Tiếng Việt ở nước ngoài
Tiếng Việt đang mất dần?
Trong một cuộc hội thảo khoa học ở Vancouver, Canada, một giáo sư người Mỹ kể: cách đây trên 10 năm, khi Đại học Washington (tại Seattle, Hoa Kỳ) lần đầu tiên mở khóa dạy tiếng Việt, nhiều cha mẹ sinh viên đã có ý kiến với nhà trường. Họ hỏi vì sao cho con cái họ học tiếng Việt mới mà không phải tiếng Việt của Sài Gòn cũ. Nhà trường đã thẳng thắn trả lời là họ chủ trương dạy ngôn ngữ của 70 triệu người ở chính trong nước Việt Nam, chứ không thể phổ biến tiếng nói của một thiểu số người Việt đang ở nước ngoài.
Thực tế tiếng Việt Sài Gòn cũ hiện nay ở nước ngoài ra sao? Tôi không nói rằng người Việt mình ở nước ngoài hiện nay không sử dụng được tiếng Việt chuẩn. Nhưng rõ ràng là thứ tiếng Việt đó đang tách xa dần với tiếng Việt sử dụng trong nước, theo như nhận xét khá chính xác của một nhà văn gốc Việt tên tuổi: "Tiếng Việt ở hải ngoại trong tình trạng cô lập với chính quốc sẽ giữ y nguyên trạng hoặc hao hớt đi từ tiếng Việt thông dụng ở miền Nam trước năm 1975. Ngay bây giờ, đọc sách báo trong nước chúng ta đã không hiểu được ý nghĩa của một số ngôn từ đường phố, những tiếng lóng, thuật ngữ khoa học. Ngược lại, người Việt trong nước cũng không hiểu được cách pha tiếng Anh, tiếng Pháp ngày càng nhiều vào đối thoại thường ngày của người Việt nước ngoài".
Đây là một kinh nghiệm bản thân: khi mới sang Bắc Mỹ, tôi rất lúng túng khi phải sử dụng từ điển Anh - Việt người mình in ấn ở nước ngoài để dịch văn bản trong nước. Cụ thể là không thể dịch một cách nghiêm chỉnh được, nhất là tài liệu thuộc các ngành chuyên môn. Tôi là người sinh sống ở Sài Gòn cũ vậy mà đọc thử một số bản dịch của người Việt ở nước ngoài, thú thật tôi không hiểu và nhận thấy rất thiếu sót.
Một thực tế khác: hầu hết gia đình bạn bè lớp tuổi tôi có con cái lớn lên hoặc sinh đẻ ở nước ngoài không còn nói được tiếng Việt và cũng không chịu học tiếng Việt (vì mắc cỡ với bạn bè hoặc cho là học cũng vô ích). Cha mẹ thì đầu tắt mặt tối lo mưu sinh, không có thì giờ dạy tiếng Việt hoặc đưa con cái đi học tiếng Việt (dẫu cho rất muốn làm được điều đó). Do vậy mà chỉ mới đến thế hệ thứ hai, thứ ba, tiếng Việt đang biến mất dần!
Tình hình các khóa dạy tiếng Việt mở ra tại các đại học nước ngoài cũng không khá hơn. Một báo cáo tại Đại học Lyon (Pháp) cho biết: khóa tiếng Việt mở ra có rất ít người theo học. Một số chùa, nhà thờ, trung tâm cộng đồng có mở lớp tiếng Việt nhưng giáo trình chưa chỉnh và người học cũng chưa đông. Cha mẹ chưa thuyết phục được con cái chịu học hoặc không thể sắp xếp thời gian đưa đón các em.
Tôi không bi quan nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế mà một anh bạn làm văn hóa phát biểu: "Không chỉ có văn học nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại mà cả tiếng Việt không thể thoát ra ngoài quy luật chung của sinh hoạt văn hóa di dân là càng ngày càng bị đồng hóa và lặn chìm trong văn hóa bản địa".
Cần được nuôi dưỡng bởi chính quốc
Có lần đem vấn đề này ra thảo luận với một số bạn bè, có anh đã so sánh tình hình tiếng Việt của ta ở nước ngoài với tình trạng tiếng Pháp (pha trộn tiếng Anh) của người dân tỉnh Quebec ở Canada. Tôi không đồng ý với nhận xét đó vì cho rằng hai trường hợp này rất khác nhau. Lý do là hầu hết người Quebec đều sử dụng tiếng Pháp như ngôn ngữ chính, trong khi tiếng Việt đâu có được dạy ở trường học hoặc sử dụng thường xuyên ở gia đình, nhất là đối với lớp trẻ ở phương Tây.
Một anh bạn khác cho rằng muốn biết về tình hình thực tế tiếng Việt còn tồn tại tới đâu (để có thể thưởng thức được văn chương Việt) ở Âu Mỹ, ta chỉ cần làm một bài toán trừ. Cụ thể, phải trừ đi: cộng đồng người Việt gốc Hoa, lớp trẻ không biết tiếng Việt, những người chỉ nói mà không đủ trình độ đọc thông tiếng Việt, người đọc được tiếng Việt nhưng không đủ bề dày học vấn để đọc và thưởng thức văn chương, những người chỉ đọc được những chữ lớn bằng ngón tay cái... Anh bạn tôi là một nhà văn, cho nên rõ ràng là anh không mấy lạc quan về tiếng Việt lẫn nền văn học Việt ở hải ngoại. Anh nói nếu không có sự tiếp sức của giới trẻ, văn học hải ngoại tất nhiên phải bị "lão hóa". Mà giới trẻ Việt ấy thì ra sao? Thực tế phần lớn không nói và đọc được tiếng Việt thì làm sao thưởng thức văn hóa Việt.
Anh nhắc đến nhận xét của một nhà thơ trong nước, một thời từng làm xôn xao dư luận người Việt ở nước ngoài vì đã nói lên sự thật đó. Nguyên cách đây mấy năm, nhà thơ Nguyễn Duy sau khi đi một vòng nước Mỹ, cho rằng người Việt hải ngoại không thể đóng góp vào nền văn học Việt Nam được vì họ đang mất dần sự thuần chất của ngôn ngữ, mất cái tiếng đang được nói và viết ở Việt Nam. Điều này cho thấy: phải chăng người Việt mình thua xa những cộng đồng di dân gốc châu Á khác. Người Hoa, Nhật, Hàn, Ấn trên đất Mỹ luôn có những ràng buộc tinh thần và vật chất với chính quốc, cho dù trên các đất nước ấy đã xảy ra bao nhiêu thay đổi chính trị. Cái động lực chính tạo nên sự ràng buộc là cái phần văn hóa gốc của người di dân. Nó được nuôi dưỡng bởi cộng đồng hải ngoại và đặc biệt bởi chính quốc. Trong nỗ lực này, vai trò các cộng đồng hải ngoại quan trọng nhưng không đủ, văn hóa của một nước chỉ phát triển mạnh trên chính quốc gia đó.
Trung Quốc hoặc Đài Loan đều tranh nhau tạo ảnh hưởng văn hóa trên các cộng đồng Hoa kiều, nhưng nặng về phần tích cực duy trì bản sắc gốc hơn là tiêu cực gạt bỏ hoặc ngăn chặn. Vốn văn hóa Việt Nam đã nghèo mà trong - ngoài còn loại trừ lẫn nhau.
Bản thân tôi đã chứng kiến vào các ngày nghỉ cuối tuần, các trung tâm văn hóa trong cộng đồng người Hoa ở Bắc Mỹ sinh hoạt nhộn nhịp. Ông bà, cha mẹ (ngay cả với các bà người Mỹ, Canada lấy chồng người Hoa) chăm lo dẫn con cháu đi học tiếng Hoa.
Và tôi đồng ý với nhận xét của một nhà giáo dạy đại học Sài Gòn cũ đang sinh sống ở Bắc Mỹ khi ông cho rằng: nếu tiếng Việt còn thì cộng đồng người Việt ở hải ngoại mới hy vọng tồn tại. Trước thực trạng đáng báo động về sự mất dần tiếng Việt ở các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, một người bạn tôi bi quan cho rằng: "Với tình hình này thì không phải là không chừng, mà chắc chắn một ngày nào đó người ta sẽ vẫn thấy những nhà khoa học, nhà văn... mang những cái họ Nguyen, Tran, Ly, Le... ở nước ngoài, nhưng cái gọi là cộng đồng Việt Nam sẽ chỉ còn là danh xưng, không có thực chất nào cả. Đến lúc đó, tôi không tin là những thế hệ gốc Việt sẽ vẫn còn yêu thương đất nước cũ, gắn bó với bà con thân thuộc ở quê nhà. Tôi không biết cái "khúc ruột ngàn dặm" của Việt Nam tương lai sẽ là cái gì"!
(Theo Tuổi trẻ)