A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để con mắt và trái tim cảm nhận

Chỉ phát biểu vài câu cảm ơn và rất kiệm lời khi được hỏi về tranh của mình, họa sĩ Đặng Thông Tuyến có lẽ đã khiến cho nhiều phóng viên có mặt trong buổi lễ khai mạc triển lãm của ông “lo sốt vó” vì không thể thu thập đầy đủ thông tin.

Một ngày sau triển lãm, ngồi trò chuyện bên ly cà phê, người họa sĩ mang hai quốc tịch Việt – Áo này kể với tôi rằng, ông quan niệm hội họa là một thứ ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ ấy nên được mọi người cảm nhận bằng con mắt và trái tim thay vì nghe những lời giải thích dài dòng của tác giả.

Sự pha trộn dịu êm

Sang Áo từ năm 1989 và thành danh ở châu Âu nhưng “Thiếu nữ, trăng và hoa” mới chỉ là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ Đặng Thông Tuyến tại Việt Nam. Sự ra đời của nó cũng xảy ra khá tình cờ. Tháng 11/2015, ông tới Đại sứ quán Áo tại Việt Nam để xin visa cho bà xã. Khi biết ông Tuyến là họa sĩ, Đại sứ Thomas Loidl lập tức ngỏ ý muốn phối hợp tổ chức một cuộc triển lãm nhằm giới thiệu những bức tranh có sự pha trộn phong cách Á – Âu cho khán giả Việt Nam.

 Họa sĩ Đặng Thông Tuyến và Đại sứ CH Áo tại Việt Nam Thomas Loidl

Tại cuộc triển lãm đang diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người xem sẽ được chiêm ngưỡng 32 bức tranh của họa sĩ Đặng Thông Tuyến, xoay quanh chủ đề: thiếu nữ, trăng và hoa. Lý giải về sự lựa chọn này, ông Tuyến cho biết: “Với những người phụ nữ, thời con gái là độ tuổi đẹp nhất trong đời họ. Khi ấy, họ mang trong mình vẻ đẹp tự nhiên, tươi trẻ và thuần khiết. Dưới ánh sáng của trăng và cùng màu sắc của hoa, vẻ đẹp ấy lại càng trở nên lung linh, mờ ảo, dễ khiến người ta bâng khuâng”.

Điều dễ nhận thấy ở triển lãm lần này của họa sĩ Đặng Thông Tuyến là ông có một số bức tranh giống nhau về mô-típ: chân dung bán thân một người phụ nữ Á Đông đội mũ (nón) với ánh nhìn xa xăm. Thế nhưng, cách sử dụng màu sắc, bố trí nguồn sáng của ông lại khiến cho mỗi tác phẩm có một nét quyến rũ rất riêng. Họa sĩ Lê Ngọc Thân – nguyên giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhận xét: “Dù không đặc tả từng chi tiết nhưng tranh thiếu nữ của Tuyến vẫn khái quát được sự trong sáng của người phụ nữ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi còn đi học, anh Tuyến là người rất nghịch ngợm. Vì thế, tôi thấy hơi bất ngờ khi những bức tranh của Tuyến lại tươi sáng, mềm mại và êm dịu như thế”.

Khi được hỏi về cảm nhận về cuộc triển lãm, Đại sứ Thomas Loidl bày tỏ sự vui sướng khi cùng họa sĩ Đặng Thông Tuyến tổ chức thành công sự kiện văn hóa này. Ông Loidl cho rằng, họa sĩ Tuyến là một con người rất thú vị. Tranh của ông có sự kết hợp hài hòa giữa cách tạo hình của hội họa châu Á và kỹ thuật vẽ của phương Tây. Bên cạnh những bức tranh về thiếu nữ, vợ chồng ngài Đại sứ cũng rất ấn tượng với những bức tranh phong cảnh của Áo tại triển lãm lần này. Bà Theresa Loidl tiết lộ với họa sĩ rằng, bức tranh vẽ bảo tàng ở Thủ đô Vienna chính là quang cảnh trước cửa căn hộ mà bà đã lớn lên.

Không bán tranh bằng “miệng”

Sau một thời gian viết báo và giảng dạy về thời trang tại Sài Gòn, năm 1989, họa sĩ Đặng Thông Tuyến sang định cư tại Áo. Ban đầu, ông đảm nhận công việc sản xuất tại một công ty trang sức. Mãi cho đến khi được mời đến triển lãm, ông chủ của họa sĩ mới biết về khả năng mỹ thuật của anh chàng nhân viên đến từ Việt Nam. Kể từ đó, ông Tuyến được bố trí vào nhóm thiết kế sản phẩm.

Nhớ về cuộc triển lãm đầu tiên trên đất Áo, người họa sĩ này cho biết ông đã phải mất đứt một tháng lương để tổ chức. Ông kể: “Sang nước ngoài, tôi vẫn duy trì thói quen sáng tác. Nhưng khi muốn tổ chức một cuộc triển lãm thì khó vô cùng. Ở nơi đất khách quê người, lạ nước lạ cái, người ta đâu có biết mình là ai để mà đứng ra tổ chức sự kiện”. Cuối cùng, ông cũng thuê được một gallery nhỏ để tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên, kéo dài 1 tháng. “Khi bế mạc, ông chủ phòng tranh lại mua của tôi 4 bức. Trừ đi tiền thuê địa điểm thì tính ra tôi vẫn còn lãi”, ông hóm hỉnh cho biết.


Hiện tại, họa sĩ Đặng Thông Tuyến khẳng định rằng ông đã có thể sống rất tốt bằng nghề vẽ và việc bán tranh. Tại Áo, ông thường xuyên tham gia các cuộc triển lãm với các họa sĩ bản xứ và tổ chức khoảng 2-3 cuộc triển lãm cá nhân mỗi năm. Không chỉ có thế, người họa sĩ sinh năm 1955 này còn được mời đem các tác phẩm của mình đến giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật tại Đức, Pháp và Italy. Trung bình, số tranh bán được ở mỗi cuộc triển lãm có thể giúp ông đủ tiền sống 1 năm. Ngay trong ngày khai mạc triển lãm “Thiếu nữ, trăng và hoa”, đã có người đồng ý mua tranh của ông và hỏi “bao giờ có thể đem tác phẩm ấy về?”.

Nghe có vẻ “ngon ăn” nhưng theo họa sĩ Đặng Thông Tuyến, việc bán tranh ở đâu cũng rất khó khăn. Dù không đến nỗi “đóng băng” như Việt Nam nhưng thị trường tranh ở Áo nói riêng và châu Âu nói chung chuyển động khá chậm. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế, ít người chịu bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu một tác phẩm nghệ thuật cho riêng mình. Thêm vào đó, gu thẩm mỹ của đa số người dân phương Tây là rất cao. Ngay từ bé, họ đã được đưa đến các viện bảo tàng, nhà hát để tìm hiểu về nghệ thuật. Vì thế, thị trường tranh ở đây rất hiếm khi xảy ra tình trạng “vẽ 1 nói 10” mà họa sĩ Đặng Thông Tuyến vẫn gọi vui là “bán tranh bằng miệng - mua tranh bằng tai”.

Trong cuộc triển lãm đang diễn ra, bức tranh trừu tượng về người thiếu nữ trong ngày sinh nhật có phần “lạc lõng” giữa những bức chân dung êm ái, nhẹ nhàng. Đó là bức tranh được sáng tác vào cuối những năm 1990 - thời điểm mà ông theo đuổi trường phái trừu tượng với những với những gam màu mạnh. Nhưng một thời gian sau, ông cảm thấy cuộc sống xung quanh diễn ra quá gấp gáp, quá sôi động. Chính vì thế mà ông đã thay đổi phong cách như hiện tại để những bức tranh treo trong nhà trở thành một “điểm tĩnh” giúp người xem có được cảm giác nhẹ nhõm, bình yên. Nhưng theo ông Tuyến, dù theo trường phái hiện thực hay trừu tượng, người họa sĩ cũng phải cân bằng giữa cảm xúc và kỹ thuật. “Giống như người chơi đàn, nếu không có cảm xúc, anh sẽ chỉ cho ra những bản nhạc vô hồn. Nhưng nếu thiếu kỹ thuật, anh lại không thể chuyển tải trọn vẹn cảm xúc của mình tới khán giả”, họa sĩ chia sẻ.

(Theo Thế giới & Việt Nam)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu