Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: "Tôi còn một nhiệm vụ muốn hoàn thành"
Nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước, VnExpress thực hiện chuỗi phỏng vấn những trí thức, doanh nhân từng ra nước ngoài học tập, làm việc, đạt được thành công, sau đó trở về đóng góp cho đất nước. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những nhân vật như vậy. Trong cuộc trò chuyện này, ông chia sẻ về hành trình trở về, những bài học sau 40 năm kinh doanh, tâm tư về sự phát triển của đất nước, cũng như những kế hoạch lớn trong giai đoạn sắp tới.
- Năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông đang ở Mỹ. Ông đón nhận tin này như thế nào?
- Khi đó tôi đang đi du học. Mặc dù rất vui vì đất nước đã thống nhất, nhưng tôi cũng có chút buồn vì bị cắt các nguồn tài trợ, phải tự xoay xở để hoàn thành việc học.
Dịp này cũng là kỷ niệm 40 năm kể từ khi tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt cho quê hương.
Lúc đó, tôi đang làm thanh tra tài chính cho Boeing ở Mỹ. Năm 1985, khi Việt Nam đang chịu lệnh cấm vận, tôi nhận cuộc gọi từ Văn phòng đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, mời về thăm gia đình.
Đồng ý trở về nhưng tới quê vợ ở Philippines, chúng tôi vẫn chần chừ. Linh tính mách bảo chuyến đi sẽ không dễ dàng.
Quả thật, ngay đêm đầu tiên ở Việt Nam, hai đứa nhỏ nhà tôi nhập viện vì sốt xuất huyết. Bấy giờ dịch đang hoành hành khắp miền Nam nhưng thuốc men thiếu thốn.
Bác sĩ trách tôi: "Tại sao lại đem hai cháu nhỏ về lúc này? Thuốc hạ sốt cũng không có, đừng nói tới việc điều trị". Đêm đó, vợ chồng tôi thức trắng chữa cho con bằng biện pháp dân gian: cắt chanh chà lên người. Nửa đêm, ở phòng bên cạnh, một người mẹ thét lên: "Anh ơi, con chết rồi!". Đứa trẻ đó cũng bị sốt xuất huyết.
Tôi lặng người. Hai vợ chồng lại ra sức chà chanh. May mắn, đến 8h sáng hôm sau, hai con hạ sốt. Vợ tôi lập tức bế chúng về Philippines. Tôi bị cả gia đình mắng vì quyết định của mình.
Ngay sau đó, tôi nhận lời mời về nước lần thứ hai. Tôi quyết định gửi vợ con cho ông bà, một mình quay lại Việt Nam.
Ra Hà Nội gặp bác Phạm Văn Đồng, Thủ tướng lúc bấy giờ, tôi được đề nghị "giúp Việt Nam mở được đường bay với Philippines". Đó là đường bay quốc tế đầu tiên. Trước đó, Chính phủ đã lập danh sách những người có chuyên môn về hàng không và tôi là lựa chọn đầu tiên vì cũng có chút chức vụ ở Boeing.
Lúc này tôi đứng trước hai quyết định. Một là về Mỹ, sống tiếp cuộc đời đủ đầy, hai là gửi lại bà xã và hai con ở Manila, một mình về Việt Nam. Tôi đã chọn phương án có lỗi với gia đình, chấp nhận hai đứa nhỏ thiếu thốn tình cha.
Nhận nhiệm vụ không biết ngày hoàn thành, xác định bỏ hẳn cuộc sống bên Mỹ, tôi thanh lý tất cả nhà cửa, xe cộ... để không còn vướng bận.
- Quyết định bỏ lại tất cả sau 15 năm gây dựng sự nghiệp ở Mỹ, khi đó gia đình ông phản ứng thế nào?
- Vợ tôi - Tina - thấm thía nỗi đau của hàng nghìn bà mẹ khác, nhìn con mắc bệnh không thuốc chữa. Cô ấy đã ủng hộ. Đến giờ tôi vẫn biết ơn cô ấy. Mọi người cũng đồng cảm với nỗi đau đáu về quê hương, về cội nguồn của tôi.
- Nhận nhiệm vụ mở đường bay quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, ông đã làm như thế nào để có được giấy phép bay với Philippines?
- Trở lại Manila, tôi bắt đầu vận động mọi mối quan hệ để xin giấy phép bay. Trong hai ngày, tôi đi tất cả 12 cơ quan, bộ, ngành nhưng đều bị từ chối. Philippines khi đó là đồng minh của Mỹ, và Tổng thống Marcos đã có lệnh không chấp nhận bất kỳ đơn xin mở đường bay nào từ Việt Nam.
Không thể tiếp cận qua kênh ngoại giao chính thức, tôi phải nhờ đến mối quan hệ gia đình qua bà xã - là cháu của phu nhân Tổng thống Marcos. Trước khi đi gặp, tôi đã dặn ông Trần Tiến Vinh, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Philippines rằng, nếu tôi không trở về, hãy báo tin cho vợ tôi và nhờ bảo lãnh.
19h30 hôm đó, tôi cùng ông Vinh đến dinh Tổng thống. Đại tá quân đội và bà Leita - trợ lý đồng thời là em vợ Tổng thống Marcos, nhận đơn nhưng không dám trình lên. Họ để tôi tự vào gặp.
Đứng trước cửa phòng, tôi căng thẳng tột độ. Nhưng nhớ đến tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất con, tôi bước tiếp. Khi tôi đẩy cửa vào, Tổng thống Marcos đang ngồi bên bàn, dưới ánh đèn mờ. Tôi rón rén đặt đơn lên bàn. Bất ngờ, ông cầm bút ký "Approve - ngày 4/9/1985" mà không hỏi gì.
Tôi cầm lấy tờ giấy, muốn lao ngay ra ngoài nhưng đầu gối bủn rủn, chân nặng trịch. Quãng đường tới cửa chỉ 3 m nhưng như dài vô tận. Tôi lo chậm vài giây, Tổng thống sẽ đổi ý.
Vừa đặt chân tới mép cửa, tôi chạy thẳng ra xe nhưng thót tim lần hai vì thư ký Tổng thống gọi giật lại. Hoá ra cần thêm phê duyệt của người này cùng Chánh thanh tra, quyết định ấy mới có hiệu lực.
Giờ nghĩ lại, tôi vẫn nợ Tổng thống Marcos một ơn tình mà không biết lúc nào có thể trả.
Đêm đó, tin báo "anh Hạnh đã hoàn thành sứ mệnh" gửi về nhà, các lãnh đạo ôm nhau xúc động. Đây không chỉ là một tờ giấy phép mà là cánh cửa mở cho Việt Nam vươn ra thế giới.
- Vì sao ông chấp nhận đánh đổi như vậy?
- Tôi không thể quên tiếng thét của người mẹ mất con trong bệnh viện. Hai đứa nhỏ của tôi từng đối mặt với cái chết, khi máu chảy ra từ mắt, mũi, răng... Đau xót vô cùng. Ngoài kia còn trăm nghìn đứa trẻ khác hấp hối vì không thuốc.
Tôi cũng ám ảnh khi báo đài đưa tin nhiều người đánh cược tính mạng, giấu vàng, đô la đi vượt biên, vô tình biến mình thành mục tiêu của hải tặc. Tôi không muốn nhìn người Việt phải rời bỏ quê hương vì lý do kinh tế.
- Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, các chuyến bay đầu tiên đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Ngay khi có giấy phép, tôi đề nghị Sở Y tế cung cấp danh sách các loại thuốc cấp thiết nhất. Vì suýt mất con trong gang tấc, tôi tự bỏ tiền mua thuốc đưa về nước trong những chuyến bay đầu tiên.
Sau đó, tôi vận động bà con kiều bào gửi thuốc, hàng hoá về cho gia đình. Những chuyến bay vào lúc nào cũng đầy hàng, nhưng khi bay ra lại trống rỗng. Càng bay thì càng lỗ. Tôi đã đem về 30 triệu USD, nhưng ba năm vận hành đường bay tôi lỗ 5 triệu USD. Số tiền này đủ để tôi mua 500 căn nhà ở quận 1, lúc ấy chỉ khoảng 10.000 USD mỗi căn.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc đó nắm tay tôi gửi gắm: "Cháu cố gắng giữ đường bay". Ông lo tôi tổn thất nhiều sẽ buông xuôi. Hiểu rằng đây còn là mục tiêu chính trị, tôi chấp nhận lỗ 3 năm, sau đó chuyển giao lại cho Vietnam Airlines khi Hiệp định hàng không với Philippines được ký kết. Với 5 triệu USD đã thua lỗ, tôi coi đó là số tiền mình bỏ ra để xây dựng nền móng kinh doanh ở Việt Nam.
Tôi không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hàng không, mà còn mở rộng ra sản xuất và du lịch nhằm tạo việc làm, luân chuyển dòng tiền trong xã hội. Tôi mở nhà máy song mây, nhà máy khoá kéo để xuất khẩu. Tôi xây khách sạn 14 tầng đầu tiên ở Nha Trang để hút khách du lịch. Tôi tập trung đóng góp cho quê hương Nha Trang, cũng là đóng góp cho đất nước.
- Khi Việt Nam còn mới mẻ trên thị trường, ông cũng chưa có kinh nghiệm làm xuất khẩu, ông đã làm cách nào để thu hút đầu tư và thiết lập các mối quan hệ kinh doanh quốc tế?
- Đúng là lúc đầu cũng chưa có kinh nghiệm vì tôi là dân hàng không. Vì vậy, tôi tìm tới những người bạn làm ăn của mình, mời những người có sẵn kinh nghiệm ở mỗi ngành tham gia thay vì mày mò từ đầu.
Để thu hút họ đầu tư, tôi cũng bỏ vốn của mình vào dự án. Điều này khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn, vì họ nắm được "kẻ có tóc". Khi vận hành, họ đem nguyên vật liệu vào, hướng dẫn gia công, có thành phẩm sẽ bao tiêu toàn bộ. Mình chỉ làm đúng yêu cầu.
Bên cạnh đó, tôi tình nguyện tặng luôn phần vốn của mình khi dự án đã vận hành ổn định. Ban đầu, tôi nắm quyền sở hữu nhà máy, nhưng khi mọi thứ vào guồng, tôi ký giấy chuyển nhượng toàn bộ phần của mình cho các đối tác. Điều quan trọng với tôi lúc ấy là tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển nền kinh tế.
Sau đó, nhận thấy tầm quan trọng của việc thu hút vốn quốc tế, Nhà nước đề nghị tôi hỗ trợ xây dựng một cơ quan chuyên trách về hợp tác đầu tư. Tôi đã giúp tuyển chọn nhân sự, thành lập văn phòng đầu tiên của Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư tại TP HCM.
Cũng vì những cống hiến đó, thành phố rất tạo điều kiện nếu tôi cần. Mà khi làm đúng pháp luật thì cũng không có vướng mắc gì hết. Đó là lý do tôi thành công giai đoạn đó.
- Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) và Luật Doanh nghiệp (1999) đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam. Ông đã kinh doanh như thế nào qua những giai đoạn này?
- Tôi thấy lúc đó dễ làm ăn hơn bây giờ vì chưa có cạnh tranh, thủ tục cũng rất đơn giản. Chỉ trong vài ngày là có giấy phép kinh doanh, nên tôi có thể nhanh chóng đưa nhà đầu tư vào, chuyển tiền xây dựng, và trong vòng vài tháng đã có nhà máy đầu tiên về song mây xuất khẩu. Hàng làm xong có người đến mua ngay, tàu đến là chở đi.
Rồi tới nhà máy thứ hai, tôi lên gặp chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đề xuất tặng tỉnh nhà máy sản xuất dây khóa kéo. Lúc đó, tỉnh đang gia công áo jacket cho Liên Xô nhưng lại phải nhập khẩu dây khóa kéo, gây tốn kém ngoại tệ. Lãnh đạo cũng lập tức đồng ý.
Việc xây dựng khách sạn Nha Trang Lodge cũng diễn ra rất nhanh chóng. Khi ấy, trong số 18 giấy phép đầu tư được cấp, tôi đã sở hữu đến 12.
Từ năm 1985 đến 2000, trước khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, hầu hết hoạt động kinh doanh của tôi đều có sự hợp tác với Nhà nước. Tôi tham gia góp vốn hoặc đầu tư theo hình thức liên kết, giống như công ty dây khóa kéo Nha Trang. Nhà máy vẫn thuộc Nhà nước, tôi đóng vai trò rót vốn, hỗ trợ tài chính, kêu gọi đầu tư và giúp họ xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.
- Nhìn lại hành trình 40 năm kinh doanh, ông đã có những chiến lược gì để thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế?
- Việt Nam phát triển theo xu hướng chung của thế giới, từ sản xuất may mặc, gia công xuất khẩu tới khu công nghiệp. Tôi thì không theo hướng đó, vì tôi biết đó không phải thế mạnh của mình.
Ngay từ đầu, tôi đã lập bản đồ phát triển cho mình, chỉ đợi thời cơ triển khai thôi. Giai đoạn đầu, mục tiêu của tôi là tạo nền tảng. Tới những năm đầu 2000, có cơ chế chính sách để tư nhân phát triển, tôi đã định hướng con đường của mình sẽ là bán lẻ, hàng xa xỉ.
Xuất thân từ ngành kinh tế, nhiều năm ở Mỹ, quan sát thêm những thị trường đã phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, tôi hiểu định luật thị trường rằng nhu cầu con người luôn phát triển khi kinh tế một đất nước phát triển. Ăn ngon rồi họ sẽ cần mặc đẹp, thể hiện đẳng cấp. Vì vậy, tôi kiên định với thế mạnh của mình trong ngành hàng không và phân phối hàng hiệu. Quan trọng nhất vẫn là kinh doanh có đạo đức, tuân thủ pháp luật.
- Sau những giai đoạn phát triển, với bối cảnh hiện tại khi khu vực tư nhân được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế, ông có kế hoạch gì trong giai đoạn tới?
- Tập đoàn Liên Thái Bình Dương của chúng tôi hiện có 45 dự án, trong đó tôi tập trung vào hai mũi nhọn chính.
Một là trung tâm tài chính, tôi đã đề xuất năm 2016. Với 40 năm kinh nghiệm kinh doanh ở đây, tôi hiểu rằng Việt Nam còn quá bé nhỏ, chúng ta không thể tự dùng tiền túi để đầu tư. Trước đây, tôi từng mời nhiều nhà đầu tư lớn đến Việt Nam, trong đó có tỷ phú Howard Lutnick - người vừa được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại.
Ông Lutnick đã gửi hơn 30 lá thư đến lãnh đạo các cấp, đề nghị nhanh chóng thành lập trung tâm tài chính, cam kết đầu tư ngay 10 tỷ USD. Tổng vốn có thể tới 120 tỷ. Đây là dòng vốn khổng lồ, có thể tạo ra bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam. Phía nhà đầu tư cũng sẵn sàng đảm nhận toàn bộ chi phí đào tạo nhân lực, vận hành hệ thống, mà không cần xin hỗ trợ từ Nhà nước.
Nguồn vốn này cũng sẽ kích thích đầu tư công. Lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện quá cao, trong khi các nguồn vốn nước ngoài có mức lãi suất chỉ từ 2,5 - 3%. Nếu áp dụng mức này cho các dự án công, Chính phủ sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với việc vay vốn từ ngân hàng thương mại trong nước với lãi suất 7-10%.
Tuy nhiên, sau ba nhiệm kỳ, đến nay dự án này mới bắt đầu được nghiên cứu cơ chế thực hiện. Chúng tôi đã mất 9 năm cho việc này. Đây là điều tôi tiếc nuối nhất trong đời mình. 40 năm trước, tôi đã hoàn thành trọng trách mà các lãnh đạo giao phó. Tôi không biết trong 5 năm tới, trước khi nghỉ hưu tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ này hay không.
Mũi nhọn thứ hai là khu phi thuế quan, gồm factory outlet (bán những sản phẩm chính hãng qua mùa với giá rẻ), trung tâm mua sắm hàng hiệu và cửa hàng miễn thuế. Tôi có thể cam kết thu hút từ 5 đến 10 triệu khách du lịch vào Việt Nam. Các đối tác của tôi đã ký kết hợp tác với China Duty Free, The Trinity, cùng nhiều công ty du lịch, lữ hành và hàng không quốc tế. Họ nôn nóng lắm rồi.
Đây sẽ là sức hút của ngành du lịch Việt Nam. Hiện nay, du khách đến chủ yếu để tham quan, chụp ảnh, mức chi tiêu trung bình chỉ khoảng 300 USD/người – thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 1.000 USD/người. Nếu có 10 triệu khách với mức chi tiêu tối ưu, chúng ta có thể thu về 50 tỷ USD. Thực tế là du khách Việt cũng đang đổ sang factory outlet của các nước khác để mua sắm. Tôi tiếc vì chúng ta vẫn chưa tận dụng được cơ hội này.
Tuy nhiên, mới đấy, Tổng Bí thư cũng đã có chỉ đạo, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với kinh tế tư nhân. Đồng hành với đất nước 40 năm nay, tôi thấy đó là tín hiệu cho thấy chặng đường tiếp theo sẽ rất sáng sủa.
- Ông dự định nghỉ hưu trong 5 năm tới. Vậy ông đã chuẩn bị kế hoạch gì để đảm bảo các mục tiêu của Liên Thái Bình Dương vẫn đi đúng lộ trình khi không còn trực tiếp điều hành?
- Từ 4-5 năm nay, tôi đã chuẩn bị con đường để giao trọn quyền điều hành. Mọi kế hoạch tôi xây dựng đều có người kế thừa. Gia đình tôi là gia đình trị. Cha nói con nghe, vợ thực hiện, đoàn kết lắm. Mỗi lần tôi yêu cầu "làm nhanh đi" là tất cả chạy hết tốc lực.
Tôi phải cảm ơn bà xã của mình - "đệ tử chân truyền" luôn bên cạnh. Bà ấy là một người trẻ năng động, chịu học hỏi (tức bà Lê Hồng Thủy Tiên, người vợ thứ hai của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - PV). Bà ấy thương chồng, nói là muốn học hỏi kinh nghiệm từ tôi để đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước và gia đình. Tới nay, tôi hoàn toàn tin tưởng vào bà xã Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPPG, cùng các con.
Henry đã có cơ ngơi tại Philippines, điều hành tốt công việc. Louis phụ trách toàn bộ hệ thống ACFC ở mảng mid-year, đưa số thương hiệu từ 40 lên đến 60-70, liên tục mở rộng. Tôi không còn đủ sức bay xa, nhưng con tôi vẫn đi công tác, gặp gỡ đối tác, mở rộng thị trường.
Tôi luôn nghiêm khắc trong công việc nhưng không độc đoán. Tôi không quát tháo nhưng một khi đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành 100%, không ai được làm dở dang. Tôi trang bị cho các con đội ngũ tư vấn vững vàng, chúng cũng có tôi ở đây để xin ý kiến. Giờ đây, chúng không cần tôi phải làm gì nữa, chỉ cần tôi góp vốn, ủng hộ.
Tôi cũng cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho tôi cơ hội mở đường bay, nhờ đó tới nay tôi đã có hơn 400 bằng khen. Đối với tôi là quá danh dự.
Nếu một ông già 75 tuổi, cách đây 40 năm, có thể làm được những việc lớn, thì tại sao những người trẻ 30-40 tuổi lại không thể? Hãy bắt đầu bằng những việc vừa sức, có ý nghĩa cho xã hội. Tôi mong rằng các bạn trẻ luôn đặt lợi ích đất nước lên trên hết, sau đó đến thành phố, công ty, gia đình rồi mới tới bản thân.
(Theo vnexpress.net)