A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ súy nhạc cổ cải lương tài tử trên đất Mỹ

Vốn là một người ham mê cổ nhạc tài tử cải lương từ lúc nhỏ, anh Lê Thanh Kiệt đã ôm mãi giấc mơ này cho đến khi sang định cư ở nước Mỹ. Sau khi đã tạm an cư, lạc nghiệp tại vùng thủ đô Washington DC, Kiệt tiếp tục suy nghĩ đến chuyện thực hiện mơ ước của mình là học những bản vọng cổ cải lương tài tử.

Anh kể lại: “Lúc đó thật ra tuổi tác của tôi cũng hơi lớn, cho dù có bỏ hết thời gian ra tập đàn cũng không cách nào tập giỏi. Thêm vào đó ở Mỹ hàng ngày đi tới nhà thầy học đàn tốn rất nhiều thời gian, nhiều khi lái xe mất nửa tiếng đồng hồ. Do vậy tôi muốn lập ra một cái gì đó để anh em có thể tự tập luyện ở nhà, vì thế tôi nghĩ tại sao mình không thử lập một trang web trên mạng, rồi mời các nhạc sĩ, các bậc tiền bối đi trước soạn bài đàn, viết ký âm đưa lên đó. Làm như vậy vừa đỡ tốn kém thời gian, vừa rất tiện lợi. Tiếp theo, tôi tình cờ tìm thấy một trang web riêng của anh Giang Tuyền tức Võ Hồng Vân cư ngụ ở Na Uy có những bài viết chuyên đề về ký âm cùng 3 bài đờn vọng cổ cải lương tài tử căn bản. Sau đó, theo đề nghị của anh Giang Tuyền cùng với sự cộng tác của anh Trần Ngọc Tâm ở Việt Nam, trang web đầu tiên dành cho những người yêu thích cổ nhạc tại Mỹ có thể học đàn đã được thiết lập trên Internet.



Các thành viên của VTMO tham gia biểu diễn văn nghệ
gây Quỹ giúp đỡ đồng bào bị thiên tai ở miền Trung Việt Nam 

Anh Lê Thanh Kiệt cho biết: “Cũng nhờ sự đóng góp về kỹ thuật cũng như về bài vở nên trang web Cổ nhạc Việt Nam đang càng phát triển mạnh mẽ, giúp ích rất nhiều cho những người gốc Việt tại Mỹ, kể cả người bản xứ muốn học hỏi, nghiên cứu về bài bản cổ nhạc tài tử cải lương Nam Bộ. Cụ thể như anh Hữu Tùng hiện sinh sống ở California không những chỉ đam mê mà còn có hoài bão giúp đỡ nhiều người khác theo học, nhất là đàn cổ nhạc tài tử nên đã viết lại những ký âm bằng số theo lối Tây phương, không cần phải biết ký âm hồ, xang, xê, cống, giống như hồi xưa, cho nên ai nhìn vào cũng có thể hiểu và học được hết. Nhờ anh Hữu Tùng, các thành viên tìm vào trang web này có thể học được rất nhiều tiếng đàn cổ nhạc khác nhau của nhạc sĩ Văn Hải, Văn Giỏi nhiều danh cầm tài tử cải lương khác nữa”.
 
Vào tháng 6/2010, anh Lê Thanh Kiệt cùng các bạn hữu đã đứng ra thành lập Vietnamese Traditional Music Organization (Hội Cổ nhạc Việt Nam, viết tắt VTMO) do anh làm Hội trưởng. Anh giải thích: “Mình đã có website và cũng có nhiều anh chị em nghệ sĩ đang định cư lâu dài ở vùng này nữa. Vì thế tôi nghĩ tại sao mình không thể tạo ra một nơi chốn để tụ họp, sinh hoạt riêng cho ngành cổ nhạc Việt Nam ngay tại thủ đô nước Mỹ, nên quyết định lập ra VTMO. Vào ngày 28/11/2010, VTMO đã tổ chức buổi ra mắt có trình diễn văn nghệ phối hợp cùng công ty Cargill của Mỹ vốn có nhiều chi nhánh ở Việt Nam nhằm gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt tại miền Trung. Kết quả đã gây quỹ được 6000 USD, công ty Cargill ủng hộ thêm 5000 USD. Cũng theo lời anh Kiệt, mỗi năm Hội dự kiến sẽ tổ chức ít nhất một đêm văn nghệ gây quỹ để giúp đỡ những người kém may mắn tại quê nhà. Công việc cụ thể trong năm 2011 sẽ thực hiện kế hoạch này vào khoảng tháng 9 tới. Tuy đã đạt được những thành công bước đầu, anh Lê Thanh Kiệt vẫn còn ôm ấp nhiều hoài bão lớn hơn nữa. Anh mong muốn Hội cổ nhạc Việt Nam tại Mỹ không những chỉ có bộ môn cải lương tài tử Nam Bộ mà còn bao gồm các môn khác như cổ nhạc miền Trung, miền Bắc và cả Tây Nguyên. Bên cạnh đó, trong chiều hướng mở rộng Hội cổ nhạc Việt Nam, anh Kiệt đang dự định mời các nghệ sĩ nổi tiếng gia nhập Hội như Đoan Trang, con gái của “tiếng sáo thần” Nguyễn Đình Nghĩa; sự cộng tác của nhạc sĩ Trần Quang Hải, con trai của Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê ở Pháp và những ý kiến đóng góp của giáo sư Kim Oanh hiện cư ngụ tại Virginia.
 
Vì trang web chính của VTMO hiện chỉ viết bằng tiếng Anh nên anh Kiệt đang kêu gọi sự hỗ trợ của các học giả không những thông thạo tiếng Anh, tiếng Việt mà còn hiểu biết sâu sắc về các loại nhạc cụ, nhạc khí, cung cấp các bài bản để có thể phổ biến trên trang mạng VTMO dành cho đông đảo độc giả các nước khác...

Nguyễn Sinh (Đại đoàn kết)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu