Việt Nam gia nhập WTO: Thời cơ mới và tiềm năng của Việt kiều
Trong những ngày này, người ta thường hay nói đến “vận mệnh mới”, “thời cơ mới”, “sân chơi”, “luật chơi”, v.v… Cách ví von này cũng chẳng có gì sai, vì nói cho cùng, cuộc đời là một cuộc chơi lớn. Kinh tế và thương mại cũng là một cuộc chơi. Chẳng thế mà các nhà kinh tế từng phát triển một lí thuyết gọi là lí thuyết trò chơi (game theory) đó sao. Mà đã là cuộc chơi thì phải có sân chơi và luật chơi. Tham gia WTO cũng có nghĩa là chúng ta bước vào một sân chơi toàn cầu và chấp nhận những luật chơi mới. Để thành công trong cuộc chơi mới, chúng ta phải làm quen với sân chơi và những luật chơi.
Vấn đề ở đây là những luật chơi mới này không phải do chúng ta đặt ra, mà là do các nước lớn và giàu mạnh hơn chúng ta, chủ yếu là các nước Âu Mĩ, đặt ra. Luật chơi thường gắn liền và mang đặc tính văn hóa, truyền thống và quyền lợi của các nước tác giả. Nhớ lại vào đầu thế kỉ 20, khi người Pháp vào nước ta, họ đặt ra luật lệ dựa vào suy nghĩ của họ để cai trị và khống chế dân ta. Để chiến thắng những tên thực dân này, chúng ta đã phải cần đến sự tham gia của những nhà trí thức từng được Pháp đào tạo. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một phỏng vấn thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, mà trong đó ông cho biết mục đích sang Mĩ học là, theo lời một cấp trên của ông, học hỏi văn hóa Mĩ, người Mĩ và tiếng Mĩ sao cho ông có thể hành xử và nói như người Mĩ. Nói tóm lại là phải hòa nhập và nắm lấy được văn hóa và cách sống của Mĩ để “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Do đó, làm quen với luật chơi mới không chỉ biết luật chơi mà còn là học hỏi và tìm hiểu những khía cạnh văn hóa và quyền lợi của các nước Âu Mĩ. Việt Nam đã và đang gửi hàng chục ngàn (con số hiện nay có thể lên đến hàng trăm ngàn) sinh viên ra ngoài học tập để hi vọng nắm lấy các công nghệ tiên tiến của các nước có nền khoa học và kĩ thuật tiến bộ hơn ta. Đây là một lực lượng trí thức quan trọng, có thể góp phần vào việc thực hiện chủ trương “biết người, biết ta” trong sân chơi WTO tương lai.
Nhưng du học sinh, với vài ba năm học hành ở nước ngoài, chỉ mới là những người “cưỡi ngựa xem hoa” khi xét đến khía cạnh hòa nhập và hiểu biết xã hội Âu Mĩ. Du học sinh ở Mĩ có thể nói tiếng Anh khá thạo, có thể học hành giỏi giang, có thể có giao tiếp với thầy cô người Mĩ, nhưng vì thời gian lưu học ngắn nên không thể hiểu thấu đáo văn hóa Mĩ được. Chỉ có những người sinh sống lâu năm trong xã hội Âu Mĩ, có những kinh nghiệm tiếp xúc hay cọ xát trực tiếp với văn hóa và người Âu Mĩ mới hiểu “sân chơi” và “luật chơi” của Âu Mĩ. Những người đó là cộng đồng người Việt ở nước ngoài (mà tôi sẽ tạm gọi là “Việt kiều” – dù biết cách gọi này làm nhiều người cau mày).
Cộng đồng Việt kiều là một lực lượng trí thức lớn, là một thế mạnh của Việt Nam, một thế mạnh mà các nước trong vùng khi tham gia WTO không có được. Theo vài ước tính, con số người Việt hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài đã lên đến 3 triệu, và trong số này có khoảng nửa triệu người với trình độ đại học trở lên hiện đang làm việc trong nhiều lĩnh vực “mũi nhọn” mà Việt Nam đang cần. Nhiều người là các doanh nhân thành công, là những chuyên gia tài chính quốc tế tài ba, là những nhà khoa học lừng danh từng có đóng góp quan trọng cho nước sở tại. Hầu như trong bất cứ lĩnh vực công nghệ tiên tiến nào đều có tên tuổi của các nhà khoa học gốc Việt. Vấn đề đặt ra là làm sao thu dụng nguồn chất xám này để góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong môi trường mới của WTO.
Nhà nước đã nhận thức được tiềm năng kinh tế và tri thức của Việt kiều, và bắt đầu có những chính sách khuyến khích Việt kiều về tham gia vào việc phát triển khoa học và kinh tế nước nhà. Đã có vài hiệp hội doanh nhân và khoa học Việt kiều được hình thành. Nhưng hiệu quả của các chính sách thu hút Việt kiều vẫn còn quá khiêm tốn. Trong khi có nhiều trường hợp Việt kiều về nước đầu tư và làm việc thành công, cũng có không ít trường hợp khó khăn và “bỏ của chạy lấy người”. Nhiều chuyên gia Việt kiều đau đáu nhìn về quê hương, nhưng vẫn dè dặt khi dấn thân trực tiếp về làm việc ở Việt Nam. Sự dè dặt của họ cũng có nguyên nhân chính đáng. Có người cho rằng chính sách của nhà nước vẫn là trên giấy tờ hay lời kêu gọi, chứ chưa đi đôi với việc làm thực tế. Nhà nước tuyên bố xem Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời trong đại gia đình Việt Nam, nhưng thực tế thì Việt kiều, kể cả những Việt kiều từng có nhiều đóng góp cho quê hương, vẫn phải xin visa để về thăm quê. Nhà nước tuyên bố sẽ trọng dụng các giáo sư và chuyên gia Việt kiều, nhưng khi thành lập ban cố vấn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế thì hoàn toàn không có một Việt kiều nào!
Và nhất là chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” vẫn còn khá phổ biến ở trong nước. Vẫn còn những câu chuyện đau lòng theo kiểu “cấp trên nói một đằng, cấp dưới làm một nẻo” làm nản lòng, thậm chí tan hoang gia sản của vài Việt kiều từng về làm kinh doanh ở Việt Nam. Nhiều nhà khoa học Việt kiều muốn đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học nước nhà, nhưng họ vẫn chỉ là những người “cưỡi ngựa xem hoa”, vẫn chỉ là những “cố vấn” không có quyền, vẫn đứng bên lề, vì những thủ tục hành chính cồng kềnh và cơ chế tổ chức phức tạp mà họ chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Trong khi đó các đồng nghiệp người Mĩ, người Pháp, người Úc của họ thì được săn đón niềm nở. Người viết bài này có lần trao đổi với một giáo sư người Úc và ông thắc mắc “không hiểu tại sao họ [ý nói đồng nghiệp trong nước] lại cần đến tôi, trong khi có vài giáo sư người Việt ở bên này mà tôi biết có khả năng chuyên môn cao hơn tôi lại không được đếm xỉa đến”. Hình như một số trong giới lãnh đạo Việt Nam vẫn tồn tại một suy nghĩ rằng chuyên gia người nước ngoài là tài giỏi hơn chuyên gia Việt kiều.
Thật ra, không nhất thiết Việt kiều phải về Việt Nam, vì trong nhiều ngành nghề, Việt kiều vẫn có thể đóng góp cho quê hương dù ở ngoại quốc. Trong thời đại viễn thông và internet ngày nay, nơi chốn làm việc không còn là một vấn đề lớn nữa. Nhưng vấn đề là làm sao tập trung và nối kết được trí thức Việt kiều và các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, có thể nói, các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài dù có cố gắng nhưng vẫn chưa phải là cầu nối thân mật giữa Việt kiều và Việt Nam. Trong thực tế, mối liên hệ giữa Việt kiều và các sứ quán vẫn còn một khoảng cách dè dặt đáng kể, cho nên việc huy động nguồn lực Việt kiều vẫn chưa được thực hiện có hệ thống.
Báo chí thế giới có nhiều bài viết ca ngợi thành tích và tiềm năng của Việt Nam hậu WTO. Có thể vì những ca ngợi đó, và câu nói “thời thế tạo anh hùng” của người xưa, mà vài người ví rằng trước thời thế WTO Việt Nam có thể sẽ trở thành “anh hùng”. Có lẽ chúng ta không nên "lạc quan tếu" như thế, vì người nước ngoài ca ngợi chúng ta vì Việt Nam có một thị trường lao động trẻ trung, chính trị ổn định, và xã hội an ninh, nhưng họ vẫn nhìn chúng ta như là những người gia công rẻ tiền cho họ (hay Việt Nam là một xí nghiệp gia công, một thị trường mới để họ xâm nhập), chứ chưa nhìn chúng ta như là những đối tác thương mại tầm cỡ. Cái nhìn như thế đâu phải là một cái nhìn dành cho người “anh hùng”. Dù là thời thế nào nữa, không thể tự tin một cách tiếu lâm và mơ hồ rằng chúng ta sẽ tự nhiên trở thành anh hùng như một phép mầu nào đó sau khi gia nhập WTO. Chúng ta chỉ có thể trở thành “anh hùng” (không cần ai ca ngợi) với nội lực của chính chúng ta, khi chúng ta đã vươn lên làm chủ tri thức và sánh vai cùng các nước tiên tiến. Gia nhập WTO là một cơ hội để chúng ta nhận lấy thách thức đó, chứ không phải hài lòng với vai trò người gia công rẻ tiền, và càng không muốn đóng vai trò "xí nghiệp gia công" để họ kiếm lời trên mồ hôi nước mắt của ta.
Nhìn qua kinh nghiệm phát triển của Đài Loan và Hàn Quốc trước đây, hay kinh nghiệm của Trung Quốc ngày nay, ai cũng thấy giới trí thức kiều bào của họ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một bệ phóng cho phát triển kinh tế và khoa học. Nếu kinh nghiệm từ các nước đó là một yếu tố để chúng ta suy đoán thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển như họ, và có thể phát triển nhanh hơn, vì Việt Nam có một lực lượng trí thức Việt kiều lớn và mạnh không những rành luật chơi mới mà còn từng tham gia vào sân chơi mới mà nước ta đang sắp vào cuộc.
Một máy tính với hai con chíp vận hành hữu hiệu hơn và nhanh hơn máy tính với một con chíp. Hiện nay, có thể nói ví von rằng Việt Nam chúng ta có hai bộ óc, nhưng chỉ mới sử dụng một bộ óc. Nhà nước cần có chính sách cụ thể và cơ chế thông thoáng thu dụng Việt kiều, kể cả Việt kiều thế hệ thứ hai, để họ có cơ hội phục vụ cho quê hương, để tiềm năng của dân tộc có cơ hội được thể hiện đầy đủ và làm bệ phóng cho phát triển trong thời cơ mới.
Nguyễn Văn (Úc)