A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng Việt và dân tộc thiểu số

Cộng đồng chúng ta muốn trở thành dân tộc thiểu số ở Séc trong tư thế đàng hoàng thì việc giữ vững tiếng nói, bản sắc văn hóa là điều vô cùng quan trọng. Xưa, cha ông chúng ta đã từng “truyền lửa từ mỗi nhà từ hòn than qua con cúi/ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân” (Nguyễn Khoa Điềm). Ngày nay tại sao chúng ta không làm được?

Tại §2 Chương I, Luật số  273/2001 tuyển tập Luật của Cộng hòa Séc có nêu: Dân tộc thiểu số là “cộng đồng các công dân Séc sinh sống trên lãnh thổ CH Séc ngày nay, có khác biệt so với các công dân khác,... do một nguồn gốc sắc tộc, một ngôn ngữ, một nền văn hóa và một truyền thống, tạo thành một thiểu số và đồng thời có ý chí muốn được thừa nhận là một dân tộc thiểu số vì mục đích nỗ lực chung để bảo tồn và phát triển bản sắc ngôn ngữ và văn hóa của mình đồng thời vì mục đích thể hiện và bảo vệ các quyền lợi cộng đồng của họ được tạo nên bởi lịch sử”.



Một lớp dạy tiếng Việt cho bạn trẻ kiều bào Mỹ
do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức. Ảnh minh họa (Quê Hương)


Như vậy có thể hiểu: Nước Séc rất coi trọng những cộng đồng có truyền thống và bản lĩnh. Thực tế cho thấy có cộng đồng thiểu số do thiếu một nguồn gốc sắc tộc, một ngôn ngữ, một nền văn hóa và một truyền thống riêng nên bị xem thường.

Cộng đồng chúng ta muốn trở thành dân tộc thiểu số ở Séc trong tư thế đàng hoàng thì việc giữ vững tiếng nói, bản sắc văn hóa là điều vô cùng quan trọng. Xưa, cha ông chúng ta đã từng “truyền lửa từ mỗi nhà từ hòn than qua con cúi/ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ gánh
theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân”
(Nguyễn Khoa Điềm). Ngày nay tại sao chúng ta không làm được?

Mỗi dân tộc có nền văn hóa lâu đời của riêng mình và tiếng nói là kết tinh những tinh hoa tinh tú nhất của nền văn hóa đó. Tiếng phương Tây có cấu trúc ngữ pháp chặt chẽ, tính chính xác cao, dễ dàng diễn đạt các vấn đề khoa học, kỹ thuật phức tạp. Tiếng Trung Hoa thâm thúy, ngữ nghĩa sâu sắc, mỗi nét chữ chứa đựng nhiều ẩn ý. Tiếng Việt mộc mạc mà uyển chuyển, “như đất cày, như lụa, óng tre ngà mềm mại như tơ” (Lưu Quang Vũ).

Học tiếng Việt thời còn bé như nhìn trăng qua kẽ lá, lớn lên khi đã biết thêm ngoại ngữ, đọc sách tiếng Việt như ngắm trăng ngoài sân, càng nhiều kinh nghiệm sống đọc văn học Việt như thưởng trăng trên đài. Mỗi trang sách tiếng Việt lấp lánh bao ngôn từ phong phú, soi vào từng chữ quen thuộc thấy ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng, vô cùng vô tận, dẫu tìm kiếm cả đời cũng không thấy hết cái hay. “Trái đất giầu sang bao thứ tiếng/ Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi/ Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người/ Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ” (thơ Lưu Quang Vũ).

Một bài văn, bài thơ hay vì cái đẹp lấp lánh ẩn hiện ở mỗi chữ mỗi câu. Đó là cái thần của người viết. Văn hay, thơ hay là ở ý, ở tứ, chứ không đơn giản chỉ ở vần, ở điệu. Bông hoa đẹp vì có sắc nhưng thơm và quý vì có hương. Có những bài thơ rất chỉn chu về câu chữ nhưng đọc
lên vẫn bàng bạc, nghe tựa như vè chứ chưa phải là thơ. Ngược lại, có những bài thơ tưởng như là mộc mạc mà ý tứ lại thật tuyệt vời. Thơ Đỗ Trung Quân có những câu đi vào ca khúc mà ai cũng nhớ: “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày …”, hoặc: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?” và có những câu day dứt “Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ/ Giọt nước mắt già nua không ứa nổi/ Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi/ Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng …”.

Nhưng tiếc thay, tiếng Việt trong thế giới phẳng ngày nay đang biến dạng đi nhiều. Cách nói chệch, nói lóng đang trở thành mốt thời thượng trong giới trẻ ở trong nước. May mà các em thanh thiếu nhi Việt Nam bên này chưa bắt chước, nếu không thì chúng ta sẽ còn phát hoảng khi nghe những từ lạ lùng như: ù (ừ), mừ (mà), đúng roài (đúng rồi), khoái lém (khoái lắm), bít rùi (biết rồi), iu lém (yêu lắm), iu chít lìn (yêu chết liền), sao dị (sao vậy), dìa thui (về thôi), đâu gòi (đâu rồi), bùn hôn (buồn không), trùi ui (trời ơi), wen wen (quen quen), thik lém (thích lắm), bb (tạm biệt), hic hic, ha ha,...

Ngôn ngữ mạng thì còn kinh khủng hơn nữa. Xin được trích dẫn một đoạn: "Thông béo thông béo, tui xin kiu gọi các thành viên hãy tích cực hưởng ứng việc đội mũ bẻo hỉm khi đi ra đường nghen. Vì seo à? Để bẻo đẻm en tòn dzì cái đầu của mình là quan trọng nhứt mờ. Hơn nữa, bi giờ cũng có nhìu kỉu địp lém đóa. Nhà tui vừa mở tịm bán mũ bẻo hỉm, ai có théc méc gì thì gọi cho tui ở số đt: 090xxxxx. Mong pà kon đìu ủng hộ. Kakaka...". (“dịch” là "Thông báo thông báo, tui xin kêu gọi bà con hãy tích cực hưởng ứng việc đội mũ bảo hiểm khi đi ra đường nghen. Vì sao à? Để bảo đảm an toàn vì cái đầu của mình là quan trọng nhất mà. Hơn nữa, bây giờ cũng có nhiều kiểu đẹp lắm đó. Nhà tui vừa mở tiệm bán mũ bảo hiểm, ai có thắc mắc gì thì gọi cho tui ở số: 090xxxx. Mong bà con đều ủng hộ. Kakaka...".)

Trên thông tin đại chúng tiếng Việt cũng bị mất dần vẻ đẹp. Giọng đọc nhát gừng, nhấn âm vô tội vạ của một vài phát thanh viên truyền hình làm mất đi âm điệu uyển chuyển hấp dẫn của tiếng Việt. Báo chí cũng sử dụng tràn lan các từ ngoại lai. Tất nhiên, việc sử dụng các từ nước
ngoài trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ là không tránh khỏi vì còn rất nhiều thuật ngữ mới chưa được định nghĩa trong tiếng Việt, nhưng với những từ tiếng Việt rất phong phú thì tại sao lại phải dùng từ ngoại lai nghèo nàn hơn? Thí dụ: tiếng Việt có rất nhiều từ để chỉ tuổi đang
lớn như: tuổi thiếu niên, tuổi xanh, tuổi học trò, tuổi trăng tròn, tuổi mười bảy... , tại sao lại phải gộp tất cả vào từ "tuổi teen"?

Về cách xưng hô thì tiếng Việt quả là thần thông biến hóa, muôn hình muôn dạng. Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và thứ hai ở tiếng Séc cũng rất phong phú, nhưng chỉ có “já, ty, vy” cùng lối biến cách tương ứng “mi, ti, mně, tobě, vám, mě, tě, vás, se mnou, s tebou, s vámi…”,
còn tiếng Anh thì chỉ có " I, me, you”, tiếng Trung Hoa có "ngộ, nị"… Trong khi ở tiếng Việt thì không kể xiết: tôi, ta, tớ, tao, tui, mình, qua, người ta, anh, em, thiếp, chàng... Theo tuổi tác ta xưng hoặc thưa ông, bà, bác, cô, chú..., theo giai tầng trong xã hội ngày xưa có "trẫm", "thần", “bề tôi”... Ấy thế nhưng khi cần lửng lơ lại rất lơ lửng: “Này, mình  nói cho một mình mình nghe thôi đấy nhé” (mình là ai?), hoặc “Hôm qua người ta nói người ta qua nhà người ta
mà người ta  không qua, làm người ta chờ mãi” (người ta là ai?).

Mặc dù ở Séc đã lâu nhưng tôi vẫn thích nghe “Cháu chào bác ạ” hay “Em chào anh” hơn là a-hôi bác, a-hôi anh... Liệu sau này có chàng trai cô gái Việt nào đứng trước bàn thờ Tổ tiên khấn rằng: “Ahôi cac cu. Cac cu hay cho con nhiêu nhiêu tiên...”?

Thế hệ trẻ Việt Nam ở bên này trong tương lai sẽ là thành viên của cộng đồng thiểu số Việt Nam tại CH Séc. Việc dạy dỗ và khuyến khích các cháu học giỏi tiếng Việt là điều rất quan trọng. Nên khuyến khích các cháu học tiếng Việt từ thủa bé, tốt nhất là học song song hai ngôn
ngữ Séc - Việt. Hai ngôn ngữ này không phải là tiếng quốc tế nhưng được xếp vào loại khó và hay. Giỏi cả hai thứ tiếng “mẹ đẻ” này từ những ngày thơ ấu là một lợi thế rất lớn cho tương lai. Đến lớp các cháu nói tiếng Séc, về nhà nên khuyến khích các cháu nói tiếng Việt với bố mẹ ông bà. “Bố mẹ ông bà” là cuốn sách giáo khoa lớn nhất trên đời của mọi người trên thế gian này! Ở các lớp lớn hơn, các em được học văn học Séc và văn học thế giới thì cũng cần trau dồi cho các em trình độ văn học Việt Nam, chí ít cũng cần đọc một số tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam. Cần phải khẩn trương vì quãng thời gian ấy rất ngắn, vẻn vẹn chỉ có vài ba năm, càng lớn hơn các em càng ngại học tiếng Việt.

Việc dạy và truyền bá tiếng Việt càng phải khẩn trương và toàn diện hơn vì chúng ta đang xin được công nhận là dân tộc thiểu số ở Séc. Cần phải chứng tỏ bản lĩnh của một cộng đồng có sắc thái văn hóa truyền thống, sẵn sàng hội nhập và hội nhập tốt. Đó là điều mà xã hội Séc rất
coi trọng. Trở thành dân tộc thiểu số không những chỉ mang lại lợi ích chính đáng cho những người Việt mang quốc tịch Séc mà mang lại lợi ích chung cho cả cộng đồng người Việt và suy rộng ra là có lợi cho cả xã hội Séc vì sự tồn tại của cộng đồng thiểu số Việt Nam ở CH Séc không phải là hiện tượng tạm thời và ngẫu nhiên mà là một thực tế lịch sử hết sức rõ ràng./.

Nguyễn Quyết Tiến (CH Séc)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu