, cái đẹp tinh tế trong kiến trúc... phù hợp với cuộc sống hiện đại. Đây chính là nghệ thuật lobby mà tôi đã chinh phục các chủ đầu tư”.

Đăng Cường (Nhịp cầu Đầu tư)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu