A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tương lai của cộng đồng: Những vấn đề hội nhập và phát triển

Với chủ đề kể trên, tôi xin mở đầu bằng một định nghĩa về hai từ cộng đồng, nếu phân tích đơn thuần về ngữ nghĩa, cộng có nghĩa là gộp chung lại thành một số lớn, ở đây là một tập thể và đồng là cùng, như nhau về một chủ đích, một gốc hay một cội rễ, một hoạt động.




Tác giả Đinh Viết Tứ thăm Lăng Bác trong dịp tham dự Hội nghị NVNONN lần thứ nhất


Nếu hiểu như thế thì tại nhiều nơi ở hải ngoại, chúng ta chưa có được một tổ chức nào có thể được gọi là cộng đồng theo đúng như định nghĩa này.

Do đó, hai từ cộng đồng đề cập cần được hiểu là chung một nguồn gốc mà thôi, vì phải nhìn chi li như thế mới có thể có những suy nghĩ hữu ích tiếp theo về vấn đề hội nhập và phát triển, hầu tránh được những ảnh hưởng nặng của khiếm khuyết chủ quan.

Sơ lược về cộng đồng người Việt tại Mỹ

Theo thống kê mới nhất của cuộc kiểm tra dân số toàn liên bang Mỹ năm 2010, số người Việt trên đất Mỹ được ghi nhận là 1.737.433 người. Số lượng ấy đứng hàng thứ tư trong số các sắc tộc gốc Á tại Mỹ, sau các sắc dân: người Hoa với 4.010.114 người; người Philippines với 3.416.840 người và người Ấn Độ với 3.183.063 người.

Khoảng 3/4 số người Việt cư ngụ nhiều nhất trên 10 tiểu bang: California với 581.000 người; Texas với 210.000 người; Washington với 67.000 người; Florida với 58.000 người; Virginia với 54.000 người; Georgia với 45.000 người; Massachusetts với 43.000 người; Pennsylvania với 39.000 người; New York với 29.000 người và Louisiana với 28.000 người.

Số người Việt cư ngụ đông nhất tại 10 counties, tương đương với các tỉnh tại Việt Nam, thuộc một số tiểu bang là: Orange County (thường gọi là quận Cam -California) với 183.766 người; Santa Clara County (bắc California) 125.695 người;  Los Angeles County với 87.468 người;  Harris County (có Houston, Texas) với 80.409 người; San Diego County (nam California) với 44.202 người; King County (có Seattle, Washington State) với 38.726 người; Alamenda County (có Oakland, bắc California) với 30.633 người; Tarrant County (có Arlington, Texas) với 29.128 người; Fairfax County (có khu Eden, Virginia) với 28.770 người và Dallas County, Texas với 26.276 người.



Một góc Hội chợ Tết Việt tại California, Hoa Kỳ


Mười thành phố Mỹ có đông người Việt cư ngụ nhất là: San Jose (bắc California) với 100.486 người; Garden Grove (nam California) với 47.331 người; Westminster (nam California có địa danh ảo Little Sài gòn) với 36.058 người; Houston (bang Texas) với 34.838 người; San Diego (nam California) với 33.149 người; Santa Ana (thủ phủ Orange County) với 23.167 người; Los Angeles City với 19.969 người, Anaheim (có Disneyland) với 14.206 người; Philadelphia (bang Pennsylvania) với 14.431 người và New York City với 13.387 người.

Về phương diện đô thị, tại Los Angeles, Long Beach và Santa Ana (nam California) có 271.000 người Việt cư ngụ; San Jose, Sunnyvale và Santa Clara (bắc California) có 126.000 người; Houston, Sugarland và Baytown (Texas) có 104.000 người; Dallas, Forth Worth và Arlington (Texas) có 72.000 người; Washington D.C; Arlington và Alexandria (Virginia) có 59.000 người.

Theo tính chất tuyệt đối, người Việt cư ngụ đông nhất tại thành phố San Jose với 59.000 người; Garden Grove với 47.000 người; Westminster với 36.000 người; Houston với 35.000 người và San Diego với 33.000 người.

Trên bình diện mật độ dân số nội thị, người Việt có tỷ lệ cư ngụ cao nhất lại các thành phố: Midway (cạnh Westminster) với 41%; Westminster với 40%, Garden Grove với 27,7%; Fountain Valley (nam Little Saigon) với 21% và Morrow City (Georgia) với 20%.
Độ tuổi trung bình của người Việt là 35,4 so với các sắc dân Á khác là 35,7 và 36,8 của liên bang. Cộng đồng Việt có số người sống trên 65 tuổi đạt tỷ lệ 8%, so với 13% của cả liên bang.



Chợ Việt ở Hoa Kỳ 


Người Việt có tỷ lệ ly dị thấp với 6% so với liên bang là 11%; hộ gia đình trung bình 3,9 người so với liên bang là 3,1 người. 68% di dân người Việt sinh ở ngoài nước Mỹ, trong đó 73% đã có Mỹ tịch; nhưng thực thi quyền công dân kém hơn người bản xứ. Năm 2008, số cử tri gốc Việt đi bỏ phiếu thấp với 55% so với toàn quốc 71%, và chỉ có 48% người ở độ tuổi ghi danh đi bầu so với cả nước là 64%.

Về mức sống, có 12,10% tổng số người Việt sống dưới mức nghèo khó. Trong khi đó, tỷ lệ sống dưới mức nghèo khó chung cho sắc dân gốc Á là 8,2%; trung bình cho toàn sắc dân là 9,90%.

Trung bình một hộ gia đình Việt thu nhập 49.000 Mỹ kim một năm; cả nước là 62.000 Mỹ kim. Trên 16 tuổi có việc làm với 67%, đứng thứ tư trong cộng đồng các sắc tộc Á châu và 65% so với toàn quốc.
Tạp chí Survey Business Owners ghi nhận có 56% người Việt là chủ các cơ sở kinh doanh, với các sắc dân Á khác chỉ là 40%. Năm 2007, số cơ sở kinh doanh của người Việt được ghi là 229.000 cơ sở tương đương với 15% của các sắc dân khác, doanh thu đạt 28,8 tỉ Mỹ kim. Gần 67% các cơ sở kinh doanh người Việt thuộc các ngành bảo trì, sửa chữa, dịch vụ cá nhân, giặt ủi quần áo, bán lẻ. Số người này có tỷ lệ cao nhất so với các sắc tộc Á khác.

Một số nhận xét về cộng đồng người Việt tại Mỹ

Thực sự, theo chúng tôi được biết, người Việt tại Mỹ thực thi quyền công dân rất kém, có nhiều lý do, nhưng có thể quy vào hai tính chất chủ quan và khách quan. Về chủ quan, hầu như toàn bộ đều thỏa mãn vì được sống tại Hoa Kỳ, nhưng lại mang nặng mặc cảm quá khứ dù tự ti hay tự tôn và khả năng kém về trình độ văn hóa cũng như gặp trở ngại bởi hàng rào ngôn ngữ. Vì vậy, tuy họ đã nhập tịch Mỹ, nhưng lại chỉ coi Giấy Chứng nhận Mỹ tịch chỉ là một tờ giấy để bảo đảm sống yên thân, dễ đi lại.

Về khách quan, họ thờ ơ việc thực thi quyền công dân là để tự hào rằng mình không mất hay quên nguồn gốc dân tộc và bám vào cuộc sống tự tại với những khoản tiền trợ cấp xã hội hay do những dịch vụ quanh quẩn đem lại trong cộng đồng, khóa cửa điền viên.

Thỉnh thoảng, bị tác động bởi một vài phần tử cực đoan thì quá khứ lại sống dậy, thương tiếc những ngày sống xa xưa và đành tham gia vào những cuộc biểu tình chống đối, xuyên tạc, phỉ báng trong nước để giết thời giờ và cũng để từ đó, muốn nhấn mạnh rằng lý do mình ở Mỹ là vì lý do chính trị (nghe cao sang hơn) mà không phải vì lý do kinh tế (nghe có vẻ vì cơm áo) thì yếu quá.



Múa lân ngày Tết ở Hoa Kỳ


Và để hỗ trợ cho những lý do không thật đó, sẵn có điều kiện kinh tế, họ ngụy tạo tư liệu bằng ấn bản đàng hoàng, xuyên tạc sự thật qua báo chí tiếng Việt hải ngoại hàng ngày, các địa chỉ mạng cực đoan, tiên đoán mơ hồ nhưng mang tính khẳng định nhằm tạo tâm lý “chán quê hương” để tự lừa chính họ cho khỏi cảm thấy day dứt. Vì thực sự trong lòng, họ biết rằng họ đã dối trá, nhưng vì nhiều lý do họ đã hành động “tội lỗi” (xin đóng ngoặc kép) nên khiếp sợ không dám tiếp cận với quê hương. Một mặt khác, cũng để lừa dối gia đình là mình chối bỏ vì quan điểm chính trị, mà thực là để đỡ được một số khoản chi tiêu khi vợ con muốn về thăm quê hương mà tiền trợ cấp lại không đủ đài thọ.

Bởi thế, không ngạc nhiên khi thấy các cộng đồng hay tổ chức của người Việt mọc lên như nấm, tại thành phố Westminster, tiểu bang California, Mỹ từng có ba cộng đồng và hiện cũng có hai cộng đồng hoạt động cầm chừng, còn một cộng đồng tạm nghỉ. Các tổ chức khác thì chỉ có tên gọi, không huy động được người khi cần biểu dương, do đó, họ phải dùng cờ nhiều để lấp chỗ trống, khi quay phim, chụp hình từ xa thấy cờ cắm hàng dài thì tưởng là có người ở phía sau cho xôm tụ.

Một số khác tích cực, muốn nhảy vào sinh hoạt trong dòng chính của xã hội Mỹ, nhưng khả năng chưa thích hợp nên bị dội ra lại đành phải quanh quẩn trong cộng đồng.

Còn giới trẻ trưởng thành tại Mỹ, thì chỉ một số rất ít bị tuyên truyền thành lớp “hậu duệ” của quá khứ sai lầm, còn phần đông lo nhập vào dòng chính và có tình cảm hướng về quê hương bản quán tuy còn hời hợt.

Kết luận

Nên, nếu để nói tạo được một sự tác động giúp cho cộng đồng người Việt hội nhập và phát triển, theo chúng tôi, đó là suy nghĩ cần để cho thế hệ trẻ sau này. Tại Mỹ, một số người với kiến thức chính trị kém và tinh thần cực đoan, ôm nặng bại thù đang là rào cản cho sự hội nhập và phát triển của cộng đồng. Vì thế, muốn khai thông cũng rất khó. Bởi công việc này, chính quốc gia sở tại đã có những hành động gián tiếp và trực tiếp, thậm chí cụ thể cũng nhiều nhưng vẫn không đẩy được cộng đồng Việt đi tới vì số người có tâm huyết và khả năng dường như đều chán và ở ẩn. Hiện vẫn còn một số ăn trên ngồi trốc còn lại đang ở giai đoạn cuối đời, những kẻ này rất tinh vi và khéo léo gìn giữ thế đứng của họ nên cũng khó thay đổi.

Điển hình như Bản Nghị Quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở Nước ngoài rõ ràng như thế và đã ban hành cả tám năm nay, vẫn bị những kẻ cực đoan và nhiều cơ sở truyền thông hải ngoại xuyên tạc cho là Nghị Quyết nhằm để xâm nhập, phá hoại và gây chia rẽ cộng đồng người Việt hải ngoại.

Một cách nhìn lạc quan là, lớp người cũ đó đã qua đi nhiều và lớp trẻ mới lớn lên, chịu tác động bởi nền văn hóa Mỹ sống với khả năng và tiếp cận sự thật như một kim chỉ nam để hành động có bản lĩnh. Họ sẽ là những hạt nhân của cộng đồng người Việt sau này để đưa cộng đồng nhích lên những mức mới và trở thành cộng đồng có đủ điều kiện và tư cách hoạt động thực sự để hội nhập và phát triển.

Về thực tế, chúng tôi thấy hiện đang có một nhu cầu cần thành lập ngay một Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại Toàn Thế Giới, để ít ra cũng có một tổ chức khi cần lên tiếng chính thức bảo vệ một sự kiện thực tế trong hay ngoài nước đang bị xuyên tạc và ngụy tạo; việc lên tiếng ấy sẽ tạo được sự cân bằng thông tin, mang sự thật đến với mọi người và giải thích được với những chính quyền đang bị ảnh hưởng bởi nguyện vọng bất xứng của những phần tử cực đoan núp dưới danh nghĩa công dân tác động ngầm và quỷ quyệt, nhất là khi họ lại là nhân viên làm việc tại đó.

Hơn nữa, khi lập được một cộng đồng thế giới, tổ chức và hoạt động ấy sẽ là một khuôn mẫu cho việc thành lập và hoạt động của các cộng đồng địa phương để đẩy nhanh những hoạt động hội nhập của cộng đồng và phát triển những hoạt động vừa mang tính chất địa phương vừa mang tính hòa nhập rộng chắc chắn sẽ mang sức thuyết phục và mở rộng thêm được địa bàn hoạt động ngày một hiệu quả hơn.  

Đinh Viết Tứ (Hoa Kỳ)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu