A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường dạy tiếng Việt ở Ba Lan

Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan có ngôi trường dạy tiếng Việt mang tên Lạc Long Quân trực thuộc Trung tâm Văn hóa Văn Lang được thành lập từ năm 2007. Đây là cơ sở dạy tiếng Việt cho người Ba Lan gốc Việt và người Việt đang làm ăn sinh sống ở Ba Lan. Trường vừa làm lễ bế giảng năm học 2011-2012 vào ngày 30-6-2012 vừa qua…




Cô trò trường tiếng Việt Lạc Long Quân ở Ba Lan

Trường Lạc Long Quân hình thành từ việc sát nhập hai trường tiếng Việt Hùng Vương và Văn Lang trước đây bắt đầu từ năm học 2009-2010, hiện đã đi vào hoạt động ổn định. Ông Lê Xuân Lâm, hiệu trưởng và là đồng sáng lập trường, cho biết: "Hiện nay trường chúng tôi có tổng cộng 11 lớp với gần 160 học sinh từ 5-15 tuổi, chia làm 6 bậc học từ lớp A0 đến lớp nâng cao. Các lớp A0, A1, A2, A3 học theo giáo trình lớp 1 do Bộ Giáo dục & Đào tạo trong nước xuất bản. Các lớp B, C, D và nâng cao học theo giáo trình do nhà trường biên soạn. Từ năm 2010 đến nay, trường còn mở thêm lớp cho con em có cha hoặc mẹ là người Ba Lan và nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng. Riêng đội ngũ giáo viên của trường có 13 người trong đó có 6 giáo viên đã tham gia giảng dạy các lớp cấp 1, 2, 3 ở Việt Nam hiện nay theo gia đình sang Ba Lan sinh sống, 3 giáo viên đã dạy đại học, 3 sinh viên tốt nghiệp trường đại học ở Ba Lan và một họa sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật. Nói chung tất cả các giáo viên của trường đều có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu và đặc biệt là các thầy cô rất tâm huyết với nghề. Tiền học phí của các em chỉ thu ở mức đủ để trang trải chi phí các hoạt động cho trường. Ngoài việc dạy tiếng Việt cho các em học sinh, nhà trường còn dạy các em những kiến thức cơ bản về hội họa, lịch sử và văn hóa truyền thống Việt Nam…”.


Cô giáo Lê Thị Lựu đang phụ trách lớp A3 với phần lớn các em học sinh là những cháu nhỏ, tính tình hiếu động nhưng không khí trong lớp học lại rất nghiêm túc. Cô Lựu đã từng học qua trường sư phạm và lúc còn ở Việt Nam cô đã tham gia giảng dạy bậc tiểu học. Cô tâm sự: "Đối với tôi, được dạy các lớp tiếng Việt này là rất hợp sở trường và mong muốn được làm theo nghề mình đã học”. Cô Lựu cho biết thêm giáo trình cô đang dạy chủ yếu dựa vào sách giáo khoa lớp 1 dùng cho các lớp 1 trong nước nhưng đã được cô và cô Nguyễn Thị Anh Vân (hiện là hiệu phó phụ trách chuyên môn của trường) soạn lại cho phù hợp với trẻ em Việt Nam tại Ba Lan thông qua kinh nghiệm hơn 10 năm giảng dạy tiếng Việt của mình. 

Được biết, trường Lạc Long Quân cũng là một trong những nhân tố cổ vũ phong trào dạy và học tiếng Việt ở thủ đô Warsaw nói riêng và đất nước Ba Lan nói chung. Ông Đặng Ngọc Hân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Văn Lang nói thêm: "Giáo trình của nhà trường chủ yếu là sách giáo khoa theo chương trình cũ ở Việt Nam, được các thầy cô biên soạn lại cho phù hợp thực tế. Cách nay ít lâu, đợt tập huấn kiến thức và phương pháp dạy tiếng Việt theo hai bộ giáo trình mới được biên soạn trong nước: "Tiếng Việt vui” và "Quê Việt” mang ý nghĩa rất quan trọng. Giáo trình này đã chỉ ra cách nhìn tổng quát: vấn đề nào là then chốt trong giảng dạy ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Việt, trong các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đối với từng đối tượng”. Cũng theo lời ông Hân, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác giảng dạy tiếng Việt ở nước ngòai là dạy như thế nào, và dạy cái gì. Thực trạng chung hiện nay là giáo viên chuyên môn chưa sâu, cộng với sự đa dạng của học sinh, độ tuổi khác nhau, thay đổi lớp liên tục...Và để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng một diễn đàn mở cho các giáo viên dạy tiếng Việt. Diễn đàn này có thể là một trang mạng, một forum với sự tham gia của các nhà chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giảng dạy. Sự giao lưu giữa các giáo viên dạy tiếng Việt lâu năm ở nước ngoài với các giáo viên mới bắt đầu giảng dạy sẽ rất hữu ích…

Như Quỳnh (ĐĐK)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu