Cô giáo Việt dạy tiếng Anh... trên đất Thổ
Cô giáo Hồng Mây và các học sinh tại trường Gundogdu |
Về Việt Nam sau một năm tham gia Aupair (chương trình đưa sinh viên nước ngoài ở nhà người bản địa, làm việc và học tiếng Anh) tại Mỹ, Mây nhận ra mình phù hợp với việc dạy ngôn ngữ cho trẻ nhỏ hơn là nghề luật sư mà cô đang theo học. Tuy vậy, cô gái sinh năm 1991 này vẫn hoàn thành chương trình cử nhân trước khi đăng ký sang Thổ Nhĩ Kỳ dạy tiếng Anh cho trẻ em.
Vừa dạy vừa dỗ
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mây dạy tiếng Anh cho học sinh khối lớp 1 và 2 của trường quốc tế Gundogdu, tỉnh Adana. Buổi đầu dạy học, các bạn nhỏ nhìn Mây như “người ngoài hành tinh” bởi chúng chưa từng thấy người châu Á. Chúng vây lấy, đưa tay lên sờ tóc, sờ mặt của cô giáo Việt Nam như để xem đó có phải là người thật hay không và tỏ ra thích thú khi biết đó là cô giáo của mình. “Các bé rất muốn nói chuyện với mình nhưng lại bất đồng ngôn ngữ. Chúng tỏ ra rất khó chịu và đòi bố mẹ dạy thêm tiếng Anh ở nhà để có thể trao đổi. Hóa ra, sự khác biệt của mình lại trở thành động lực để lũ nhỏ chăm học hơn”, Mây chia sẻ.
Hàng tuần, nhà trường bố trí hai buổi để các cô giáo và phụ huynh trao đổi về những vấn đề của các bé trong quá trình học tập. Dù chỉ là giáo viên bộ môn nhưng tuần nào Mây cũng “đông khách”. Phần lớn các vị phụ huynh đến trường vì… tò mò về cô giáo qua lời kể của các con: “Có một cô giáo rất lạ. Cô chỉ nói tiếng Anh và thứ tiếng gì đó”. Với chương trình học của Thổ Nhĩ Kỳ, các em học sinh lớp 1 và 2 rất ít khi phải làm bài tập về nhà. Vì thế, tại buổi gặp, các bậc phụ huynh thường hỏi cô về những phương pháp hỗ trợ con em mình học tiếng Anh ở nhà.
Dù đã có thời gian làm gia sư tại Mỹ nhưng cô gái này gần như không có chút kinh nghiệm sư phạm trước khi sang trời Âu dạy học. Thêm vào đó, bất đồng ngôn ngữ cũng khiến cô giáo Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý lớp. Nhiều khi học sinh mượn bút, mượn tẩy hay mách cô vì có bạn nói chuyện… mà Mây lại tưởng chúng nghịch nên phạt oan. Cuối cùng, Mây đã quyết định học thêm tiếng Thổ. “Trong giờ ra chơi, mình chỉ cần đếm một, hai, ba là các em sẽ đếm hộ từ bốn tới mười. Nghe nhiều cũng thành quen. Sau khi đã thành thục số đếm và các từ thường gặp, mình bắt đầu mượn sách của các em để học đánh vần”, Mây nhớ lại.
Có lần, Mây đang đứng trên bục giảng thì thấy một học sinh khóc toáng lên. Xuống đến nơi mới “ngã ngửa” là cu cậu rụng mất chiếc răng. Mây kể lại: “Nghe cậu bé nói trong hai hàng nước mắt, các bạn xung quanh đều chui hết xuống gầm bàn làm mình càng thêm hoang mang vì chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Cuối cùng, một bạn chạy đến chỗ mình khoe đã tìm được chiếc răng bị rơi. Thế là cậu bé hết khóc”.
Những phụ huynh hiếu khách
Khi nhà trường nhắc về buổi họp phụ huynh, Mây nghĩ rằng đó chỉ là cuộc họp giữa phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm và mình sẽ đến dự với tư cách giáo viên bộ môn. Nhưng hóa ra, tất cả các giáo viên trong trường đều phải gặp riêng từng phụ huynh. Cuối cùng, cô gái này đã tiếp đến 200 phụ huynh chỉ trong hai ngày (có phiên dịch trong các buổi gặp).
Tuy nhiên, theo Mây, quá trình chuẩn bị cho các buổi họp mới là “ác mộng”. Theo yêu cầu của nhà trường, trước đó cả tháng, Mây đã có khoảng 200 buổi trao đổi với từng em học sinh và ghi hình để chiếu khi họp phụ huynh. Trong buổi gặp đó, giáo viên sẽ kiểm tra sự tiến bộ của học sinh thông qua những mệnh lệnh đơn giản và khuyến khích các em đứng trước máy quay để nói lên tình cảm của mình với bố mẹ bằng tiếng Anh. Vì thế, khi xem những video này, hầu hết các phụ huynh đều rất xúc động và bất ngờ vì sự tiến bộ vượt bậc của con khi học tập cùng một cô giáo đến từ đất nước xa lạ, không biết tiếng bản xứ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có ngày Hiến chương các Nhà giáo giống Việt Nam. Theo thông lệ, vào ngày đó, phụ huynh sẽ tặng… vàng cho cô chủ nhiệm và những món quà nhỏ cho các cô giáo bộ môn. Bên cạnh những chiếc cốc, chậu hoa, bưu thiếp... Hồng Mây cũng được một phụ huynh tặng một miếng vàng nhỏ để cảm ơn.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt hiếu khách. Nhớ về những lần được phụ huynh mời đến nhà chơi, Mây nhận xét: “Chỉ thiếu nước họ trải thảm đỏ để mời mình vào nhà thôi”.
Cô cho biết, một khi đã được mời là mình chắc chắn phải đi. Nếu từ chối, họ sẽ rất buồn và lũ trẻ sẽ tủi thân. Đến ngày hẹn, các vị phụ huynh sẽ đến trường đón cô giáo. Ở nhà, những người già và bọn trẻ chờ sẵn ở cửa để mời khách vào nhà. Khi dùng bữa, Mây cũng không cần phải động tay để cắt thức ăn bởi tất cả đã được gia chủ bày biện sẵn sàng trước mặt cô.
Sau khi kết thúc năm học tại Thổ Nhĩ Kỳ, Mây tham gia chương trình trao đổi văn hóa Exchange to Change (trao đổi để thay đổi) tại Ba Lan trong sáu tuần rồi thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh châu Âu trong sáu tuần tiếp theo bằng số tiền tích góp được khi dạy học. Hiện tại, cô gái này tham gia một chương trình dạy tiếng Anh cho các trường mẫu giáo tại Hà Nội. Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Mây chia sẻ: “Mình đã lên kế hoạch sang Ai Cập để dạy tiếng Anh trong mùa Hè năm nay. Đối với mình, việc dạy học cho trẻ em ở những môi trường mới lạ chắc chắn sẽ đem đến những trải nghiệm tuyệt vời”.
Theo Thế giới và Việt Nam