A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Thái Bình - biểu tượng phong trào sinh viên miền Nam phản đối chiến tranh trước 1975

Cách đây gần 43 năm, ngày 2/7/1972, sinh viên Nguyễn Thái Bình bị sát hại trên chuyến bay đưa anh từ Mỹ trở về Việt Nam đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. 24 tuổi, người thanh niên ấy -người trí thức trẻ kiên cường và tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh ngay trên đất Mỹ - đã ngã xuống như một anh hùng.



Liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Ảnh (st)
 

NGƯỜI SINH VIÊN TÀI HOA VỚI TINH THẦN BẤT KHUẤT

Nguyễn Thái Bình quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, là con trai lớn trong một gia đình đông con. Anh được sinh ra vào buổi tối ngày 14/01/1948 tại nhà bảo sinh xã Trường Bình trong tiếng súng giao tranh dữ dội giữa lực lượng Việt Minh và thực dân Pháp.

Nguyễn Thái Bình là một học sinh ngoan hiền, cần cù và thông minh. Học xong bậc tiểu học ở Cần Giuộc, anh lên Sài Gòn vào học trường trung học Pétrus Ký. Năm 1966, sau khi đỗ tú tài toàn phần, anh lần lượt thi đỗ vào các ngành Y, Dược, Nông Lâm Súc, Học viện Quốc gia Hành chánh của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ và anh đã chọn học ở trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (nay là Đại học Nông Lâm).

Tháng 3/1968, Nguyễn Thái Bình được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (United States Agency For International Development - viết tắt là USAID) cấp học bổng “Leadership”. Sau một năm học ở trường Cao đẳng Fresno, anh thi đỗ vào Đại học Washington và trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất trong các sinh viên nước ngoài theo học ở trường này. Tại đây, anh theo học một ngành rất ít liên hệ đến chính trị - ngành kỹ nghệ thực phẩm và ngư nghiệp.

Mùa hè năm 1970, Nguyễn Thái Bình được về thăm gia đình ở Việt Nam 2 tháng. Trong thời gian này, anh đã đi khắp nơi từ Huế, Đà Lạt đến Phú Quốc… để tự tìm hiểu, tiếp cận, khám phá đất nước và nhờ đó anh càng yêu mến quê hương tổ quốc mình hơn. Đây còn là dịp để anh chứng kiến thực tế tàn khốc của cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ đang gieo rắc ở Việt Nam.



 Nguyễn Thái Bình trên một diễn đàn ở Mỹ. Ảnh (st)

“Thà làm hạt cát phù sa bồi đắp cho quê hương còn hơn làm viên kim cương để trang điểm cho bàn tay người mệnh phụ kênh kiệu”.

“Đối với người Việt Nam, chừng nào quân đội Mỹ còn hiện diện trên đất nước chúng tôi, thì chừng đó chúng tôi còn đánh trả. Chúng tôi thà hy sinh mọi thứ, chứ không thể đánh mất độc lập, không chịu làm nô lệ”.

Nguyễn Thái Bình

Trở lại Mỹ, Nguyễn Thái Bình tích cực liên hệ với các tổ chức chống chiến tranh và tham gia biểu tình, mít tinh, diễn thuyết, hội thảo… Anh bày tỏ thái độ chống chiến tranh không những ở Đại học Washington mà còn ở nhiều nơi khác trên nước Mỹ. Anh còn là sáng lập viên của tờ Thời báo Gà, cơ quan ngôn luận của Trung tâm tài liệu Việt Nam, một tổ chức phản chiến của người Việt ở Mỹ.

Những tháng cuối năm 1971, phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và kêu gọi hòa bình rầm rộ diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, Nguyễn Thái Bình hoạt động tích cực hơn, tiếp xúc với các tổ chức và cá nhân ở Mỹ phản đối chiến tranh, trong đó có nữ diễn viên điện ảnh Mỹ nổi tiếng Jane Fonda.

Từ đó trở đi, trong nhiều tờ báo ở Mỹ, hình ảnh của Nguyễn Thái Bình liên tiếp xuất hiện bên cạnh những bài báo tường thuật các cuộc biểu tình phản chiến, những cuộc diễn thuyết của anh lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh đầy tội ác của Mỹ ở Việt Nam. Anh nhanh chóng trở thành một nhân vật tích cực trong phong trào của người Việt Nam chống chiến tranh ngay trên đất Mỹ, trở thành một biểu tượng về lòng yêu nước của sinh viên Việt Nam trong con mắt của người nước ngoài.

Ngày 10/2/1972, Nguyễn Thái Bình cùng 9 sinh viên Việt Nam (6 nam và 3 nữ) chiếm văn phòng Tòa lãnh sự chính quyền Sài Gòn ở số 886 Quảng trường Liên Hợp Quốc, New York, phát đi bản tuyên bố lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Bản tuyên bố này đã được truyền tới các nước như Pháp, Canada và Mỹ La tinh. Tòa lãnh sự đã nhờ cảnh sát Mỹ can thiệp và bắt cả nhóm sinh viên. Ngô Vĩnh Long, sinh viên trường Đại học Havard, đại diện của Hội Sinh viên Nam Việt Nam ở Mỹ lúc đó đã nói thẳng vào mặt nhân viên Tòa lãnh sự: “Chúng bây là một lũ hèn nhát! Chúng bây thể hiện sự can đảm bằng một đám cảnh sát Mỹ ở sau lưng phải không?”.

Theo công ước quốc tế, Tòa lãnh sự Nam Việt Nam ở New York là lãnh thổ Việt Nam và đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận tiến bộ Mỹ nên Chính quyền Mỹ không thể ghép Nguyễn Thái Bình và các bạn anh vào tội “xâm nhập trái phép” được. Sở Ngoại kiều và Nhập tịch New York đã buộc phải đề nghị miễn tố đối với những sinh viên Việt Nam này.



 Nguyễn Thái Bình phát truyền đơn phản chiến, áo mũ tốt nghiệp đính đầy khẩu hiệu chống Mỹ. Đại học Washington, ngày 26/5/1972.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ở Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có những con đường và trường học được mang tên Nguyễn Thái Bình.

Ngày 22/6/1977, Nguyễn Thái Bình được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định công nhận là liệt sĩ.

Ngày 21/2/2010, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho anh.

Tháng 5/1972, Nguyễn Thái Bình nhận bằng tốt nghiệp hạng danh dự tại Đại học Washington. Trong buổi lễ trao học vị lần thứ 97 của trường, anh đã lên án những hành động tội ác chống nhân dân Việt Nam bằng lời lẽ đanh thép, hùng hồn: “Hôm nay, để nhận được mảnh bằng tốt nghiệp, nhiều bạn đã phải nợ trường hàng ngàn đô la, còn đối với tôi, tôi lại phải chịu một món nợ máu xương của hàng triệu người Việt Nam. Bởi vì thời gian yên ổn của tôi để học tập ở nơi đây trị giá bằng cái chết, sự đau khổ của dân tộc tôi, sự tàn phá trên quê hương Việt Nam của tôi. Tất cả các bạn cũng chịu món nợ máu này như nhân dân Mỹ phải chịu trách nhiệm về quy mô của những tội ác chiến tranh mà chính phủ Mỹ đã phạm phải khi chống lại nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Đông Dương”. Và anh dõng dạc công bố: “Hôm nay hàng trăm vụ ném bom bằng B52, hàng ngàn tấn bom na-pan, bom lân tinh, chất khai quang… tất cả đều đổ lên đầu trẻ thơ vô tội và những người già, tàn phá nhà thờ, trường học, chùa chiền, bệnh viện tại Việt Nam. Tôi tin rằng lương tâm nhân loại vẫn còn ở mỗi con người. Tôi kêu gọi tất cả các bạn hãy lên tiếng vì hòa bình, đứng về phía công lý và giúp đỡ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm kết thúc cuộc chiến phi nghĩa, phi nhân và tàn bạo này!”.

SỐNG VÀ CHẾT VÌ VIỆT NAM

Những ảnh hưởng lan tỏa của phòng trào chống chiến tranh ngay trên đất Mỹ đã khiến Nguyễn Thái Bình bị trục xuất. Trên chuyến bay định mệnh ngày 1/7/1972, khi máy bay hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất một ngày sau đó, anh bị bắn năm phát đạn trên ngực trái, thi thể bị vứt qua cửa máy bay xuống đường băng với lời vu khống là không tặc.

Trước ngày hôm đó, Nguyễn Thái Bình đã viết để lại 2 bức Thư ngỏ - một gửi nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới, bức kia gửi Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Bức thư gửi Tổng Thống Nixon có đoạn viết: “Thưa ngài Tổng thống, tôi là người Việt Nam, tôi tên Nguyễn Thái Bình, nghĩa là hòa bình. Là một sinh viên Việt Nam, tôi đã nghiên cứu những tổn hại to lớn về xã hội, kinh tế và văn hóa mà cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam gây ra. Việt Nam ở cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề làm điều gì có hại cho người Mỹ. Nhưng suốt 18 năm qua, chính phủ Mỹ đã vi phạm và phá hoại một cách có hệ thống Hiệp định Geneva năm 1954, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, ngăn cản việc vãn hồi hòa bình, cản trở việc thống nhất đất nước yêu dấu của tôi.

Với tư cách là người lãnh đạo nước Mỹ, hẳn ngài phải hiểu rõ hơn ai hết quy mô to lớn của những tội ác chiến tranh chống nhân loại, những tội ác chống hòa bình mà chính phủ Mỹ đã phạm phải ở Việt Nam cũng như ở Lào và Campuchia. Tôi nghĩ rằng ngài và những người kế tục ngài hiểu rất rõ: Bao nhiêu bom đã ném xuống Đông Dương sau khi ngài nhận chức? Vũ khí của ngài đã có tác dụng giết người đến mức nào? Bom đạn Mỹ đã hủy diệt đất đai, cảnh trí và sinh mạng con người đến mức nào? Hàng triệu người ở Đông Dương đang phải đau khổ ra sao dưới bàn tay ngài, dưới chính sách diệt chủng, diệt sinh của Mỹ...

Để tàn phá giết chóc, đốt phá ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương, ngài nắm trong tay tất cả vũ khí tối tân nhất, giết người hiệu nghiệm nhất (hóa học, sinh học, điện tử). Còn trong cuộc chiến đấu thì tình thương yêu, vì hòa bình và công lý, tôi chỉ có lòng tin vào nhân loại. Sự nghiệp của tôi là chính nghĩa, không một vũ khí nào, không một sự đe dọa nào có thể làm tôi run sợ. Đối với người Việt Nam, vấn đề cũng như thế mà thôi”. Và anh khẳng định mạnh mẽ: “Trái bom duy nhất của tôi chỉ là trái tim của tôi, một trái tim có thể nổ tung vì tôi chấp nhận hi sinh cho đại nghĩa để kêu gọi yêu thương, để khôi phục niềm tin của con người nơi công lý, để thức tỉnh lương tâm của kẻ thù. Nếu tôi có bị giết thì cả triệu người Việt Nam sẽ thay thế tôi chiến đấu cho tới ngày nào chúng tôi chấm dứt được cuộc chiến tranh bất nhân và vô luân này.” 

Sau khi gửi 2 bức Thư ngỏ cho Hội Sinh viên Việt Nam ở Mỹ công bố trước báo chí, Nguyễn Thái Bình ung dung bước lên máy bay để trở về cố quốc theo lệnh trục xuất của chính phủ Mỹ.

Trước khi bị sát hại, Nguyễn Thái Bình cũng đã viết vội một bức thư gửi về cho gia đình anh. Bức thư viết: “Ba má! Con biết ba má và các em con sẽ khổ nhiều trong cảnh sinh ly hay tử biệt này. Con quả quyết ra đi hôm nay vì con thấy một sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc, Tổ quốc đã đặt vào tay con. Nỗi khổ đau này của ba má và các em, con hiểu lắm! Suốt mấy năm qua khi nghĩ đến quyết định này đã làm cho con giằng co tâm não, để cuối cùng chọn con đường chông gai, khổ nhọc này vì con đã thấy rõ đâu là con đường sống của dân tộc, đâu là con người tàn bạo dã man nhất. Sự đau khổ của đồng bào quê hương suốt mấy chục năm qua dưới bom đạn, đốt phá không gì sánh nổi. Đau khổ này của ba má ví bằng đau đớn của bao triệu cha mẹ Việt Nam mất đi đứa con yêu (ngày nào đó con cũng sẽ vùi thân trong tủi nhục mà không chút lý tưởng, nghĩa lý cho sự hy sinh).

Hôm nay vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả một dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng nhân đạo mà con có hy sinh thì cái chết này không phải là một sự chấm dứt mà là một sự khởi đầu cho sự hồi sinh của thế hệ tương lai. Đường con đi nhất định theo chân anh hùng Việt Nam đi vào thanh sử chứ không bám gót ngoại xâm làm thân tôi đòi nô lệ. Con hy vọng ba má đặt mình vào vị trí của cha mẹ Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi thì sự mất mát này không là sự đau khổ, thương tiếc quá lớn mà sẽ giảm thiểu để con vun bồi xây dựng cho lớp đàn em kế tiếp (vì phi cơ xóc viết không rõ, xin ba má hiểu cho).”
Gia đình của anh bị chính quyền Sài Gòn bắt ngay sau khi anh bị sát hại và cha anh không được dự lễ tang của con mình được tổ chức lặng lẽ vào ngày 6/7/1972.

Cái chết của Nguyễn Thái Bình đã làm chấn động dư luận và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam. Ở Mỹ, các bạn học của anh đã tưởng niệm anh tại Đại học Washington và một số tổ chức sinh viên Việt kiều cũng tổ chức tưởng niệm anh trên đất Mỹ. Ngày 4/7, ngay khi nghe tin anh bị sát hại, Hội Sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã họp báo tại San Francisco và ra tuyên bố về sự hy sinh anh dũng của sinh viên Nguyễn Thái Bình, công bố 2 lá Thư ngỏ của Nguyễn Thái Bình gửi Tổng thống Nixon và gửi nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới. Bản tuyên bố có đoạn: “Hội Sinh viên Việt Nam ở Mỹ gọi cái chết của Nguyễn Thái Bình là “Cái chết của 1 người yêu nước… Là 1 vụ ám sát chính trị” và yêu cầu: “Phải đưa kẻ giết Nguyễn Thái Bình ra trước nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới!”.

Gia đình Nguyễn Thái Bình được thả ngay tức khắc. Hội Sinh viên Việt Nam ở Mỹ kêu gọi “nhân dân ở khắp nơi hãy có hành động ủng hộ sự hy sinh của Nguyễn Thái Bình vì hòa bình, tự do và độc lập của đất nước chúng tôi và phản đối cuộc xâm lăng tàn bạo của chính phủ Mỹ ở Việt Nam".

Nguyễn Thái Bình đã sống trọn vẹn tới giây phút cuối cùng “sống và chết xứng đáng là một người Việt Nam, Sống và Chết Vì Việt Nam!”

                                                                     Thanh Hà (tổng hợp)


 

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu