A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạnh phúc được trở về của “gia đình quốc tế”

“Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên người, là một niềm tin, Hồ Chí Minh...” giọng hát vút cao cùng tà áo dài thướt tha trên sân khấu của nữ nghệ sĩ opera kiêm giảng viên người Hàn Quốc, Cho Hae Ryong khiến nhiều người xem ngỡ ngàng. Cách vị trí cô đứng biểu diễn không xa, nghệ sĩ, giảng viên kèn Clarinet Đào Nhật Quang bận rộn “giữ trật tự cho 2 nhóc tỳ” nhưng vẫn không quên hướng ánh mắt cổ vũ cho vợ. Nhìn hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt của 4 thành viên, ít ai nghĩ rằng “gia đình quốc tế” nhỏ bé ấy chỉ vừa khép lại chặng đường dài bôn ba, để trở về Việt Nam với mong muốn cống hiến hết mình cho sự phát triển âm nhạc, đặc biệt là nhạc hàn lâm của nước nhà.

Cách đây đúng hơn 10 năm, Nhật Quang vẫn còn là một nghiên cứu sinh âm nhạc tại Nga. Tuổi trẻ, ham vui, không muốn nhốt mình giữa bốn bức tường vào ngày cuối tuần nên dù ngoài trời âm 40 độ, Nhật Quang vẫn quyết định nhảy tàu đến Novosibirk, một trong những thành phố lớn của Nga. Vốn biết người dân địa phương thường có thói quen tụ tập vui chơi trong nhà hay những nơi công cộng như nhà thờ vào những ngày đông giá rét, nên địa chỉ được anh nhắm đến là một nhà thờ nổi tiếng của thành phố. Dù đã có 10 năm ở Nga nhưng với nhà thờ này, Nhật Quang vẫn là khách lạ. Cho Hae Ryong xuất hiện, trong sáng, giản dị và chân thành, hướng dẫn tất cả các thành viên tham gia hát đồng ca của nhà thờ hôm ấy, tất nhiên không ngoại trừ cả Nhật Quang. Tìm hiểu thêm, anh được biết, Cho Hae Ryong là ái nữ của chỉ huy trưởng một dàn nhạc giao hưởng tại Busan, Hàn Quốc, cũng từng đi du học từ nhỏ. Tình yêu âm nhạc, những câu chuyện về cuộc sống, gia đình đã trở thành sợi dây gắn kết hai nghệ sĩ trẻ xa xứ nên đôi lứa, dù phải trải qua không ít sóng gió từ sự phản đối của gia đình hai bên. 



 Gia đình nghệ sĩ Đào Nhật Quang


Cũng giống như nhiều nghệ sĩ trẻ theo đuổi âm nhạc hàn lâm khác, sau đám cưới, nghệ sĩ kèn Clarinet Nhật Quang và nghệ sĩ opera Cho Hae Ryong quyết định phát triển sự nghiệp tại nước ngoài. Vừa làm việc cho nhà hát giao hưởng, tham gia giảng dạy âm nhạc ở nhạc viện nổi tiếng của Hàn Quốc, cuộc sống gia đình ổn định nhưng càng ngày, Nhật Quang càng khao khát được trở về Việt Nam. Nhìn hai đứa con thạo tiếng Anh, tiếng Hàn, bập bẹ tiếng Việt, trong khi ước muốn là phải làm được điều gì đó cho nền âm nhạc nước nhà, cùng lời khuyên trở về của người cha nơi quê hương khiến lòng anh trăn trở. Những lần nhận lời mời của các đơn vị tổ chức biểu diễn tại Việt Nam cũng theo đó mà nhiều thêm hơn. Cho đến “Giai điệu mùa thu” năm 2008, chương trình kêu gọi sự trở về biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh dành cho tài năng trẻ của dòng nhạc hàn lâm trong và ngoài nước, thì cả Đào Nhật Quang và Cho Hae Ryong bắt đầu trở thành những gương mặt quen thuộc với khán giả của dòng nhạc hàn lâm TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, có rất nhiều trở ngại ở phía trước khi Đào Nhật Quang và Cho Hae Ryong quyết định trở về định cư hẳn tại Việt Nam. Bởi thật không dễ từ bỏ những gì mà họ đã tạo lập được tại Hàn Quốc. Nhưng trái tim của người con gái Á Đông Cho Hae Ryong có những lý lẽ riêng của nó. Chị đồng ý theo chồng trở về Việt Nam để bắt đầu lại từ đầu. Những bỡ ngỡ, những khó khăn ban đầu rồi cũng qua nhanh khi cả Nhật Quang và Cho Hae Ryong được đồng nghiệp Việt Nam hết sức chào đón. Chỉ sau gần 2 năm, cả hai đã trở thành gương mặt quen thuộc với đa phần khán giả của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng, khán giả của dòng nhạc hàn lâm tại thành phố nói chung. Mong muốn được cống hiến, được “làm điều gì đó cho âm nhạc Việt Nam” của cặp vợ chồng nghệ sĩ trẻ đã bắt đầu thành hiện thực. Ngoài các buổi tập luyện, biểu diễn hay những giờ giảng dạy tại Nhạc viện thành phố, cả hai còn hướng dẫn và dìu dắt hai đội biểu diễn, dàn hợp xướng “nhí” của Hàn Quốc và Việt Nam. Riêng Cho Hae Ryong, sau những giờ bận rộn cho âm nhạc, thú vui yêu thích của chị bây giờ là được tận tay chăm sóc cho hai thiên thần nhỏ, học những món ăn giản dị trong những bữa cơm truyền thống của người Việt và tích cực vào bếp phục vụ cả nhà. Không chỉ học văn hóa Việt, ẩm thực Việt, Cho Hae Ryong còn học và biểu diễn rất hay nhiều ca khúc tiếng Việt như: Con kênh xanh xanh, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Bài ca hy vọng, Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác...

Nếu một ngày nào đó bắt gặp trên sân khấu nữ nghệ sĩ Hàn Quốc thướt tha trong tà áo dài Việt Nam, say mê cất tiếng hát: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” thì đó chính là Cho Hae Ryong, thành viên trong “gia đình quốc tế” của nghệ sĩ kèn Clarinet Đào Nhật Quang. Họ đã chọn Việt Nam để trở về, để không chỉ con cái nói được tiếng Việt mà còn thỏa ước muốn làm được điều gì đó cho âm nhạc hàn lâm nước nhà.

Hiền Thư (Đại đoàn kết)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu