Nặng tình Đất Tổ
Tôi được mời dự buổi giới thiệu hai cuốn sách của một người Việt ở xa Việt
Tôi “biết” chị Lệ Tân từ năm 1967, khi chúng tôi là những lưu học sinh năm đầu tiên tại Ba Lan. Hồi đó, chúng tôi được thông báo vừa chính thức qua cán bộ Đại sứ quán, vừa không chính thức qua câu chuyện của những lưu học sinh lớp trước, về trường hợp vi phạm kỷ luật rất nghiêm trọng của chị để tránh một gương xấu. Những năm đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn khốc liệt, các nước xã hội chủ nghĩa nhận lưu học sinh ta sang đào tạo để sau khi học xong trở về Việt Nam làm việc; bất cứ ai ở lại cũng bị coi là lưu vong và bị cắt đứt mọi liên hệ! Chị Lệ Tân đã lấy chồng là người Ba Lan và không về nước khi tốt nghiệp đại học. Đầu những năm 1980, sau khi có sự công nhận chính thức cuộc hôn nhân của một nữ sinh Việt Nam và một giáo viên Liên Xô thì nhận xét về những hoàn cảnh tương tự ở các nước xã hội chủ nghĩa không còn nặng nề như trước nữa. Nhưng tôi vẫn bị câu chuyện của chị ám ảnh vì, cũng với lý do tương tự một bạn học cùng khóa cùng trường và ở cùng phòng trong ký túc xá với tôi, sang Ba Lan sau chị 12 năm, đã buộc phải về nước hè năm 1973 mà không được bảo vệ luận án tốt nghiệp.
|
Chị Lệ Tân biết tôi từ năm 2000. Năm đó, chị gửi email thận trọng hỏi tạp chí Quê Hương về khả năng xin cấp lại hộ chiếu Việt
Bùi Lý Lệ Tân là con gái đầu lòng của ông Bùi Hải Thiệu và bà Hoàng Lệ Minh, những nhà cách mạng lão thành do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tuyển lựa, đặt bí danh mang họ Lý – ông Lý Quốc Lương và bà Lý Phương Thuận, đào tạo tại Trung Quốc và Thái Lan, rồi giao nhiệm vụ hoạt động tại Trung Quốc trong những năm 30 và 40 của thế kỷ trước. Chị thuộc thế hệ người Việt
Chị nói tiếng Việt tốt nhưng chưa hẳn đã bình thường như phần lớn người Việt Nam sống ở trong nước, còn viết sách bằng tiếng Việt thì mãi tới khi đến tuổi “cổ lai hy” chị mới bắt đầu. Sống xa quê hương và do ở lại nước ngoài trong hoàn cảnh bị chối bỏ, chị không có cơ hội tiếp xúc với người Việt, nhưng với quyết tâm “giữ bằng được tiếng mẹ đẻ”, chị đọc đi đọc lại những cuốn sách tiếng Việt hiếm hoi còn giữ được bên mình, suy ngẫm trên những bài thơ tiếng Việt đã từng viết và đọc, ngâm nga các ca khúc học được trong thời kháng chiến chống Pháp... Tiếng Việt của chị trong “Một mình trên đường” rất giản dị, chân phương, dễ hiểu. Chị ghi lại theo thời gian, theo những sự kiện trong cuộc đời và suy nghĩ của một cô bé những năm hình thành tính cách thiếu nữ, tuy sống giữa tình yêu của gia đình bên nội nhưng mẹ lại ở xa, còn với người cha thân yêu thì chỉ có thể tâm tình qua những vì sao. Chắc chị không ngờ 10 năm ở quê cha, trong đó có tới 9 năm chiến tranh, lúc nào cũng cảm thấy có “một mình” lại là thời gian duy nhất chị sống ở Việt Nam. Khi viết cuốn sách thứ hai với tên gọi “Ngã ba đường”, theo nhà văn Đỗ Chu, tiếng Việt của chị đã là tiếng Việt văn chương và, dù xuất hiện muộn chị vẫn sớm thành danh trên văn đàn. Quyết định ở lại nước ngoài vào những năm 60 của thế kỷ trước đã đặt chị vào tình thế không biết khi nào mới được trở lại quê hương với tư cách là một công dân Việt
Năm 2009, khi tặng tôi cuốn “Một mình trên đường” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, chị đề nghị tôi tìm giúp một người dịch sang tiếng Ba Lan. Tôi nhận lời, nhưng vẫn khuyến khích chị tự dịch sách. Sau một thời gian liên hệ với những người có khả năng và điều kiện dịch sách từ tiếng Việt sang tiếng Ba Lan, tôi gửi email thông báo họ tên và địa chỉ của người có thể giúp chị dịch sách với vỏn vẹn mấy chữ “Lệ Tân Sitek” và địa chỉ email của chị. Hai năm sau, tôi nhận được “Sama na drodze” với lời đề tặng của chị ghi đó là “blizniak”, nghĩa là anh chị em sinh đôi của “Một mình trên đường”. Tôi xem và thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã đúng khi “giới thiệu” người dịch cho chị. Hai cuốn sách đúng là anh chị em sinh đôi. Tiếng Ba Lan trong “Sama na drodze” cũng giản dị, chân phương, dễ hiểu như tiếng Việt trong “Một mình trên đường”. Và tình cảm chị dành cho đất nước Ba Lan cũng không kém sâu đậm, như chị phát biểu trên đài TOKFM: “Trái tim tôi đặt ở Ba Lan”. Đọc bản tiếng Ba Lan, tôi thấy bên cạnh phần “dịch” còn có cả phần “viết” của chị. Hội Nhà văn Ba Lan không nhầm khi mời chị làm hội viên. Nhiều khi tôi đọc song song bản tiếng Việt và bản tiếng Ba Lan, từng đoạn, từng trang. Và tôi, một người có nhiều năm kiếm sống bằng nghề biên-phiên dịch, đã học được rất nhiều từ cách dịch, cách viết của chị. Có một điều chắc chắn là nếu tôi có dịch “Một mình trên đường” thành “Sama na drodze” thì không bao giờ đạt hiệu quả văn chương như bản dịch của chị. Bản “Sama na drodze” của chị còn thực hiện vai trò của một “sứ giả” giới thiệu với bạn đọc Ba Lan cuộc sống thực của người Việt
Bìa cuốn “Ngã ba đường"
Đến dự buổi giới thiệu sách của chị ở Hà Nội có rất nhiều người thuộc mọi lứa tuổi. Tôi thấy lão họa sỹ Phan Kế An, tác giả của “Nhớ một chiều Tây Bắc”, và nhiều vị cao niên khác ngồi cạnh các bạn tuổi đôi mươi chăm chú nghe nhà văn Phạm Xuân Nguyên giới thiệu hoàn cảnh ra đời của hai cuốn sách còn rất mới và nữ tác giả tóc bạc U80. Rất nhiều người phát biểu ý kiến làm phong phú thêm hiểu biết về một thời đã qua nhưng không bao giờ cũ có liên quan đến cuộc sống của người Việt chúng ta mà hai cuốn sách lấy làm bối cảnh. Một thanh niên viết email cho tôi chia sẻ: “Cháu thực sự ngạc nhiên vì sức sống của cô Lệ Tân. Ánh mắt của cô ấy như một người mới đôi mươi!” Bởi nặng tình với đất tổ nên mỗi lần về quê là một lần chị cảm thấy trẻ lại.
Giáo sư Chương Thâu khẳng định, hai cuốn sách của Lệ Tân Sitek cung cấp nhiều tư liệu quý cho công trình nghiên cứu của ông và đồng sự về một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước. Tôi cứ mong hai cuốn sách được chuyển thể kịch bản và dựng thành tác phẩm điện ảnh thì chúng ta, những người Việt Nam đang sống ở trong nước cũng như những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, sẽ có thêm tư liệu lịch sử sinh động về cuộc sống của chính chúng ta, làm tài sản để lại cho các thế hệ mai sau.
Phương Linh