A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy phong trào học tiếng Nga của du học sinh Việt Nam

Phong trào học tập tiếng Nga nói riêng và phong trào học tập nói chung của du học sinh Việt Nam được Đảng ủy, Đại sứ quán, Ban Cán sự Đoàn, Hội người Việt tại Liên bang Nga quan tâm, đồng hành tích cực.

 

 Các cuộc thi Olympic tiếng Nga cần được mở rộng quy mô, đa dạng hình thức, sáng tạo nội dung và nhân rộng trên toàn Nga một cách toàn diện, chuyên nghiệp. Ảnh: Ban truyền thông OLMOS

Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sâu sắc với 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực giúp thắt chặt, bồi đắp và phát huy tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc.

Dành tình cảm đặc biệt cho sinh viên Việt Nam, Giám đốc Trung tâm đào tạo công dân nước ngoài tại trường Đại học Giao thông đường bộ Moskva (MADI), cô Gagarina Ekaterina cho biết: “MADI là một trong những ngôi trường có truyền thống lâu đời về việc giảng dạy tiếng Nga và đào tạo chuyên ngành cho sinh viên Việt Nam. Trong hơn 60 năm tiếp nhận sinh viên nước ngoài, trường đã tiếp xúc với sinh viên Việt Nam 57 năm’’.

Tiếng Nga đẹp và phong phú nhưng rất khó học. Cần nhiều thời gian và công sức để học hỏi và tìm hiểu ngôn ngữ này. Mặc dù vậy, sinh viên Việt Nam rất kỷ luật, quyết tâm và nỗ lực. Nhiều bạn đã hoàn thành xuất sắc chương trình học. Sinh viên Việt Nam còn năng động, thân thiện, tích cực giao lưu với các sinh viên quốc tế, đặc biệt là bằng tiếng Nga. Tiếng Nga không chỉ là cầu nối tri thức mà còn là cầu nối hữu nghị giữa các quốc gia, cô Gagarina Ekaterina nhấn mạnh.

Cô Mai Nguyễn Tuyết Hoa đánh giá cao các cuộc thi Olympic tiếng Nga bởi mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng đối với việc nâng cao chuyên môn và hòa nhập của du học sinh. Ảnh: Ban truyền thông MGIMO

‘‘Năm 1951, 100 sinh viên của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô đào tạo. Nhiều người đã trở thành lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt, chuyên gia đầu ngành có cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ví dụ như: Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, PGS.TSKH. Nguyễn Tuyết Minh, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, NSND Đặng Nhật Minh...’’ Cô Mai Nguyễn Tuyết Hoa - Bí thư thứ nhất Bộ phận Giáo dục tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nhắc lại những tấm gương tiêu biểu nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào học tập của du học sinh.

Kế thừa và phát huy truyền thống, năm 2023, hai nước tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo, như: phối hợp trong công tác giảng dạy tiếng Nga và tiếng Việt, tạo điều kiện cho các chương trình thực tập và phát triển chuyên môn giữa các cơ sở giáo dục Nga - Việt Nam. Đây là một trong những kết quả của chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Đảng ‘‘Nước Nga thống nhất” - ông Dmitry Medvedev vào tháng 5 và Khóa họp lần thứ 24 của Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật vào tháng 4.
 

 Anh Đỗ Trần Quang Anh tham gia Hội nghị bàn tròn với nhiều nhà Ngoại giao, Đại sứ các quốc gia trên thế giới và BGH nhà trường tại trường ĐHTH Hữu nghị các dân tộc Nga mang tên P.E. Lumumba. Ảnh: Ban truyền thông RUDN

Tiếng Nga hiện có vị thế lớn trên thị trường quốc tế khi là 1 trong 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc. Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, số lượng người nói tiếng Nga là 255 triệu với hơn 1/2 người sử dụng (130 triệu người) là người nước ngoài. Về mức độ phổ biến và phân phối, tiếng Nga đứng thứ 5 trên thế giới. Đồng thời, tiếng Nga xếp thứ 4 trong số các ngôn ngữ được dịch nhiều trên thế giới. Vì vậy, việc học tốt tiếng Nga giúp nâng cao hiểu biết, tăng cơ hội việc làm và lợi thế trong việc hội nhập với thế giới. Đối với du học sinh, học tốt tiếng Nga là chuẩn bị nền tảng tốt để hòa nhập tại nơi sở tại.

Hiện tại, có khoảng 5 ngàn lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Liên bang Nga theo các ngành dầu khí, kỹ thuật, hàng không, kinh tế, y dược, du lịch, văn hóa, quan hệ quốc tế… Trong đó, gần 3 ngàn du học sinh đi học theo diện Hiệp định giữa hai Chính phủ.

Chuyên viên phòng xúc tiến giáo dục thuộc khoa quốc tế của trường Đại học Kinh tế Nga mang tên G.V. Plekhanov, anh Trần Đức Tùng cho biết, đa số sinh viên sang Nga đều chưa hoặc ít tiếp xúc với tiếng Nga. Các bạn chỉ có khoảng 8 tháng để học một khóa dự bị trước khi trực tiếp bước vào chương trình học bằng tiếng Nga, phải nghe giảng, học tập, nghiên cứu và thi cử như một người Nga thực thụ. Việc học tiếng Nga không tốt sẽ gây ra khó khăn, cản trở trong việc truyền tải thông tin trong quá trình học tập. Du học sinh Việt Nam cần biến những áp lực đó thành động lực để luôn trau dồi, tích luỹ vốn tiếng Nga của mình.
 

Anh Trần Đức Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của việc học tiếng Nga. Ảnh: Ban truyền thông trường Đại học Kinh tế Nga mang tên G.V. Plekhanov

Trong bối cảnh nở rộ các phong trào, hoạt động của sinh viên, du học sinh Việt Nam tại Nga đã chủ động hợp tác với các bên liên quan để sáng tạo ra các sân chơi tri thức về tiếng Nga bổ ích, hấp dẫn như Olympic tiếng Nga MADI, Olympic tiếng Nga “Дорога в Россию”; cũng như nhiệt tình tham gia vào các cuộc thi tiếng Nga khác như Olympic tiếng Nga quốc tế của Đại học Kinh tế Nga mang tên G.V. Plekhanov, Olympic tiếng Nga mở rộng của Trường Đại học Nghiên cứu xây dựng Moskva...

Cựu đơn vị trưởng của một trong những ngôi trường có đông sinh viên Việt Nam nhất tại Nga, anh Đỗ Trần Quang Anh chia sẻ: ‘‘Để nuôi dưỡng tình yêu đối với tiếng Nga, hãy yêu nước Nga như quốc gia thứ hai trong tâm hồn của bản thân’’. Anh khuyến khích sinh viên tiếp xúc, trò chuyện với bạn Nga nhiều hơn, chăm chỉ đọc nhiều sách, đặc biệt là sách văn học cổ điển tiếng của Nga để bổ sung vốn từ, có thêm hiểu biết về nước Nga cũng như bổ sung quan điểm triết học phương Tây. Cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cần được tự giác học hỏi, rèn luyện và thực hành đều đặn, thường xuyên.

Nhằm khơi dậy, lan tỏa hứng khởi trong phong trào học tập một cách mạnh mẽ, rộng khắp, Bộ phận Giáo dục tại Đại sứ quán và ban Học tập, Ban Cán sự Đoàn Việt Nam tại Liên bang Nga luôn khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội cho du học sinh tham gia các hội thảo, diễn đàn, cuộc thi, các sân chơi tri thức. Qua đó, du học sinh được cải thiện vốn ngoại ngữ, nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng hiểu biết chung, góp phần vào tăng cường hợp tác quốc tế.

Ngọc Diệp (từ LB Nga)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu