A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họa sĩ Lê Bá Đảng – Mang tinh thần Việt vươn ra thế giới

Sống gần trọn một thế kỷ, họa sĩ Lê Bá Đảng là sự kết tinh trải nghiệm của văn hóa Đông – Tây. Ông mang trong mình một tâm hồn thuần khiết Việt Nam, có tư tưởng và tài nghệ đạt tầm vóc quốc tế, và hiến dâng trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật. Ông đã bước ra thế giới và làm rạng danh một tinh thần Việt...

Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh ngày 27/6/1921 tại làng Bích La Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Có lẽ bởi ngôi làng của ông gần biển nên mỗi lần nhìn ra biển cả bao la, khát khao được một lần đi xa, khám phá thế giới rộng lớn bên kia luôn cháy bỏng trong trái tim ông. Đã nhiều lần, Lê Bá Đảng dự định rời làng nhưng mỗi lần đều bị người thân giữ lại.

Khát khao của ông đã thành hiện thực khi năm 19 tuổi, ông cùng các thanh niên Bích La khác đăng lính đi Tây. Mặc dù chẳng biết Tây là đâu, nhưng niềm mong ước đi ra thế giới đã thúc giục ông cùng bạn xuống tàu bắt đầu cuộc phiêu lưu.

Năm 1940, tàu cập bến Marseille, Lê Bá Đảng cùng các thanh niên khác bị đưa vào đoàn lính thợ của quân đội Pháp chống phát-xít. Tuy nhiên, sau hai năm trong hàng ngũ lính, Lê Bá Đảng đã trốn ra ngoài và quyết tìm cách lập thân xứ người. Không nơi nương tựa, ông vừa đi làm, vừa đi học, chỉ với một tinh thần sắt đá: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Một bậc thầy của hai thế giới Đông – Tây

Con đường đến với nghệ thuật của Lê Bá Đảng là một lựa chọn tình thế: “Tôi xin vào trường nào cũng bị từ chối, bởi không có văn bằng. Chỉ có trường mỹ thuật là nhận tôi học vẽ”. Thời niên thiếu, trong làng thường bảo ông là một chàng trai “có hoa tay” vì ông đục đẽo, nặn vẽ những đồ vật, con vật khá giống, hay làm được những công việc cần sự khéo tay. Có năng khiếu trời cho, nhưng để thi được vào học viện nghệ thuật ở Toulouse còn là sự bền bỉ, chịu khó đi học thêm để luyện vẽ của ông. “Ngày ấy, để đi học thêm vẽ tôi phải chạy, chạy hết tốc lực, chạy đến bở hơi tai trên đoạn đường dài 5-6 km từ xưởng đến lớp. Càng chạy nhanh bao nhiêu thì càng có nhiều thời gian được ngồi ở lớp vẽ lâu bấy nhiêu và ngược lại. Ông thầy dạy vẽ thấy lần nào đến lớp quần áo tôi cũng thấm đẫm mồ hôi, mặt mũi đôi khi còn chưa lau sạch vết dầu mỡ”. Khi biết chuyện, ông thầy vẽ đã rất quý mến tinh thần siêng năng, nhiệt tình học tập của người học trò châu Á của mình.

Chăm học hỏi và thích phiêu lưu, Lê Bá Đảng đã lao vào đủ mọi thể loại của nghệ thuật tạo hình để học tập, để thử nghiệm và khám phá: tranh in, tranh lụa, tranh sơn dầu, sơn mài, tranh cắt dán, tranh dệt, điêu khắc, chạm gỗ, chạm đá, chạm đồng, đất nung, gốm sứ, đồ trang sức...  Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng nói: “Lê Bá Đảng có tác phẩm gần như ở tất cả thể loại của mỹ thuật và với thể loại nào ông cũng ở đỉnh cao”.

Nhắc tới họa sĩ Lê Bá Đảng, người ta không thể quên được những bức tranh không gian của ông. Lê Bá Đảng đã tạo nên cả một trường phái nghệ thuật mà giới hội họa thế giới phải thừa nhận và gọi là “Lê Bá Đảng space” (“không gian Lê Bá Đảng”) - một không gian điêu khắc với ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt. Những bức tranh của ông có kết hợp tài tình giữa lối vẽ của phương Tây và phương Đông, và tìm thêm lối vẽ mới của chính mình để phản ánh đối tượng. Ngoài việc vẫn tận dụng cái nhìn theo luật viễn cảnh của phương Tây, hay lối nhìn theo chiều ngang (hình bẹt) của phương Đông, ông còn sử dụng lối nhìn của loài chim, của những phi hành gia từ trên cao, từ khoảng không để nhìn mặt đất, nhìn vũ trụ, tạo ra những không gian cho riêng mình, tạo nên được những thế giới kỳ ảo, thơ mộng và hoang đường. “Tranh của ông là một miền ký ức bao la về cội nguồn. Là ký ức của nhân loại từ thủa hồng hoang. Không còn ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa hội họa và thiên nhiên. Tranh của ông không bó hẹp trong khung, nó được gắn vào không gian như một bộ phận không thể tách rời. Nếu trong điêu khắc Điềm Phụng Thị có những module, thì trong hội họa Lê Bá Đảng cũng có những mô-tip của mình. Đó là Đất và Nước, Mẹ và Con, Vũ trụ và Hư không. Tranh của ông mang đậm chất thiền. Có cảm tưởng chúng ta đã tìm về đúng nơi xuất phát của mình…”. Đó là cảm nhận của đạo diễn Đặng Nhật Minh khi được tận mắt nhìn thấy “Không gian Lê Bá Đảng”.

Người ta đã viết về Bàn chân Giao Chỉ, về Hạt gạo Trường Sơn, về Ngựa, về Mèo, về Mắt, về Thiền xanh, về Tranh hai mặt, về Nghệ thuật sắc không, về Tấn tuồng nhân loại, về Cõi người ta, về Không gian Lê Bá Đảng, về Hàng rào mỹ thuật càng biết nhiều về ông, chúng ta càng nhìn thấy cái tầm kích độc đáo và sáng tạo của người họa sĩ thiên tài Lê Bá Đảng.

Quê hương trong trái tim Lê Bá Đảng

Trong tâm trí và trái tim của người nghệ sĩ tài ba Lê Bá Đảng, quê hương ông đẹp như một bức tranh tràn đầy màu sắc yêu thương. Ông từng viết: “Những cánh đồng bát ngát xanh, những lá chuối, cành tre ngẩn ngơ theo chiều gió. Màu sắc của những mái nhà thô sơ, cộc kệch, những cảnh nghèo nàn núp sau luỹ tre, vạt sắn, mang lại tất cả cái hương vị giản dị, thanh khiết của quê tôi là nguồn gốc của bao nhiêu cái đã làm cho tôi say sưa sống lại khi ở đất khách quê người… Những hình dáng của mấy cô hái rau, nhổ cỏ, các chị gánh nước, các anh đi cày, cái nón, cái khăn che mặt của mấy chị vất vả làm đường, hay quét dọn các ngã ba... Những ai ấp ủ say sưa hay thưởng thức được những cái đó có lẽ phải biết kính trọng cha mẹ, con người, ông Phật, ông Trời, quê hương... Biết tự hào về sự khéo léo của bàn tay, của những người “nhà quê” chân lấm tay bùn đã vun đúc cho thành ruộng thành vườn, thành làng trên xã dưới, cái chùa, cái miếu, cái am, câu tục ngữ ca dao, tuồng chèo hay hò giã gạo...”

Đọc những dòng tâm sự của ông, chúng ta có thể cảm nhận tình cảm mãnh liệt của ông dành cho quê hương, dù bao năm tháng ông phải sống xa quê, nhưng quê hương, nơi chôn rau cắt rốn luôn là một phần là máu, là thịt của ông. Ông sống hết mình vì nghệ thuật, và ông cũng làm hết sức mình vì quê hương.  

Trong những năm chiến tranh, ông đã đóng góp nhiều công sức và tiền bạc cho cuộc kháng chiến. Ông kêu gọi kiều bào tại Pháp đấu tranh phản đối cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ và vận động những người Pháp tiến bộ tham gia đấu tranh. Năm 1946, họa sĩ Lê Bá Đảng là một trong hai sinh viên ưu tú được Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp cử làm đại diện đến sân bay Charles de Gaules đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Fontainble. Hình ảnh họa sĩ Lê Bá Đảng đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sự kiện này đã trở thành hình ảnh tư liệu quý, đầy ý nghĩa của những người Việt Nam yêu nước luôn hướng về Tổ quốc. Trên 70 năm sống ở nước ngoài, nhưng các tác phẩm mà ông sáng tác đều gắn với Việt Nam, tiêu biểu như “Từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh”, bộ tranh “Đất nước”, “Thánh Gióng”, “Đêm Trường Sơn”, “Đường mòn Hồ Chí Minh”…

Năm 1992, Lê Bá Đảng về làng tổ chức triển lãm tranh cho bà con nông dân xem. Cả làng Bích La (Quảng Trị) 3 ngày không gia đình nào đỏ lửa để đến ăn cơm do vợ chồng “người con quê hương” Lê Bá Đảng mời, rồi xem tranh của ông bày ở đình làng, tranh treo trên hàng rào, cành cây. Rồi ông bỏ tiền ra xây trường học, trạm xá, đường làng. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ kể rằng: Ai ai cũng khen “Chú Đảng hay thiệt!” Mà không khen sao được: anh bỏ tiền xây trường học, trạm xá, đường làng. Anh xây ngôi nhà nhỏ mà đủ tiện nghi để có thể là nơi làm ra các mẫu sản phẩm nghệ thuật đưa đi chào, ngay trên mảnh đất của cha mẹ anh.

Đáp lại sự mong mỏi của nhiều nghệ sĩ trong nước và xuất phát từ tấm lòng luôn hướng về quê cha đất tổ, Lê Bá Đảng đã tổ chức các cuộc triển lãm trong Festival Huế 2002, 2004 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh do ông chọn. Và ngày 10/6/2006, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng đã khánh thành tại số 15 Lê Lợi, toà nhà đẹp nhất bên bờ sông Hương, toà nhà mà Thừa Thiên - Huế đã từ chối lời đề nghị trước đó để thành lập Trung tâm Văn hoá của một cường quốc mà dành trọn vẹn cho Lê Bá Đảng. Đây là Trung tâm Nghệ thuật tạo hình đầu tiên của một cá nhân người Việt ở nước ngoài có mặt ở Việt Nam, sau Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Ông đã trao tặng cho nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế 349 tác phẩm và 45 tư liệu vô cùng giá trị để các thế hệ hôm nay và mai sau cùng trân trọng gìn giữ và phát huy.

Xin dùng những lời tâm tình thiết tha của họa sĩ Lê Bá Đảng để thay cho lời nói về quê hương trong trái tim ông: “Quê tôi là da, là thịt, là bàn tay, khối óc, tấm lòng, là tất cả đã sinh đẻ ra tôi, và dù có xa quê hương mấy chục năm trời, đầu óc có loáng thoáng cái văn hoá nước ngoài, da thịt có lẫn lộn với rượu vang, bánh mì, pho mát đi nữa, tôi vẫn là tôi. Về lại quê hương đất đai cây cối và con người, bầy chim, đàn cá đều nhìn nhận ra tôi và cao hãnh tìm lại được người thân. Có lẽ trên đời này chưa có gì là thực là hay như chim bay về tổ, cá lội về nguồn”.

Năm 1989, Viện Quốc Tế St Louis trao giải thưởng cho Lê Bá Đảng - họa sĩ có tài năng và tư tưởng nhân đạo.

Năm 1992, Trung tâm tiểu sử quốc tế Cambridge - Anh, một trung tâm có uy tín, nghiên cứu về tiểu sử các danh nhân thế giới, đã bầu chọn họa sĩ Lê Bá Đảng là một trong số những người nổi tiếng toàn cầu năm 1992 – 1993.

Năm 1994, Nhà nước Pháp tặng ông Huân chương Văn hóa Nghệ thuật.

Người Pháp rất tự hào có Giáo đường ảnh tượng - một khu văn hóa nghệ thuật lớn do Lê Bá Đảng thực hiện ở miền Nam nước Pháp; người Mỹ tại thành phố New Orleans cũng từng tôn vinh, tổ chức một “Ngày Lê Bá Đảng”.

Họa sĩ Lê Bá Đảng đã có hơn 80 triển lãm cá nhân tại nhiều quốc gia có nền hội họa phát triển; cùng với đó là hàng trăm tác phẩm có giá trị, được trưng bày tại nhiều bảo tàng nghệ thuật, mỹ thuật lớn trên thế giới.

Năm 2006, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng được xây dựng tại 15A đường Lê Lợi, Huế và đi vào hoạt động để trưng bày các tác phẩm “Không gian Lê Bá Đảng”.

Anh Thư


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu