A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thăm cộng đồng người Việt ở Ba Lan

Tôi vừa đến Varsava buổi trưa, thì buổi chiều đã được gặp nhà báo Lê Xuân Lâm, Tổng biên tập Quê Việt, cơ quan ngôn luận Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, có lẽ nhờ anh và những người bạn hết sức nhiệt tình, nên dù thời gian lưu lại Ba Lan không nhiều, tôi đã được đi nhiều nơi và gặp được nhiều người muốn gặp.

Từ quê hương Chopin viết giao hưởng Truyện Kiều



 Giáo đường nơi lưu giữ trái tim Chopin.


Biết tôi vừa từ Rome sang, các anh không đặt nặng chương trình đưa tôi đi thăm các công trình kiến trúc, văn hoá ...nhưng thực tình thì ở Ba Lan dù có bị chiến tranh tàn phá, vẫn có nhiều công trình xứng đáng không thể bỏ qua, Nhà thờ nơi lưu giữ trái tim Chopin, Nhà lưu niệm Chopin, Trường Đại học Varsava, Cung vua, thành cổ, công viên Wilanowie..Sau buổi hoà nhạc Chopin ...đối với tôi đó là dịp may hiếm có, thì Nhà soạn nhạc Hồng Anh tìm gặp, vì chị muốn tìm hiểu về chương trình hoà nhạc " Điều còn mãi".

Chị cho biết, xa đất nước mấy mươi năm, dẫu phải đối mặt với cuộc sống hết sức gay cấn, song tác phẩm " Truyện Kiều " mà chị viết nên bằng tâm huyết suốt cuộc đời và đã được các giáo sư, nghệ sỹ hàng đầu thế giới góp ý, chị muốn được kính dâng Đất nước qua chương trình hoà nhạc "Điều còn mãi" trong ngày thiêng liêng 2/9.

Vậy mà năm nay, anh Dương Thụ trả lời, xin chị để năm sau, vì năm nay chủ đề là Biển đảo ...May cho tôi, 5 năm trước khi đang công tác ở Vietnamnet, tôi có đươc tham gia "Điều còn mãi”...nên tôi đã trao đổi với chị những thông tin về Điều còn mãi...chị nói chị sẵn sàng cắt ngắn tác phẩm của mình đúng 12 phút…cho ngày 2/9 năm 2015.

Tôi không hiểu năm 2015 với những ngày kỷ niệm lớn như 70 năm Quốc khánh, 40 năm giải phóng thống nhất đất nước ..chương trình 120 phút có thể nào ôm đủ những công trình, tác phẩm của các nhạc sỹ tài năng tên tuổi …Nhưng tôi và các bạn bè của Hồng Anh ghi nhận một tấm lòng Việt từ đất nước xa xôi này, rất đáng trân trọng.

Tri thức Việt có tên tuổi ở Ba Lan không ít, đã từ lâu nhiều người thường nhắc đến

GS TSKH Nguyễn Ngọc Thành, GS TSKH Nguyễn Hữu Viêm, GS TSKH Cao Long Vân, GS TSKH Nguyễn Thị Bích Lộc..., trong kinh doanh: anh Tào Ngọc Tú thuộc tập đoàn Tân Việt, trong tài chính, chứng khoán anh Lê Bá Hùng, trong văn học nghệ thuật: các dịch giả như Lâm Quang Mỹ, Nguyễn Chí Thuật, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Thái Linh,….

Có thể nói, ngay từ sau khi hoà bình lập lại ở miền bắc 1954, nhà nước ta đã có chủ trương gửi lưu học sinh sang các nước Đông Âu, trong đó có Ba Lan để đào tạo. Trong suốt gần 4 thập kỷ, lúc nhiều, lúc ít song đã có tới hàng ngàn trí thức thành đạt trở về nước phục vụ và cũng có nhiều người trở lại hoặc ở lại lập nghiệp tại vùng sương trắng nắng tràn này. Bởi vậy tôi đã gặp lại đây các vị ở lứa tuổi "Xưa nay hiếm" nhưng cũng có những vị đang hết sức sung sức ở tuổi 40 -50, và kể cả lớp trẻ được sinh ra lớn lên trên đất nước bạn bây giờ cũng đã là doanh nhân, tri thức thành đạt.

ASG anh sẽ giàu, EACC là em anh "chịu chơi"



 Trung tâm thương mại EACC


Đinh Hùng - giám đốc Hệ thống cửa hàng ăn uống Á châu ZenThai dẫn tôi thâm nhập khu buôn bán người Việt ở Wolka Kosowska ngoại ô Varsava, cách trung tâm khoảng một giờ ô tô chạy. Tôi đã từng đi thăm một số khu bán hàng - chợ Việt nam ở một số nước kể cả Sapa ở Praha, nhưng có lẽ đây là khu lớn nhất. Nghe nói đầu tiên khu này do Người Trung Quốc lập nên sau đó, người Việt đến làm thuê, và thuê từng quầy hàng trong khu "tầu"...nhưng rồi, những người Việt có tầm có lực đã đến đây mua đất xây lên các khu Thương mại lớn như trung tâm ASG, EACC, TM, ASEAN PLv.v..Cùng tôi chụp ảnh mấy tòa nhà, Nhà báo Lê Xuân Lâm bảo, nhiều người chẳng cần biết ASG là gì chỉ gọi bằng tiếng Việt là "Anh sẽ giàu" hay EACC là em anh "chịu chơi".

Đây là những trung tâm khang trang, quy củ, bên cạnh đó là các cơ sở quy mô của người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tạo thành quần thể các trung tâm buôn bán. Tính ra có tới  3000 - 4000  người Việt hàng ngày buôn bán tại các quầy trong các trung tâm vùng Wolka Kosowska và Maximus. Người Việt ở các thành phố khác dần dần cũng về làm ăn tại Varsava.

Qua thăm hỏi nhiều quầy hàng hầu hết là bán quần áo, khăn, chăn, tất, giày dép, mặc dù thấy thưa thớt người mua, nhưng gặp người mình, nghe tiếng mình, các bà các chị đang đứng bán hàng, hay các anh, các cậu đang đẩy xe bốc vác ai cũng niềm nở hỏi thăm quê nhà. Thái Bình đây, Hưng Yên đây, Hà Nội - chợ Mơ đây, Hà Đông Trôi Diễn đây...hỏi người lao động, thì thường được trả lời, bây giờ ế ẩm đi làm tháng chỉ đủ ăn và thuê chỗ ở, còn lại vài ba trăm đô  ở Ba Lan vẫn tiêu tiền Zloty Ba lan tính ra USD. Tôi thắc mắc sao chợ mênh mông vậy mà không thấy ai mua bán gì? Một vị cười bảo, đây phần lớn là chợ bán buôn nên hầu hết diễn ra vào lúc sáng sớm. Mới đây, những người buôn bán ở chợ có hoạt động kỷ niệm khá xúc động, đó là những người thợ dệt đến đây không chịu nổi cảnh khốn khổ phải bung ra bán hàng rong kiếm sống, không nhà cửa, không vốn liếng, quấn hàng trên mình lang thang trên đường giá lạnh đói rét. Vậy mà họ đã vượt qua để bây giờ chí ít cũng có một quày hàng trong khu chợ này.



 Trung tâm thương mại ASEAN PL


Vợ chồng Đinh Hùng dẫn tôi đến thăm trụ sở "Quê Việt" ngay trong khu Trung tâm thương mại, nhìn những số tạp chí Quê Việt in màu, giấy tốt , dày dặn. Tôi hiểu đã một thời Quê Việt ăn ra làm nên, nhưng giờ theo Tổng biên tâp Lê xuân Lâm thì kinh tế khó khăn, tập trung cho Quê Việt điện tử, trụ sở cũng co lại nhường cho đơn vị khác ghé vào chia sẻ. Thư ký toà soạn làm viêc tại quầy bán hàng.

Anh Võ Văn Long - Trưởng ban kiểm tra Hội người VN tại Ba Lan cũng là thành viên Quê Việt, làm việc hết sức thuần thục, vừa tiếp tôi anh vừa xuất bản liền hai ba tin. Tin thông báo sẽ Tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô Hà Nội, tin Đại hội Phụ Lão Việt Nam tại Ba Lan và cả tin Đội bóng chuyền Ba Lan vừa đoạt chức vô địch thế giới, Ba Lan thành lập chính phủ mới.

Tờ báo tự đặt cho mình trách nhiệm "Việt hoá " những tin tức quan trọng của Ba Lan để giúp cho một số khá lớn lao động Việt Nam không thông thạo tiếng Ba Lan và thông tin cộng đồng, thông tin tình hình đất nước.

"Đại gia" Bất động sản -Tác giả Tiểu thuyểt "Tuyết hoang"

Ngay từ trong nước vào những năm sốt đất, sốt nhà người ta thường nhắc đến những đại gia Việt tại Ba Lan về lập làng Việt kiều Châu Âu tại Hà Nội...Đó là TS & Q, Quân cái tên khá quen thuôc, Khi nghe tôi nhắc đến Quân, các anh Quê Việt cho biết: ở Ba Lan về bất đông sản còn có một Ông Quân nữa khá nổi tiếng, đó là Phó chủ tich tập đoàn EACC Trần Quốc Quân và là người sở hữu hàng chục ha đất để xây dựng khu biêt thự sang trọng Osiedle PARK AGAT.. ..Rất may, Trần Quốc Quân đang có mặt ở văn phòng EACC và sẵn sàng đón chúng tôi. Đến gặp thương gia, nhưng câu chuyện của chúng tôi lại quay xung quanh tiểu thuyết dày hơn 730 trang. "Đại gia" Trần Quốc Quân là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan. Ông viết tiểu thuyết Tuyết hoang trong 26 tháng. Báo chí trong nước đã từng giới thiệu: Quyển tiểu thuyết là bức chân dung của một nghiên cứu sinh Việt Nam sang Ba Lan cuối những năm 80, dựa trên kinh nghiệm và những gì chính tác giả quan sát thấy gần 30 năm qua. Thời đó, anh nghiên cứu sinh mang theo ước vọng đổi đời, lao vào những cuộc đi buôn, kinh doanh đầy tham vọng, cùng những biến đổi thời cuộc ở Ba Lan, người nắm được thời cơ đã trở thành triệu phú. Bên cạnh đó là những người khánh kiệt, bẽ bàng, đánh mất quê hương và cả chính mình ở xứ người.



 Tiểu thuyết gia Trần Quốc Quân tặng sách.


Quyển tiểu thuyết còn là một câu chuyện có hệ thống về các giai đoạn làm ăn, mánh lới, sự phân khu của các “soái” làm ăn và cả các con đường đưa tiền, vàng về Việt Nam.

Anh cho biết: Tôi đã 3 lần trắng tay, 3 lần làm lại từ đầu. Có lúc tôi đã âm đến 2 triệu USD. Tôi đã nghĩ tại sao cuộc đời mình đen tối như thế, không biết mình có trải qua được cơn khốn khó đấy hay không. Tôi là người rất tự tin, mà đến lúc đấy là mất tự tin hoàn toàn. Bạn có hình dung được là vào năm 1998, mà tôi nợ đến 2 triệu USD, làm sao vượt qua được? Không biết phép thần nào đã giúp tôi mà lúc nhảy qua vực sâu đó ngoái lại, tôi còn thấy rùng mình. Có một phần của quãng đời đó tôi đã viết trong Tuyết hoang.

Tác giả rút bút đề tặng như muốn nói " tất cả là ở đây" ...Đọc sẽ hiểu.

Khách chủ đang loay hoay chụp ảnh kỷ niệm, cô thư ký người Ba Lan xinh đẹp bưng nước vào...có lẽ cô hơi ngạc nhiên vì Sếp cô quá trân trọng với mấy người khách lạ không như những đối tác bạn hàng bình thường. Xưa nay, mình chỉ quen nhìn người Việt đi làm thuê cho chủ tây, chủ tàu, giờ đến đây gặp khá nhiều người "tây" làm viêc cho chủ ta tôi cảm thấy vui vui .

Rồi đây Zen Thái



 Cửa hàng ZenThai


Quay lại Giám đốc ZenThai - Đinh Hùng, tôi hỏi anh hiện nay trong việc phát triển hệ thống cửa hàng ăn Á có gì khó khăn? Theo Đinh Hùng, không chỉ ở Thủ đô mà các địa phương ở Ba Lan đều có khả năng phát triển hệ thống cửa hàng ZenThai, cở sở dễ thuê mướn, vốn liếng không khó, khó nhất vẫn là nhân lực - người đứng bếp, Tôi liếc đọc mấy ngày liền ZenThai quảng cáo tuyển người trên Quê Việt, ưu tiên trẻ, biết tiếng Ba Lan, được đào tạo nghề. Tôi gợi ý với Đinh Hùng sao anh không làm việc với Bộ Lao đông đặt vấn đề tuyển người từ trong nước, mình tuyển thẳng không thông qua trung gian, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chắc chắn hai nhà nước sẽ đồng tình. Hùng không giấu giếm ý định, nếu người lao động, bếp trưởng biết làm ăn thì sau một thời gian anh sẽ biến họ thành những ông chủ, bà chủ. Phải chăng, anh đang nghĩ tới rồi đây bên cạnh những chữ M - Macdonal, sẽ có thêm chữ Z-ZenThai khắp nơi...

Để quê hương gần lại và con cháu ghi nhớ cội nguồn

Trong những ngày ở Ba Lan, khi trong nước đang bàn nhiều đến chuyên thi cử tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh đại học, tôi để ý đến cụm từ IB mà nhiều gia đình ở đây nhắc đến, đó là Internationnal baccalaureate - tú tài quốc tế, con em nhiều gia đình ở đây, đặc biệt là gia đình tri thức họ cho con học IB. Học IB trong lúc này tiến gần đến việc chuẩn bị cho con vào một trường đại học nào đó ở Mỹ, ở Anh...Thằng "cún" - con Đinh Hùng học IB nói thông thạo tiếng Anh, Tiếng Pháp, tất nhiên là cả tiếng Ba Lan mà không đi học thêm giờ nào cả, hàng ngày, thằng "cún" tự đi học bằng xe buýt về nhà nấu cơm, dọn bàn, phơi quần áo, dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ ...Cái lo của các anh chị là làm sao để các thế hệ con em họ không quên đất nước, không quên tiếng mẹ đẻ. Bởi vây, dẫu khó khăn thì Tổng biên tập Quê Việt vẫn đảm nhiêm thêm chức Hiệu trưởng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân có 12 lớp. Cùng trường tiếng Việt, các anh coi trọng hình thức "Trại hè Tiếng Việt" để các cháu không chỉ ở Ba Lan mà từ nhiều nơi khác như Na Uy, Thụy Điển, Pháp, Nga...đến giao lưu tiếng Việt.



 Các vị trong ban kiến thiết chùa Nhân Hoà


Những người Việt sau mấy mươi năm xa xứ, hình như điều mà họ thiết tha là muốn hình bóng quê mình hiện hữu ngay nơi mình sinh sống hàng ngày. Tôi đã từng đến thăm Thầy Thích Huyền Diệu xây chùa Việt, Chùa một cột ngay trên đât Phật ở Lâm Tỳ Ni, Nepal, ở Bồ Đề đạo tràng, Ấn Độ, bởi vậy, tôi không thể không đến thăm Chùa Nhân Hoà ở Ngoại thành Thủ đô Varsava Ba Lan. Chùa đang trong giai đoạn trang trí nội thất, Chuông đồng , tượng Phật đã đươc đưa về bảo quản chu đáo tại chỗ.



 Chùa Nhân Hòa (Ảnh Quê Việt)


Gặp các vị trong ban kiến thiết, nghe các vị kể chuyện xây chùa,càng hiểu thêm tấm lòng những người xa xứ. Rồi đây, hoà cùng tiếng chuông giáo đường quê hương của Giáo hoàng Gioan Phao lô II, tiếng chuông chùa Nhân Hoà sẽ nhắc nhở những người đã một đời lặn lội quê người và cả những người mới lớn lên trên xứ sở bạch dương tuyết trắng nhớ về Quê Việt .

Nguyễn Lương Phán
(Theo Vietnamnet.vn)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu