A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Chị Thanh Tâm” ở xứ Hàn

"Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", làm "sứ giả hòa bình" cho các gia đình có cô dâu Việt ở Hàn Quốc, làm cầu nối kêu gọi giúp đỡ những lao động Việt cơ nhỡ ở xứ Hàn... Đó là công việc mà chị Bùi Thị Đài duy trì trong suốt nhiều năm qua...

Thoạt đầu trông thấy chị Bùi Thị Đài - người ta dễ hình dung chị là người Hàn Quốc với cách ăn vận và trang điểm nhẹ nhõm, lịch thiệp và vẻ đẹp mặn mà đặc trưng của phụ nữ xứ này. Nhưng ít ai ngờ rằng, chị là người Việt Nam chính gốc và đã chuẩn bị bước vào tuổi 50.

Duyên nợ với xứ Hàn

Là người gốc Hải Dương, sang Hàn Quốc lao động và làm việc trong một công ty dệt - chị Đài có cơ hội gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với anh Ryu Jae Hyun. Với chị, việc thành thạo tiếng bản địa khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc đã mang đến mối lương duyên của chị với anh và xứ sở này. Sau 2 năm tìm hiểu, anh chị quyết định xây dựng gia đình. Từ đó, chị an phận làm công việc nội trợ trong gia đình như bao người phụ nữ Hàn Quốc khác.



 “Chị Thanh Tâm” Bùi Thị Đài ở Hàn Quốc


May mắn được làm dâu trong một gia đình hết sức quý người và coi trọng con dâu là người Việt, cộng với khả năng nói tiếng Hàn thành thạo và nấu được các món ăn truyền thống của Hàn Quốc nên chị Đài gần như không gặp trở ngại gì trong những ngày đầu chập chững làm dâu xứ Hàn. Thậm chí, mọi người trong gia đình chồng thương chị nhất bởi hiểu được nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của chị trong mỗi dịp gia đình chồng sum họp đủ đầy.

Chị Đài chia sẻ: "Nếu như những cô dâu Việt chưa thành thạo tiếng Hàn khác dễ gặp vấn đề mâu thuẫn với gia đình chồng do bất đồng ngôn ngữ, dễ bị hiểu nhầm mà không giải thích được thì khi làm dâu nhà anh Ryu Jae Hyun, tôi không chỉ hiểu mà còn diễn tả được vấn đề của mình đối với tất cả mọi người trong gia đình. Cái gì chưa biết, chưa hiểu rõ, tôi có thể hỏi bất cứ ai trong gia đình và được mọi người giúp đỡ rất nhiệt tình. Mặt khác, khi làm dâu một gia đình Hàn Quốc, mình phải chứng minh được mình thực lòng và hết lòng với chồng và gia đình chồng. Nếu họ phát hiện ra bạn có tư tưởng "tư túi", không lo lắng cho gia đình chồng mà chỉ chăm chăm thu vén để gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn".

Chính nhờ hiểu được văn hóa và suy nghĩ của người Hàn Quốc nên chị Đài đã từng bước chứng minh cho chồng và gia đình chồng thấy rằng, chị lấy anh xuất phát từ tình cảm chân thành chứ không phải với mục đích vật chất hay điều gì khác. Vì thế, mỗi khi thấy chị buồn, mọi người trong gia đình nhà chồng lại tổ chức một chuyến dã ngoại, đi leo núi hoặc đi biển vài ngày để chị nguôi đi nỗi nhớ nhà. Với chị, được làm dâu trong gia đình anh và được mọi người hiểu, yêu thương, lo lắng cho chị thực sự là một niềm hạnh phúc lớn.

Người vác tù và hàng tổng

Trong câu chuyện mê mải dường như không có hồi kết với người phụ nữ có kinh nghiệm làm dâu Hàn Quốc 14 năm nay - tôi hiểu nhiều hơn về cuộc sống của những lao động Việt Nam tại xứ sở này. Chị Đài chia sẻ: "Nếu là lao động hợp pháp thì sẽ được chính phủ Hàn hỗ trợ, ưu đãi rất nhiều. Nhưng nếu ở lại Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp thì cuộc sống chui lủi, khổ sở và đầy rẫy những bất trắc".

Trong một lần có việc ra phố, chị Đài bỗng bắt gặp mấy người châu Á đang tay xách nách mang với khuôn mặt lem luốc bụi than - trong đó có một người bị bỏng khá nặng. Họ lầm lũi đi trên phố. Vì ở Hàn Quốc có rất nhiều người dân các nước châu Á khác sinh sống nên thoạt nhìn chị không nhận ra đó là người Việt Nam. Hình ảnh đó trôi qua tầm mắt của chị - nhưng rồi linh tính dường như mách bảo với chị Bùi Thị Đài điều gì đó và chị quay lại cất tiếng hỏi: "Các anh chị có phải người Việt Nam không?". Nghe chị hỏi thế, một cô gái trong đoàn bật khóc và nói: "Ôi, chị là người Việt Nam à? Chị giúp chúng tôi với".

Hỏi han mới biết những người này là lao động Việt Nam bất hợp pháp - thuê nhà của một người dân Hàn Quốc và vô tình gây hỏa hoạn trong căn nhà trọ này. Vì sợ và vì không có tiền để bồi thường cho gia chủ nên cả nhóm rủ nhau bỏ trốn. Chị Đài liền nhờ chồng liên hệ với cha xứ ở nhà thờ mà gia đình chị vẫn hay đi lễ và liên hệ với bệnh viện để họ chữa trị cho người bị bỏng nặng nhất trong nhóm.

Từ đó, chị trở thành đầu mối giúp đỡ, tư vấn miễn phí cho những lao động Việt Nam ở xứ Hàn. Người ta truyền nhau địa chỉ và số điện thoại của gia đình chị. Có những người, đêm hôm cũng gọi điện nhờ tư vấn. Đặc biệt, có những công ty môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc còn nhờ chị đến giải quyết mâu thuẫn cho những gia đình có cô dâu Việt sinh sống. Chị lại đến tận nơi để giải thích cho gia đình người Hàn đó hiểu về các cô dâu Việt Nam - rồi chia sẻ với những cô gái Việt Nam kinh nghiệm làm dâu của chị...

Miệt mài với công việc này 7 năm trời - chị được sự động viên, chia sẻ rất tích cực của gia đình anh Ryu Jae Hyun. Điều đó đối với chị thực sự cảm động và đáng quý.

Mãi cho tới cách đây vài năm, do điều kiện gia đình, chị phải đi đi về về giữa Việt Nam và Hàn Quốc thường xuyên nên công việc "vác tù và" phải tạm hoãn lại. Nhưng chị Đài luôn tự nhủ, khi thu xếp ổn thỏa việc gia đình và trở về hẳn Hàn Quốc - chị sẽ lại tiếp tục công việc đầy ý nghĩa này./.

(Theo Thế giới &Việt Nam)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu