Tạp chí Hương Việt – Đức: Người bạn đồng hành của kiều bào
Tổng biên tập Phạm Khánh Nam
PV: Xin chào anh Phạm Khánh Nam! Là một người trẻ làm báo tiếng Việt ở nước ngoài, để có được thành công ban đầu như ngày hôm nay hẳn là điều không dễ. Anh có thể giới thiệu sơ qua với độc giả của Quê Hương về Tạp chí Hương Việt cũng như chia sẻ về quá trình làm báo của các anh chị, nhất là trong thời kỳ đầu mới thành lập?
- Trong vai trò là cây cầu nối văn hoá của hai quê hương Việt - Đức, từ ngày đầu thành lập đến nay, Tạp chí Hương Việt đã đi theo lộ trình mà mình lựa chọn. Đó là quảng bá những nét đẹp văn hoá, tiềm năng đất nước con người Việt Nam; cập nhật một cách nhanh nhất, chính xác và trung thực nhất những vấn đề liên quan đến đời sống, văn hoá, kinh tế, chính trị của nước Đức. Mong muốn của chúng tôi là độc giả hai nước có cái nhìn toàn diện nhất về tiềm năng, đất nước, con người của nhau.
Làm báo tiếng Việt ở nước ngoài không dễ chút nào, bởi nét đặc thù riêng của cộng đồng kiều bào là rất chăm chỉ, cuộc sống thì bận rộn, ít có thời gian nghỉ, bà con lại không sống tập trung mà ở rải rác khắp nơi trên lãnh thổ Đức. Vào ngày nghỉ cuối tuần, mọi người đều bận rộn với việc nhà, mua sắm thực phẩm, xả hơi… để chuẩn bị đón một tuần làm việc mới nên muốn hẹn gặp để viết tin, bài cũng rất khó khăn. Nếu muốn nhận được sự tin yêu và hỗ trợ của bạn đọc nói chung, bà con kiều bào tại CHLB Đức nói riêng, thì mình phải thực sự hiểu và gần gũi với tâm tư và nguyện vọng thực tế của bà con. Nói cho đúng hơn thì mình phải là chính họ, là người bạn đồng hành mà họ tin cậy được. Nhờ đặt mình vào vị trí của độc giả khi làm báo nên tôi, các cộng sự và các đối tác luôn suy nghĩ và lên những chương trình mới nhằm kết nối cộng đồng và luôn đồng hành cùng bà con để cùng nhau nói tiếng nói chung, thấu cảm chân thành.
Có lẽ, chính nhờ sự tin yêu của độc giả nói chung và các cơ quan báo chí truyền thông tại quê hương dành cho Hương Việt mà ngày nay Tạp chí Hương Việt trưởng thành hơn rất nhiều. Chúng tôi nhận thức rất rõ ràng một điều rằng: Muốn xây dựng được một cây cầu nối văn hoá giữa hai quốc gia Việt - Đức thành công thì bản thân Hương Việt phải nỗ lực khẳng định chính mình qua các hoạt động, tổ chức giao lưu chia sẻ cùng bà con kiều bào. Thông qua những chương trình đó, chúng tôi cùng nhau chia sẻ và gìn giữ vốn tiếng Việt, lưu giữ ký ức đẹp về tiềm năng, đất nước con người Việt Nam cho các thế hệ trẻ sinh ra tại nước ngoài; cũng qua đó, quảng bá - giới thiệu để người dân sở tại hiểu hơn về truyền thống văn hoá và những nét đẹp tinh hoa trong đời sống của người Việt Nam.
PV: Trong vai trò là người kết nối muôn trái tim người Việt xa nhà hướng về Tổ quốc và rộng hơn là kết nối người dân Việt và Đức, thông điệp mà Hương Việt muốn chuyển tải tới độc giả là gì?
- Như đã chia sẻ ở trên, để kết nối được muôn trái tim người con Việt xa xứ luôn hướng về Tổ quốc, về nơi chôn nhau cắt rốn của cha ông thì bản thân Tạp chí Hương Việt luôn nhận thức rõ vai trò và sứ mệnh cũng như tầm nhìn của mình. Thông qua sức mạnh của truyền thông, truyền đi thông điệp “Hãy cùng nhau chung tay, đoàn kết hướng về đất mẹ Việt Nam thân yêu và cùng nhau hướng về một thế giới hoà bình cho nhân loại”.
PV: Được biết anh là một trong số ít những người Việt ở nước ngoài tham dự Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ nhất và đạt Giải khuyến khích. Anh có thể chia sẻ với độc giả về niềm vui này và liệu đây có phải là mở đầu cho sự tham gia chính thức của Hương Việt vào đời sống báo chí trong nước?
- Cá nhân tôi và Tạp chí Hương Việt rất vui khi nhận được Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần này. Đây chính là phần thưởng cho sự nỗ lực cống hiến của Tạp chí Hương Việt trong vai trò là cây cầu nối văn hoá giữa hai quốc gia Việt - Đức. Cá nhân tôi và Tạp Chí Hương Việt chưa bao giờ có ý nghĩ là mình không phải là cơ quan ngôn luận chính thống của báo chí Việt Nam tại Đức. Bởi đơn giản tôi luôn nhớ mình là người Việt Nam nên tất cả mọi việc tôi làm đều vì lợi ích của cộng đồng kiều bào tại CHLB Đức nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, cho dù đó là điều nhỏ bé và giản dị nhất. Chính vì suy nghĩ như thế nên khi xây dựng nên một cây cầu nối văn hoá giữa hai quốc gia, tôi luôn tâm niệm rằng phải cố gắng cống hiến hết sức tâm ý của mình để xây dựng trong lòng cộng đồng hình ảnh một cây cầu nối văn hoá thật trong sáng, thật đẹp và thực sự có ích.
Từ ngày thành lập đến nay, 6 năm chưa phải là chặng đường dài để nói lên được một sứ mệnh, tầm nhìn của một cây cầu nối văn hoá. Nhưng nó cũng là thời gian để khẳng định những việc đã, đang và sẽ làm được của Tạp chí Hương Việt khi chúng tôi luôn có sự đồng hành cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí truyền hình tại quê hương Việt Nam.
|
PV: Năm 2015 là dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức, với vai trò là cầu nối văn hoá giữa hai quốc gia, Hương Việt có những dự định và kế hoạch gì cho năm đặc biệt này?
- Đây là một năm thật đặc biệt mang tầm cỡ quốc gia trong lĩnh vực ngoại giao giữa hai quốc gia Việt - Đức. Để đón chào sự kiện trọng đại này, ngay từ đầu năm 2015, với cương vị là cơ quan bảo trợ truyền thông, Tạp chí Hương Việt đã cùng chung tay với Tổng lãnh sự quán VN tại Đức, các hội, đoàn tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ, kết nối cộng đồng bà con người Việt với người dân nước sở tại.
Đặc biệt để chào đón sự kiện lớn này, Tạp Chí Hương Việt sẽ tổ chức lễ hội “Hương Sắc Việt” để quảng bá những nét đẹp văn hoá của hai quốc gia Việt - Đức. Ý nghĩa nhân văn của lễ hội “Hương Sắc Việt” lần này cũng là một nét son trong việc thắt chặt hơn nữa tình cảm của cộng đồng người Việt xa xứ với người dân bản địa thân thiện; là dịp để giao lưu văn hoá và học hỏi lẫn nhau những nét đẹp trong đời sống văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực, gìn giữ vốn tiếng Việt và quảng bá những nét đẹp quê hương - đất nước Việt Nam tới người dân sở tại và bạn bè trên khắp thế giới. Qua đó, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt - Đức.
PV: Xin cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn của Quê Hương! Xin chúc Hương Việt ngày càng giành được nhiều tình cảm yêu quý của kiều bào và độc giả bốn phương!
Quỳnh Hương