Dự án Kênh Việt Happiness station: ‘Trạm hạnh phúc’ của tiếng Việt
Nhà văn Kiều Bích Hương cùng các cộng sự đặt tên cho dự án của Kênh Việt Happiness station - có nghĩa “Trạm hạnh phúc”. Hai năm qua, kênh phát thanh tiếng Việt có trụ sở tại Bỉ đã truyền đi những niềm vui, thông điệp về giá trị của sự tử tế, cảm hứng sống đẹp cũng như tinh thần cống hiến của người Việt ở nước ngoài.
Ý tưởng làm những podcast (chương trình radio online có chủ đề, phong cách riêng) trò chuyện với người gốc Việt, người Việt ở nước ngoài rồi đọc cho nhau nghe được chị Hương nhen nhóm vào mùa Xuân năm Covid-19 thứ hai. Khi ấy, tổn thương vì dịch bệnh không còn là chuyện gió thoảng xa xôi, mà theo chị, nó đã “xộc tới nhà, cảm giác nhói buốt, cô độc và mất mát vào lòng người xa xứ”.
Đó cũng là thời điểm chị Hương vừa học xong khóa học nghề thư viện ở Bỉ nên có thêm kỹ năng tìm kiếm, sàng lọc và khai mở thông tin bổ trợ cùng kinh nghiệm làm phóng viên ở Việt Nam trước đây.
May mắn nữa là chị có những người đồng hành với chung nhiệt huyết với các dự án cộng đồng như chị Helen Ngô làm điều phối viên một trung tâm tiêm phòng vaccine Covid-19 tại Bỉ, anh Nguyễn Hoàng Việt từng là chuyên gia quản trị mạng của FPT giờ định cư ở Czech, anh Nguyễn Quang Hải-đồng sáng lập diễn đàn Cùng con đọc sách Việt tại Pháp và chị Nguyễn Thanh Hằng-Thạc sĩ ngành Lịch sử Trường EHESS tại Pháp, dịch giả cuốn Nghệ thuật Huế từng đoạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia 2021.
Vậy là, năm người gốc Việt dù ở ba nước khác nhau nhưng lại chung mong muốn tạo dựng một kênh phát thanh cho nhóm cộng tác viên trên toàn thế giới, phong phú người viết và đa dạng giọng đọc. Đây cũng là cơ hội để người Việt ở nước ngoài gắn kết, hợp tác tạo thành một cộng đồng vững mạnh, tương thân tương ái.
Trao niềm vui và truyền cảm hứng
Với sự quyết tâm của các thành viên, dự án chính thức lên sóng từ 1/5/2022 gửi gắm tình yêu và mong muốn giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Để phát sóng Kênh Việt không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt là thuyết phục người Việt ở nước ngoài dành thời gian chia sẻ trải nghiệm sống của họ. Tuy nhiên, kênh đã nhận được sự giúp đỡ công tâm và vô tư của nhiều cộng tác viên, như điều dưỡng viên Lê Thị Trúc Loan (Bỉ) đã cùng kênh thực hiện cuộc trò chuyện suốt năm giờ liền cho ba số podcast đầy đặn mang tên Chọn nghề địa ngục trần gian.
Thuận lợi ngày càng được nhân lên từ tâm huyết kết nối, lan tỏa của cộng tác viên và ý nghĩa san sẻ buồn vui và truyền cảm hứng cho nhau. Dù có thể giọng đọc chưa chuyên nghiệp, không được nói tiếng Việt thường xuyên, nhưng các cộng tác viên đã nỗ lực hết mình trong từng sản phẩm.
Chị Hương cho biết: “Họ là bác sĩ thú y ở Bỉ, nhân viên bán hàng ở Scotland, người kinh doanh ở Anh và Ba Lan, giáo viên tại Thái Lan, học sinh trung học từ Czech, cô chủ tiệm móng ở Đức, một dịch giả tại Pháp, bà nội trợ ở Italy...
Sự đa giọng điệu này khiến các podcast có nhiều cảm xúc hơn, khoảng cách địa lý ngắn lại khi người nghe dễ dàng tiếp cận trên nền tảng Facebook, Spotify, YouTube... Không chỉ có người Việt, anh Robin Thibaut - một người Bỉ yêu Việt Nam cũng đọc bài và viết bài khiến chúng tôi rất cảm kích và có động lực hơn khi thực hiện dự án”.
Nuôi dưỡng tình yêu với tiếng mẹ đẻ
Ngay từ những ngày đầu, các thành viên của dự án đã khẳng định quan điểm giữ gìn và nuôi dưỡng tiếng mẹ đẻ qua giọng đọc của người Việt/gốc Việt tại nhiều nước trên thế giới. Họ cũng khuyến khích trẻ em gốc Việt, dâu/rể nước ngoài cùng gieo trồng tình yêu tiếng Việt trên “cánh đồng” Kênh Việt Happiness station.
Để hấp dẫn và thu hút mọi người tham gia, họ đã sáng tạo các nội dung và chuyên mục khác nhau như “Chuyện mình xứ người”, “Nghe và ngẫm”, “Ối giời ơi”… với mong muốn có được những sản phẩm chất lượng, thú vị và mang lại những giá trị mới cho người Việt ở nước ngoài.
Nếu như “Chuyện mình xứ người” là những chia sẻ về trải nghiệm của cá nhân thì “Nghe và ngẫm” hay “Ối giời ơi” lại thể hiện những góc nhìn, những phát hiện, góc va chạm về văn hoá với đủ loại cung bậc cảm xúc.
Bên cạnh đó, chị Hương cũng phát sóng những podscast với chia sẻ về những bài viết hay về người Việt ở nước ngoài, tác phẩm văn học hay của các nhà văn như Hồ Anh Thái, Dạ Ngân…
Nhà văn Kiều Bích Hương sinh năm 1976, là thành viên sáng lập Kênh Việt Happiness station, nhà báo tự do sinh sống tại Bỉ. Chị là tác giả các đầu sách Vợ Đông chồng Tây, Đàn bà yêu thành phố, Đây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ. |
Ươm mầm tiếng Việt cho con em kiều bào
Một điều chị Hương luôn trăn trở khi thực hiện dự án là cần làm gì để giúp thế hệ kiều bào trẻ sinh ra và lớn lên ở sở tại ngày càng nói tiếng Việt nhiều hơn. Là một người mẹ có con mang trong mình hai dòng máu Việt - Bỉ, chị hiểu những khó khăn và thử thách của việc giữ gìn tiếng Việt cho con em mình.
Bởi vậy, không chỉ dừng lại ở những podcast, Kênh Việt đã sáng tạo bằng việc tổ chức các cuộc thi như Nói món ăn cùng con 2021, Du lịch cùng con 2022 nhằm vừa tạo sân chơi vừa thử thách và khuyến khích con em kiều bào nói tiếng Việt nhiều hơn.
Hai cuộc thi đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình cùng những ấn tượng tốt đẹp từ cộng đồng người Việt. Thành công ban đầu này là niềm khích lệ, động viên các thành viên của Kênh Việt tiếp tục thực hiện các chương trình phong phú hơn trong những năm tới.
Chia sẻ với TG&VN, chị Hương cho biết: “Chúng tôi dự định tổ chức cuộc thi ý nghĩa vào đúng thời điểm cộng đồng người Việt ở châu Âu đang khó khăn đối diện với giá nhiên liệu và giá cả lương thực tăng hiện nay. Đây sẽ là cuộc thi nấu ăn dành cho các thành viên trong gia đình để họ có dịp sáng tạo những bữa ăn dinh dưỡng nhưng tiết kiệm.
Ở nước ngoài, người Việt có rất nhiều hội nhóm trao đổi về cách làm vườn, trồng rau, nội trợ… nên đây sẽ là cơ hội để mọi người chia sẻ cách sáng tạo để duy trì cuộc sống ổn định, ấm no ở xứ người”.
Cùng với việc tổ chức các sân chơi cho con em kiều bào, chị Hương tổng hợp những bài hát Việt bởi đây cũng là cách hay để giúp các em nhỏ duy trì tiếng Việt. Không chỉ nghe, các em có thể hát và tự sáng tạo các podcast cho Kênh Việt.
Là kênh mới nhưng dựa vào cộng đồng người Việt ở nước ngoài luôn tha thiết hướng về quê hương và yêu văn hóa nguồn cội, các thành viên của dự án tin sẽ có đủ nghị lực đầu tư sâu hơn, đa dạng hơn về nội dung, đồng thời tiếp tục tổ chức các chương trình vì hấp dẫn và thiết thực phục vụ khán, thính giả.
Chị Hương tâm sự: “Đối với tôi, dù có biết thêm bao ngôn ngữ thì từ trong sâu thẳm, ngôn ngữ vang lên vẫn là tiếng Việt bởi tôi có thể hiểu và thấm nó nhất. Sinh sống ở nước ngoài, mỗi khi được giao tiếp bằng tiếng Việt, chúng tôi cảm thấy nó rất thân thương và ý nghĩa.
Cũng vì lý do này mà chúng tôi đã thống nhất cùng gọi kênh là “Trạm hạnh phúc” - nơi để mọi người cùng chia sẻ, giãi bày, trao nhau những kinh nghiệm và niềm vui trong cuộc sống thông qua tiếng Việt”.
Trọng Vũ / baoquocte.vn