Thầy Võ Quý Huân - trở về với khát khao giải phóng dân tộc
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Đảng và Chính phủ chủ trương tái lập Trường Kỹ thuật Trung cấp Chuyên nghiệp Hà Nội (tiền thân là trường Kỹ nghệ Thực hành (Bách nghệ) ra đời ngày 10/08/1898 dưới thời Pháp thuộc) để đào tạo lớp cán bộ kỹ thuật mới, nhằm đáp ứng cho công cuộc phục hồi kinh tế ở miền Bắc sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cuối năm 1955, tôi vừa tốt nghiệp cấp 2 phổ thông khi chưa đủ 17 tuổi. Vì trường xa và gia đình nghèo khó, tôi không thể học tiếp lên cấp III được. Sau khi làm các thủ tục theo quy định, ngày 05/12/1955, tôi đã có giấy gọi theo học Trường Kỹ thuật Trung cấp Chuyên nghiệp Hà Nội. Từ đó, tôi chính thức trở thành học sinh khóa II (1956), lớp nhiệt điện. Cũng xin nói thêm, khóa I bắt đầu vào học từ năm 1955 với gần 100 sinh viên. Nhưng do yêu cầu cấp bách, sau một năm học chuyên môn, hầu hết số này chuyển sang bổ túc về sư phạm công nghiệp và phần lớn được ở lại làm giáo viên dạy từ khóa II trở đi.
|
Vì khao khát với nguyện vọng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, nhân dịp Bác Hồ sang Pháp dự Hội nghị Pontainebleau và được Bác giáo dục, vận động, thầy Võ Quý Huân đã cùng với các ông Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước tạm biệt vợ con ở Pháp cùng Bác về Việt Nam bằng đường biển để góp phần giúp dân cứu nước. Tháng 10/1946, chuyến tàu biển của hải quân Pháp đã cập bến Hải Phòng.
Sau khi về đến Tổ quốc, thầy Huân được Hồ Chủ tịch phân công làm Giám đốc Sở Khoáng chất Kỹ nghệ Trung Bộ, nghiên cứu xây dựng cơ sở vật chất cho ngành quân giới phục vụ quốc phòng và kinh tế ở Liên khu IV. Sau đó, thầy được chuyển về vùng căn cứ ATK Việt Bắc. Tháng 10/1954, giải phóng Thủ đô, Trường Kỹ thuật Trung cấp I Hà Nội thành lập, thầy được Đảng và Nhà nước giao trọng trách là Hiệu trưởng đầu tiên. Dù khó khăn chồng chất, nhưng với tâm huyết và nỗ lực không biết mệt mỏi, thầy Huân đã cùng các cộng sự và lớp học sinh đầy nhiệt huyết xây dựng trường Trung cấp lên Cao đẳng và ngày nay là trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Càng phấn khởi tự hào về sự phát triển không ngừng của trường, chúng ta càng không thể quên công lao to lớn và đầy ý nghĩa của những người đã đặt viên gạch đầu tiên để có sự nghiệp vẻ vang như ngày nay. Công lao ấy chính là bàn tay khối óc của thầy Võ Quý Huân cùng bao người dựng nên.
|
Phát huy những truyền thống tốt đẹp của trường Kỹ thuật Trung cấp I Hà Nội, bao thế hệ học sinh đến nay đã tung bay khắp Tổ quốc, đáp ứng kịp thời cho sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, những ký ức về trường luôn thấm đậm trong mỗi trái tim, khối óc các thế hệ học sinh, sinh viên mà bản thân tôi cũng luôn mang nặng tình cảm ấy. Có thể nói trường Kỹ thuật Trung cấp I đã tạo cho tôi một chỗ đứng, một bàn đạp mới trên đường đời của mình. Cũng từ đây, đã tiếp thêm sức mạnh để tôi phấn đấu và hoàn thành xuất sắc những trọng trách do Đảng và Nhà nước giao như: Giám đốc Nhà máy, Trưởng Ty Công nghiệp rồi Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Tỉnh. Nhưng dù ở nhiệm vụ nào, thì sự khởi đầu in mãi trong trái tim tôi vẫn là công lao đào tạo của trường Kỹ thuật Trung cấp I, là tấm gương sáng mẫu mực và đầy trách nhiệm của thầy Hiệu trưởng Võ Quý Huân và những thầy giáo, những cộng sự đầy nhiệt huyết của thầy đã hun đúc lớp đàn em chúng tôi không những vững về chuyên môn, mà còn trưởng thành về quan điểm lập trường giai cấp công nhân. Đó là nguồn cổ vũ vô giá, đã nâng bước đi của mỗi cán bộ kỹ thuật chúng tôi trên đường đời, để được góp phần nhỏ bé của mình trong công cuộc xây dựng nền công nghiệp non trẻ của nước nhà trong giai đoạn cách mạng mới.
Vì vậy dù có đi đâu về đâu, dù trong hoàn cảnh nào những kỷ niệm, nỗi nhớ về Trường Kỹ thuật Trung cấp I Hà Nội, về thầy Hiệu trưởng Võ Quý Huân gắn liền với tên trường, tên lớp, luôn in đậm trong mỗi trái tim các thế hệ học sinh của thầy… Lịch sử Thủ đô Hà Nội chắc sẵn sàng đón nhận một tên phố mang tên thầy: Võ Quý Huân!
Mai Phúc Toàn