A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm báo tiếng Việt ở Ukraine

“Gọi là báo thì hơi to tát, thực ra nó chỉ là ở trang điện tử giống như blog thôi” - trả lời khiêm tốn vậy nhưng 5 năm qua, Nguoixunghekiev.vn của anh Hồ Sỹ Trúc đã trở thành nhịp cầu quê hương, kết nối những tấm lòng nhân ái của người Việt trên toàn Ukraine.

Nguoixunghekiev.vn - tiếng nói của Hội đồng hương Nghệ-Tĩnh tại thành phố Kiev chính thức hoạt động từ năm 2011 trên tinh thần tự nguyện của anh Hồ Sỹ Trúc nhằm phục vụ công tác của Hội. Không chỉ tạo sân chơi cho những anh chị em yêu văn nghệ tại Kiev, anh muốn lập trang báo để đăng tải các tin tức, các thông báo về hoạt động của cộng đồng người Việt tại Ukraine, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào cũng như chủ trương chính sách của nước sở tại có liên quan đến việc làm ăn sinh sống của bà con.

Đặc biệt, thông qua trang báo này, những hoạt động thiện nguyện của kiều bào tại Ukraine được khơi dậy mạnh mẽ hơn như ủng hộ Quỹ “Trái tim cho em” theo lời kêu gọi của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina, ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ chiến sĩ Trường Sa, trao quà Tết đến tận tay những mảnh đời bất hạnh... Trang báo thực sự đã đưa những tấm lòng của bà con khắp nơi về với quê hương bằng những việc làm thiết thực nhất.

Anh Hồ Sỹ Trúc 

Ông chủ của tòa soạn không phóng viên

Sinh ra tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, đi lao động hợp tác tại Ukraine từ năm1989, sau đó anh đón vợ đoàn tụ và ở lại cho đến nay. Trải qua những thăng trầm của cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, anh Trúc được bà con biết đến là người luôn sẵn lòng giúp đỡ những ai khó khăn hơn mình.

Để ra đời trang báo dành cho người Việt tại Kiev, ban đầu anh Trúc phải tự mày mò thiết kế giao diện, xin cấp phép và học hỏi thêm từ các trang báo của bạn. Là người “ngoại đạo” không có chuyên môn về báo chí nhưng với quyết tâm chia sẻ thông tin, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hướng đến nét đẹp chân - thiện - mỹ, anh đã đưa trang báo đến với nhiều bạn đọc. Trang báo cũng được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo Việt Nam trong ngoài nước thương yêu, gửi bài ủng hộ miễn phí.

Đặc biệt, Nguoixunghekiev.vn đang hoạt động chỉ với vỏn vẹn hai người biên tập. Càng trân trọng hơn khi ông chủ của trang báo này vẫn ở nhà đi thuê, đi làm bằng chiếc xe hai bánh nhưng đã chi trả hoàn toàn kinh phí hoạt động của báo trong suốt thời gian qua với tinh thần tự nguyện, không toan tính.

Anh Trúc chia sẻ, để đáp ứng được yêu cầu đủ tin tức cho các chuyên mục, anh thường phải làm việc trên máy từ 12 - 13 giờ mỗi ngày. Bên cạnh một đồng nghiệp nữ giúp phụ trách mảng văn nghệ, anh Trúc phải tự tìm tin tức trên mạng, tự đi tác nghiệp cũng như viết bài. Là lao động chính trong gia đình có bốn thành viên, anh vừa phải kinh doanh, vừa tranh thủ làm báo và dành thời gian cho các hoạt động của cộng đồng.

Đam mê của người “ngoại đạo”

Không học về nghề làm báo, nhưng công việc hiện tại đã đem lại cho anh Trúc niềm vui khi thấy mình làm được điều có ý nghĩa cho cuộc đời. Qua trang báo, anh cũng nhận thấy bản thân trưởng thành lên nhiều trong nhận thức về cuộc sống, về nhân sinh quan và thế giới quan. Một cơ hội khác là anh được làm quen và bầu bạn với các tác giả cũng như bạn đọc khắp nơi trên thế giới.

Một dấu ấn quan trọng là năm 2013-2014, Báo Nguoixunghekiev.vn đã tổ chức thành công cuộc thi “Viết về xứ Nghệ quê mình” với 24 tác giả đạt giải và nhận được sự ngợi khen từ các nhà văn, nhà thơ có uy tín. Với những hoạt động tích cực, trang báo được UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine tặng bằng khen ghi nhận những đóng góp cho hoạt động văn hóa của cộng đồng.

Thời gian tới, anh mong muốn tổ chức một cuộc thi viết về quê hương Tổ quốc để trang báo đến được với bạn đọc rộng rãi hơn.

Anh Trúc cho biết, cộng đồng Việt Nam tại Kiev không lớn và hầu hết bà con kinh doanh thuần túy ở các chợ, có một số ít doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau và các cháu sinh viên sang du học ở một số trường đại học. Là những con dân Việt xa xứ lâu năm nhưng cội nguồn quê hương Tổ quốc đã ăn sâu vào máu thịt, bởi vậy ai cũng có ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống qua các hoạt động văn hóa cộng đồng, giữ nền nếp Việt và giáo dục con cái hướng về quê hương.

Tuy nhiên, điều anh Trúc luôn trăn trở và canh cánh trong lòng đó là giáo dục ngôn ngữ Việt cho thế hệ kiều bào thứ hai và ba tại đây. Trong tình hình khó khăn chung ở Ukraine hiện nay, dù rằng mỗi gia đình đã cố gắng quan tâm, dạy dỗ nhưng nhiều cháu vẫn nói tiếng Việt không lưu loát, thậm chí hoàn toàn quên đi tiếng mẹ đẻ.

Vì vậy, trang báo tiếng Việt của anh cũng hy vọng có thể trở thành một nhịp cầu nhỏ để hướng các em về với chữ viết và văn hóa nguồi cội./.

(Theo Thế giới và Việt Nam)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu