A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo sư Trần Thanh Vân - Người con nặng lòng với quê mẹ

Đối với Giáo sư Trần Thanh Vân, khoa học và quê hương chính là lẽ sống của cuộc đời, bởi lẽ đó mà đến giờ, tuy đã hơn tuổi 80, ông vẫn luôn tận tụy, nỗ lực đóng góp cho quê hương và nền khoa học nước nhà.
1.	Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam tiếp vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân

 Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam
tiếp vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân

Năm 1953, Giáo sư Trần Thanh Vân, bấy giờ chỉ là một thanh niên 16 tuổi rời quê hương Quảng Bình đến Pháp du học. Mang theo sự nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tình yêu đối với nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực vật lý, ông trở thành bậc thầy trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử. Đối với Giáo sư, khoa học và quê hương chính là lẽ sống của đời ông, bởi lẽ đó mà đến giờ, tuy đã hơn tuổi 80, Giáo sư Trần Thanh Vân vẫn luôn tận tụy, nỗ lực đóng góp cho quê hương và nền khoa học nước nhà.

Nỗ lực cống hiến cho khoa học

Năm 1957, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Trần Thanh Vân định theo học ngành kỹ sư nhưng một cuộc gặp tình cờ với Giáo sư Maurice Lévy, một trong những cha đẻ của vật lý nguyên tử Pháp, đã khiến ông thay đổi suy nghĩ, quyết định học ngành vật lý và nó cũng trở thành đam mê cả đời ông theo đuổi. Với tài năng và nhiệt huyết, ông đã đỗ cử nhân Đại học Sorbonne năm 22 tuổi; năm 27 tuổi, tại Paris, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và chỉ rõ hạt proton không phải là hạt vật chất cuối cùng mà là cấu trúc của nhiều hạt nhỏ hợp lại, mà sau này cộng đồng vật lý thế giới chứng minh thuyết của ông - đó là hạt quark.

Trong hơn 4 thập kỷ qua, các đóng góp khoa học của ông thể hiện ở việc cống hiến 300 công trình khảo luận, 115 đầu sách; ông được công nhận là giáo sư danh tiếng của Đại học Paris lừng danh, được nước Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Viện Hàn lâm Khoa học Nga trao bằng tiến sĩ khoa học danh dự, Viện Vật lý Mỹ trao huy chương AIP Tate ghi nhận đóng góp của nhà vật lý nước ngoài (không phải người Mỹ) cho cộng đồng vật lý thế giới.

Không chỉ tập trung nghiên cứu, nhiều năm qua, Giáo sư Trần Thanh Vân đã đưa các nhà vật lý trên thế giới đến gần nhau hơn qua các hội nghị về vật lý mà ông tham gia tổ chức như Hội nghị "Gặp gỡ Moriond" hay Hội nghị "Gặp gỡ Blois"- một hội nghị quốc tế thường niên về vật lý và thiên văn diễn ra ở thành phố Blois, miền Trung nước Pháp. "Gặp gỡ Blois" quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để giới thiệu và trao đổi về những khám phá mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân.

Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) là tổ hợp các công trình kiến trúc theo phong cách Pháp, trải rộng trên diện tích 20 ha, gồm các khu: trung tâm hội nghị, khách sạn, nhà hàng, nhà chiếu hình vũ trụ.... Khuôn viên Trung tâm được thiên nhiên ưu đãi, nằm giữa một bãi tắm dài 300m ở phía Đông, một rừng dừa ở phía Bắc và vách đá ở phía Nam. Đây sẽ là nơi tổ chức các hội nghị quốc gia và quốc tế, hội thảo chuyên ngành, các lớp đào tạo chuyên sâu về khoa học dành cho nghiên cứu sinh, tiến sĩ...

Mục tiêu của dự án là tạo một môi trường để thúc đẩy những sáng kiến độc đáo trong hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua sự hợp tác và phát triển giáo dục giữa các quốc gia trên thế giới.

Trung tâm được khởi công xây dựng vào tháng 5/2012 và khánh thành vào ngày 12/8/2013. Đến nay, hai hội nghị khoa học đã được tổ chức tại đây với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có 5 giáo sư đoạt giải Nobel.

Ở trong nước, Giáo sư Trần Thanh Vân cũng được tôn vinh vì những nỗ lực không mệt mỏi của mình để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại tại Việt Nam. Trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công của các tổ chức khoa học Gặp gỡ Moriond (46 năm) và Gặp gỡ Blois (22 năm), năm 1993, Giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.

Hội Gặp gỡ Việt Nam do ông làm Chủ tịch đã tổ chức thành công nhiều Hội nghị Vật lý quốc tế tại Việt Nam, thu hút sự tham dự của hàng trăm nhà vật lý nổi tiếng thế giới, trong đó có các giáo sư đạt giải Nobel, giải thưởng Fields. Bằng tâm huyết và khả năng của mình, ông là cầu nối mời các giáo sư vật lý nổi tiếng thế giới về giao lưu, tham gia giảng dạy và làm cố vấn tại các trường đại học tại Việt Nam; đồng thời, giới thiệu các sinh viên trẻ tài năng sang học thạc sỹ, tiến sỹ tại các trường đại học danh tiếng tại Pháp.

Ngoài ra, Giáo sư là nhà sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn. Ông hy vọng ICISE sẽ là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các bạn trẻ nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. Giáo sư mong muốn rồi đây ICISE sẽ trở thành điểm sáng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả vùng Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Theo Giáo sư chia sẻ, làm tốt ICISE chính là giấc mơ cuối cùng của cuộc đời ông.

2.	Giáo sư Trần Thanh Vân làm việc với Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE)

Giáo sư Trần Thanh Vân làm việc với Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE)

Chắp cánh ước mơ cho thế hệ tương lai

Thành công và có danh tiếng trong lĩnh vực khoa học quốc tế, nhưng Giáo sư vẫn một lòng hướng về quê hương. Cùng vợ của mình, bà Lê Kim Ngọc, giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực sinh học, nhiều năm qua hai ông bà luôn tích cực tổ chức và tham gia những hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Ông chia sẻ: "Đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương. Kể từ khi về hưu, 100% thời gian và sức lực chúng tôi đều dành cho các công việc có liên quan đến Việt Nam".

Những năm đầu 1970, chiến tranh Việt Nam rất ác liệt, để có thể làm được gì đó có ích cho quê hương, Giáo sư quyết định sẽ giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam. Trở về Việt Nam lần đầu năm 1974, Giáo sư đã lập một nhóm tình nguyện nhằm giúp đỡ những trẻ em đáng thương bị mồ côi và đến năm 1978, làng SOS đầu tiên đã được xây dựng tại Đà Lạt. Để có tiền xây dựng và duy trì hoạt động của làng trẻ này, giữa mùa đông ông bà đứng bán từng tấm thiệp ở nhà thờ Paris, gom góp từng đồng tiền gửi về quê hương để xây dựng làng trẻ SOS. Cảm động trước nghĩa cử của ông bà, các lưu học sinh tự tay làm thiệp và bán ở khắp trời Âu, toàn bộ số tiền thu được ông bà gửi về nuôi nấng những mảnh đời mồ côi ở làng trẻ SOS mà ông sáng lập.
Giờ đây, gần nửa thế kỷ làm từ thiện, ngoài làng trẻ SOS ở Đà Lạt, nhiều công trình gắn bó với tên tuổi vợ chồng Giáo sư như Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân (Huế), Trường Dạy nghề “Bánh mì Pháp” (tại Thủy Xuân), làng Trẻ em SOS Đồng Hới (Quảng Bình) đi vào hoạt động. Trong năm 2014, vợ chồng Giáo sư tiếp tục giúp đỡ, đầu tư để chuyển giao Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại Thủy Xuân, Huế trở thành làng SOS tại Việt Nam.

Giáo sư luôn tâm niệm rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào chính vào thế hệ trẻ - các em học sinh, sinh viên và bổn phận của mình là phải giúp phát triển tài năng của các em, mong muốn bằng sức lực của mình phần nào chắp cánh để các em theo đuổi những giấc mơ của mình. Bởi vậy, Hội Gặp gỡ Việt Nam do ông sáng lập còn tham gia vào các hoạt động giáo dục cho thế hệ trẻ như phát triển phương pháp giảng dạy khoa học “Bàn tay nặn bột” trong các trường trung học phổ thông tại Việt Nam, thành lập lớp dự bị đại học cho các sinh viên du học tại trường đào tạo kỹ sư ở Pháp.

Thấu hiểu tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cơ bản và nhằm động viên khuyến khích đam mê trong các lĩnh vực này của sinh viên, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức trao học bổng khuyến học từ năm 1994 cho các bạn trẻ là học sinh THPT, sinh viên đại học, cao học và các nhà nghiên cứu trẻ. Ông cũng thuyết phục được Giáo sư - Tiến sĩ Odon Vallet dành 1/10 quỹ học bổng của mình để giúp các em học sinh, sinh viên giỏi tại Việt Nam. Nhờ vào sự giúp đỡ của Quỹ Vallet, số lượng học bổng đã tăng lên rất nhiều. Từ năm 2001, mới chỉ có 800 suất học bổng Vallet được trao, cho đến năm 2014, số học bổng được trao lên đến 2250 suất với tổng số tiền khoảng 20 tỉ đồng. Các học sinh, sinh viên được nhận học bổng là những em có thành tích xuất sắc trong học tập của tất cả các địa phương của Việt Nam. Tính đến nay, Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam và Vallet đã trao khoảng 23000 suất học bổng với tổng giá trị gần 100 tỷ đồng cho các bạn trẻ trong cả nước.

 

3.	Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) ngày khai trương

 Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) ngày khai trương

Không chỉ dành sự quan tâm đến thế hệ trẻ trong nước, từ năm 2000, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Quỹ Vallet đã trao học bổng khuyến học cho các sinh viên Việt Nam có thành tích học tập tốt trong các trường đại học và trường đào tạo kỹ sư tại Pháp.

Cho đến nay, dù tuổi đã cao, nhưng hàng năm, vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân cùng Giáo sư Odon Vallet vẫn tự mình đi đến nhiều vùng miền, tận tay trao học bổng Vallet cho các em học sinh, với hy vọng góp một phần nhỏ, nuôi dưỡng ước mơ học tập của các em.

Cả cuộc đời dành cho những hoạt động thiện nguyện cho quê hương, Giáo sư Trần Thanh Vân chưa từng nghĩ đến việc “làm giàu”, ước mong của ông là được thấy thế hệ trẻ Việt Nam có cuộc sống tốt hơn, được học tập tốt, bằng tri thức của mình, các em có thể vươn lên, trở thành những người sống có ích và có trách nhiệm với xã hội. Được tiếp xúc và tìm hiểu về ông, người trí thức kiều bào nặng lòng với quê hương, mới thấm thía rằng: tiền bạc và danh vọng có thể phút chốc tan biến, nhưng tình thương và lòng nhân ái thì còn mãi.

GS Mikhai Danilov, Viện trưởng Viện Vật lý lý thuyết và thực nghiệm Moskva - Nga:

“Các nhà vật lý Nga rất quý trọng GS Trần Thanh Vân. Ông là bạn thân tình của hầu hết các nhà vật lý nổi tiếng, cũng như các nhà vật lý trẻ trên thế giới. Tất cả chúng ta đều hãnh diện về ông. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự hào về ông. Ông là một gương mặt lớn…”.

GS Trịnh Xuân Thuận, Nhà Vật lý Thiên văn - Hoa Kỳ:

“Trong giới khoa học quốc tế, GS.TS Trần Thanh Vân là người có sức hấp dẫn lớn, có tài tổ chức. Ngay ở châu Âu, cũng khó tìm được người khéo tổ chức các cuộc gặp gỡ vật lý đầy hứng thú như anh ấy, khó tìm được người thay thế anh”.

GS Odon Vallet: 

 “Giáo sư Trần Thanh Vân làm tất cả vì quê hương mình. Nếu không có anh ấy, tôi không thể đến, cũng như yêu Việt Nam như bây giờ”.

Trần Thủy


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu