A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cầu thủ Việt kiều - 'cú hích' cho văn hóa bóng rổ ở Việt Nam

"Sự kỳ diệu của số phận đã đưa đẩy những cầu thủ gốc Việt trở về quê nhà và cùng chơi bóng rổ như những người anh em".

 Horace Nguyễn (trái), đội trưởng Đà Nẵng Dragons mang áo số 0, chơi trong trận với Thăng Long Warriors mùa giải VBA 2018. Ảnh: Đà Nẵng Dragons. 

Đầu mùa hè năm 1980, một cậu bé 15 tuổi tên Nhân liều lĩnh bơi hai cây số từ bờ biển Đà Nẵng ra khơi và lên một chiếc tàu chạy về hướng Hong Kong mà không kịp nói lời từ biệt gia đình. Sau 4 ngày lênh đênh sóng nước, cậu đặt chân lên đất liền và được đưa vào trại tị nạn. Từ Hong Kong, Nhân tới Mỹ, bắt đầu cuộc sống mới ở thành phố West Covina, phía nam bang California.

36 năm sau, chàng thanh niên Horace Nguyễn, con trai của cậu bé Nhân ngày nào, trở về sống trên chính mảnh đất "chôn rau cắt rốn" của cha để được theo đuổi niềm đam mê lớn nhất đời mình - chơi bóng rổ chuyên nghiệp.

Horace là một trong những cầu thủ Việt kiều đầu tiên về thi đấu cho giải bóng rổ nhà nghề VBA. Thành lập năm 2016, VBA hiện có 6 đội, bao gồm Đà Nẵng Dragons, Hồ Chi Minh City Wings, Sài Gòn Heat, Hà Nội Buffaloes, Thăng Long Warriors và Cần Thơ Catfish. Mùa giải năm 2019, sẽ có thêm một đội đến từ Nha Trang. Thi đấu theo thể thức trên sân nhà và sân khách, với tần suất hai trận một tuần, VBA diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.

"Lúc đó, Đà Nẵng Dragons đang thiếu hậu vệ dẫn bóng. Khi biết mình được chọn, tôi không tin nổi vào sự trùng hợp ngẫu nhiên này vì ba và mẹ tôi đều là người Đà Nẵng", Horace nói với VnExpress qua điện thoại, gọi rõ ba tiếng "người Đà Nẵng" bằng tiếng Việt và phát âm với giọng Đà Nẵng thực thụ.

Trở về vì ước mơ theo đuổi "trái bóng cam"


 Vincent Nguyễn trong màu áo Hà Nội Buffaloes mùa giải 2017. Ảnh: VBA.

Năm lên 7 tuổi, Horace Nguyễn tình cờ xem đội Los Angeles Lakers thi đấu qua TV và ngay lập tức "như bị bỏ bùa". Tối hôm đó, cậu ôm quả bóng đá bằng nhựa ra sân và mải miết đứng tập ném vào thùng rác. "Một tháng sau, ba tự tay dựng cho tôi rổ ném bóng ngoài trời. Và kể từ đó, tôi chưa bao giờ ngừng chơi", chàng trai năm nay 25 tuổi nói anh rất biết ơn sự ủng hộ của gia đình.

Trong suốt những năm tháng thi đấu thời cấp hai, cấp ba cho đến đại học, Horace Nguyễn luôn là cầu thủ gốc châu Á duy nhất trong đội. "Các vận động viên bóng rổ gốc Á ở Mỹ luôn bị xem nhẹ. Người ta mặc định rằng chúng tôi kém cỏi hơn các cầu thủ da đen và da trắng", Horace chia sẻ.

Theo Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia Mỹ, trong niên khóa 2015-2016, chỉ có 14 nam vận động viên gốc Á trong tổng số hơn 5.000 cầu thủ bóng rổ chơi ở giải hạng nhất, tương đương 0,25%. Con số này trong môn bóng bầu dục là 0,4% và bóng chày là 0,85%. Thống kê này cho thấy tổng số các vận động viên gốc châu Á chơi ba môn thể thao phổ biến nhất ở Mỹ trong hệ thống giải đại học chiếm khoảng 1%. Và chỉ những cầu thủ xuất sắc nhất từ giải đại học mới có cơ hội đi lên chuyên nghiệp.

Khi chuẩn bị tốt nghiệp vào tháng 5/2016, Horace Nguyễn đứng giữa ngã ba đường. Khả năng chơi chuyên nghiệp ở Mỹ "khá xa vời", chàng trai cao 1m78 tỏ ra thực tế khi đề cập đến NBA, giải đấu bóng rổ được mệnh danh là giải của những cầu thủ hàng đầu của thế giới. "Xác suất tôi trúng xổ số chắc còn cao hơn xác suất chơi cho NBA", anh nói chiều cao trung bình của các cầu thủ NBA là 2m.

Nhưng Horace không muốn từ bỏ ước mơ chơi bóng rổ chuyên nghiệp. Và đợt tuyển chọn các cầu thủ Việt kiều cho mùa giải đầu tiên của VBA đến đúng thời điểm. "Tôi tự nhủ mình đã luyện tập cật lực cho cơ hội này. Không đời nào tôi bỏ lỡ", anh nhớ lại. Chỉ 6 tuần sau khi tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, Horace Nguyễn tạm biệt nắng ấm California và bay tới thành phố biển cách nửa vòng trái đất.

Cú hích từ các cầu thủ Việt kiều

Hơn 30 người họ hàng bên nội và bên ngoại sống ở Đà Nẵng đã đến cổ vũ cho Horace Nguyễn trong trận đấu đầu tiên trên quê nhà. Tất cả đều chưa bao giờ tới một trận thi đấu bóng rổ, họ thậm chí chưa xem bóng rổ qua truyền hình. Nhưng "giờ đây ai cũng mê", Horace nói.

Không có lợi thế chiều cao, Horace Nguyễn bù lại bằng những pha đi bóng tốc độ, những cú ném xa chuẩn xác và khả năng đọc tình huống trận đấu. Thống kê theo cầu thủ cho thấy chàng đội trưởng của "những chú rồng sông Hàn" có nhiều pha ghi ba điểm nhất tại mùa giải 2016 với tỉ lệ thành công là 38%. Pha ba điểm là những pha bóng ném từ khoảng cách hơn 6m vào rổ. Mùa giải năm nay, Horace là một trong ba cầu thủ có nhiều pha ném thành công từ ngoài vòng ba điểm nhất đồng thời là một trong 5 người có nhiều bàn kiến tạo cho đồng đội nhất. "Vì nhỏ con, tôi ghi điểm thuận lợi từ vòng ngoài hơn là tiến vào khu vực bên trong, đối mặt với đối thủ cao lớn", Horace biến điểm yếu thành điểm mạnh.

Giải VBA cho phép mỗi đội bóng tuyển một ngoại binh, hai Việt kiều và các cầu thủ còn lại là người Việt Nam. Các cầu thủ gốc Việt, không sinh ra ở Việt Nam nhưng có bố mẹ hoặc ông bà là người Việt Nam, dù chiếm số lượng ít, lại là những nhân tố làm tăng chất lượng cho giải đấu.

 Horace Nguyễn (phải, áo đen) và Chris Dierker, chàng cầu thủ gốc Việt cao hơn 2m, trong một buổi tập với các em nhỏ tại trung tâm phát triển bóng rổ Đà Nẵng. Ảnh: Đà Nẵng Dragons.

Huấn luyện viên Predrag Lukic, người dẫn dắt Thăng Long Warriors giành ngôi vị á quân tại mùa giải 2018, cho biết các cầu thủ Việt kiều mang về nước những kỹ năng mà họ đã rèn luyện từ khi còn nhỏ tại những nơi có nền bóng rổ phát triển như Mỹ và châu Âu. Huấn luyện viên 32 tuổi lấy ví dụ ở châu Âu, có nhiều giải dành cho mọi lứa tuổi, trẻ em không chỉ có cơ hội tập luyện mà còn thi đấu cọ xát. "Tôi lớn lên ở Đức, bắt đầu chơi bóng rổ từ năm 10 tuổi và đến năm 15 tuổi, hàng ngày tôi chơi đều đặn hai trận. Trong khi đó, có những cầu thủ Việt Nam cả năm chỉ thi đấu khoảng 10 ngày", ông trò chuyện khi ngồi trên hàng ghế cao nhất khán đài theo dõi tất cả các trận đấu bóng rổ nam trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc.

Bóng rổ, cũng giống như mọi môn thể thao khác, các vận động viên sẽ nhìn vào những người chơi giỏi nhất để cố gắng. Các cầu thủ nội sẽ cảm thấy có mối liên hệ gần gũi với các cầu thủ Việt kiều hơn những ngoại binh. "Họ sẽ nghĩ kiểu: 'Anh ấy không cao 2m như cầu thủ da đen kia nhưng vẫn chơi rất tốt. Tôi cũng có thể làm được như vậy'", huấn luyện viên Lukic nói.

Vincent Nguyễn, một trụ cột của Hà Nội Buffaloes, được đào tạo bóng rổ bài bản ở châu Âu. Hậu vệ 1m8 này từng khoác áo đội tuyển Hà Lan thi đấu giải dành cho lứa tuổi dưới 18 và dưới 20. Chàng trai, có bố người Việt Nam và mẹ người Hà Lan, cũng từng chơi cho các câu lạc bộ ở Hà Lan.

Tuy nhiên, sau một thời gian liên tục phải ngồi trên băng ghế dự bị ở các giải chuyên nghiệp châu Âu, Vincent cảm thấy quay trở về Việt Nam cho anh cơ hội được thể hiện năng lực. "Tôi được chơi nhiều hơn và càng chơi nhiều, tôi càng tiến bộ", theo Vincent đây là bước đi có lợi cho sự nghiệp về lâu dài. Trò chuyện với phóng viên tại một quán cafe ở quận Cầu Giấy, anh tiết lộ anh sắp bay về Hà Lan nghỉ ngơi và tập trung luyện tập, chứ không tranh thủ "đi đánh" ở Bỉ như sau mùa giải VBA năm ngoái.

Khi bóng rổ là trải nghiệm giải trí

"Em mới thích bóng rổ khoảng hai năm trở lại đây", Thu Hương sinh viên đại học Mở Hà Nội cùng bạn tới xem một trận đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc. Lý do chính vì đây được ví như cuộc đối đầu giữa Thăng Long Warriors và Hà Nội Buffaloes phiên bản không có cầu thủ ngoại và Việt Kiều. "Nhờ VBA mà em mới biết đến bóng rổ", cô sinh viên năm cuối thật thà.

Sau nhiều năm phát triển, bóng rổ Việt Nam không thu hút được sự quan tâm của khán giả. Giải bóng rổ quốc gia được tổ chức hàng năm nhưng số lượng các đội tham gia giảm dần, dù điều lệ thi đấu không buộc đội yếu phải xuống hạng. Các quan chức của Liên đoàn, người cho rằng do hoạt động quảng bá kém, người lý giải vì thiếu nguồn kinh phí. Phải cho đến khi VBA ra đời năm 2016, công chúng mới bắt đầu chú ý đến bóng rổ.

"Không thể phủ nhận giải VBA đã lôi kéo nhiều người quan tâm và hâm mộ bóng rổ. Họ làm truyền thông rất tốt và biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội", ông Đinh Đức Mạnh, trưởng bộ môn bóng rổ Tổng Cục Thể dục Thể Thao, cho biết Liên đoàn đang phấn đấu đưa bóng rổ trở thành môn thể thao phổ biến và được yêu thích thứ hai ở Việt Nam.

Vào năm 2011, khi thành lập đội Sài Gòn Heat để thi đấu ở giải nhà nghề Đông Nam Á, tập đoàn XLE đã mang theo một mô hình kinh doanh còn mới mẻ- thể thao giải trí- vào Việt Nam. Họ kinh doanh bóng rổ theo mô hình chuyên nghiệp của Mỹ, nghĩa là kết hợp giữa tính giải trí và tinh thần thể thao, nhắm đến số đông khán giả, chứ không chỉ tập trung vào những người vốn sẵn hiểu biết về bóng rổ. Và cũng chính họ đặt nền móng cho giải VBA.

"Bạn muốn rủ bạn bè hoặc người thân đến xem một trận đấu nhưng chưa chắc họ cũng thích môn thể thao đó như bạn", ông Connor Nguyễn, người sáng lập tập đoàn XLE và giám đốc điều hành của Sài Gòn Heat, giải thích. "Chúng tôi muốn thu hút những người như thế".

Vincent Nguyễn cho rằng người hâm mộ thường đặt nhiều kỳ vọng vào các cầu thủ Việt kiều. Càng có nhiều cầu thủ gốc Việt chơi trong VBA, tính cạnh tranh của giải càng tăng với số lượng đội tham gia nhiều hơn, giải càng hấp dẫn, và sẽ thu hút càng nhiều khán giả đến sân. Anh giải thích nếu VBA chỉ có các cầu thủ nội và ngoại, sự chênh lệch giữa trình độ và ngoại hình giữa hai bên khiến người xem mất hứng thú. "Ngoài ra, chúng tôi cũng là người Việt mà nên khán giả sẽ cảm thấy gần gũi hơn", anh nói.Thưởng thức một trận đấu VBA, khán giả gần như không có thời gian "chết". Tốc độ trận đấu cao, điểm số được ghi liên tục. Tiếng bóng đập xuống sàn được khuếch đại bên trong nhà thi đấu mái vòm. Tiếng hò reo cộng hưởng với tiếng bóng đập cổ vũ trong rừng cờ quạt và băng rôn. Sự phấn khích như ngọn lửa trước gió, bùng lên nhanh chóng. Giờ nghỉ giữa hiệp, hoạt náo viên trình diễn những màn vũ đạo sôi động trong tiếng nhạc điện tử để khuấy động không khí. Kết thúc trận đấu, khán giả tràn xuống sân chụp hình và xin chữ ký các cầu thủ mà họ yêu thích. Lúc đó, một trận bóng rổ không chỉ dừng lại ở một cuộc thi đấu thể thao mà trở thành một trải nghiệm văn hóa giải trí.

Mùa đầu tiên, VBA thu hút trung bình 930 người đến sân mỗi trận. Lượng khán giả tăng 11% lên hơn 1.000 vào mùa giải 2018, lấp kín 90% chỗ ngồi trong sân thi đấu, giám đốc chiến lược kinh doanh của VBA Lê Bá Thanh Bắc trả lời VnExpress qua e-mail. Trong hai mùa giải gần đây, vé bán ra cho những vòng đấu quyết định luôn hết sạch trong 24 giờ. "Vòng chung kết, ban tổ chức phải chuẩn bị thêm 100-200 ghế phụ để đáp ứng nhu cầu của khán giả", ông Thanh Bắc cho biết.

Hiện nguồn thu của VBA đến từ hợp đồng tài trợ, doanh thu bán vé và bản quyền truyền hình. Mục tiêu ban đầu của những người tổ chức giải là đạt mức hòa vốn sau 5 năm. "Tôi tin rằng bất cứ môn thể thao nào để phát triển đều phải dựa trên mô hình kinh doanh bền vững. Không thể trông chờ vào tiền của nhà nước vì sẽ không bao giờ là đủ", ông Connor Nguyễn giải thích khi bắt đầu có lãi, VBA có thể trả lương cao hơn cho các cầu thủ và biến bóng rổ chuyên nghiệp thành một nghề nghiệp hấp dẫn.

Tương lai của bóng rổ

Vào buổi tối diễn ra trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Campuchia tại giải Giải vô địch Đông Nam Á - AFF Cup, đường phố rợp tiếng hò reo ăn mừng của người hâm mộ sau mỗi bàn thắng. Nhưng bên trong nhà thi đấu đại học Y Hà Nội, người ta chỉ nghe thấy tiếng bóng đập xuống sàn gỗ, những bước chạy của những cậu bé chưa đến 15 tuối và những câu thúc giục của huấn luyện viên người Philippines. Trên khán đài, một vài phụ huynh kiên nhẫn ngồi chờ con. Chị Hiền cho biết hai tuần một lần, chị bắt xe khách từ Hải Phòng, đưa cậu con trai 14 tuổi lên Hà Nội tập bóng rổ. Cậu bé vừa lọt vào vòng tuyển chọn toàn quốc của chương trình phát triển tài năng bóng rổ trẻ Jr. NBA.

Khi phóng viên hỏi liệu các bà mẹ có định hướng con trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp, tất cả đều trả lời rằng: "Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của bọn trẻ".

Connor Nguyễn tin rằng một trong những yếu tố quyết định thành công của bóng rổ ở Việt Nam là đầu tư phát triển thế hệ cầu thủ tương lai. Một chương trình giới thiệu bóng rổ tới 25.000 trường học đã được khởi động vào tháng trước. Đây là một phần nằm trong đề án phát triển bóng rổ học đường của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam. Theo đó, đến năm 2030, Liên đoàn sẽ tiếp cận hơn 43.000 trường trong cả nước để hướng tới việc ngày càng nhiều trường học lựa chọn bóng rổ là môn học chính thức và là môn thể thao được học sinh, sinh viên lựa chọn tập luyện đông nhất.

"Chúng tôi là thế hệ người Việt đầu tiên sinh ra ở nước ngoài. Mỗi người có lịch sử gia đình khác nhau. Nhưng sự kỳ diệu của số phận đã đưa đẩy chúng tôi gặp nhau ở quê nhà, cùng chơi bóng rổ như những người anh em", giọng Horace qua điện thoại nghe rõ thanh âm của hạnh phúc. "Và tôi muốn được giải nghệ trong màu áo của Đà Nẵng Dragons".Hai năm trước, khi lên máy bay đến Việt Nam, Horace Nguyễn vô cùng phấn khích vì đó không phải là chuyến đi nghỉ ngắn ngày như mọi lần. "Hồi còn nhỏ, mỗi khi theo ba mẹ về Việt Nam, tôi chỉ nhớ nhung đồ ăn nhanh kiểu Mỹ", chàng đội trưởng của Đà Nẵng Dragons phì cười nhớ lại. Nhưng giờ đây, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều với những tòa nhà cao tầng chọc trời, những quán café đậm chất phương Tây và phố xá đông nghẹt xe hơi. "Và sự thay đổi mà tôi thấy rõ nhất là bắt gặp ngày càng nhiều trẻ em chơi bóng rổ trên đường phố".

Hạnh Phạm (vnexpress)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu