A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người nâng vị thế nước mắm Việt bên kia bờ đại dương

Từ tình yêu những món ăn của mẹ và hương vị nước mắm quê hương, ông Cường Phạm (65 tuổi, Mỹ) đã không quản ngại gian lao đưa nước mắm Phú Quốc vượt hơn 40.000 km số sang Mỹ, nâng tầm nước mắm Việt thành thương hiệu thực phẩm cao cấp được thế giới tin dùng.

Đưa nước mắm vượt đại dương cho vơi nỗi nhớ quê

Năm 2005, lần đầu tiên, ông Cường Phạm, sinh năm 1958, đến thăm Phú Quốc. Hương vị đặc biệt của nước mắm truyền thống nơi này khiến ông nhận ra: đây là điều thiếu sót của ông trong nỗ lực kế thừa các công thức nấu ăn của mẹ bao năm qua.

Ông Cường Phạm tại cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc

Ông Cường từ Việt Nam sang Mỹ định cư từ những năm đôi mươi. Mười năm sau đó, khi cuộc sống ổn định, ông mới bảo lãnh mẹ và người thân sang đoàn tụ cùng mình. Mẹ ông là giáo viên tiểu học ở Sài Gòn, cũng là người rất thích nấu ăn và đã được đào tạo như một đầu bếp của Pháp. Sau chuyến đi, quà ông mang về Mỹ tặng mẹ là chai nước mắm Phú Quốc. Mẹ ông rưng rưng xúc động khi thấy lại hương vị quê hương và nhớ những người thân trong ký ức.

Trở về Mỹ, ông Cường vẫn tiếp tục với công việc tại công ty Apple với vai trò là kỹ sư công nghệ thông tin mà ông đã gắn bó hơn 20 năm. Song song đó, ông bắt đầu công việc đầu tư sản xuất nước mắm cùng với một cặp vợ chồng làm nước mắm thủ công Phú Quốc.

Sau 3 năm dày công chuẩn bị, thử nghiệm để tìm ra công thức sản xuất nước mắm với chất lượng và hương vị ưng ý nhất. Ông Cường đã vận chuyển nước mắm Red Boat do công ty ông sản xuất từ Phú Quốc về Mỹ bằng thuyền và đóng chai tại Hayward, California, Mỹ. Sau đó, ông lái xe vòng quanh nước Mỹ để tiếp thị sản phẩm, các đầu bếp nhanh chóng bị thu phục, nhưng các nhà bán lẻ không quan tâm.

Không thể phân phối, ông Cường đã tự mình bán hàng trực tuyến. Ngày nào may mắn mới được 10 đơn đặt hàng.

Hương vị quê hương trong nỗi nhớ mẹ

Năm 2011, bước ngoặt đến với công ty ông khi nhà báo ẩm thực Florence Fabricant viết một bài báo ngắn về nước mắm Red Boat trên tờ The New York Times. Sau bài báo này, các nhà phân phối trước đó từ chối ông đã bắt đầu tự tìm đến liên hệ với ông.

Một năm sau đó, ông nghỉ việc ở Apple chuyên tâm vào việc sản xuất, kinh doanh nước mắm. Đến nay, nước mắm Red Boat nhận được 400 đơn đặt hàng một ngày. Công ty ông sản xuất khoảng 500.000 lít mỗi năm. Các con ông cũng tham gia cùng ông điều hành công ty; Tracy, con gái lớn, phụ trách tài chính và bán hàng, Kevin phụ trách sản xuất; Tiffany, người con trẻ nhất phụ trách quản lý tiếp thị và an toàn thực phẩm.
 

Gia đình ông Cường Phạm vui vẻ bên bữa cơm truyền thống của người Việt

Ông Cường Phạm cho biết những điều ông học từ 20 năm làm việc ở Apple đã góp phần vào thành công trong việc sản xuất và kinh doanh nước mắm của ông. Đó là: sản phẩm phải có chất lượng cao và phải có sự khác biệt. Điều đó thể hiện ở việc ông thuê đội ngũ đánh bắt cá, việc làm nước mắm được thực hiện ngay ở trên tàu với cá tươi trên thuyền với muối biển. Ông dùng thùng gỗ để ủ cá, và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp… theo phương pháp thủ công truyền thống. Nước mắm Red Boat của ông được bán trên thị trường với giá khoảng 7 USD một chai gấp đôi giá của các đối thủ cạnh tranh sản xuất hàng loạt, chứa nhiều chất phụ gia.

Nhớ ơn người mẹ đã gieo nhớ thương hương vị nước mắm quê hương và là nguồn cảm hứng giúp ông thành công với thương hiệu nước mắm Red Boat. Ông chủ biên phối hợp với hai tác giả khác thực hiện quyển sách nấu ăn cùng với nước mắm Red Boat để tôn vinh mẹ. Quyển sách The Red Boat Fish Sauce Cook Book xuất bản trong thời điểm dịch Covid 19, có 50 công thức do mẹ ông ghi chép từ Việt Nam mang sang Mỹ.

(Theo thoidai.com.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu