A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ "nếp nhà" Việt giữa lòng nước Pháp

Đối với nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia tại Pháp, ngôi nhà của vợ chồng anh Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Hội Chuyên gia Việt Nam tại Pháp và chị Đinh Thanh Hương từ lâu đã là điểm đến quen thuộc.


Với những món ăn Việt Nam truyền thống, đúng hương vị quê nhà, những buổi họp mặt ấm cúng, cuộc chuyện trò rôm rả từ tối đến khuya mà chủ đề thường nghe vẫn là ở quê tôi thường thế này, ở nhà mình thế kia. Họ đều là những con người còn khá trẻ, học tập và làm việc tại Pháp khá lâu năm, nhưng trong trái tim họ, những giá trị về "gia đình" theo đúng nghĩa gia đình Việt Nam vẫn vẹn nguyên.

Chị Hương - hàng đầu tiên (thứ 2 từ phải sang) trong một lần về Việt Nam dạy học

"Nhớ lại ngày ấu thơ, hơn 10 đứa cháu của ông bà nội, mà rất nhiều trùng tuổi nhau quây quần lại. Con trai ngủ với ông, con gái với bà trên 2 cái giường chập lại. Lạnh quá đắp thêm cả chiếu, ôm cứng lấy nhau mà sáng vẫn cố tỉnh dậy sớm chờ quà bà đi chợ về. Chợ Tết cái gì cũng hấp dẫn, các loại bánh ngon đến mê li. Bà không bao giờ quên mấy bó mùi già để nấu nước tắm gội cho cả nhà. Hương thơm phảng phất. Thứ hương thơm của miền quê, của tuổi thơ và còn gì hơn thế nữa..."- Đó là một đoạn trên trang nhật ký điện tử của chị Đinh Thanh Hương, với mong muốn truyền những cảm xúc về tuổi thơ ở quê hương, về gia đình lớn, nơi có ông, có bà, có bố mẹ, có họ hàng… cho hai cậu con trai Minh Đức và Minh Thành.

Hơn 13 năm sang Pháp học tập và làm việc, ký ức tuổi thơ được nuôi dưỡng trong bầu không khí gia đình ấm áp ấy luôn theo chị và làm chị luôn tự hào về cội nguồn yêu thương của mình. Với chị, tình yêu thương, sự tôn trọng giữa bố mẹ với con cái là giá trị tuyệt vời nhất trong gia đình Việt Nam.

"Trong gia đình Việt Nam mình, giữa bố mẹ, con cái, anh chị em thực sự đoàn kết gắn bó, tôn trọng nhau, cái đó chắc chắn hơn hẳn nhiều nơi trên thế giới. Con cái vì bố mẹ, bố mẹ vì con cái. Bên này cuộc sống hiện đại, người ta không sống gần nhà, cũng không có thói quen sống với bố mẹ, nên người già không được chăm sóc nhiều, phải sống trong nhà dưỡng lão, hoặc sống với người giúp việc, y tá, nhiều người khác nhưng không phải con cái. Đi sâu tìm hiểu cũng thấy nhiều gia đình truyền thống ở Pháp, quan hệ bố mẹ con cái cũng rất tốt, những ngày lễ lớn thường tụ tập, xum vầy. Nhưng thực sự ở Việt Nam mình thì điều này rõ rệt hơn rất nhiều", chị Hương nói.

Hai vợ chồng anh Đức Khương và chị Thanh Hương đã học tập, sống và làm việc ở Pháp khá lâu và nay đều khá thành đạt. Anh Khương là Phó Giáo sư, Phó Giám đốc nghiên cứu một trường đại học có tiếng tại Pháp; chị Thanh Hương hiện là Giám đốc một chi nhánh của một công ty tư vấn tài chính, công nghệ của Mỹ tại Paris.

Dù bận rộn, song hai vợ chồng vẫn dành nhiều thời gian và tâm sức để phát triển phong trào sinh viên, đoàn kết những người anh em, tập hợp nhân tài, huy động sức trẻ về đóng góp cho đất nước. Mọi người thường xuyên thấy anh Khương, người từng là Chủ tịch sáng lập Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp và nay là Chủ tịch Hội chuyên gia Việt Nam tại Pháp dẫn theo 2 cậu con trai đến các buổi tụ họp, sinh hoạt của các hội, vừa để trông con khi vợ bận công tác, vừa để các thanh niên nhỏ tuổi được làm quen với bầu không khí đại gia đình cộng đồng Việt Nam tại Pháp. Hai tiếng "gia đình", với anh Khương, có thể chỉ đơn giản là chuyện giữ "nếp nhà" như một sự tiếp nối tự nhiên.

"Cũng giống các cụ ở nhà, thấy các cụ sống thế nào mình sống như thế, theo truyền thống. Sang bên này, góc độ gia đình cũng có khác đi chút, có hệ quy chiếu là gia đình của Pháp, cũng phải hòa nhập với xã hội của họ, quan niệm có khác. Nhưng truyền thống của gia đình Việt Nam đã ngấm vào người mình, đến khi mình hành xử cũng tự nhiên như thế. Ví dụ, mình thấy cuộc sống đời thường của mình giờ trong cách hành xử cũng giống như mình quan sát bố mẹ mình xưa, trong việc bàn bạc, trao đổi công việc, lập nên những kế hoạch chung cho gia đình...", anh Khương tâm sự.

Hai cháu Minh Đức và Minh Thành cùng
các ông bà nội ngoại trong một lần về Việt Nam 

Điều quan trọng nhất tưởng dễ mà lại khó duy trì tại Pháp, đó là luôn giữ một bữa cơm chung vào buổi tối quây quần bên nhau, cùng ăn đồ Việt mẹ nấu, cùng trò chuyện và cả nhà quy ước chỉ nói tiếng Việt với nhau. Và khó hơn, mỗi năm, gia đình anh chị dành dụm để đưa hai con về Việt Nam thăm ông bà nội ngoại ít nhất 2 lần.

"Những chuyến đi về Việt Nam rất tốt cho bọn trẻ, cho chúng tôi và khiến ông bà luôn vui vẻ, để thấy một gia đình lớn, thương yêu nhau. Bọn trẻ học được rất nhiều, trước hết là về tiếng Việt, 1 tháng ở nhà bằng nhiều tháng học bên này. Rồi đến cách ăn, ăn những món rất Việt Nam mà bên đây bọn trẻ chẳng bao giờ biết ăn. Ví dụ như ăn một quả na chẳng hạn, nhìn rất khó ăn, ở nước ngoài người ta ăn những quả đơn giản hơn rất nhiều. Hoặc là xem bà làm cua, nấu canh cua bọn trẻ rất thích, biết thế nào là con cua tám cẳng hai càng mà ở đây không dễ tìm được. Hay về chiều nào cũng rất thích được ông bà dẫn đi xem bò, xem trâu...", chị Hương cho biết.

Trong nhịp sống hối hả của một xã hội hiện đại, "gia đình" là điểm dừng chân yên bình và êm ấm để mỗi tối, các thành viên trong nhà lại tìm về. Như chị Hương đã viết trên trang nhật ký của mình: "Hãy dừng lại nhịp sống hối hả để lắng nghe tiếng thở của yêu thương. Yêu đời, yêu mình và yêu những người thân yêu..."./.

Thùy Vân (VOV)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu