Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng Việt trong gia đình tôi

Tôi vẫn thường bảo các con tôi, tiếng Việt rất giàu đẹp và trong sáng. Dù xa quê hương nhưng trong tâm niệm của tôi các con mình vẫn phải luôn gìn giữ và phát huy tiếng Việt, không được để mai một. Đó cũng chính là các con gìn giữ bản sắc dân tộc Việt Nam. Làm được điều đó, trong mỗi chúng ta luôn có “niềm kiêu hãnh dân tộc” ngự trị nơi trái tim mình.


Một gia đình tại Berlin - Ở nhà mẹ cũng là cô giáo 

Năm 1982 sau khi học xong trường Văn hóa Quân đội, tôi trở về đơn vị thông tin E 108, đóng quân ở Hòa Bình. Một hôm vừa đi cuốc đất tăng gia về, Ban Quân lực gọi tôi lên gặp gỡ và thông báo tôi thuộc đối tượng “ra quân”, nếu không phục viên thì có một lựa chọn là đi hợp tác lao động ở nước ngoài…

 

Thoạt nghe tôi rất buồn và xao xuyến vì bao năm gắn bó với quân đội. Bấy giờ mới có Luật Nghĩa vụ Quân sự, anh trong Ban Quân lực nói tôi đã quá tuổi đào tạo sỹ quan, nếu không đi hợp tác lao động, chỉ có một lựa chọn là xuất ngũ về quê và động viên tôi nên đi “xuất khẩu”, không quên nói thêm đợt này lấy toàn người học hết lớp 10 (như lớp 12 bây giờ). Tôi đắn đo chốc lát và quyết định đi Tây…

Sau những ngày khám sức khỏe nghiêm ngặt, chúng tôi tập trung ở Đông Anh, 2 tuần bồi dưỡng… Vào buổi sáng đẹp trời tháng 5/1982, tôi cùng các bạn khác lên cầu thang máy bay IL 62. Sau gần 1 ngày trên mây, chúng tôi đến Berlin (Cộng hòa dân chủ Đức), đẹp như trong mơ với sự háo hức của tuổi 25.

Tôi làm việc ở Cộng hòa Dân chủ Đức đến ngày tái thống nhất 2 miền, ở lại đến ngày hôm nay và trở thành Việt kiều - điều mà trước đây tôi chưa hề nghĩ tới. Do công việc nên tôi xây dựng gia đình hơi muộn, cuộc sống xoay vần, sinh con, làm việc… trên quê hương thứ 2, nước Đức đã 30 năm!


 Bé Mai Ly đang tự học tiếng Việt tại nhà

Lần nào cũng vậy, cứ gọi điện về Việt Nam là hai bên gia đình nội, ngoại không quên hỏi đủ thứ chuyện như việc các cháu đi học thế nào, trường xa nhà không, ăn đồ tây hay đồ ta… Đặc biệt ai cũng hỏi: Các cháu có nói được tiếng Việt không?

Khi các con còn nhỏ, vợ tôi vẫn thường hát ru chúng bằng những bài ca dao Việt rất tình cảm, “cái ngủ mày ngủ cho ngoan”, “cái cò, cái vạc, cái nông”, và cả những bài thơ lục bát của Tố Hữu, Trần Đăng Khoa… Không phân công, nhưng như một lẽ tự nhiên, tôi biết nhiệm vụ của mình phải dạy cho các cháu biết tên làng, xã nhà mình, tên họ hàng, tổ tiên. Đặc biệt là tên của ông bà nội, ngoại của các cháu… Ông cụ thân sinh ra tôi có tên gọi là Oánh, cụ bà tên là Cúc (cả hai nay đã quy tiên). Có lần tôi dạy các cháu đánh vần tên ông nội. Tôi đọc xong, cháu nhắc lại: Ông nội tên là Ói. Bà nội tên là Cú. Tôi cười ra nước mắt vì sự ngô nghê và tiếng Việt lơ lớ của các cháu… Cứ như vậy, nhưng mưa lâu thấm dần, các cháu cũng ý thức được và trở nên gắn bó hơn với tiếng Việt. Để các cháu có cơ bản, tôi quyết định cho các cháu theo học lớp tiếng Việt ở Lichtenberg do cô Hòa làm giáo viên, từ đó tiếng Việt của các cháu khá dần.


 Dạy tiếng Việt cho các em ở nhà

Nhưng tôi nghiệm ra rằng, cách để các cháu học nhanh và nói nhanh nhất là đưa các cháu về Việt Nam gặp gỡ ông bà, họ hàng… cho các cháu được sống trong môi trường hoàn toàn tiếng Việt. Như vậy, vốn từ của các cháu nhiều lên rất nhanh, kể cả từ lóng không có trong sách!

Ấn tượng và bổ ích nhất là lần cháu lớn nhà tôi về tham dự Trại hè Việt Nam do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức dành cho thanh thiếu niên kiều bào trên khắp thế giới. Cháu được đi thăm những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của đất nước trên cả 3 miền Bắc - Trung – Nam, tham gia các hoạt động giao lưu, từ thiện tại các tỉnh, thành trong cả nước. Trong suốt hành trình, được gắn bó với những người bạn Việt Nam trẻ trung, năng động khắp bốn phương trời, được tiếp xúc, giao lưu với các bạn trẻ trong nước, được gặp gỡ những con người Việt Nam thông minh, cần cù, thân thiện, tiếng Việt của cháu tiến bộ hơn rất nhiều.

Một lần cháu lớn hỏi tôi: “Bố ơi, người ta cứ nói “cười như Liên Xô”, là thế nào? Bố giải thích cho con với!”. Tôi giả vờ nói bố đang bận, thực tế tôi thấy có những câu nói ta dùng thường xuyên, tưởng rất dễ, nhưng để nói cho con hiểu thật rõ tiếng Việt không hề đơn giản…

Giờ thì hai con tôi đã lớn, những lúc rảnh rỗi các cháu vẫn thường kể chuyện dân gian Việt Nam cho các em nhỏ người Việt gần nhà nghe hay dạy các em đọc và viết tiếng Việt. Nhìn các cháu quây quần bên nhau nói tiếng Việt, lòng tôi xốn xang đến lạ. Cháu lớn nhà tôi đang theo học đại học tại Hamburg, cháu ước mơ sau này về quê hương Việt Nam làm việc, hàng tuần gọi điện cho bố mẹ bằng tiếng Việt rất rõ…

Tôi vẫn thường bảo các con tôi, tiếng Việt rất giàu đẹp và trong sáng. Dù xa quê hương nhưng trong tâm niệm của tôi các con mình vẫn phải luôn gìn giữ và phát huy tiếng Việt, không được để mai một. Đó cũng chính là các con gìn giữ bản sắc dân tộc Việt Nam. Làm được điều đó, trong mỗi chúng ta luôn có “niềm kiêu hãnh dân tộc” ngự trị nơi trái tim mình. 

Thế Sáng (Berlin, CHLB Đức)


Các tin khác

Tin tiêu điểm