GS.TS Nguyễn Đức Khương và tấm lòng đóng góp cho sự phát triển nước nhà
![]() Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp GS Nguyễn Đức Khương |
GS.TS Nguyễn Đức Khương sinh ra và lớn lên tại Sóc Sơn, Hà Nội. Anh sang Pháp học cao học và hoàn thành luận án tiến sỹ ngành Quản trị Tài chính tại ĐH Grenoble ở tuổi 27, từng giảng dạy tại Trường Quản trị kinh doanh Lyon, Viện Quản trị doanh nghiệp Grenoble, giảng viên chính thức tại Học viện Thương mại Paris. GS.TS Nguyễn Đức Khương hiện là Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu và hợp tác khoa học quốc tế, đồng thời là Trưởng khoa Tài chính tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School). Anh cũng tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại ĐH Paris 1 Panthéon-Sorbonne, và nhiều trường đại học ở Việt Nam. Hiện anh là Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Thu hút học giả của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Là nhà nghiên cứu kinh tế tài chính xuất sắc và là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE), anh cùng các đồng nghiệp của mình có nhiều dự án, công trình nghiên cứu đóng góp xây dựng phát triển đất nước. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Đức Khương, để hiểu hơn về công việc cũng như các dự án mà anh đang thực hiện.
PV: Kính chào giáo sư Nguyễn Đức Khương! Năm 2016, anh được Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc xếp hạng thứ 7 trong số 200 nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới, xin anh có đôi chút chia sẻ về điều này?
GS.TS Nguyễn Đức Khương: Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ hơn 80 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan. RePEc xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu về kinh tế trên thế giới, có đăng ký vào cơ sở dữ liệu của RePEC. Việc xếp hạng căn cứ vào rất nhiều chỉ tiêu khác nhau. Đối với các nhà nghiên cứu thì theo tôi biết có khoảng 30 chỉ tiêu, ví dụ số lượng bài, số lần được các bài báo và tạp chí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng…
Tôi nghĩ RePEC giúp việc quảng bá và chia sẻ các kiến thức, liên kết các nhà khoa học với nhau được dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi và một số đồng nghiệp cũng chưa bao giờ gặp mặt nhưng biết nhau qua RePEC. Sang năm thì hệ thống RePEc sẽ tự động đưa tôi vào nhóm “nhà nghiên cứu trung niên”.
PV: Là người luôn bận rộn với công việc cả ở Pháp và Việt Nam, nhưng như anh từng chia sẻ “Người Việt ở đâu cũng là người Việt, cần cống hiến hết mình cho cộng đồng, đất nước”. Anh có thể cho biết thêm về các công việc và dự án đang thực hiện ở Việt Nam?
GS.TS Nguyễn Đức Khương: Đúng là người Việt ở đâu cũng là người Việt và sẵn sàng cống hiến hết mình cho đất nước. Hiện tại tôi đang tham gia kết nối trí thức trong và ngoài nước, đồng nghiệp quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau để thúc đẩy những cống hiến cá nhân và tập thể cho Việt Nam. Có thể kể đến như Chương trình Thu hút học giả của Đại học Quốc gia Hà Nội đặt tại Khoa Quốc tế. Chương trình ra đời với mục đích phát huy kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ của các học giả đang làm việc tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học uy tín trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình đồng thời giúp tăng cường chỉ số hội nhập quốc tế của ĐH Quốc gia Hà Nội nói chung và Khoa Quốc tế nói riêng, tạo động lực, môi trường đào tạo và nghiên cứu quốc tế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của Khoa, tiếp nhận chuyển giao công nghệ giảng dạy, nghiên cứu tiên tiến, quản trị đại học của nước ngoài, tăng cường tỷ lệ giảng viên đến từ các trường đại học uy tín nước ngoài giảng dạy tại Khoa.
Tôi hiện cũng là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia người Việt tại Pháp (AVSE), tôi cũng từng là Chủ tịch và hiện là Tổng thư ký Hội Tài chính người Việt trên thế giới (VFAI). Đây là những nơi đoàn kết, tập hợp để sự đóng góp về Việt Nam được tốt hơn.
Tôi còn tham gia sáng lập và là một trong các thành viên chủ chốt của Nhóm Biển Đông tại Pháp chuyên nghiên cứu về địa chính trị, kinh tế và quốc phòng xung quanh các vấn đề chủ quyền và an toàn hàng hải trong khu vực Biển Đông.
Tôi cũng cùng với Ngân hàng Thế giới và một số tạp chí quốc tế làm chuỗi bài về chính sách kinh tế cho Việt Nam. Ngoài ra, tôi tham gia tư vấn cho một số chính phủ Châu Á như Nhật, Hàn Quốc thông qua Nhóm tư vấn điều phối tài chính Châu Á (Asian Shadow Financial Regulatory Committee) với các chuyên gia hàng đầu thế giới. Tôi mong thời gian tới có thể giúp đưa Nhóm này về Việt Nam tư vấn. Tôi từng tham gia khóa học về Lãnh đạo phát triển tại Havard Kennedy School (Mỹ), vì vậy cũng đang cố gắng để xây dựng được mảng tư vấn về phát triển cho các cán bộ làm chính sách tại Việt Nam.
Theo tôi, Việt Nam có nhiều người xuất sắc. Người Việt ở nước ngoài chỉ là một bộ phận trong tổng hòa đó, có rất nhiều người Việt nổi tiếng sống ở Việt Nam, phải chung tay để người Việt ở bất cứ đâu ngày càng giỏi hơn và được sử dụng để cùng xây dựng đất nước. Ở đâu không quan trọng, miễn là có thể đóng góp tốt cho sự phát triển của quê hương, đất nước mình.
Pháp và một số nước phát triển khác như Mỹ, Anh, Nhật… là nơi hội tụ của rất nhiều sinh viên Việt Nam có chất lượng cao, nhiều bạn đã đạt giải cao tại các kỳ thi quốc tế. Bộ phận này ngày một lớn mạnh, năng động, học tập và nghiên cứu tốt, nhiều người đã tốt nghiệp và hiện đang công tác tại nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu, tập đoàn lớn. Qua tiếp xúc với anh chị em trí thức trẻ người Việt tại nước ngoài, tôi thấy tinh thần chung của mọi người đều là mong muốn học tập và nghiên cứu tốt, nếu được thì tham gia công tác ở nước ngoài một thời gian để có điều kiện được sánh vai với đồng nghiệp năm châu, trau rồi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn và luôn sẵn sàng đóng góp hết mình vào sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội tại Việt Nam. Tất nhiên, họ cũng mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng có một cơ chế sử dụng trí thức đi vào thực chất, có chính sách đãi ngộ hợp lý để trí thức đang ở nước ngoài có thể đóng góp trực tiếp hay gián tiếp vào công cuộc xây dựng đất nước.
![]() Thứ trưởng Vũ Hồng Nam tiếp GS Nguyễn Đức Khương |
PV: Vậy Dự án xây dựng mạng lưới các nhà khoa học hiện tại đang phát triển như thế nào?
GS.TS Nguyễn Đức Khương: Đây là dự án mà Hội Khoa học và Chuyên gia người Việt tại Pháp (AVSE) đã triển khai ngay từ những ngày đầu thành lập (tháng 5/2011).
Năm 2006, tôi và một số thành viên chủ chốt của Hội khi đó nhận thấy sự cần thiết có một sân chơi cho các trí thức và chuyên gia trẻ nên đã thành lập một mạng lưới các nhà khoa học và chuyên gia (RSE). Chúng tôi bắt đầu bằng việc kết nối thông qua các hội thảo, seminar chuyên đề về các chủ đề khoa học chuyên ngành có tính thời sự quốc tế và được các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam quan tâm, ví dụ như đường sắt cao tốc, điện hạt nhân, hoá thực phẩm, xây dựng bền vững…
AVSE tiếp nối các công việc kể trên một cách hệ thống và hiệu quả hơn vì việc kết nối chuyên gia luôn được gắn liền với các dự án đang được thực hiện ở Việt Nam. Ngoài lực lượng chuyên gia nòng cốt ở Pháp, chúng tôi xây dựng hệ thống cộng tác viên ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới để tận dụng tối đa tinh hoa và sáng tạo đa dạng phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam. Có thể nói là mạng lưới chuyên gia của AVSE ngày càng được tinh lọc, gồm cả người Việt và đồng nghiệp quốc tế, và đã phát huy hiệu quả trong nhiều dự án.
PV: Với quê hương Việt Nam, trong thời gian sắp tới anh có những dự án mới nào không? Nhất là sau khi anh đã có các cuộc gặp với các Lãnh đạo Chính phủ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, và sau Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh?
GS.TS Nguyễn Đức Khương: Chúng tôi đã có những trao đổi rất cởi mở, xây dựng và thiết thực trên những vấn đề quan trọng cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Một trong những chủ đề được các lãnh đạo quan tâm là huy động và sử dụng có hiệu quả lực lượng chuyên gia và nhà khoa học người Việt ở nước ngoài, kết hợp tốt nguồn lực trong và ngoài nước.
Có nhiều dự án và hợp tác được mở ra. Ngoài chương trình động lực quốc gia cho tuổi trẻ mà Thủ tướng đã cho ý kiến nhất trí và những dự án mà AVSE đang được đồng hành suy nghĩ và tham gia thực hiện cùng Tp Hồ Chí Minh (hệ sinh thái dữ liệu mở, giáo dục sau phổ thông trung học, và giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài), chúng tôi đang lên chương trình cho hai diễn đàn quan trọng trong năm 2017 là Diễn đàn kinh tế số (Vietnam Digital Economy Summit) và Diễn đàn bền vững (Vietnam Sustainability Summit). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện những chương trình đào tạo bậc cao về quản lý, tài chính công, xây dựng, đổi mới công nghệ… với các cơ quan bộ, ngành, các tổng công ty và các chương trình hội thảo khoa học (Hội thảo tài chính ngân hàng lần 2 – 2017 Vietnam Symposium in Banking and Finance, và Hội thảo Xây dựng bền vững – 2017 CIGOS, ở Tp Hồ Chí Minh).
Như vậy, năm 2017, chúng tôi sẽ đón rất nhiều chuyên gia và trí thức người Việt và quốc tế đến Việt Nam. Các đối tác của chúng tôi ở Việt Nam cũng đã sẵn sàng với lịch sự kiện và cộng tác dày đặc này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!
Hà Trang (thực hiện)