A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người mang hình ảnh làng quê Việt Nam đi khắp thế giới

Tuấn Lê có tên thật Lê Ngọc Tuấn Anh, sinh năm 1977 tại TP.HCM. Sinh trưởng trong một gia đình nghệ sĩ, ngay từ lúc còn rất nhỏ, anh đã rất đam mê với các tiết mục xiếc, tung hứng và thậm chí còn không ít lần xuất hiện trên sân khấu!




 Cảnh trong vở diễn "À ố show”


Năm 1991, Tuấn Lê cùng gia đình sang Berlin (CHLB Đức) định cư. Cuộc sống mới bắt buộc anh phải từ bỏ nghệ thuật để làm những công việc khác kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên chỉ được vài năm, với niềm đam mê xiếc cháy bỏng nên Tuấn Lê tiếp tục mua tài liệu, sách vở về học hỏi và đến các sân khấu tạp kỹ như Variete Theater hay Vaudeville Cabaret Theater ở Berlin tìm kiếm cơ hội. Năm 18 tuổi, Tuấn Lê chính thức biểu diễn ở một sân khấu nhỏ tại Berlin vào ban đêm, còn ban ngày anh theo học các lớp về múa, nhạc, xiếc tại Trung tâm Văn hóa quốc tế Ufa Fabrik. Khoảng một năm sau, Tuấn Lê ký hợp đồng làm việc chính thức cho đoàn Chamaeleon Variete Theater.

Vào năm 2000, Tuấn Lê thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên trên sân khấu Saint Dennis. Tiếp đó lần lượt là Pháp, Thụy Điển, Áo, Mỹ... Năm 2009, Tuấn Lê ký hợp đồng cộng tác dài hạn với đoàn xiếc danh tiếng Cirque du Soleil của Canada, đồng thời là diễn viên xiếc Việt Nam đầu tiên làm việc cho đoàn xiếc này. Một năm sau đó, anh giành được giải Nghệ sĩ xuất sắc (Exellence Award) do Hiệp hội Nghệ sĩ tung hứng thế giới (IJA) trao tặng.

Trong lần đầu tiên quay trở lại thăm quê hương cách đây chừng 10 năm, Tuấn Lê gần như bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống làng quê Việt Nam. Với cảm xúc của người chuyên xây dựng tác phẩm cộng với ý tưởng đã có từ lúc ở CHLB Đức, Tuấn Lê bắt đầu ấp ủ một chương trình nghệ thuật kết hợp giữa những điều phi thường của xiếc với câu chuyện làng quê. Và sau cùng dự án kịch xiếc "Làng tôi” đã dần hình thành vào năm 2005 sau 3 tuần làm việc giữa Tuấn Lê với nghệ sĩ Nguyễn Lân Maurice, nghệ sĩ Nhất Lý và biên đạo múa Tấn Lộc. Song ở thời điểm ấy, họ chỉ mới cùng nhau bàn bạc, chia sẻ các phương pháp làm việc, sau đó thì dự án phải tạm thời xếp lại. Mãi đến năm 2008, một nhà khai thác sản xuất của Pháp nhìn thấy tiềm năng lớn của "Làng tôi” đã đồng ý bỏ kinh phí đầu tư cho dự án của Tuấn Lê.

Với những động tác ngoạn mục đầy sức trẻ của các diễn viên xiếc, nền âm nhạc dân tộc đậm chất Việt và đặc biệt là thuật sắp đặt ánh sáng, tạo hình với đạo cụ là tre nứa, nón lá, thúng mủng, rổ rá…khán giả không khỏi bất ngờ trước chất lượng của một chương trình xuất phát từ một quốc gia có nền nghệ thuật xiếc không phát triển lắm như Việt Nam. Trước nay, gần như chưa có chương trình xiếc nào sử dụng tre nứa làm chất liệu từ thiết kế sân khấu đến các đạo cụ mà "Làng tôi” là chương trình đầu tiên làm được điều này. Xuyên suốt vở kịch xiếc là những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc Việt, những hình ảnh đêm soi đèn bắt ếch, phiên chợ vùng cao, ngày hội làng vui nhộn... luôn được các nghệ sĩ thể hiện bằng nhiều động tác hết sức khéo léo, dẻo dai, độc đáo... Ngoài ra khi mang vở diễn rong ruổi khắp thế giới, Tuấn Lê vẫn quyết định giữ nguyên tên tác phẩm là "Làng tôi” chứ không dịch sang ngôn ngữ nào khác. Bắt đầu từ tháng 6/2009, "Làng tôi" được công diễn tại Paris (Pháp) rồi sang Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Úc…Tính đến nay đã có tổng cộng hơn 400 suất diễn "Làng tôi” tại nhiều nước trên thế giới.

Vẫn chưa hết, tiếp nối thành công của "Làng tôi”, trong năm 2013, Tuấn Lê lại cùng ê-kíp của mình tiếp tục xây dựng "À ố show”. Cũng tương tự như "Làng tôi”,  "À ố show” là chuỗi những câu chuyện bình dị mô tả cuộc sống của người dân miền duyên hải Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long trong giai đọan đô thị hóa cũng như những va chạm cuộc sống của những cá thể ở môi trường thôn quê. Tuấn Lê đang có kế hoạch đưa "À ố show” nối tiếp "Làng tôi” đi lưu diễn châu Âu vào năm tới 2015.

Đạo diễn Tuấn Lê tâm sự: "Tâm huyết của tôi là làm sao xây dựng được những tác phẩm để người Việt mình có thể tự hào về những giá trị văn hóa độc đáo của quê hương. Nhiều chương trình của tôi sau này cũng vậy, sẽ tận dụng những chất liệu quen thuộc và nâng lên thành những nét độc đáo. Hiện tại, chúng tôi cũng đang ấp ủ kế hoạch xây dựng thêm tác phẩm thứ ba. Tuy chưa thể tiết lộ chi tiết nhưng đó cũng là một chương trình làng phố có kết hợp múa rối. Tôi tin rằng chương trình này sẽ mang đến cho khán giả - không chỉ trong nước mà khắp thế giới - một cảm xúc, cách nhìn nhận mới về nghệ thuật trình diễn và hình tượng rối Việt Nam!”.

(Theo Đại đoàn kết)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu